Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sách và văn hóa đọc trong thời đại bùng nổ thông tin

T

rong xã hội loài người từ xưa đến nay, nền văn hóa nào cũng có những công cụ và phương tiện vật chất đặc trưng cho thời đại của mình để xã hội, cộng đồng sinh tồn và phát triển. Trong số các công cụ và phương tiện vật chất ấy, sách là một sản phẩm diệu kỳ. Sách là phương tiện hữu hiệu để truyền đạt tư tưởng, tình cảm, ý nghĩ và kinh nghiệm từ thế hệ này cho thế hệ khác. Nó không những có thể hợp nhất không gian mà còn hợp nhất được cả thời gian: Có thể mở một cuốn sách ra để biết được điều người khác đã nói, đã làm cách ta hàng vạn dặm, hay biết được cuộc sống và sinh hoạt của những người đã sống cách ta nhiều thế kỷ trước đây. Thậm chí, bằng sự diệu kỳ của chữ viết có quy định phát âm, chúng ta có thể bắt chước chính xác những âm tiết con người phát ra như họ nói ngày xưa. Nói gọn lại, trong tiến trình văn minh của nhân loại, sách luôn luôn đóng vai trò là nguồn kiến thức, là phương tiện và là một công cụ để sáng tạo và nhận thức thế giới.

Ngược dòng thời gian của lịch sử, từ khi chữ viết ra đời thì sách cũng dần dần xuất hiện. Tuy nhiên ban đầu, những cuốn sách cổ xưa của loài người được làm từ đất nung, vỏ cây, da muông thú, thẻ ngà, thẻ tre… Mãi đến khi loài người phát minh ra giấy thì sách dần mới được viết rồi in trên giấy. Và từ đó nó đã trải qua hàng ngàn năm phát triển để có được những cuốn sách đẹp đẽ như ngày nay.

Trong nửa sau thế kỷ XX, cùng với sự phát triển như vũ bão của Khoa học và công nghệ - nhất là sự bùng nổ thông tin - với sự xuất hiện của vô tuyến truyền hình, video và các phương tiện nghe nhìn khác, đã khiến người ta băn khoăn về số phận của sách:  Liệu có phải sách đang mất dần vị trí độc tôn của nó trong nền văn hóa hay không?

Mặc dù vài chục năm trở lại đây, nhờ sự tiến bộ vượt bậc của Khoa học và công nghệ, nhất là kỹ thuật in ấn, đã cho phép người đọc rộng rãi có được những cuốn sách hay, sách đẹp, có chất lượng tốt. Nhưng ngày nay, người ta cũng đang nói tới một cuộc cách mạng về sách dưới dạng sách báo điện tử. Có thể sẽ là một triển vọng tốt và biết đâu nó cũng hết sức thuận lợi cho người đọc trong tương lai? Chẳng hạn ở nhiều nước trên thế giới, người đọc có thể ngồi tại nhà hay tại công sở, chỉ cần vào mạng Internet là có thể tìm đọc những cuốn sách mình muốn, không cần phải tới thư viện. Song chính điều đó cũng hàm chứa và tiềm ẩn một nguy cơ làm thay đổi hẳn diện mạo của cuốn sách truyền thống.

Vấn đề chính có lẽ là ở chỗ: Những hạn chế trong khuôn khổ vật chất tạo nên bản thân cuốn sách truyền thống. Hiểu một cách thuần túy, sách chỉ là những tờ giấy, trên đó bằng cách này hay cách khác, thông qua ngôn ngữ được coi là những hệ thống tín hiệu, những ý nghĩ, thông tin được truyền đạt cho một đối tượng và đối tượng ấy sẽ nhận thức được vấn đề. Còn khi truyền một tin tức hay một thông báo bằng hình ảnh, âm thanh thì phương tiện truyền tin sẽ có ít nhiều ảnh hưởng đến bản thân nội dung thông báo đó, tùy thuộc vào các phẩm chất ưu việt của phương tiện nghe nhìn ấy. Trong trường hợp này thì cuốn sách dẫu hay và đẹp đến mấy cũng không thể sánh nổi với màn hình tivi màu hay băng video, VCD về sự hấp dẫn. Thêm vào đó, các phương tiện nghe nhìn (tivi, video, đài phát thanh…) ít làm tốn sức óc, thời gian hơn cho mọi người so với việc đọc sách báo. Và nói chung đọc sách thường phải tập trung tư tưởng, trí óc, còn thưởng thức nghệ thuật nghe nhìn, con người vẫn có thể kết hợp với những công việc khác theo một hình thức và mức độ nào đó. Ví dụ: Làm việc hay ăn uống, hai việc chính của con người, vẫn có thể phần nào kết hợp xem tivi hoặc nghe nhạc, nghe đài. Rõ ràng là so với việc đọc sách báo, phương tiện nghe nhìn có những lợi thế hơn và phù hợp, thuận tiện hơn với nhịp sống hiện đại, khi mà con người hiện nay, quỹ thời gian cho việc nghỉ ngơi, giải trí sau những giờ lao động, làm việc căng thẳng còn quá ít ỏi.

Nói như vậy không có nghĩa là sách đang mất dần vị trí của nó trong đời sống xã hội. Nói một cách công bằng, sách vẫn có những ưu thế tuyệt vời của nó. Bởi ngoài đặc tính vật chất, giá trị văn hóa, sách còn có những đặc tính tinh thần to lớn. Nếu những họa tiết, trang trí ở ngoài bìa mỗi cuốn sách thu hút tâm trí, sự tò mò của người đời bao nhiêu, thì cái cốt lõi nội dung tư tưởng và những kiến thức mà cuốn sách đang chứa đựng bên trong mới đích thực là nguồn nam châm mạnh mẽ thu hút tâm trí của người đọc bấy nhiêu.

Chúng ta thừa nhận rằng trong thời đại bùng nổ thông tin, sách và ấn phẩm báo chí thì nhiều, nhưng quyền hưởng thụ văn hóa của nhân dân thì vẫn còn khoảng cách khá xa giữa nông thôn và thành thị, đặc biệt là với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Trước tình hình đó, nhiều tờ báo đã tìm cách hạ giá bán để báo có thể đến tay bà con nghèo. Nhưng đối với sách thì còn khó khăn hơn vì giá giấy, công in tăng mà sách lại in ít bản nên giá sách không thể hạ. Từ đó dẫn đến hệ quả dễ thấy là thị trường sách bị thu hẹp chưa từng có. Cách đây mươi, mười lăm năm, thông thường một cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn còn được in với số lượng trên 1.500 cuốn; nay thì trừ những cuốn sách được dư luận chú ý, sách thuộc dạng “best sale”, được in với số lượng khá lớn; còn hầu hết đều được in với số lượng dưới 1.000 cuốn. Với các tập thơ thì số lượng in càng ở mức khiêm tốn hơn: chỉ chừng 500 - 700 cuốn. Chỉ số xuất bản đó không thể xem là bình thường với một đất nước có gần 90 triệu dân, có truyền thống ham học và ham đọc sách như nước ta. Vậy thì có phải văn hóa đọc trong thời đại bùng nổ thông tin đang đi xuống?

Tôi có mấy suy nghĩ về những nguyên nhân trước mắt làm suy giảm sự đọc hiện nay ở nước ta như sau:

- Một là, mặc dù lượng sách báo xuất bản ngày một nhiều nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người đọc. Vắng sách trên giá các thư viện và cửa hàng sách - nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa - không hoàn toàn do thiếu người cần. Nhiều sách báo thiếu số lượng phát hành (như đã nêu ở trên), thậm chí có khi hết ngay ở thành phố, thị xã. Mặt khác, sự không đáp ứng được một phần quan trọng là do giá cả quá cao so với túi tiền eo hẹp của số đông độc giả. Là giáo viên, bác sĩ, kỹ sư… (tức là đội ngũ trí thức) ở nhiều vùng nông thôn và khu vực miền núi xa xôi mà nhiều người vẫn… nằm mơ sách báo!

Hai là, từ ngày văn hóa nghe nhìn phát triển mạnh, nhiều người từ già đến trẻ ngại đọc sách báo (kể cả các tầng lớp sinh viên, học sinh). Ban ngày bận biết bao công chuyện, tối đến về nhà, sau khi cơm nước xong là cả nhà lại dán mắt vào xem các chương trình tivi… rồi đi ngủ. Vậy còn thời giờ đâu mà việc đọc sách báo cơ chứ. Chẳng cứ gì ở vùng sâu, vùng xa, mà ngay ở một số vùng nông thôn quê tôi (chỉ cách Hà Nội hai, ba chục cây số), khi được hỏi về văn hóa đọc, vẫn còn có những người quan niệm thế này: “Xưa kia thời bao cấp chỉ có cái loa, cái đài bé tí tẹo để nghe thời sự, nghe ca nhạc. Giờ đây có cả ti vi màu để nhòm tận mắt toàn thế giới rồi, vẫn còn chưa đủ sao?”. Xin thưa lại rằng: Bản thân các phương tiện nghe nhìn hiện đại ấy “không dành cái việc đọc” cho con người, nhưng nó lại làm cho con người ta “lười cái việc đọc”!.

Trong xã hội thông tin hiện đại, bắt đầu tình trạng tràn ngập âm thanh và hình ảnh qua các phương tiện nghe nhìn, trong đó một số chức năng của việc đọc đã được các màn hình và thùng loa đảm nhận. Thời gian đọc và độc giả hình như đang bị co hẹp lại (dù chỉ là tương đối). Tuy nhiên, điều quan trọng là sách vẫn có những tính năng không thể thay thế được bằng phương tiện nghe nhìn và chúng ta cần tạo ra một nhận thức rộng rãi trong xã hội về sách và thư viện như một bộ phận hữu cơ của hệ thống thông tin và giao lưu xã hội.

Hiển nhiên là hàng ngày, trên tivi, nhất là trên các băng video, VCD, DVD… chữ vẫn xuất hiện khá nhiều, do đó việc đọc vẫn diễn ra như con người vẫn thở mà không quan tâm đến việc thở. Nhưng chất lượng của việc đọc sách ấy mang tính ngẫu nhiên, bị động. Còn việc đọc sách là một hành động có động cơ rõ ràng, có ham muốn đọc và là một quá trình tự thông tin. Người đọc là người tiếp nhận thông tin một cách chủ động trong một quá trình tự phân tích, chọn lọc, ghi nhận, một quá trình “đối thoại ngầm” ngay cả với chính tác giả của cuốn sách. Trước thềm thiên niên kỷ mới, nhà văn hóa Hữu Ngọc có nêu một câu hỏi: “Thế kỷ 21 liệu có cần đến thơ nữa không? Đến văn hóa đọc nữa không” và rồi ông tự trả lời rằng: “Có! Dù cho ca nhạc trữ tình có làm được ít phần việc của thơ ca thì thơ ca vẫn sẽ mãi mãi được người đời ưu chuộng”. Còn đối với văn hóa đọc thì ông cũng khẳng định: “Bản thân hình ảnh thì thoảng qua, từ ngữ mới đọng lại, đọng lại lâu bền…”.

Sinh thời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Không có gì thay thế được văn hóa đọc”. Cố Thủ tướng còn nhiều lần nhắc nhở các cán bộ có trách nhiệm củng cố hệ thống thư viện và công tác phát hành để sách, báo có thể đến tay những người đọc ít tiền. Rất mừng là hơn 10 năm trở lại đây, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Chính phủ, hàng vạn tủ sách pháp luật, tủ sách Điểm bưu điện - văn hóa xã, tủ sách đồn biên phòng cùng với hàng nghìn thư viện lớn nhỏ ở cơ sở xã, phường, làng, thôn, ấp, bản… đã và đang từng bước phát huy tác dụng của mình - nhất là các vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo - làm cho ở mỗi người, ở mỗi nhà, ở mỗi địa bàn dân cư, văn hóa đọc dường như đã và đang tích cực thi đua với văn hóa nghe nhìn trong việc thực hiện chức năng xã hội của mình.

Cho dù mai sau, khi xã hội sẽ phát triển cao hơn, con người có thể đọc sách trong thư viện điện tử hay qua mạng Internet, thì vẫn chắc chắn một điều là: sách vẫn không hề mất đi giá trị văn hóa truyền thống lâu đời vốn có của nó. Cảm giác khi ta được lật từng trang sách, tờ báo, tạp chí vẫn còn tươi nguyên mùi mực in và thơm tho mùi giấy với những trang trí, họa tiết đẹp đẽ - chứ không phải căng mắt ra để đọc chúng trên các trang màn hình máy tính - có lẽ mãi mãi vẫn là một điều thú vị vô cùng. Đơn giản bởi sách đã gắn bó với con người qua hàng ngàn năm lịch sử và cho đến tận hôm nay nó vẫn là nguồn sống quý giá nhất mà không có món ăn tinh thần nào có thể so sánh được.

Còn nếu quả thật, tivi, video và các phương tiện nghe nhìn khác đã và đang vươn lên để đáp ứng tối ưu mọi nhu cầu hưởng thụ tinh thần, tình cảm, thẩm mỹ  của con người, của thời đại, thì đó cũng là niềm vui không chỉ của riêng ai… mà của chung tất cả chúng ta. Nói hết sức thanh thản như thể để thấy. Sách và văn hóa đọc lo mà không lo trước sự bùng nổ và lấn át mạnh mẽ của phương tiện nghe nhìn, mà chỉ là vấn đề tương hợp và tương tác giữa đặc trưng các loại hình với những nhu cầu thực tế luôn luôn biến động và phát triển trong xã hội

 

N.H.G

NGUYỄN HỮU GIỚI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 230 tháng 11/2013

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground