N |
ăm nay, tròn 35 năm ngày thống nhất đất nước. Song với những người lính sinh viên và giáo viên đại học nhập ngũ ngày 06/9/1971, thì niềm vui giải phóng đã đến từ tháng Tư năm 1972 ở Quảng Trị. Họ người thì là lính chiến đấu ở sư đoàn 325. Người thì ở những đơn vị hậu cần, thông tin, công binh phục vụ chiến dịch. Vui nhất là họ đã tụ quần với nhau những ngày đầu giải phóng Quảng Trị. Lúc ấy, tôi bắt đầu tập làm thơ. Bây giờ giở lại cuốn sổ tay ngày đó, mới nhớ rằng mình đã từng làm một bài thơ ngày Quảng Trị giải phóng. Bài thơ tên là: “Ngọn lửa mùa hè”. Bài thơ của một người mới tập làm thơ thật nhiều “lỗi kỹ thuật” nó thực sự chỉ là một trang nhật ký bằng thơ giữa không gian nồng khét khói súng.
NGỌN LỬA MÙA HÈ
Anh đi giữa trưa hè thị xã
Nắng biển mặn mà rộn rã vây quanh
Màu áo xanh hòa lẫn sắc lá xanh
Đường phố ngập tràn màu xanh bóng nắng
Quê hương ơi! Bao tháng ngày cay đắng
26 năm đã tìm được một ngày
Anh lại trở về từ một buổi chia tay
Chẳng nói nên lời, lệ cười trên mí mắt
Mới hôm nao phố phường còn xám ngắt
Đời ngậm ngùi, nhức nhói vết giày đinh
Đạp lên những chi khu, căn cứ địch
Anh mang nắng về gọi đất mẹ hồi sinh
Nắng trưa hè ngời thép súng lung linh
Nắng tỏa từ ngực anh ban trưa thêm sắc lửa
Nắng tìm về tận ngõ sâu, phố đổ
Giữa bộn bề anh có thấy tương lai
Lửa bén bùng đỏ thắm sắc cờ bay
Từ Cổ Thành lửa chia về mọi ngả
Mang hồn lửa cầu vồng từ ngọn súng tay ai
Lửa học trò phượng nghiêng nghiêng cửa sổ
Lửa tình yêu nhóm nhen từ lửa hoa
Cùng lửa cờ múa reo cùng lửa nắng
Bừng cháy giữa miền đất đại chiến thắng
Ngọn lửa mùa hè ấp ủ tự bao năm
Và trưa nay đang cùng anh hành quân…
Bài thơ đầy lạc quan. Nhưng sự thực của “Mùa hè đỏ lửa” diễn ra sau đó khốc liệt đến nỗi không thể tưởng tượng nổi. Quảng Trị thành nơi tranh chấp đẫm máu giữa hai bên liên quan tới Hội Nghị Paris đang đi tới quyết định ngừng bắn, lập lại hòa bình tại Việt Nam. Và cuối cùng thì sông Thạch Hãn trở thành giới tuyến tạm thời từ năm 1972 đến năm 1975.
Sau ngày thống nhất đất nước, đầu năm 1977, đơn vị tôi được cử ra Quảng Trị để xây dựng đường dây quân sự nối thông từ Quảng Bình đến Phú Bài (Huế). Những ngày mưa ẩm ướt của mùa xuân 1977, tôi mới có dịp chứng kiến lại những tàn phá, đổ nát của “mùa hè đỏ lửa” 1972 mà khi ấy, hầu như vẫn còn nguyên hiện trạng giữa một cuộc sống mới bắt đầu nhú mầm hồi sinh. Những chiều lang thang bên bờ sông Thạch Hãn thật buồn. Luôn luôn có cảm giác bước chân mình đang chạm vào anh linh những người đã hy sinh ở Cổ Thành nhiều đến mức không sao đếm xiết. Vậy là bài thơ “Nhớ nắng” đã từng được in trên tạp chí “Văn nghệ Bình - Trị - Thiên”.
Không có lời nào rõ bằng cái nhìn
Bức tường đạn găm lỗ chỗ
Đất cát dưới chân nắng nằm mắt mở
Vết chém thân cây nhựa đọng thân
Vẫn còn đây Quảng Trị Cổ Thành
Trời bâng khuâng mây bạc
Gạch vụn ngổn ngang ngổn ngang đổ nát
Hố bom hun hút vết thương
Đo trên bản đồ hơn cây số vuông
Mà gặp ở đây tan tành bao miền đất
Nhưng nơi nào? Nơi nào đau nhất
Để suốt đời tôi không gặp lại Cổ Thành
Để suốt đời không gặp lại các anh
Một mùa hè nung nấu
Mùa hè ấy gạch chảy, ra như máu
Máu các anh che chở những căn nhà
Em cười chi? Em xếp gạch đằng xa
Em ghép lại mặt trời mùa hè ấy
Hay rưng rưng tay nâng dòng máu chảy
Có nghe dĩ vãng dội về?
