Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sự báo động khắc khoải từ một truyện ngắn

M

ột truyện ngắn nói riêng, một tác phẩm văn xuôi (không bàn tới thơ) nói chung được coi là hay, theo tôi cần có ba yếu tố cơ bản. Thứ nhất là cái hiện thực được khai thác và phản ánh, đi liền với nó là tư tưởng của người viết khi phản ánh hiện thực ấy, tức là cái thông điệp mà hiện thực ấy truyền đến người đọc. Hiện thực ấy có thể rất cá biệt, chưa mấy ai biết, hoặc chưa được văn học khai thác nhiều, mà cũng có thể là hiện thực rất phổ quát, đã rất nhiều tác phẩm đề cấp đến nhưng tới tác phẩm này nó lại lộ diện một khía cạnh mới, bất ngờ và sâu sắc. Thứ hai, là bút pháp, sự sáng tạo trong cách kể chuyện và dựng chuyện, sự hoàn chỉnh từ đầu tới cuối của một nghệ thuật viết truyện với những chi tiết đắt, sự sắp đặt các chi tiết ấy hợp lí, không ngẫu nhiên nhưng cũng không lộ ra sự sắp đặt, không thừa và cũng không thiếu. Thứ ba là văn. Thế nào là truyện có văn và văn hay. Vấn đề này các nhà lý luận văn học đã bàn nhiều. Theo cá nhân tôi, một truyện (cả truyện ngắn và truyện dài) được coi là có văn, là câu chữ như tự nó hiện ra một cách hợp lí và nhuần nhuyễn, không nhìn thấy bàn tay làm văn, câu chữ viết ra như vô tình, đôi khi tưng tửng, nhưng lại rất có hàm ý, người đọc cảm nhận được tâm địa, bản sắc, nỗi lòng của người viết và những ẩn dụ sâu xa trong từng câu chữ.

Truyện ngắn “Năm tôi bốn mươi chín tuổi” của tác giả trẻ Bùi Việt Phương ở chừng mực nào đó có được những yếu tố trên. (Tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn và Bút ký Tạp chí Cửa Việt 2018 - 2019)

Trước hết hãy bàn về giá trị hiện thực và tư tưởng của tác phẩm. Nếu chỉ đọc qua, có thể rất nhiều người không nhận ra được cái hiện thực mà truyện ngắn này đề cập đến. Thậm chí có thể nhận diện nhầm. Cái hiện thực được phản ánh ở truyện này là sự lạ hóacủa một xã hội. Lâu nay, khi khai thác đề tài hiện đại - được gọi là đề tài nóng - văn học tập trung nhiều vào những vấn đề đang rất phổ biến và bức xúc trong xã hội. Ví dụ như sự xuống cấp của đạo đức, là sự trỗi dậy của cái ác, sự thoái hóa của phẩm chất, băng hoại đạo đức lối sống hay tham ô, tham nhũng… Phản ánh được hiện thực ấy là cần thiết, hữu ích, tuy nhiên đấy chỉ là cành ngọn. Nói cách khác đấy chỉ là hệ quả của một hiện thực đáng báo động ở tầng cao hơn. Đấy là sự tha hóa của xã hội.

Đến đây, tôi thấy cần nói thêm một chút về thuật ngữ tha hóa. Rất xin lỗi những người đã hiểu rất rõ khái niệm này, tuy nhiên trên thực tế cũng không phải không còn có người nhầm lẫn. Họ nhầm giữa tha hóa với thoái hóa. Đâu đó ta vẫn còn bắt gặp những câu trong các văn bản viết là sự tha hóa biến chất của một số cán bộ… mà đáng ra phải viết là thoái hóa, biến chất. Thoái (hay là thối) có nghĩa là thụt lùi, đi lui, nó ngược chiều với tiến (tấn) là đi tới, đi lên. Còn tha (chữ Hán) là sự lạ, xa lạ, như ta vẫn dùng tha phương cầu thực (tới một phương trời lạ để kiếm ăn). Tha hóa là sự lạ đi tất cả mọi thứ.

