Đ |
ô thị hóa nông thôn là quá trình tất yếu diễn ra không chỉ đối với nước ta mà còn đối với các nước trên thế giới, nhất là các nước châu Á. Nền kinh tế càng phát triển thì quá trình đô thị hóa nông thôn diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh chóng. Đô thị hóa nông thôn đã góp phần đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân vì thế ngày càng được nâng cao hơn.
Ở Việt Nam, quá trình đô thị hóa nông thôn từ sau Đổi mới đến nay đã làm thay đổi được diện mạo về cảnh quan làng quê, về đời sống của người nông dân. Nhiều ngôi làng khắp mọi miền đất nước đã trở thành phố, người dân vốn gắn bó với đồng ruộng bỗng chốc trở thành tỉ phú, nhiều khu công nghiệp, các khu chế xuất và các trung tâm dịch vụ mọc lên khắc nơi... Nhưng quá trình đô thị hóa nông thôn của nước ta cũng đang đứng trước những thách thức lớn khi tăng trưởng kinh tế không đi liền với phát triển bền vững. Mặt trái của quá trình đô thị hoá nông thôn cùng những tác động xấu của kinh tế thị trường đã và đang dần đánh mất đi nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp trong đời sống sinh hoạt ở nông thôn nước ta. Đằng sau những ngôi nhà cao tầng, biệt thự ở vùng quê “đô thị hoá” là những vấn đề nhức nhối như làm cho nông dân bị mất đất, phương pháp đền bù khi giải phóng mặt bằng, cách thức di dân, giãn dân, về cách thức bảo tồn các công trình văn hóa làng xã, về văn hóa ứng xử, đặc biệt là đạo đức, lối sống của một bộ phận nông dân không nhỏ đang có nguy cơ bị xuống cấp trầm trọng… Trước hiện thực như vậy đã tác động một cách mạnh mẽ và làm lay động trái tim của người nghệ sỹ thúc đẩy họ sáng tác. Những tác phẩm của họ không chỉ phản ánh một cách toàn diện về hiện thực “lịch sử của cuộc cách mạng” đô thị hóa nông thôn, mà còn là một món quà vô giá, rất bổ ích để động viên người nông dân lao động hăng say, tích cực tham gia vào xây dựng đời sống nông thôn mới. Nằm trong mạch nguồn chung đó, các cây bút tiểu thuyết viết về nông thôn đương đại cũng đã phản ảnh một cách chân thực và sinh động bức tranh nông thôn trong quá trình đô thị hóa qua những tác phẩm xuất sắc như Thời xa vắng (Lê Lựu), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Bến không chồng (Dương Hướng), Thủy hỏa đạo tặc (Hoàng Minh Tường), Dòng sông Mía (Đào Thắng), Ao bèo gợn sóng (Lê Trung Tiết), Ma làng (Trịnh Thanh Phong), Dòng chảy đất đai (Nguyễn Uyển)…
Hiện thực đời sống xã hội nông thôn Việt Nam trong quá trình đô thị hóa từ sau Đổi mới đến nay in đậm dấu ấn trong văn học nói chung, tiểu thuyết viết về đề tài nông thôn đương đại nói riêng. Người đọc sẽ bắt gặp hình ảnh nông thôn Việt Nam ở làng Chì trong Ao bèo gợn sóng (Lê Trung Tiết), xã Thượng Lâm trong Dòng chảy đất đai (Nguyễn Uyển) và một số tiểu thuyết khác với một diện mạo mới, có nhiều đổi thay trên bước đường đô thị hoá. Làng Chì (Ao bèo gợn sóng) từ khi có cơ chế mới, có phong trào xây dựng nông thôn mới đã đem lại những thay đổi về cảnh quan của làng quê nơi đây. Các con đường vào làng lát gạch được mở rộng, liên thông với làng xã khác, các khu công nghiệp được mở ra, vì vậy cuộc sống của người nông dân ở đây trở nên nhộn nhịp hơn. Đất đai của làng Chì trở nên sốt dịch, người dân trao đổi và mua bán đất đai trở nên sôi động, ráo riết hơn bao giờ hết: “Con đường lát gạch nghiên của làng Chì được đè lên bởi một lớp bê tông dày nửa gang tay chạy dọc từ chân đê đến tận cuối làng…, các ruộng thầu, ruộng khoán, ao công cộng được chuyển đổi tiền một cách quá đơn giản. Ao lớn được xắn ra thành nhiều ô cho thầu tới mười năm. Ruộng đồng trũng cho thầu tới mười lăm năm. Cánh bãi cũng được chuyển hóa thành tiền với thời gian thầu tới hai mươi năm… Hai hàng cột đèn cao áp chiếu xuống mặt đường sáng tỏa như sân khấu… Các ngôi nhà mái ngói cũ kỹ, rêu mốc được thay thế dần bằng những ngôi nhà hai, ba tầng cao ngất ngưởng” <7;tr.287>.