Dĩ vãng trẻ măng, dĩ vãng binh nhì…
Kỷ niệm Quảng Trị của tôi là một tấm chăn dù. Ra Hà Nội đã lâu mà tôi vẫn đắp tấm chăn dù đó. Đến năm 1992, nhẩm tính đã 20 năm chiến dịch Quảng Trị tôi lại khai bút bằng một bài thơ nhiều nỗi niềm mang tên là “Bụi”
BỤI
Cuộc chiến tranh không chịu ra khỏi tôi
Như bụi trong nhà chẳng chổi nào quét sạch
Cả em nữa tận cùng ngóc ngách
Cứ chợt khi nhoi nhói buồn thương
Mỗi sớm ăn bát cơm nguội ngày thường
Gặp bữa phụ trước giờ chiến đấu
Sao hờn giận cứ quẩn quanh như máu
Giấc bên em cả giấc không em
Ôi thanh xuân cỏ dại ngọt men
Mọc lang thang khắp thời gian xứ sở
Tôi không tiếc nhưng bây giờ tàn úa
Xin lãng quên hay đồ cổ cứ bày
Lại qua nhanh một năm cũ lên mây
Còn trĩu nặng tấm chăn dù Quảng Trị
Cuộc chiến tranh vẫn bán đầy thân thể
Nhưng thịt da sốt rét những u mê
Cũng năm 1992, không thể chịu ngồi yên khi nỗi đau mất mát ở Quảng Trị cứ day dứt trong lòng, tôi rủ nhà văn Hòa Vang, cùng nhà biên kịch Trần Trọng Hiền và nhà quay phim Phạm Đăng Minh vào Quảng Trị để làm một phim tài liệu mang tên “Quảng Trị – 20 năm và một khúc tưởng niệm”. Phim đã được chiếu rộng rãi ở Quảng Trị. Lời bình của phim thì in trên “Tạp chí Cửa Việt” số 17 năm 1992. Trong lời bình, Quảng Trị đã được khái quát hóa hơn qua bài thơ “Vết sẹo câm”.
VẾT SẸO CÂM
Khi hy sinh lớn quá sự hy sinh
Dường như không ai kể nhiều nữa
Cồn cát nắng lặng trắng từng tâm sự
Thấy máu xương còn trên đất tầng tầng
Khi cái chết nhẹ như lẽ thường
Quý biết mấy sự sống từng khoảnh khắc
Cứ đi vòng Cổ Thành đổ nát
Nghe 81 ngày xưa bật hát dưới chân
Mảnh đất này kẻ thù từng hủy diệt
Còn chúng ta cũng đã từng lãng quên
Hai mươi năm khôn thiêng về da diết
Chúng ta đã nhìn ra Quảng Trị. Và tin
Không bao giờ hoài phí sự hy sinh
Rằng cái chết bắt đầu cho sự sống
Rằng Quảng Trị vẫn là niềm xúc động
Trên hành tinh một vết sẹo câm
Sang thế kỷ mới, tôi tổ chức một tập thơ để vĩnh chào thế kỷ cũ mang tên “Biệt trăm năm” với 5 phần biệt: “Biệt cố sử” “Biệt thế sự” “Biệt dị nhân” “Biệt vãng xứ” “Biệt thời truấn”. Trong phần “Biệt cố sử”, tôi lại viết về mùa hè Quảng Trị 1972 với cái tên “Mùa hạ diễm”
MÙA HẠ DIỄM
Thành Cổ nát tan cùng hàng phượng dọc đường
Nguyễn Hoàng mà em vẫn hát “Diễm xưa”
Hương ơi! Áo dài trắng cây ghita bé bỏng
Chai la-de đầu tiên anh uống cùng đá lạnh
tanh nồng mùi máu, mùi xương
Em có còn trên đời không
hay đã nát tan cùng những mảnh tường
trường Bồ Đề
hay đã chết sập hầm
trước tòa nhà tỉnh trưởng
Cái giọng khàn khàn giai điệu lạ lẫm
đã hòa em vào trong ký ức của anh
hòa cả mùa hạ 72 cùng đồng đội trẻ măng
những binh nhì hy sinh ngày lính mới
mưa vẫn hay mưa…nắm cơm thiu vắt vội
diễm xưa… Quảng Trị xưa…mùa hạ xưa…
còn mất đến bao giờ?
Vậy đấy, Quảng Trị và tôi là vậy đấy. Là 1972 hồn nhiên 1977 suy tư. 1992 trăn trở. 2005 trắc ẩn
N.T.K