Vì sao lại có sự lạ đi đấy? Theo Mác, khi ông nghiên cứu về Chủ nghĩa Tư bản thì nhận ra, sự tha hóa (với nghĩa xấu) chính là khuôn mặt thật của một xã hội lấy bóc lột thặng dư làm nguyên tắc sinh tồn. Ví dụ lao động vốn là bản năng sinh tồn của con người, nhưng khi lao động bị bóc lột thì con người bỗng thấy xa lạ với lao động, thậm chí chán ghét, trốn tránh nó. Rồi sản phẩm sáng tạo từ lao động của con người vốn là hiện thân của người đó (ví như tác phẩm là hiện thân của nhà văn), nhưng khi sản phẩm bị biến thành hàng hóa và bị bóc lột, cướp đoạt, thì người lao động cảm thấy xa lạ với chính sản phẩm của mình làm ra. Có thể kể ra nhiều ví dụ khác. Cộng đồng loài người sáng tạo ra Nhà nước và hệ thống quyền lực để điều chỉnh xã hội, nhưng rồi quyền lực của Nhà nước trở thành công cụ để cai trị, hà hiếp người dân. Đấy là tha hóa quyền lực. Hay một trong những sáng tạo vĩ đại nhất của loài người là sáng tạo ra đồng tiền, rốt cuộc, đồng tiền lại trở nên thứ thống trị họ, đưa xã hội đến tột cùng đau khổ. Thế nên con người lại thấy căm ghét, thù hận đồng tiền. Đấy là sự tha hóa của đồng tiền. Với xã hội Việt Nam hôm nay, tuy rằng mục tiêu của chúng ta là muốn xây dựng một xã hội bình đẳng và nhân văn, tuy nhiên, chúng ta đang buộc phải tuân theo quy luật phát triển xã hội, vẫn phải đi qua chặng đường phát triển kinh tế hàng hóa. Và như vậy, phải chăng, có một hiện thực rất khốc liệt mà xã hội ta đang đối mặt, đấy là sự tha hóa (là sự lạ đi tất cả) mà Mác từng chỉ ra đối với xã hội Tư bản? Và phải chăng, khi ta nói mặt trái của cơ chế thị trường chính là nói đến cái hiện thực tha hóa này?

Bây giờ xin quay trở lại với truyện ngắn “Năm tôi bốn mươi chín tuổi”.

Không gian truyện là một vùng đồi, đáng ra rất quen thuộc với những người vốn sống nhiều năm ở đó, nhưng tự nhiên lại lạ lẫm, cứ ngỡ như đang lạc vào một nơi nào đó không có thật, phảng phất cái không gian trong cổ tích. Người kể chuyện (ngôi tôi) không nhận ra cả đến những lối lên đồi, ngơ ngác trước một khu có nhiều biệt thự nghỉ dưỡng ngay sát nhà mình, đến cả những mảnh vườn trồng hoa, gặp một người sống trên đỉnh đồi rất gần với anh ta, nhưng anh ta lại cứ nghĩ như là một quái nhân hay đạo sĩ ẩn dật? Và chua chát hơn, anh ta xa lạ cả với những người thân nhất là vợ và con mình. Nhưng anh ta không phải là kẻ bị tâm thần. Anh ta rất bình thường, lại đang ôm ấp viết một cuốn sách lớn. Không nói rõ cuốn sách ấy là gì nhưng thoáng qua vài câu, người đọc có thể đoán đấy là một cuốn tự truyện. Và anh ta ngồi thiền, ngồi kiên trì. Ngồi thiền để làm gì? Qua vài câu thoại, người đọc hiểu, anh ta đang cố tìm lại tuổi trẻ, tìm lại những gì thân thuộc nhất, tìm lại chính bản ngã của mình. Rồi đến một buổi sáng của cái năm bốn mươi chín tuổi ấy, khi đang tập trung thiền thì anh ta thấy một con chó xuất hiện. Bất giác anh ta nghĩ rằng con chó ấy từ trong tiềm thức mình chạy ra. Anh liền đi theo con chó. Và đây có vẻ như là lần đầu tiên sau nhiều năm tháng ngồi thiền, anh ta rời khỏi nhà mình theo chân con chó lên đỉnh đồi, gặp con người chặt củi xa lạ kia, gặp cái khu biệt thự hoang vắng kia… Hãy nghe người nhặt củi có vẻ dị thường kia hướng dẫn cách thoát ra khỏi cái khu hoang lạnh này. “Cậu muốn đi tiếp thì phải luôn luôn rẽ trái, tuyệt đối không được rẽ phải. Thậm chí nếu gặp vườn hoa thì nhất định phải dẫm lên mà đi, không được tránh qua một bên.” Nghĩa là, anh ta cần phải hành động trái hẳn cái lẽ thông thường với đời sống. Anh ta đã tuân theo và tất nhiên nhờ đó mới về được nhà… Trong tất cả các nhân vật ít ỏi và rất sơ sài xuất hiện trong truyện, ta đều thấy rất xa lạ, lạnh lùng, ngay cả người giúp việc bên cạnh anh chàng ấy cũng chỉ như cái bóng, thi thoảng mới thấy anh ta nhắc tới một cách rất vô tâm. Thế rồi, qua lời kể của người kiếm củi trên đồi, người đọc bỗng nhận ra, trong truyện vẫn còn duy nhất một nhân vật không bị tha hóa. Nhưng chua xót thay, cái nhân vật vẫn còn biết mình là ai, mình cần phải làm gì, lại là một con chó. Nó là con chó của phường săn. Tuy lâu lắm rồi, phường săn không còn, nhưng con chó vẫn nhớ rõ bổn phận mình nên ngày ngày cứ lên xuống dưới xóm kiếm những miếng thịt tha về cho chủ. Than ôi, cũng vì còn nhận ra bổn phận, nên con chó mới gặp nạn. Nó quên lối đi qua vườn hoa là không được chạy băng qua, dẫm lên hoa mà phải tránh qua bên. Vì thế nó đã bị những mảnh sắt đâm đến nát chân, máu chảy đầm đìa. Cuối cùng, nó bị những chiếc xe chạy như trâu điên trên con đường quen dưới chân đồi cán chết. Mấy chiếc xe đó là xe của đơn vị đang xây dựng cái khu biệt thự kia. Tuyệt nhiên không có một dòng tỏ ra thương tiếc con chó trung thành ấy. Người ta nướng thịt nó lên nhậu, mùi thơm tràn lên cả vị trí của ngôi nhà có anh chàng ngồi thiền. Lại còn nghe tiếng người chủ trẻ của doanh nghiệp ấy dặn bọn tay chân, chú ý ông già tao, đừng để ông ấy chạy lung tung mà rồi phải chịu thiệt thân như con chó. Đến đó, người đọc mới ngã ngửa ra, người chủ trẻ ấy là con trai của nhân vật kể chuyện. Có vẻ như nhân vật đang ngồi thiền ấy cũng mơ hồ nhận ra, anh hỏi bà giúp việc, cái thằng trẻ kia có cái gì đó giống tôi thì phải? Đến đây mới thật sự bất ngờ với câu thoại khô khốc của người giúp việc: “Con không ra con, chỉ có tiền. Chồng không ra chồng, cái gì cũng quên”. Người đọc té ngửa, hóa ra cái người giúp việc kia là vợ của người kể chuyện.

Giờ thì xin trở lại từ đầu. Cái tên truyện “Năm tôi bốn mươi chín tuổi” có vẻ như lạc hẳn so với những gì xảy ra trong truyện? Không đâu. Đấy là sự cố ý rất thú vị của tác giả. Tại sao lại tuổi bốn chín mà không phải tuổi nào khác. Theo quan niệm Việt Nam, bốn chín lấy làm năm mươi. Mà năm mươi là tuổi: “Ngũ thập tri thiên mệnh”, là tuổi đã có thể ngộ ra mệnh trời. Với cái anh chàng đang có dự định viết cuốn tự truyện kia, sự ngộ ra đầu tiên chính là chợt tìm thấy, nhìn thấy chút gì đó còn sót lại trong bản ngã của mình, là cái thứ duy nhất không bị làm lạ hóa đi… Đấy là hình ảnh con chó còn nhớ tới chủ, tiếp tục làm cái công việc vì chủ! Tiếc thay, sự ngộ ra ấy đã nhanh chóng bị cái thực tại tiêu diệt. Con chó đã bị cán chết và làm mồi nhậu.

Một sự báo động đến khắc khoải về thực trạng xã hội đang bị tha hóa, là thông điệp sâu xa mà truyện ngắn này mang lại.

X.Đ

 

 

XUÂN ĐỨC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 300 tháng 09/2019

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

20 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

21 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground