Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 11/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sông Hằng - thanh lọc và hóa giải

Sông Hằng, cái tên đẹp và xa lắc, cũng như xứ Ấn là nơi nào đó mà thời tuổi thơ tôi nghĩ là rất xa, đi mãi không đến. Đường Tăng và đồ đệ còn phải ròng rã qua bao nhiêu hiểm họa gian nan mới đến được nơi ấy. Không nghĩ được rằng sau này tôi sẽ lên đường và rốt cuộc đến được xứ Ấn, đến bên bờ sông Hằng, được đi thuyền trên sông Hằng.

Khúc sông Hằng chảy qua thành phố Varanasi - Ảnh: I.T

Khúc sông Hằng chảy qua thành phố Varanasi - Ảnh: I.T

Đến sông Hằng tức là… lên thiên đường

Tôi biết đến câu thành ngữ Hằng hà sa số từ khi còn rất nhỏ. Trên báo có người viết “Hằng hà vô số”, cha tôi, một nhà biên tập của Đài Tiếng nói Việt Nam bèn nói: cát sông Hằng mênh mông vô tận, không thể nào đếm được, cho nên người ta nói là Hằng hà sa số, tức là nhiều như cát sông Hằng. Còn thì sông Hằng chỉ có một, không thể nói sai là vô số sông Hằng.

Khắp tiểu lục địa Ấn Độ, đâu cũng thấy đền đài cung điện miếu mạo, những quần thể mênh mông đồ sộ cỡ Angkor thì hầu như bang nào cũng có, mà có nhiều. Những nơi linh thiêng như đền thờ Hindu, ngay từ cổng đền đã thấy rõ hai thứ.

Một là chữ Vạn Swatiska. Chữ Vạn trong nguyên bản Ấn Độ là dấu cộng có bốn cái móc hướng về bên phải, còn khi sang một số nước Đông Á, nó bị tam sao thất bản, bốn cái móc ở đầu dấu cộng có khi lại quay về bên trái.

Hai là trên cánh cổng đền thường chạm khắc hoặc đắp nổi hình hai nữ thần. Đấy là nữ thần Sông Hằng và Sông Yamuna. Thần Sông Yamuna tượng trưng cho đức hy sinh. Thần Sông Hằng là biểu tượng của sự trong sạch và thánh thiện.

Tranh tượng thường miêu tả nữ thần Sông Hằng (Ganga) có nước da trắng, đội vương miện trắng, ngồi trên một con cá sấu. Tay phải nàng cầm một bông hoa súng, tay trái cầm một cây đàn lute. Nếu được vẽ có bốn tay, tay thứ ba nàng sẽ cầm một bình nước và một chuỗi hạt, tay còn lại trong tư thế bảo hộ - bàn tay đưa lên gần ngang mặt, lòng bàn tay hướng ra phía trước.

Lai lịch của Ganga được kể lại trong thần thoại Hindu như thế này: ông vua của vùng đất thiêng Ayodhya tên là Sagar không có con cái. Qua một thời gian dài ông hành xác và cầu nguyện, các bà vợ ông sinh được 60.000 đứa con trai. Ăn mừng, nhà vua quyết định tế sinh một con ngựa. Ngọc Hoàng Indra, thần cai quản các cõi trời, nghe được tin thì rất hoảng sợ, Ngọc Hoàng sợ sát sinh và sợ mất ngựa. Ngài bèn lấy trộm con ngựa đó rồi đem giấu vào trong ẩn viện của một ẩn sĩ. Sáu vạn đứa con trai đi tìm ngựa khắp nơi rồi tìm thấy nó trong ẩn viện của hiền triết. Chúng xúc phạm ông bằng những lời láo xược. Hiền triết tức giận nguyền rủa chúng, biến chúng thành tro bụi. Chỉ có thể phục sinh nếu mang tro cốt của chúng bỏ xuống dòng sông Hằng.

Vua Sagar chỉ còn biết cầu cứu nữ thần Ganga giáng trần, mang nước xuống để làm cho lũ con trai của ông sống lại.

Cả hoàng gia cầu nguyện. Rốt cuộc một người cháu của vua tên là Bhagirath đã hành xác đến mức làm động lòng nữ thần Ganga. Thần Ganga bèn đổ nước xuống, nhưng có nguy cơ dòng thác lũ quá mạnh sẽ biến thành hồng thủy nhấn chìm thế gian. Trong tình thế hiểm nghèo, Shiva tránh cho thế gian tai họa hồng thủy bằng cách đưa mái tóc của mình ra hứng lấy dòng chảy. Thế là nữ thần Ganga được chia làm ba nhánh cho giảm bớt sức nước: nhánh đổ xuống cõi thấp (cõi âm) do Bhagirath dẫn đường nên mang luôn tên của ông vua này, nhánh đổ xuống cõi trần gọi là Ganga (sông Hằng), nhánh lưu lại trên thiên đường gọi là Mandakini.

