Chúng ta đang sống trong xã hội vào thời kỳ sôi động và phong phú về nhiều mặt. Đất nước ta đang có những chuyển biến sâu sắc trên con đường phát triển cách mạng. Đời sống vật chất thay đổi, văn hoá tinh thần cũng thay đổi theo. Cảm xúc phong phú của toàn dân ta hiện nay đòi hỏi sự mở rộng, nâng cao của văn học nghệ thuật, đòi hỏi trả về cho nhận thức đầy đủ, chân thực, khoa học trong văn học. Cách mạng tháng Tám đã quật đổ nền thống trị hàng thế kỷ của phong kiến đế quốc. Những xiềng xích trói buộc một nền văn hoá văn nghệ cũng bị chặt đứt để xây dựng lại mới mẻ, cách mạng hơn. Văn học nghệ thuật đã làm tròn trách nhiệm đối với các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước và công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Bối cảnh chính trị lúc bấy giờ đã tạo cho văn học nghệ thuật gặt hái được những thành tựu to lớn: Phục vụ kịp thời thiết thực, cụ thể, sắc bén, hun đúc được ngọn lửa chiến đấu, động viên được sức chiến thắng của toàn dân… đồng thời, buộc để lại cho thời kỳ cách mạng mới chúng ta hiện nay nhiều việc phải làm tiếp để khắc phục tính văn chương chính trị, tính đơn điệu, thuần tuý sự phiến diện nghèo nàn, thiếu tự nhiên, công thức… trong văn học nghệ thuật. Bao giờ thì trên những cánh đồng đã gặt vẫn còn trơ lại những gốc rạ. Thế gian tồn tại là do một quy luật nối truyền. Vấn đề là những ngiười đi sau đã cầm lấy sợi dây nối truyền như thế nào trong tay. Tôi phải nói vậy là muốn tự cảnh báo không bực dọc, không định kiến, đừng quá “bác cổ ái kim”, nhất là sự “xoè tay phủ mặt không nhìn” (ý thơ Hoàng Cầm) vào quá khứ.
Hồ Chủ tịch nói: “Xã hội thế nào, văn học thế ấy”. Xã hội chúng ta ngày nay là xã hội kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Văn chương thời nay cũng phải đa năng, đa diện, sinh động, biến thiên, uyển chuyển … nhưng nhất định không lạc hướng xã hội chủ nghĩa. Lấy gì làm căn cứ để cảnh giới ngòi bút văn chương của mình không lạc hướng? Theo tôi, đó là luôn luôn coi lại tính chất, nội dung và hình thức cái mình đã sáng tạo ra. Ba phương châm: Dân tộc, Khoa học, Đại chúng trong đề cương vă hoá cách mạng của Đảng không bao giờ là cái đã lỗi thời để nâng cánh bay cho căn cứ đó của văn học. Trong kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ có lần dạy lớp đàn anh văn chương chúng ta, đại ý Bác bảo: Viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào … Rõ ràng văn học bao giờ cũng có mục đích, có đối tượng và đều được thực hiện bằng một thứ bút pháp nhất định. Dù hiện nay theo nhận xét của tôi, người đọc đòi hỏi chức năng thưởng thức mạnh mẽ hơn các chức năng nhận thức, giáo dục… trong văn học thì người ta vẫn say mê và đánh giá cao những tác phẩm có tính giản dị, chân thực, nghiêm túc … những tác phẩm mang tính hiện thực, tính nhân bản cao; người ta vẫn không thích cái gì đó màu mè, giả tạo hoặc quá dễ dãi, bông lơn vô bổ… Mỗi khi đặt bút viết một cái gì đó, tôi luôn tự nhắc mình phải đảm bảo tính chân thực. Bởi theo thiển ý riêng tôi, tính chân thực luôn luôn là tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá giá trị một tác phẩm văn học. Đương nhiên văn chương không chỉ là tấm gương phản chiếu thực tế. Goócky nói: Văn chương đứng trên thực tế để nhìn nhận. Như thế có nghĩa muốn đảm bảo tính chân thực, người viết phải đứng cao hơn thực tế, nhìn thực tế cao hơn bản chất sự việc vốn dĩ đang có. Nói cách khác: văn học luôn đi trước thực tế ba bước.
Một tác phẩm hay là do khả năng phổ biến của nó, do nó có gốc rễ của dân tộc. Ta thường nói đến bản sắc dân tộc là muốn nói đến cái đó. Có lần tôi nghe anh Xuân Đức nói: Bản sắc dân tộc gần như là cái chứng minh thư của dân tộc mình. Tôi rất tâm đắc. Trong văn chương, tìm về bản sắc dân tộc là tìm về chính mình. Tại sao trải qua hàng ngàn năm văn học dân gian vẫn không mất giá trị? Trong nền văn học phong kiến, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du sống mãi với tuyệt tác của mình? Tôi nghĩ, trước hết, do những văn chương ấy chân thực, sâu sắc; do khả năng phổ biến của nó nhưng lại rất độc đáo, rất riêng… Do nó đậm đà bản sắc dân tộc. Lang bang một tí như thế để nói rằng tôi cũng như các đồng chí, các bạn ngày nay cầm bút có nhiều thuận lợi hơn và cũng khó hơn trước nhiều nếu mình muốn thực sự “làm văn”. Đề tài văn chương ngày nay không hề bị trói buộc. Phương pháp, chữ nghĩa… cho phép chúng ta mở mang phóng túng hơn. Đôi tượng miêu tả của văn học bao giờ cũng là con người, nhưng con người trong xã hội với trăm hồng nghìn tía, muôn màu muôn vẻ của nó… Nhưng nếu cũng vì được tự do như thế mà ngòi bút của tôi cứ hoa múa lên tuỳ tiện, tỳ hứng; ai làm gì trên thế giới này tôi cũng bắt chước theo, tôi không vững vàng trong lý trí văn chương; tôi không xuất phát từ đường lối cách mạng của Đảng đang hướng dẫn, lãnh đạo dân tộc đi lên; tôi quên lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh: Viết cho ai, viết để làm gì, vì ai mà viết … tôi bảo ba phương châm: Dân tộc, Khoa học, Đại chúng gây khó cho tôi trong sáng tác; tôi miêu tả tình yêu, vẻ đẹp cao quý muôn thuở nhưng lại để lạc sang thứ ma mị, quái đản; tôi muốn có nhân văn nhưng lại không chống cái xấu, ngợi ca ước lệ, trừu tượng, đề cao một cái gì đó không thuộc truyền thống đạo lý của dân tộc mình, của loài người tiến bộ…, thì ý muốn sáng tạo tác phẩm có giá trị của tôi đã bị đảo ngược. Thuận lợi của chúng ta là có di sản quý báu của văn học dân tộc để tiếp thu; có một dân tộc nghìn năm đau thương nhưng cũng nghìn năm quật khởi – luôn năng động, sáng tạo và quật khởi – luôn năng động và quật khởi – để mà khơi nguồn cho ngòi bút; Nhưng tôi luôn tìm cách nắm cho được bàn tay của nền văn học hiện đại thế giới, tiếp thu tinh hoa văn học thế giới – không nói chuyện bị nô dịch hoá, lai căng hoá – mà phải làm sao học cho khéo, cho có hiệu quả cũng không phải là chuyện dễ. Tôi nhớ Napôlêông nói một câu rất hay: “Những gì hôm nay ta đang làm, thì người xưa đã nghĩ tới, hay hoặc, những gì hôm nay ta mới nghĩ tới thì người đời trước đã làm cả rồi …”
Xuất phát từ những suy nghĩ tản mạn của tôi về văn chương như thế, đối chiếu lại, tôi có thể phát biểu gì về những cái Cửa Việt đã có? Thưa các đồng chí, các bạn đó lại cũng là một vấn đề. Dưới góc độ một bạn đọc nhiệt tình, một cộng tác viên cho phép tôi chỉ nói một số cảm nhận nhỏ. Cảm nhận cơ bản của tôi về Cửa Việt là sự yêu thích. Cửa Việt đã đi vào và đang đi tới mạnh mẽ với “Bản sắc văn hoá một vùng đất”. Những truyện ký: “Vĩnh Linh trong tôi” của Trần Biên, “Đêm trăng trên sông Hiếu” của Trần Đình Phùng, “Cam Giang đất thép…” của Yên Thường, “Nơi đây một thuở đôi miền” của Lê Nguyên Hồng, “Dư vị ngọt ngào” của Hoàng Đức, “ Ông lão dưới chân nhúi Linh Sơn”, “Giấc mơ miền chân sóng” của Đinh Như Hoan, “Mây trắng ơ hờ mây trắng bay” của Y Thi … Không thể đếm được hết tác phẩm đã in trong Cửa Việt, chính là khuôn mặt, dáng dấp xưa, nay khiến vùng quê Quảng Trị không thể lẫn được với một Quảng Bình, một Thừa Thiên, Quảng Nam - Đà Nẵng… nào khác. Nhiều tryện ngắn, nhiều bài thơ đã nhằm miêu tả con người và cuộc sống cần lao của Quảng Trị quê hương. Điều mà tôi nghĩ có lẽ Cửa Việt cần cố gắng vươn tới để đáp ứng hơn nữa là bề rộng, chiều sâu lịch sử đã được hình thành từ hàng trăm năm nay của một vùng đất. Những phong tục tập quán lâu đời, những nếp sinh hoạt mang tính truyền thống văn hoá của các vùng quê Quảng Trị nếu được khai thác chắc sẽ là những trang đọc lý thú và vô cùng hấp dẫn. Quảng Trị có những niềm tự hào to lớn mà không một nơi nào trên đất nước có được: Một dòng Bến Hải đã một thời bị ngăn bến cấm thuyền… Một luỹ thép anh hùng Vĩnh Linh, một đảo Cồn Cỏ hiên ngang, một Thành Cổ Quảng Trị với tám mươi mốt ngày đêm dữ dội … có lẽ đang muốn lên tiếng đòi hỏi chúng ta nhiều hơn nữa.
Vừa nãy ở phần trên, tôi có mạo muội loanh quanh đến lý luận văn chương bởi xuất phát từ mong muốn Cửa Việt quan tâm đến đề tài, chủ đề, tư tưởng, cách thể hiện… Tôi nghĩ cần phong phú, đa diện nhưng không pha loãng phân tán. Đặc biệt là sự trau chuốt tiếng Việt đến độ trong sáng cao hơn nữa. Trên đây là mấy suy nghĩ theo ý chủ quan. Mong chỉ để các đồng chí, các bạn tham khảo mà không đánh giá.
N.T.H.