Nhờ chính sách đô thị hóa nông thôn được triển khai mà xã Thượng Lâm (Dòng chảy đất đai) có sự đổi mới khá toàn diện và có nhiều khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây được nâng cao. Sau những luỹ tre xanh, cây đa đầu làng, cây gạo ven sông giờ là những ngôi nhà cao tầng hiện đại, tiện nghi, những nhà nghỉ, quán karaoke mọc lên không ngớt: “Những nếp nhà sàn duyên dáng bắt mắt dựng trên khuôn đất sình lầy mới san lấp. Xen vào các nếp nhà sàn là những nhà gỗ hiện đại… Nép bên vệ đồi là ngôi nhà kiến trúc kiểu Tây phương cao vút, thoáng khí mà vẫn liên thông bện chặt… Theo đấy là những ngôi nhà nổi, nhà hàng dân dã nhưng không kém vẻ sang trọng; những món ẩm thực xưa xa, quê kiểng đậm chất “đặc sản” những quầy mua bán hàng nông sản, lưu niệm do người Thượng Lâm làm ra mộc mạc, thôn dã” <9;tr.248>. Người dân nơi đây vì vậy giờ vốn rất khác xưa, “họ đã là nông dân kiểu mới, có học, lại được tiếp cận với thông tin hiện đại”, được trang bị “vi tính và Internet” <9;tr.251>.
Thế nhưng, bên cạnh những thành tựu đạt được đó thì nông thôn trong quá trình đô thị hóa cũng đang có những tác động trái chiều, đang đứng trước những thách thức khi tăng trưởng kinh tế không đi liền với phát triển bền vững. Mặt trái của quá trình đô thị hoá cùng những tác động xấu của kinh tế thị trường đã làm ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân rất nhiều, trong đó tình trạng chênh lệch giữa tầng lớp giàu và nghèo là rất cao, dẫn đến sự phân cấp xã hội ngày càng sâu sắc, làm cản trở sự phát triển và đặt nước ta trước nguy cơ tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực và thế giới. Hiện thực đó xuất phát từ thực tế nông thôn Việt Nam đi lên từ đồng đất nên chủ yếu chỉ dựa vào sức lao động của người nông dân trong việc thay đổi diện mạo ở nông thôn. Với cảm quan hiện thực nhân đạo, các nhà văn Lê Lựu (Thời xa vắng), Nguyễn Khắc Trường (Mảnh đất lắm người nhiều ma), Đào Thắng (Dòng sông Mía)… đã “áp sát hiện thực” để “soi tận đáy nỗi khổ” (Phong Lê) của người nông dân với thực trạng đời sống còn nghèo khổ, lạc hậu nơi một số làng quê trên đất nước ta. Đồng thời các nhà văn còn cắt nghĩa, tìm hiểu và lí giải những nguyên nhân, dự báo những thảm trạng tất yếu của nông thôn trong quá trình đô thị hóa. Nhờ đó những vấn đề bản chất của hiện thực đời sống được soi tỏ, góp phần rung tiếng chuông cảnh tỉnh về đời sống của người nông dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Làng Hạ Vị (Thời xa vắng) hiện lên tất cả những đặc trưng cho bất kỳ một làng quê nào trên đất nước ta. Cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng, bám riết lấy làng Hạ Vị, một làng quê “nghèo xác xơ nhất thế giới”. Người nhà quê luôn phải đối diện với mối đe dọa thường trực của cuộc sống, luôn phải chống chọi với “nạn đói có nguy cơ loang bùng khắp xã”. Cảnh gia đình ông đồ Khang “từ trưa hôm qua đến giờ chưa có hạt gì vào miệng, ông cứ siết mãi sợi giải rút bện bằng đay tơ khiến cái bụng lép kẹp thót mài như dính ệp vào xương sống” <1;tr.5>. Ngay chính những gia đình có bát ăn bát để, phong lưu nhất cũng chỉ được “ngày hai bữa: bữa sáng rong riềng non tèo tẽo và bữa chiều cháo nấu lẫn với su hào, bắp cải, rau cải và khoai lang” <1;tr.305>. Căn nguyên của sự nghèo đói đó xuất phát từ thói quen của người dân làng Hạ Vị, là “thà bỏ ruộng chứ không bỏ nghề làm thuê”, trong khi đó “đất làng cũng tầng tầng phù sa trông ngon như những tảng thịt nạc, nhưng những người nông dân ở đây không cần đến đất. Nói đúng ra họ dửng dưng với cánh bãi bồi mênh mông màu mỡ” <1;tr25>. Chính lối sống thụ động, tư tưởng còn mụ mẫm, tinh thần chưa tiến bộ… nên làng quê Hạ Vị vẫn tiêu điều xơ xác, vẫn luẩn quẩn, vẫn đói khát, nghèo khổ vây quanh, không lối thoát. Ngay chính xóm Giếng Chùa (Mảnh đất lắm người nhiều ma) được ví như “cái nhân đường, cái nhị mật”, nổi tiếng “về cái sang cái giàu toàn xã”, ấy vậy người dân nơi đây đói đến cùng kiệt, “đói vàng cả mắt. Nhiều nhà nấu cháo phải độn thêm rau tập tàng. Nhiều nhà luộc chuối xanh chấm muối”. Nhiều nhà phải “sáng chế” ra mạt ngô, thứ ngô trước đây chỉ dùng chăn gà, để ăn trừ bữa” <4;tr.6>, khiến “cái cười lúc đói đã không ra tiếng, lại bóp cho héo quắt cả mặt, trông mà nẫu ruột… Những mặt người hao gầy, nhớn nhác hớt hải cứ tưởng như vội vã đi đâu, nhưng kỳ thực chẳng có gì, cứ ra vào quanh quẩn với cái bụng sôi èo èo” <4;tr.8>. Cái thiếu, cái đói, cái nghèo không loại trừ một ai, cả làng xanh xao trong đói kém: “Đám trai làng đang tuổi ăn, tuổi lớn như những chú nghé tơ, chân tay khềnh khàng chưa định hình, nhưng da thịt trông óp quá, mặt mũi thô gầy góc cạnh. Cái thiếu, cái đói hiện lên từ ánh mắt mệt mỏi đến nước da mai mái và cặp môi khô, cả hàm răng cũng khô. Tiếng cười thiếu ăn khô tông tốc” <4;tr.21>. Hiện thực ấy, bạn đọc còn bắt gặp cảnh người dân sống hai bên bờ sông Châu Giang (Dòng sông Mía) đói nghèo, cơ hàn, làm thuê quanh năm đầu tắt mặt tối, cả “xương máu của kẻ làm thuê đổ mồ hôi sôi nước mắt, thậm chí là làng xóm vẫn đói quay, đói quắt”. Sự khổ cực ấy khiến cả đại gia đình Khuê phải sống nhờ vào những thứ chỉ để dành cho bò, lợn ăn: “Thằng Khuê cuốc thêm cụm củ đao non, bới mấy gốc sắn tầu… Cây đao còn non, chưa xuống củ nên củ đao nhỏ bằng ngón chân, sượng sưng sỉa, chưa có tí bột nào. Gốc sắn tầu trồng ven bờ dậu còn non cây… đào lên mới chỉ có rễ to, chưa có ai dám gọi là củ, dài thõng thượt, cắn vào mồm nhai sồn sột như ăn thân chuối… Cái Vân cạo nồi quèn quẹt, vét được mấy thìa cháy cháo mỏng dính dưới đáy nồi, con bé xuýt xoa khen ngon, cho vào miệng nuốt chửng. Ăn cháo xong, Vân ngồi ăn củ đao và ăn sắn luộc với anh Khuê. Củ sắn… nhai không nhừ, nuốt vào mắc cứng ở cổ. Củ đao còn khó nuốt hơn, gân cổ ra nuốt, không thấy no… bụng sôi ong óc, cồn cào” <6;tr.254-255>. Thật đúng là “kiếp người bao giờ mới hết long đong lận đận vì miếng ăn” <6;tr.30>. Cảnh ngộ của người nông dân ấy lại nhắc nhở người đọc liên tưởng đến những cảnh đói nghèo tả tơi của gia đình chị Dậu trong Tắt đèn (Ngô Tất Tố), gia đình lão Hạc trong Lão Hạc(Nam Cao)…
Sự nghèo đói, miếng ăn không chỉ làm cho người nông dân khốn khổ, mà còn trở nên hèn hạ, bần tiện hơn, thậm chí còn đánh mất đi cả bản chất lương thiện, làm tha hóa nhân cách. Chính vì nghèo đói mà lão Quyềnh (Mảnh đất lắm người nhiều ma) làm bất cứ việc gì người ta thuê, không cần tính đến công việc nặng nhọc, cao thấp về cốt cán, chỉ cần có miếng ăn. Sống nơi làng quê tắt lửa tối đèn có nhau, nhưng người nông dân làng quê Hạ Vị (Thời xa vắng) lại đánh mất đi tình làng nghĩa xóm chỉ vì “chen lấn, tranh cướp nhau từng người chủ”, vì “bớt xén ăn xin, ăn nài nắm xôi, quả chuối, vốc lạc, nắm cháy, củ khoai lang” <1;tr.26-28>. Nhà anh Phán (Ao bèo gợn sóng) giàu có nhờ chắt chiu, nhận thầu khoán từ các công trình nông thôn hóa (Nhà văn hóa xã, Trường cấp hai, Trạm bơm tiêu úng…) đã “đập tan tành cái nhà cũ, dựng lên ngôi nhà cao ngạo nghễ, trên nóc có cánh quạt gió trắng lóa quay xoe xóe cả đêm”. Và sau ông Phán là “cơ ngơi của nhà ông Thập, Phó Chủ tịch xã, rồi đến các ông, các bà cán bộ có lương hưu”. Vì thế, những nhà như anh Đình chủ lò gạch, anh Sánh chủ máy xay xát, anh Cương chủ máy công nông cày ruộng có kém thua tức tối, ghen tị đã “dồn hết của nả vốn liếng, đòi bằng hết số nợ trong dân để mua gạch xây nhà cho đúng với chính danh”. Những nhà quá nghèo khó ức không thể chịu được vì “không thay đổi được nếp nhà xưa” nên “mặt cứ ỉu xìu như bánh đa dấn nước, đến chỗ nào cũng không dám nói to” <7;tr.288>. Nhưng “con gà tức nhau tiếng gáy chưa hại bằng con người tức nhau cái nhìn”, những gia đình như anh Phí, anh Thước, anh Ba, chị Ngo nghèo rớt mồng tơi, chạy ăn chưa đủ cũng “làm dự án vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp để xây dựng trang trại, mua bò, tậu trâu, nhưng cầm tiền ra khỏi cửa gọi ngay gạch, xi măng chở về ùn ùn, vật liệu, công xá chỗ nào chịu được là chịu. Cháo húp quanh công nợ trả dần, cứ biết là ở cửa cao nhà rộng là sướng, ra đường cũng mát mặt, thích nói sao thì nói chẳng có sợ bất cứ một thằng nào” <7;tr.289>. Cản (Thủy hỏa đạo tặc) - xã đội trưởng ăn trộm chùm chìa khóa kho lẻn vào trộm bao thóc giống của hợp tác xã để cứu đói năm miệng ăn của gia đình hắn. Chính cái đói khát, nghèo túng khiến chị Bé, anh Thọ (Mảnh đất lắm người nhiều ma) đã làm những việc phi nhân tính, đánh mất đi vốn có thật thà, chất phác của người nông dân: chị Bé “thả thuốc sâu vào nồi cháo” của chính người từng nâng đỡ chị; anh Thọ bị đổi thành tên Thó, đồng lõa với dòng họ ông Hàm đào mả cụ cố. Cũng vì nghèo khổ, miếng ăn nhưng chị Dậu (Tắt đèn - Ngô Tất Tố), Lão Hạc (Nam Cao)… vẫn giữ được nhân cách cao đẹp của mình trước cơn bão tố của hoàn cảnh.
Từ Đổi mới đến nay, nông thôn đã chuyển mình, đã có những mảng màu sáng, nhưng đâu đó vẫn hiện diện không ít làng quê, thôn xóm xác xơ, nghèo đói, tối tăm và lạc hậu. Như vậy, đời sống xã hội nông thôn đương đại có nhiều màu sắc mới mẻ, đồng thời cũng thu hẹp, khép lại tình yêu thương của con người dành cho nhau. Thực tế đau lòng đó được nhà văn Lê Lưu đề cập trong một lần hỏi chuyện tác giả: “Có một thời kỳ, thời xa vắng, người ta sống hào hùng, hồn nhiên, người ta quan tâm đến nhau, mong muốn giúp đỡ lẫn nhau”, còn cuộc sống bây giờ “đời ai người nấy lo, số phận ai nấy biết, người ta không cần quan tâm đến nhau nữa” <2; tr.550-551>.
Hiện nay, nông thôn nước ta đang đối mặt với một vấn đề phức tạp phát sinh từ quá trình đô thị hóa, đó là sự trì trệ, bẩn thỉu, tối tăm trong môi trường sống của người nông dân. Sự ô nhiễm về môi trường sống của người cũng được các nhà văn viết về đề tài nông thôn đương đại quan tâm, phản ánh. Môi trường sống ở làng Giếng Chùa (Mảnh đất lắm người nhiều ma), làng quê Hạ Vị (Thời xa vắng)... rất bẩn thỉu, tăm tối, ô nhiễm nghiêm trọng. Làng Giếng Chùa (Mảnh đất lắm người nhiều ma) là “nơi có lề thói nhất” nhưng “đường làng đầy rác rưởi và phân trâu phân bò. Đàn nhặng xanh bay đứng yên tại chỗ như những cái dấu chấm đen giữa thinh không dọc lối đi. Nắng đầu hạ đã lên một lúc lâu mà làng xóm vẫn trễ nải như con gà gật. Gió thổi vu vơ trên những lùm tre vàng xác, càng khiến những ngõ làng trống vắng đến ngẩn ngơ” <3;tr.8-9>. Nhà ông Đồ Khang (Thời xa vắng) tiếng nề nếp gia phong, anh em, con cháu làm quan to ở địa phương, huyện và tỉnh nhưng căn nhà năm gian mới xây lại “lợp cỏ tranh và lá mía lùn tịt khiến ai đã gọi là người lớn vào nhà đều phải cúi. Ba mặt và cửa của hai gian buồng xây kín như bưng. Ngày cũng như đêm phải cầm đèn, cầm đóm mới phải vướng, va đập. Gian bên phải đựng chum vại, vò, lọ, đồ ăn thức đựng và một cây sào tre treo dọc tường oằn xuống bởi đủ loại quần áo lẫn với bao tải và chiếu rách” <1;tr.44>. Người đọc cũng không khỏi chạnh lòng trước căn lều rách nát của lão Quềnh (Mảnh đất lắm người nhiều ma): “Trong chiếc lều thưng vách nứa ở ngã ba đầu làng, nắng chiều qua lớp cỏ tranh đã ải, thủng lỗ rỗ, nắng tưới khắp lên chỗ lão Quềnh nằm. Trên chiếc chõng tre ọp ẹp không mùng màn, lão Quềnh nằm duỗi dài thành một đống” <3;tr.9>.
Một vấn đề nhức nhối ảnh hướng của quá trình đô thị hóa nông thôn trong đời sống xã hội nông thôn hiện nay đặc biệt được các cây bút quan tâm sâu sắc nữa, đó là thực trạng suy thoái, băng hoại đạo đức, nhân cách của người nông dân. Đọc Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Lão Khổ (Tạ Duy Anh), Ma làng (Trịnh Thanh Phong)... chúng ta sẽ thấy một bộ phận người nông dân có lối sống thực dụng, chạy theo vật chất, xem quyền lực, đồng tiền là “chúa tể”, là thước đo tất cả, để rồi hãm hại, trù dập những người nông dân hiền lành, trung thực. Ở đây, cái ác không chỉ riêng cho một cá nhân nào, mà nó có nguy cơ loang bùng khắp thôn xóm, làng xã. Chính vì quyền lực và đồng tiền, Hiếu (Chuyện làng Cuội) đã táng tận lương tâm, đẩy mẹ mình đến cái chết và cũng từ đó khiến anh đánh mất hoàn toàn lòng tin ở thế hệ trẻ (như con của Hiếu). Người đọc chua xót trước hành động của Quàng (Mảnh đất lắm người nhiều ma) quyết định chôn cất người anh xấu số của mình bằng bó chiếu chỉ vì sợ tốn kém. Quyền lực và đồng tiền với sức mạnh của nó cũng như những vị kỉ của cá nhân đã len lỏi vào, che lấp các mối quan hệ thiêng liêng của gia đình, làng xã, hủy hoại dần những giá trị đạo đức cao quý, thiêng liêng mà cha ông dày công dựng xây. Chỉ vì gia đình, dòng tộc mà chú cháu ông Hàm đào mồ cha Phúc (Mảnh đất lắm người nhiều ma). Do dục vọng thấp hèn, vô đạo đức mà sau những cơn bộc phát bản năng, Lẹp (Dòng sông Mía) đã loạn luân với chị dâu và em gái mình. Và sa đọa hơn, vì lợi ích cá nhân mà cụ Chánh lấy nơi linh thiêng để làm nơi thỏa mãn lạc thú: “Không mấy ai được biết gian nhà dùng cho việc hành lạc xây phía sau điện thờ. Cụ Chánh thường nuôi mấy cô gái đồng trinh phòng có quan huyện hoặc quan Tây đi tuần thú ghé ngủ qua đêm” <6;tr.171>. Guồng quay nghiệt ngã của cuộc sống nông thôn trên bước đường hiện đại hóa đã làm xói mòn giá trị đạo đức của người nông dân. Qua lời phát ngôn của Côn với mẹ chồng: “Đánh đĩ rồi đi trôi sông” <6;tr.506>, “lúc nào cũng chính chuyên… nằm ngửa ra mời nó, chửa hoang có con, bây giờ mới lộ cái mặt ra! Lại vẫn chứng nào tật ấy, giờ sắp xuống lỗ rồi còn tí tởn, tí táu tí mẻ, sờ soạng, hú hí” <6;tr.478>. Sang, con của Khuê đã dành cho người cha của mình những lời tệ mạt, xấc xược: “Ông cút khỏi cái nhà này đi, nếu không tôi đánh ông chết ngay bây giờ” <6;tr.507>. Hay chỉ cần qua chi tiết điển hình trong Mảnh đất lắm người nhiều ma, sự phi nhân tính trong bản chất của người nông dân hiển lộ khi mọi trật tự đã bị đảo lộn và phỉ báng; con gọi bố bằng mày: “Địa chủ Đại, mày có biết tao là ai không? Dạ thưa ông tôi có biết ông, vì tôi đã trót đẻ ra ông?” <4;tr.27>.
Những góc khuất hiện thực đầy đau lòng trong quá trình đô thị hóa nông thôn đã được các cây bút tiểu thuyết viết về đề tài nông thôn đương đại mạnh dạn cảnh báo, quan tâm hăng hái chống lại cái xấu, cái ác, những ung nhọt đang còn tồn tại trong đời sống xã hội nông thôn với ước mong nông thôn nước ta ngày càng giàu đẹp, công bằng, dân chủ văn minh hơn.
Như vậy, xã hội nông thôn và người nông dân Việt Nam trên con đường đô thị hóa đã được các cây bút tiểu thuyết viết về đề tài nông thôn sau Đổi mới trực tiếp phản ánh một cách toàn diện, chân thực và sâu sắc. Bên cạnh một nông thôn Việt Nam đổi thay nhanh chóng về mặt vật chất và tinh thần, đó là sự hiện đại của một số vùng nông thôn, sự giàu có của một tầng lớp nông dân, thì nông thôn trong quá trình đô thị hóa cũng đã làm vỡ tung, đảo lộn nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp vốn dựng xây trước đó và cũng không ít vùng quê ngày càng xác xơ, nghèo khổ. Quá trình hiện đại hóa nông thôn là tất yếu khi chúng ta đang ở thế kỷ XXI: hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, chúng ta đừng bao giờ giẫm lên vết xe đổ của các nước đi trước khác và đừng bao giờ lãng quên nông thôn và nông dân.
B.N.H
_______________
Các tác phẩm tham khảo:
1. Lê Lựu (1986), Thời xa vắng, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội.
2. Lê Lựu (2002), Tạp văn, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
3. Dương Hướng (1990), Bến không chồng, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
4. Nguyễn Khắc Trường (1990), Mảnh đất lắm người nhiều ma, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
5. Hoàng Minh Tường (1996), Thủy hỏa đạo tặc, Nxb Văn học, Hà Nội.
6. Đào Thắng (2004), Dòng sông Mía, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
7. Lê Trung Tiết (2006), Ao bèo gợn sóng, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
8. Trịnh Thanh Phong (2007), Ma làng, Nxb Văn học, Hà Nội.
9. Nguyễn Uyển, (2011), Dòng chảy đất đai, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.