H |
ơn ba mươi năm cầm máy, gắn với những sự kiện lịch sử sôi động của quê hương, nghẹ sĩ nhiếp ảnh Sĩ Sô đã lặng lẽ, tâm huyết sáng tạo, đóng góp cho nền nhiếp ảnh của Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung những bức ảnh để đời.
Trong số những tác phẩm ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng được anh chụp thời kháng chiến chống Mỹ, những bứ ảnh chụp cảnh trao trả tù binh năm 1973 của hai phía ở sông Thạch Hãn đã để lại nhiều ấn tượng trong bạn đọc. Đây là những bức ảnh mà người cầm máy với tư cách là nhân chứng lịch sử đã kịp thời "chộp" được những khoảnh khắc ngàn vàng không bao giờ lặp lại. Một bức ảnh là cảnh các chiến sĩ của ta bị địch bắt làm tù binh khi được trao trả đã lột phăng hết áo quần tù, chỉ độc một chiếc quần cộc, ngực trần, tay giơ cao lá cờ Giải phóng. Các chiến sĩ nam nữ úa xuống tận bến sông đón đồng đội. Nước sông bắn lên tung tóe. Những khuôn mặt kiên gan của các chiến sĩ từ cõi lao tù trở về. Những nỗi niềm xúc động của đồng đội òa khóc mừng vui được đón các anh trở về trong lòng đất mẹ thân thương. Còn bức ảnh kia chụp cảnh những tù binh ngụy được "đón tiếp" một cách dã man, tàn bạo. Những tên lính đầu đội mũ sắt quật ngã, đè lên những tù binh là đông đội của chúng để lột hết quần áo, tư trang do phía ta trang bị. Hình ảnh dập vào mắt là những ánh mắt lo âu của tù binh ngụy,là những khuôn mặt đằng đằng sát khí của quân ngụy với tính hung hãn như muốn ăn tươi nuố sống những tù binh, là người cùng một chiến tuyến.
Hai bức ảnh gây nên một tương phản mà nếu không chú thích ảnh, người xem cũng hiểu được tinh thần đón tiếp tù binh của hai phía: Phía quân đội cách mạng và phía ngụy quân Sài Gòn. Một tương phản được thể hiện theo khách quan của lịch sử. Ở đây không có một sự xếp đặt nào của người cầm máy và sự kiện cũng chỉ diển ra trong khoảnh khắc. Cái tài của người nghệ sĩ là biết lường ống kính vào trọng tâm một cách nhạy cảm, tinh tế, kịp thời nắm bắt được khoảnh khắc ngàn vàng mà không phải người cầm máy nào cũng có cơ hội để chộp lấy.
Trong trường hợp này, Sĩ Sô đã biết hướng ống kính đến mục tiêu, làm cho những bức ảnh của mình đạt tính trực quan, chân thực. Bố cục chặt chẽ, thể hiện rõ ý định của người cầm máy. Nhờ nắm bắt được khoảnh khắc ngàn vàng của sự kiện ấy mà hôm nay người xem còn hình dung rõ nét được khung cảnh và thái độ cuộc trao trả tù binh của hai phía ở sông Thạch Hãn năm 1973 theo Hiệp định Pari một cách sinh động đầy thông tin trong sắc màu, đường nét của hình ảnh.
Tiếp cận với ảnh của Sĩ Sô, nhiều nhà phê bình đã nhận xét: Ảnh thời sự của Sĩ Sô mang tính nghệ thuật, còn nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thì có một cách cảm nhận khác: Ảnh nghệ thuật của Sĩ Sô mang nhiều tính thời sự. Một nhận xét rất chí lý bởi nghệ thuật suy cho cùng là đứa con tinh thần của người nghệ sĩ được hoài thai từ cuộc sống sôi động của lịch sử. Khi người nghệ sĩ biết dấn thân và có độ dày như Sĩ Sô thì tác phẩm của anh là sản phẩm sáng giá, góp phần tái tạo những trang sử bằng hình ảnh một cách nghệ thuật, lưu giữ cho muôn đời sau.
Cũng cần nói thêm rằng, trong những năm tháng chiến trường Quảng Trị đầy khốc liệt, Sĩ Sô đã theo suốt những đoàn quân, là một nghệ sĩ cầm máy ảnh với tất cả ý thức công dân và sự say mê nghề nghiệp không dừng được. Chính vì vậy mà trong tay anh đã có hàng chục, hàng trăm tác phẩm ảnh ghi nhận được những khoảnh khắc ngàn vàng khác mang đậm tính sử thi. Chẳng hạn như tác phẩm ảnh: Tấn công địch bằng bom bay đánh vào mục tiêu 367 đúng giờ G của cuộc Tổng tấn công năm 1975, sân bay Tà Cơn năm 1974, quân giải phóng vào Nam, du kích vào vùng sâu Triệu Phong, Hải Lăng; Buổi chiều diễn văn nghệ xung kích tại chốt An Lộng của ta mà cả hai bên - Bộ đội ta và quân ngụy cùng xem thể hiện tính hòa hợp dân tộc.
Khi chiến trường ngưng tiếng súng, Sĩ Sô còn có nhiều tác phẩm có giá trị lịch sử như ảnh chụp vị nguyên thủ quốc gia Cu ba - Thủ tướng Fidel Castro thăm cao điểm 241, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Pháp Goóc-giơ Mácse nói chuyện dưới mái nhà tranh ở Cam Thanh, Chủ tịch ủy ban MTGPMNVN Nguyễn Hữu Thọ tiếp khách quốc tế; Đại sứ các nước trình quốc thư tại Khu Chính phủ CMLTCHMNVN ở Cam Lộ… Điều đáng nói là trong thời khắc nào của lịch sử, Sĩ Sô đều thể hiện tác phẩm của mình không chỉ là nhân chứng lịch sử mà còn là người trong cuộc, do đó ảnh của anh mang lại cho người xem những thông tin đích thực. Có thể nói cùng với những người cầm máy tên tuổi trong kháng chiến như Đoàn Công Tính, Ngọc Đản (báo Quân đội nhân dân), Đỗ Tráng, Thanh Phong, Hồng Hạnh (TTXVN)… Sĩ Sô đã góp một phần không nhỏ trong việc chép lại những trang sử bằng ảnh. Với những phẩm chất ấy của người nghệ sĩ, sau này dù ở cương vị nào, Sĩ Sô vẫn miệt mài lăn lộn, sáng tạo nên nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật bám sát cuộc sống đang đi lên, nhất là gần 10 năm anh trở lại quê hương để tiếp tục sáng tạo, cống hiến.
Trong lần được vinh dự đón nhận Huy chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật của nhà nước trao tặng, Sĩ Sô đã giãi bày tâm sự. Điều đầu tiên anh nói đến là lòng chân thành biết ơn nhân dân và quê hương, mà khởi đầu là mảnh đất lũy thép Vĩnh Linh, nơi anh khởi nghiệp và theo suốt hành trình mảnh đất Quảng Trị trong những năm tháng chiến tranh và hòa bình sau này. Trải qua hơn 30 năm cầm máy, lao động cật lực không ngừng nghỉ, Sĩ Sô đã gặt hái nhiều thành công lẫn thất bại trong cuộc sống và nghệ thuật. Điều còn lại trong anh là nhịp đập của trái tim người nghệ sĩ luôn luôn biết dâng hiến, tâm huyết với nghề, sống chết với nghề, lao động dẻo dai, bền bỉ để cống hiến thật nhiều cho sự nghiệp văn học nghệ thuật trên mảnh đất lịch sử đầy bi tráng của đất mẹ quê hương.
Cuối tháng 10.1998
M.T