Hầu hết các thành phố thiêng của Ấn Độ đều xây dựng bên sông Hằng. Đó là Varanasi, Allahabad, Rishikesh, Haridwar... Những ai chết bên sông Hằng đều được lên thiên đường. Hoặc là sau khi hỏa táng, tro cốt được rải xuống sông Hằng thì cũng được lên thiên đường.

Rửa sạch và hóa giải

Mùa hè năm 1990 cái nóng ở miền Bắc Ấn có khi lên đến 45 - 47 độ C. Trong thời tiết khắc nghiệt ấy, tôi được đường sắt Ấn Độ thuê đi phiên dịch cho một chị kỹ sư hóa chất ở đoạn đầu máy Sài Gòn sang Ấn Độ theo một chương trình thực tập của Liên Hiệp Quốc. Nhờ chuyến đi suốt hai tháng trời, tôi được đến nhiều vùng đất ở miền Bắc Ấn.

Điều không bao giờ quên là được đến với… sông Hằng.

Khúc sông Hằng chảy về xuôi, về đến vùng hạ lưu, sông lượn quanh thành phố Varanasi, còn có tên là Benares hoặc tên cổ là Kashi. Đức Phật khi mới giác ngộ đã nổi danh là “hiền triết xứ Kashi”. Cách thành phố gần mười cây số là Sarnath (Lộc Uyển) nơi Phật giảng bài kinh đầu tiên cho năm tín đồ đầu tiên của Phật giáo. Sông Hằng chảy quanh thành phố Varanasi gần ba nghìn năm tuổi, sông thiêng nên làm cho thành phố cũng thiêng. Văn hào Mỹ Mark Twain từng đến đây rồi viết ra những dòng đầy cảm hứng: “Benares is older than history, older than tradition, older even than legend, and looks twice as old as all of them put together” (Varanasi cổ hơn lịch sử, cổ hơn truyền thống, thậm chí cổ hơn cả huyền thoại, và xem như cổ gấp đôi tất cả những điều đó cộng lại).

Như đã nói, người Ấn tin rằng sau khi chết, tro cốt được rải xuống sông Hằng thì linh hồn sẽ nhẹ bước lên thiên đường. Đến mức người già ở khắp đất nước Ấn Độ, hễ ai có điều kiện tài chính, đều tìm về Varanasi để chờ chết. Đến mức Varanasi bị gọi là thành phố già, thành phố của người chết. Nghe thì hơi gợn, nhưng sống chết là luật trời, người ta coi đó là tự nhiên, không ai thấy ngại. Người ta vẫn đổ về Varanasi để hành hương, để tắm trong nước sông Hằng.

Tắm trong sông Hằng gọi là “holy dip”, một cuộc nhúng mình tắm rửa thánh thiện, rửa sạch mọi tội lỗi. Cuộc nhúng mình này cũng giống như quy trình xưng tội và xóa tội.

Kể cả giáo sĩ Hindu, kể cả người thường, khi nhúng mình trong sông Hằng, họ đều vốc một vốc nước vào trong lòng bàn tay, hướng về phía Đông chờ mặt trời mọc rồi cầu nguyện. Ở thời điểm có một vốc nước sông Hằng (Ganga jal) trong lòng bàn tay thì không một người Hindu nào dám nói dối.

Những người bị bệnh tật hiểm nghèo cho đến bệnh thông thường, nhúng mình trong nước sông Hằng là tiêu tan bệnh tật. Những người không con cái, cầu nguyện trong nước sông Hằng sẽ sinh con cái đầy đàn.

Tắm trong nước sông Hằng - Ảnh: I.T

Tắm trong nước sông Hằng - Ảnh: I.T

Một sáng sớm, trời còn nhá nhem, tôi cùng chị kỹ sư hóa chất Sài Gòn ra sông Hằng, thuê một con thuyền nhỏ. Thuyền thong dong đi trên sông nước mờ tỏ chờ mặt trời lên. Bên bờ sông, chỗ những bậc thang dài miên man, hàng nghìn người đã đổ ra đứng ngồi chen chúc. Ở chỗ nước nông cũng có hàng trăm người lội xuống, ngụp lặn để rửa sạch tội lỗi. Chắc là tội lỗi của họ đã trôi ra đầy cả khúc sông rồi. Khúc sông chảy qua thánh địa Varanasi này hoàn toàn êm ả, như thể không có sóng. Thuyền cứ thế trôi qua những tầng bậc thang người chen như kiến, qua những đền thờ cổ kiến trúc rất đẹp, qua những bãi hỏa táng lửa khói nghi ngút. Người chết được bọc vải trắng, bó trong những chiếc cáng gỗ, được nhúng cả người cả cáng xuống nước sông Hằng. Sau đó cáng được đặt lên giàn hỏa táng xếp bằng những thanh củi. Mỗi tử thi một giàn hỏa táng như vậy.

Sau này, trong trận dịch Covid 2019, cả thế giới đều thấy những đống lửa hỏa táng san sát bên sông Hằng và những dòng sông khác. Nếu mai táng hoặc hỏa táng trong lò thiêu hẳn không quá kinh hoàng như bày hết ra trên bãi hỏa táng mênh mông rừng rực lửa như vậy. Không phải Ấn Độ không xây nổi lò hỏa táng, mà hỏa thiêu tử thi trên những giàn củi là tập quán nghìn đời.

Thiên đường cũng ô nhiễm

Thần thoại Hindu kể rằng sông Hằng là do nữ thần Ganga đưa nước từ trên thiên đường xuống hạ giới. Trên thực tế, sông Hằng bắt nguồn từ những ngọn núi băng tuyết trên dãy Himalaya. Con sông dài 2.510 km là hợp lưu của ít nhất sáu dòng sông, từ trên cao đổ về xuôi, chảy qua nhiều thánh địa, rồi đến thành phố Kolkata (Calcutta) và ra vịnh Bengal. Ai chết mà cũng rải tro cốt xuống các dòng sông thiêng, nhiều nhất là sông Hằng và sông Yamuna, thì sông Hằng hẳn là không sạch trong như niềm tin dân gian.

Gần một thế kỷ trước, ở thập niên 1940, sông vẫn còn có vẻ miễn nhiễm, cho nên nhà hóa học được giải Nobel 1946 là tiến sĩ Howard Northrop từng nhận định: “We know that the Ganges river is highly contaminated. Yet Indians drink out of it, swim in it, and are apparently not affected… Perhaps bacteriophage (the virus that destroys bacteria) renders the river sterile” (Chúng ta biết rằng sông Hằng bị ô nhiễm trầm trọng. Thế nhưng dân Ấn uống nước ở đó, bơi trong đó, mà rõ ràng vẫn không bị ảnh hưởng… Có lẽ các loại vi rút diệt vi khuẩn đã làm cho con sông vô trùng).

Nhưng đó là chuyện gần một thế kỷ trước, còn ngày nay, bất kể thế nào thì năm 2007 sông Hằng vẫn bị xếp vào vị trí thứ năm trong số những dòng sông bị ô nhiễm nhất trên thế giới. Năm 2009, Ngân hàng Thế giới cho Ấn Độ vay 1 tỷ đô la trong năm năm để làm sạch con sông. Ước tính số tiền để thực hiện phương án này phải là 1,5 tỷ đô la.

Chuyến đi đầu tiên của tôi trên dòng sông Hằng năm 1990, tôi còn được người thành phố Varanasi khẳng định rằng có những trường hợp tử thi được ném thẳng xuống sông Hằng. Nhà nghèo quá khiến họ phải "gửi" người nhà xuống sông bằng cách ấy. Người nghèo được lên thiên đường còn người giàu ngụp lặn nhúng mình trong dòng sông kia không chỉ được rửa sạch tội lỗi như niềm tin mà còn phải… chịu ô nhiễm. Tôi không thấy tử thi nào ở khúc sông qua Varanasi, nhưng lần ấy tôi có thấy xác một con trâu mura đen sì trương phềnh lềnh bềnh trôi qua.

Sau này tôi nhiều lần đến sông Hằng, có khi qua cả khúc sông Hằng trên thượng nguồn trong dãy Himalaya. Nơi ấy sóng xô cuồn cuộn, từ trên cao và từ những động băng của đỉnh núi tuyết vĩnh cửu, sông ào ào đổ xuống, phải về xuôi như thánh địa Varanasi thì sông mới bình lặng êm đềm.

HỒ ANH THÁI

Mới nhất

Bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị”

13 Giờ trước

Chiều ngày 10/12, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị phối hợp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị” năm 2024.

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng

10/12/2024 lúc 12:24

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam và khai mạc Triển lãm hội họa Lê Hữu Quỳnh

08/12/2024 lúc 15:03

TCCVO - Sáng nay 8/12, tại thành phố Đông Hà, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Trị phối hợp với Chi hội

Tạp chí Cửa Việt đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ X

03/12/2024 lúc 23:05

TCCVO - Tối ngày 3/12/2024, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Hơn 14.000 bức ảnh tham gia Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III

25/11/2024 lúc 23:57

TCCVO - Tối ngày 25/11/2024, tại Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (Đống Đa, Hà Nội) diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III . Cuộc thi do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

12/12

25° - 27°

Mưa

13/12

24° - 26°

Mưa

14/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground