Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sân khấu là cả cuộc đời

LTS: Năm 2010, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định chọn ngày 12/8 âm lịch (cũng là ngày giỗ Tổ truyền thống của ngành sân khấu) làm Ngày Sân khấu Việt Nam. Nhân kỷ niệm 64 năm thành lập Ngành Sân khấu Việt Nam (1957-2021), Tạp chí Cửa Việt trân trọng giới thiệu bài viết về những cống hiến của vợ chồng NSND Xuân Đàm – NSND Kim Quý đối với sân khấu đương đại Việt Nam.

Ngay sau khi tái lập tỉnh Quảng Trị, lực lượng kịch nói của sân khấu Bình Trị Thiên hầu như dồn cả về mảnh đất này. Một đạo diễn có “máu mặt” là Xuân Đàm cùng vợ là nghệ sĩ Kim Quý trở thành nòng cốt cho sân khấu kịch nói Quảng Trị ngày đầu thành lập.

Sáng 1/1/1991, tại Nhà hát lớn Thành phố Hồ Chí Minh, vở diễn khai sinh của đoàn kịch Quảng Trị “Chuyện đời thường vớ vẩn” đã tham gia liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và giành tổng cộng 3 huy chương vàng, 1 huy chương bạc. Vở diễn do nhà văn Xuân Đức viết kịch bản với 3 diễn viên Kim Quý, Chánh Phùng và Tiểu Hoa đã trở thành giai thoại ấn tượng trong làng kịch cả nước, đồng thời thể hiện phong cách đạo diễn độc đáo, sáng tạo, riêng biệt của đạo diễn Xuân Đàm. Không chỉ đối với tỉnh Quảng Trị, đạo diễn Xuân Đàm, nghệ sĩ Kim Quý là niềm tự hào của sân khấu đương đại Việt Nam.

Thời trẻ đến khi già, vợ chồng NSND  luôn bên cạnh nhau. - Ảnh: Hồ Thanh Thoan.

Thời trẻ đến khi già, vợ chồng NSND luôn bên cạnh nhau. - Ảnh: Hồ Thanh Thoan.

Cuộc đời đang làm sao diễn ra làm vậy

Nhắc đến NSND – đạo diễn Xuân Đàm, giới sân khấu, báo chí và người hâm mộ không ngớt tán thưởng và dành những lời đẹp nhất về người đạo diễn tài năng của nền sân khấu đương đại Việt Nam. Đến nay những cống hiến của ông, sự táo bạo trong đổi mới và sáng tạo của ông có thể gói gọn trong câu nói của chính ông: “Cuộc đời đang làm sao diễn ra làm vậy, cuộc đời ở đâu diễn đúng nơi đó”.

“Ngoài những vở diễn có giá trị nghệ thuật đủ các thể loại như kịch dân ca, kịch nói, tuồng… mà ông đã sáng tạo từ những năm 70 của thế kỷ XX; ngót nửa thế kỷ qua, với cương vị là người làm công tác quản lý văn hoá, nghệ thuật nhiều năm của vùng đất Huế - Quảng Trị (ông từng là Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin, nhiều năm là Ủy viên Ban Thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam), Xuân Đàm đã có những đóng góp nhất định trong việc giữ gìn và phát triển một nền sân khấu Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…”

(NSND Lê Huy Quang)

 “Bão tố ngoài khơi”, “Tiếng hát”, “Gia đình má Bảy”, “Trần Thủ Độ”, “Lý Chiêu Hoàng”... có thể được xem là biểu trưng phong cách đạo diễn của ông. Bao xung đột của số phận một vùng đất, thân phận những con người lại được tác giả đưa lên sân khấu mang vác, chuyển tải tới người xem những trăn trở, khắc khoải về cuộc sống sâu thẳm ở phía sau đời sống thường nhật được diễn trên phong cách hiện đại, táo bạo và độc đáo mang dấu ấn Xuân Đàm.

NSND Xuân Đàm sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng Lập Thạch, TP Đông Hà. Năm 1947, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ trong toàn quốc, làng ông bị tạm chiếm, không đi học trường Pháp, cậu mạ ông cùng với một số gia đình gửi con ra vùng tự do khu 4 và tiếp tục học tập tại trường Trung học Hương Khê - Hà Tĩnh. Năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp chuyển qua giai đoạn tổng phản công. Phong trào xếp bút nghiên ra trận dâng lên mạnh mẽ. Ngày 1/7/1950, chàng trai trẻ Xuân Đàm tòng quân khi chưa học hết lớp đệ nhị. Vào mặt trận Bình Trị Thiên, cấp trên bố trí cho đi học lớp sĩ quan, nhưng Xuân Đàm không đi bởi lẽ: “Tôi không muối làm sĩ quan, tôi chỉ thích làm nghệ thuật”. Vậy là Xuân Đàm được đưa về đoàn kịch Bình Trị Thiên.

Kể từ buổi dấn thân đó, với sự đam mê, tâm huyết, sáng tạo trong chỉ đạo diễn xuất, ông trở thành đạo diễn tài ba, một trong những gương mặt đạo diễn đạt được ấn tượng nghệ thuật nhất trong nền sân khấu đương đại và được đánh giá là người đã đem lại “hình thái mới cho kịch Việt Nam” (Trần Trí Trắc). Với gần 100 tác phẩm sân khấu, ông luôn gợi mở diễn viên cách diễn sao cho tự nhiên nhất, tránh sự kịch hóa theo lối mòn của mình. “Nghệ thuật sân khấu đối với tôi là thiêng liêng, cao cả và hấp dẫn cuốn hút. Sân khấu châu Âu là sân khấu lớn, uy nghi, còn sân khấu kịch mang tính dân tộc Việt Nam thì có thể diễn ra khắp nơi. Có nơi 5 phút, nơi 7 phút, có nơi 2 phút, có nơi chỉ thoáng qua. Nó có thể diễn ra trong một sân đình, ngôi nhà, thậm chí trong manh áo tơi” – NSND Xuân Đàm chia sẻ.

NSND Lê Huy Quang – người có trên 50 năm là hoạ sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu, đã cộng tác với hầu hết các đạo diễn tên tuổi, cũng như các đạo diễn trẻ trong nước với trên 300 vở diễn đủ các loại hình nghệ thuật - tuồng, kịch nói, chèo, cải lương, kịch dân ca, múa rối, xiếc và ca múa nhạc… cho biết, mỗi đạo diễn với những quan niệm và phong cách khác nhau - đều cố gắng tạo nên những không gian sân khấu độc đáo của riêng mình. Nhưng trong số đó, một trong những gương mặt đạo diễn đã để lại nhiều ấn tượng nghệ thuật nhất chính là NSND, đạo diễn Xuân Đàm.                

Quan điểm nghệ thuật xuyên suốt cuộc đời làm đạo diễn của ông chính là: “Cuộc đời đang làm sao diễn ra làm vậy, cuộc đời ở đâu diễn đúng nơi đó. Tôi nói ví dụ ở đời thực có cảnh trên tàu, ở ngoài biển người ta đang bơi thì trong vở kịch “Bão tố ngoài khơi”, chúng ta phải thể hiện được cảnh biển, cảnh bão tố trên sân khấu. Người diễn viên phải sống trong cuộc đời của nhân vật, số phận của nhân vật. Vì thế diễn viên không được giả vờ, không được bắt chước, không được làm bộ”.

Sân khấu của ông sinh động như cuộc sống thực. Đôi khi, ông cho diễn thực đến mức người xem phải ngỡ ngàng. Có lẽ chính điều đó khiến người trong nghề nhìn nhận Xuân Đàm là một đạo diễn độc đáo. Những nhà văn, diễn viên có dịp làm việc chung với ông đều nhận xét, sân khấu của Xuân Đàm luôn luôn là một sân khấu động - đầy ắp những không gian truyền thống, kết hợp một cách nhuần nhuyễn với các thủ pháp hiện đại. Ông tận dụng chiều ngang, chiều dọc, bề sâu, bề rộng, hố nhạc, trần sân khấu, bậc thang leo lên mái, cánh gà, riềm, phông, gầm sàn, gác chiếu đèn, ông chỉ thiếu một nước là không dỡ mái nhà đi, không có diễn ở giữa lòng khán giả nữa thôi! Các vở kịch do Xuân Đàm làm đạo diễn đều tự nhiên, tuyệt đối không kịch hóa.

Giai đoạn hoàng kim của sân khấu kịch Việt Nam, khán giả được thưởng thức những vở kịch dàn dựng trên sân khấu lớn, hoành tráng với: “Người mẹ”, “Ám ảnh”, “Trần Thủ Độ”... Sau năm 90 của thế kỷ XX, sân khấu kịch bắt đầu thưa vắng khán giả, nhiều xuất diễn không có người đến xem. Cùng với các đạo diễn tâm huyết khác, đạo diễn Xuân Đàm đã thực hiện những vở diễn trên sân khấu nhỏ. Nhỏ về bối cảnh, không gian, ít nhân vật (có những vở chỉ có một người) nhưng chứa đựng những điều không hề nhỏ như: “Sự tích nước mắt”, “Chuyện đời thường vớ vẩn”, “Lý Chiêu Hoàng”... Tất cả đã làm nên một Xuân Đàm không hề lẫn lộn với bất cứ đạo diễn nào và ghi danh ông là một trong những tên tuổi lớn của nền sân khấu đương đại Việt Nam.

Ngoài tài năng đạo diễn, NSND Xuân Đàm còn có công phát hiện và đào tạo nhiều đạo diễn, diễn viên tài năng. Rất nhiều người đã được phong tặng là NSND, trong đó có bạn đời của ông - “Người đàn bà diễn” - NSND Kim Quý. Bà chính là người thể hiện xuất sắc những tâm huyết của ông đối với sân khấu đương đại Việt Nam: “Cuộc đời đang làm sao diễn ra làm vậy, cuộc đời ở đâu diễn đúng nơi đó”.

Cuộc đời ở đâu diễn đúng nơi đó

“Sau 20 năm tham gia bộ đội, tôi có 20 năm gắn bó với sân khấu và 20 năm đó là 20 năm rực rỡ nhất của sân khấu Quảng Trị với đạo diễn Xuân Đàm và NSND Kim Quý. Đối với giới nghệ sĩ cuộc sống vô cùng phức tạp, bởi vì có nhiều quan hệ, nhiều giai đoạn nhưng có được một cặp đôi như Xuân Đàm và diễn viên Kim Quý ở một đoàn địa phương mà được nổi danh cả nước thì cũng không phải là nhiều. Gia đình mà cả hai người đều là nghệ sĩ cũng không nhiều. Gia đình mà cả hai người đều là NSND như Xuân Đàm - Kim Quý càng hiếm. Và một gia đình nghệ sĩ bền vững, ở bên nhau từ thời tuổi trẻ cho đến “đầu bạc răng long” như đạo diễn Xuân Đàm hôm nay càng là cặp đôi quý hiếm và nó trở thành câu chuyện đẹp trong nghệ thuật và trong cuộc sống. Họ trưởng thành, đi cùng nhau trong những năm tháng chiến tranh gay go nhất, ác liệt nhất và đi đến hòa bình. Cho đến hôm nay, tình yêu của anh chị vẫn là một trong những chuyện tình để cho cả giới sân khấu quý trọng. Họ bên nhau trong nghệ thuật, dìu nhau và phát triển các mặt tài năng của nhau. Cùng nhau trong gian lao để tìm ra hình ảnh đẹp đẽ cho sân khấu, cho nghệ thuật, đẹp đẽ cả trong tình người. Đó là những đóng góp mà ngày hôm nay đáng phải trân trọng”.

(Nhà văn Ngô Thảo)

13 tuổi, cô bé xinh xắn, dễ thương của làng Tùng Luật, Vĩnh Linh mang tên Hồ Thị Kim Quý vô tình bước vào sân khấu. Như duyên nợ, cô gái ấy biết đến người đạo diễn cùng quê Quảng Trị rất sớm. NSND Kim Quý nhớ lại: “Hàng ngày, anh thường đưa tiểu thuyết Nga cho tôi đọc và bắt tổng kết rằng: Nhân vật nói gì? Hình tượng như thế nào? Để lại nỗi đau gì? Có lẽ chính nhờ sự rèn luyện từ rất sớm đó đã giúp tôi hình thành được khả năng bao quát nội dung vở diễn rất nhanh”.

Ở bên cạnh một người đàn ông rất mực yêu thương mình, nhưng là một đạo diễn tài năng, tâm huyết, đạo diễn Xuân Đàm cũng đòi hỏi một sự khổ luyện ở Kim Quý rất lớn, thậm chí có phần nghiêm khắc hơn để người diễn viên có thể thực hiện được “sự tự nhiên trong cách diễn”. NSND Kim Quý nhớ lại: “Có một cảnh diễn trong vở “Bão tố ngoài khơi”, tôi tập đi tập lại nhiều lần mà cứ bị lạc nhạc. Không thể kiên nhẫn hơn, anh Xuân Đàm đứng ngoài nắm chặt tay hét to: Ngu… ngu. Ai cũng lặng người trước tiếng hét đó vì biết rằng đạo diễn đang rất giận dữ. Sau buổi tập, Nhạc sĩ Trần Hoàn (nguyên Bộ trưởng Bộ VH- TT) có đến ôm vai tôi động viên: Nó hung dữ quá hỉ”. Có những vở tập suốt 4, 5 tháng trời và ngày nào bà trở về nhà với đôi mắt sưng húp vì khóc quá nhiều, có lúc vì quá nhập vai mà mệt đến nỗi không thể ăn được chút gì.

Thế nhưng chính nhờ sự đòi hỏi khắt khe từ người chồng đạo diễn, Kim Quý có những vai diễn xuất thần, mà nhân vật Thu trong vở “Bão tố ngoài khơi” là một ví dụ. Vở diễn này mang về cho bà huy chương vàng đầu tiên trong nghề. Đây cũng là vở diễn chấn động sân khấu kịch cả nước thời điểm đó, đồng thời được chọn biểu diễn tại Đại hội Đảng toàn quốc năm 1982. Và cũng chính vở diễn này đã thể hiện quan điểm nghệ thuật của diễn viên Kim Quý: Hãy để trái tim người diễn viên truyền đến khán giả và nối trái tim khán giả thổn thức với trái tim nghệ sĩ.

Với khả năng diễn xuất đặc biệt và sự rèn luyện không ngừng nghỉ, Kim Quý còn vượt hơn cả sự mong đợi của đạo diễn Xuân Đàm, cất lên “tiếng nói độc lập” của mình trong diễn xuất. Trở lại vở kịch “Bão tố ngoài khơi” được chọn biểu diễn tại Đại hội Đảng toàn quốc năm 1982, đến đoạn cuối, cảnh nhân vật Thu vừa chạy vừa gọi: “Cha ơi, bão tố ngoài khơi. Bão tố ngoài khơi, cha ơi”, theo kịch bản nhân vật sẽ chạy vào trong sân khấu để đảm bảo đúng qui định về bảo vệ an toàn cho đại biểu. Thế nhưng Kim Quý lại rời sân khấu, chạy xuống giữa các hàng ghế đại biểu, cất tiếng gọi thảng thốt như bão tố đang kéo về đâu đây và cha đang vật lộn trong muôn ngàn cơn sóng dữ. Có lẽ sân khấu hiện tại không đủ để chuyển tải hết những nỗi đau xé lòng của nhân vật, chỉ có khoảng không rộng lớn phía trước mới chuyển tải được hết. Cả nghị trường vang dậy tiếng vỗ tay. Đèn sáng, nhiều đại biểu tặng hoa mà mắt vẫn còn ngân ngấn.

Hay với vở kịch “Ám ảnh”, Kim Quý thủ vai bà mẹ Quảng Trị, một nhân vật mang trong mình tình cảm lớn. Nghệ sĩ  Kim Quý như người bao sân cho đồng đội, như trụ cột nghĩa tình Việt Nam. Con bị hy sinh, hòa bình rồi, vẫn chưa rõ về cái chết và kẻ sát nhân. Nỗi ám ảnh ghê gớm đó, trong nghi ngờ, mẹ vẫn chụi đựng, vẫn sống khoan dung, độ lượng với kẻ đã giết con mình! Với kịch, Kim Quý dành hết mình cho nhân vật, vai nào cũng riêng biệt, đậm đà tình nghĩa và đã thành công trong việc xây dựng hình tượng người phụ nữ chung thủy, sắt son. Các tác phẩm như: “Gia đình má Bảy”, “Con gà chân chì”, “Tiếng hát”, “Bão tố ngoài khơi”, “Tình ca”, “Độc thoại đêm”, “Âm mưu và tình yêu”, “Ám ảnh”, “Một mình với tất cả”... đã trở thành nổi tiếng, để lại những hiệu quả nghệ thuật đầy cảm xúc trong giới sân khấu cũng như đông đảo công chúng cả nước, ghi dấu hình ảnh diễn viên Kim Quý tài hoa xinh đẹp trên sân khấu kịch nói.

Hơn 50 năm gắn bó với nghề, bước qua tuổi 70, bạn bè, đồng nghiệp, người quen đều có nhận xét, NSND Kim Quý là người sống hiền lành, đằm thắm. Rất ít khi tiếng to, khoa trương. Năm 1997, nghệ sĩ Kim Quý tạm dừng nghiệp diễn để chuyển sang công tác quản lý văn hóa. Thế nhưng nỗi nhớ nghề, tình yêu với sân khấu chưa bao giờ nguôi trong tim. Bà lại hăm hở vào nghề qua những trang viết với bút lực dồi dào và nghiêm cẩn. Khi không thể tiếp tục hóa thân thành những nhân vật trên sân khấu, nghệ sĩ Kim Quý đã cầm bút để tiếp tục thể hiện những khát vọng cao đẹp của mình qua tập truyện ngắn Uẩn Khúc (NXB Hội Nhà văn) và hàng loạt truyện ngắn đăng trên Tạp chí Cửa Việt và nhiều tờ báo khác để nói về đời diễn viên: “Mỗi vai diễn mới là một sự khám phá tận cùng nỗi đau và hạnh phúc của nhân vật”.

…Vẫn còn vương tơ

Kim Quý và Xuân Đàm kết hôn năm 1967. Lúc này, Kim Quý chỉ mới 19 tuổi. Xuân Đàm vừa là người chồng, người anh, người thầy luôn ở bên dìu dắt, nâng đỡ Kim Quý. Họ theo sát nhau đi diễn khắp nơi. Từ những buổi diễn ngoài trời tại địa phương đến những nhà hát kịch, sân khấu lớn trung ương, ở đâu có Xuân Đàm thì ở đó có Kim Quý. Bây giờ ở tuổi ngoài chín mươi, những biến chứng của bệnh tật khiến NSND Xuân Đàm không còn hoàn toàn minh mẫn như trước kia nhưng đầy ắp trong ông đó là sự trăn trở với nghề.

Thăm nhà NSND Xuân Đàm – Kim Quý. Ảnh: H.T.T

Thăm nhà NSND Xuân Đàm – Kim Quý. Ảnh: H.T.T

Nhiều người tò mò rằng, không biết hơn 50 năm bên nhau, có bao giờ ông bà cãi nhau hay tức giận nhau bởi người nghệ sĩ thường sống thiên về cảm xúc, cuộc sống gia đình lại là một mảng khác, trải qua nhiều nỗi lo đời thường và đi qua nhiều giai đoạn. Thế nhưng bà nở nụ cười e ấp từng làm say đắm bao khán giả rằng: “Thật sự chúng tôi không hề cãi nhau hay có bất cứ một mâu thuẫn nào về cuộc sống thường nhật như những cặp vợ chồng khác. Chúng tôi chỉ cãi nhau, thậm chí là rất gay gắt về những chi tiết, mảng, miếng trong vở diễn để đạo diễn và diễn viên hiểu nhau hơn, để xây dựng nên hình tượng nhân vật nữ mang dấu ấn của thời đại. Sân khấu chiếm trọn trái tim chúng tôi”.

“Sau 20 năm tham gia bộ đội, tôi có 20 năm gắn bó với sân khấu và 20 năm đó là 20 năm rực rỡ nhất của sân khấu Quảng Trị với đạo diễn Xuân Đàm và NSND Kim Quý. Đối với giới nghệ sĩ cuộc sống vô cùng phức tạp, bởi vì có nhiều quan hệ, nhiều giai đoạn nhưng có được một cặp đôi như Xuân Đàm và diễn viên Kim Quý ở một đoàn địa phương mà được nổi danh cả nước thì cũng không phải là nhiều. Gia đình mà cả hai người đều là nghệ sĩ cũng không nhiều. Gia đình mà cả hai người đều là NSND như Xuân Đàm - Kim Quý càng hiếm. Và một gia đình nghệ sĩ bền vững, ở bên nhau từ thời tuổi trẻ cho đến “đầu bạc răng long” như đạo diễn Xuân Đàm hôm nay càng là cặp đôi quý hiếm và nó trở thành câu chuyện đẹp trong nghệ thuật và trong cuộc sống. Họ trưởng thành, đi cùng nhau trong những năm tháng chiến tranh gay go nhất, ác liệt nhất và đi đến hòa bình. Cho đến hôm nay, tình yêu của anh chị vẫn là một trong những chuyện tình để cho cả giới sân khấu quý trọng. Họ bên nhau trong nghệ thuật, dìu nhau và phát triển các mặt tài năng của nhau. Cùng nhau trong gian lao để tìm ra hình ảnh đẹp đẽ cho sân khấu, cho nghệ thuật, đẹp đẽ cả trong tình người. Đó là những đóng góp mà ngày hôm nay đáng phải trân trọng”.

Trong một bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh kể lại: “Tôi gặp uyên ương Xuân Đàm, Kim Quý. Đây là cặp danh hiệu cao quý của sân khấu nói chung và sân khấu Quảng Trị nói riêng. Họ đã vạch một giới tuyến vô hình trong căn hộ khiêm tốn của mình. Nửa để lưu tồn kỷ niệm kiếp cầm ca son phấn. Nửa để đại lý cho hãng cà phê Trung Nguyên mà bù đắp chỗ thiếu hụt của đời thương. Tôi hỏi “Dàn dựng lại và diễn ba vở kịch viết về Vĩnh Linh, Quảng Trị của anh Cẩm đi”. Xuân Đàm cười: “Ông bỏ tiền ra!”. Tôi giật mình. Đúng vậy. Một vở kịch đâu có là một ca khúc”.

Câu chuyện rất ngắn nhưng cũng đủ để công chúng hiểu được cuộc sống của người nghệ sĩ cũng phải vật lộn với “cơm áo đời thường”. Dù rất nhiều lúc đối mặt với khó khăn nhưng họ chưa bao giờ rời khỏi sân khấu, tâm huyết lúc nào cũng cháy bỏng. Họ đã cùng nhau đối mặt với những khó khăn với tất cả bản lĩnh vượt qua để đeo đuổi và thành công với nghề.

Hơn 20 năm ròng rã chăm sóc ông vì nhiều căn bệnh, bà đã vực dậy sự sống trong ông, chăm sóc ông với tất cả sự tận tụy của người vợ trọn nghĩa tào khang. Có lần khi nghe nhà văn Ngô Thảo nói chuyện, NSND Kim Quý đã rơi nước mắt: “Người đã dạy cho Quý lòng tận tụy đối với tất cả mọi người chính là anh. Vì câu nói của anh trong một lần đi đám tang vợ chồng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ trở về, anh đã nói với em rằng: Cái gì cũng sẽ có nhưng sẽ bay qua nhanh nhưng chỉ còn lòng tận tụy là đức tính quý nhất ở con người. Điều đó giúp em sống tử tế với chồng mình, con cái mình và em gánh vác một cách hết sức nhẹ nhàng, dù nhiều lúc cũng chảy nước mắt”.

Bây giờ ở tuổi 90, bệnh tật bào mòn người đạo diễn tài năng nhưng bên cạnh ông vẫn có người bạn diễn tài hoa lắng nghe, chăm sóc: “Đối với anh Xuân Đàm, dù bất cứ hoàn cảnh nào, những lời anh thốt ra đều rất trí tuệ và minh mẫn. Nhiều lần anh ấy tâm sự với tôi: Đã có rất nhiều người yêu nghề, nhưng cũng có rất nhiều người bỏ nghề. Và chúng ta với sứ mệnh và tình yêu vô điều kiện với nghệ thuật, thì không thể vì sợ lá rụng mà ngại trồng cây. Cứ làm thật tốt công việc của mình, hãy diễn cho thật tròn vai. Và đối với người viết kịch, anh luôn nhắn nhủ rằng: Dù anh viết thế nào thì lòng nhân hậu và lòng vị tha phải bao trùm lên tất cả, phải cắm rễ từ đó. Nếu không làm được như thế, các tác phẩm của anh không thể có sức sống đến mai sau”!

M.T

 

MINH TRÍ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 324

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

24/04/2024 lúc 23:00

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground