Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sự khác biệt ở tác phẩm điêu khắc Hồ Uông trong dòng chảy mỹ thuật cả nước

N

ếu như ở phương Tây thế giới tự nhiên và con người được các nhà điêu khắc tái hiện một cách sáng sủa, chân thực và đầy đủ trí tuệ, thì ở phương Đông các nhà điêu khắc gửi gắm tác phẩm của mình một tấm lòng, một tâm sự, mượn sự tái hiện sự vật một cách tinh lọc để phát triển quan niệm của mình về con người và thế giới.

Những điều vừa nêu trên cho thấy rằng ở mọi thời đại, sáng tác một tác phẩm điêu khắc luôn luôn gắn liền với một quan niệm được dẫn dắt bởi một luồng tư tưởng chủ đạo nào đó. Một tác phẩm điêu khắc đồng nghĩa với lời giải thích của nghệ sĩ đối với con người và thế giới. Nó thể hiện một thái độ, một lối nhìn nhận của người sáng tác về cuộc đời.

Với Hồ Uông, một nhà điêu khắc người dân tộc Vân Kiều ở Quảng Trị đã vĩnh viễn ra đi về cõi vĩnh hằng nhưng ông để lại những tác phẩm về đời sống xã hội, đời sống tâm hồn, cõi tâm linh của người Vân Kiều thực sự sinh động được cả nước ghi nhận. Bằng tư duy sâu sắc của một người nghệ sĩ hết lòng cống hiến cho sự nghiệp nghệ thuật, Hồ Uông đã nhận được nhiều huy chương và giải thưởng mỹ thuật. Điều đáng nói là nguồn cảm hứng sáng tạo của ông đã phá bỏ cái khoảng cách chất lượng tác phẩm đối với mỹ thuật cả nước.

Có thể nhận thấy sự khác biệt giữa tác phẩm điêu khắc của Hồ Uông với tác phẩm điều khắc khác một cách rõ nét, đó chính là bố cục tượng thường sử dụng mô típ thẳng đứng, người chồng lên nhau, nằm trong nhau, đối diện với thực tại, với tình cảm của dân tộc. Đề tài là hiện thực cuộc sống, cao hơn cuộc sống là những ước mơ cháy bỏng về ý niệm sinh tồn, bộc lộ đầy đủ nhất diễn biến sinh động của chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Trong khi các đồng nghiệp của ông như Đinh Rú (TP Hồ Chí Minh), Hứa Tử Hoài (Thái Nguyên) đi tìm những mô típ ẩn chứa sự liên tưởng, sự chuyển động và biến thể của bố cục tạo nên vẻ đẹp đa dạng giữa khối hình và ý niệm; thì trái lại Hồ Uông cứ để suy nghĩ của mình sóng sánh sự trầm tư và hóm hĩnh trong mỗi đề tài. Bố cục tác phẩm vẫn là những cột thẳng đứng như phù điêu chạm nổi bốn hướng.

Cái khác biệt không kém phần quan trọng nữa là hình thức diễn đạt và mối quan hệ nhân vật. Hồ Uông biểu hiện mối quan tâm của mình về các nhân vật bằng sự cảm thông, gắn kết, cùng hoà hợp một nhịp đập trong ý niệm về huyết thống của một dân tộc, một dòng họ. Các nhân vật của ông không giao lưu tình cảm bằng ánh mắt, cái nhìn cụ thể như Nguyễn Khắc Nghi (Hà Nội), Lâm Quang Nới (TP Hồ Chí Minh); mà được ông khái quát diễn đạt mối quan hệ hợp lý trông ngồ ngộ, lạ lừng nhưng gần gủi, và tiềm ẩn một triết lý nhân sinh về tính ngưỡng dân gian, tạo nên xúc cảm nảy sinh do liên tưởng và toả ra từ phía các nhân vật. Có thể thấy điều này qua tác phẩm "Cộng sản trong bụng tôi", "Một cha hai con", "Đến với chữ Nội Hồ".

Mỗi nghệ sĩ tạo hình đều cố tìm kiếm cho mình một chỗ đứng trong dòng chảy mỹ thuật, mà ở đó là phong cách và khả năng diễn đạt nhạy cảm trong nhận thức của những thứ hiện hữu quanh mình. Sự kết hợp giữa không gian và sự phân chia khối tạo hình trên một trục đường thẳng được Hồ Uông tính toán chặt chẽ như nhằm tái hiện một cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ có tính thống nhất. Nghệ thuật  tạo hình cũng có thể dự báo tổng quát tham dự vào sự sinh hoá của vạn vật, con người. Đó là cái đạo sinh thành và sự sinh thành ấy là lớn nhất của trời đất, có khuynh hướng đi đến sự sống, và khuynh hướng ấy có tác dụng tạo nên ấn tượng cụ thể hợp với lòng người. Những điều đó không phải đơn thuần là thủ pháp, kỹ thuật mà vì yêu cầu biểu hiện của nội dung, chiều sâu tình cảm của nhà điêu khắc. Khối hình như ẩn trong tiềm thức, và như chập chờn giữa cảm xúc, nơi có con người - tình yêu - nụ cười - nước mắt. Phải yêu đân tộc Vân Kiều và yêu quê hương của mình lắm ông mới có thể tạo tác ra nhiều tác phẩm như "Khí thế Vân Kiều", "Mái nhà chung"... để biểu hiện thế giới nội tâm thông qua hình khối chân thực, có khi là gián tiếp, nhằm rung lên mối quan hệ khát vọng sống liên quan đến phong tục tập quán, hiện tượng tự nhiên trong tâm linh  người Vân Kiều mang lại một giá trị thẩm mỹ nhất định.

Người ta có thể thấy gió lướt trên một tác phẩm điêu khắc, hơi thở của đời sống, cảm thấy sự tìm kiếm nhịp điệu và bản thể thiên nhiên như tác phẩm chất liệu đá "Tiếng vọng" của Nguyễn Xuân Thành (Hà Nội), hoặc tượng xi măng "Trầu cau" của Hồ Thái Thiết (Bình Thuận); nhưng có thể trong mạch sáng tác của Hồ Uông một khía cạnh khác, khía cạnh đặc trưng dân tộc mà tác giả muốn thông điệp với mọi người. Suy cho cùng đi vào cuộc sống sáng tạo nghệ thuật nào cũng là bước chân vào cơn mộng mị. Không có tưởng tượng thì không thể có nghệ thuật và cần có trí tuệ hoá cảm thụ để khai triển những hiểu biết. Cái đẹp trong tác phẩm của Hồ Uông là cái đẹp giản dị mà vẫn gợi cảm, khoáng đạt, đôi khi như vụng về nhưng lại rất chừng mực, đúng độ, có quy tắc thống nhất và sống động. Tuy nhiên ông làm người ta ngạc nhiên bởi chuỗi sáng tác lặp đi lặp lại những mô típ hình tượng nhân vật, tạo ra những kiểu tình huống bằng sự thay đổi của cấu trúc khối và biểu tượng tâm linh; chính vì vậy đã hạn chế những biến đổi sức mạnh vật lý, sức mạnh vận dụng luật cảm giác chuyển động của hình thể trong điêu khắc. Ông từng phủ nhận tính đặc thù của hình thức, lại cho rằng những hình thức đó có hàm nghĩa tượng trưng riêng biệt. Trên thực tế hình thức một trong số tác phẩm của ông như "Giữ lấy công bằng", "Sinh tồn" là chức năng phối hợp với những nhân tố giữa nét đục và sự biến hình, giữa khối căng đầy và khối thủng để biểu thị sự vật, con người từ động biến thành tĩnh và ngược lại.

Ngôn ngữ điêu khắc của Hồ Uông bình dị, không hào nhoáng, nhưng qua cách thể hiện trở thành một bản sơn ca tràn đầy sức thuyết phục. Với các tác giả điêu khắc khác điều quan trọng không phải là hình thức tạo chất này hay hình thức tạo chất nọ, họ cũng không  phải nhặt nhạnh những mảng đơn lẻ của truyền thống, mà là đối mặt với những vấn đề của chính mình để sáng tạo nghệ thuật một cách cụ thể từ đời sống hiện thực.

Từ ngôn ngữ tạo hình thấy sự khác biệt rõ nét nhất trong phong cách của nhà điêu khắc Hồ Uông là phương pháp đục gỗ tạo chất ma-che. Các nhà điêu khắc trong nước đều thừa nhận ông có cách đục gỗ tạo chất khá đặc biệt, những vệt đục theo chiều dọc nhỏ, có khi là chiều ngang, chiều cong theo cấu trúc của khối, nét đục nông và mảnh dẻ, đều đặn, gợi cảm hứng, ám ảnh dày vò mảnh liệt về tâm lý và về nhận thức đã được ông pha trộn với nhau để thể hiện. Nét đục tạo chất của Hồ Uông gợi cảm giác nóng ấm, thích hợp với con người của ông trong quá trình đi tìm tòi khám phá đối tượng miêu tả. Với cách tạo chất này mặc nhiên Hồ Uông khác với nhiều người, mà rõ nhất là Phạm Văn Định (Hà Nội) với cách tạo chất bóng bẩy, Bùi Nam (Quảng Ngãi) với nét đục tròn lẵng có sự kết hợp thô nhám, Phan Hùng (Cao Bằng), Đinh Thanh (Lâm Đồng) để lại những nhát đục mịn nhưng góc cạnh...

Cái gì là hạnh phúc của người làm nghệ thuật? Đó là được chia sẻ qua tác phẩm, niềm vui cũng như nỗi buồn và qua đấy luôn mong có được sự đồng cảm để đỡ bị cảm thấy cô đơn trong công việc. Khi sáng tác Hồ Uông vừa tìm cách bộc lộ, giải bày, trút bỏ gánh nặng tình cảm, tư tưởng chất chứa tràn ngập trong lòng để tìm mối liên hệ giữa chất thô ráp sần sùi, chảy dài những sọc nhỏ và khối cao thấp xen kẻ tạo sự ước lệ bằng phương pháp đặc tả trực diện. Ông thường lấy ý tưởng chủ đạo của tác phẩm trực tiếp nói lên tiếng nói của mình bằng nhiều cách hiểu khác nhau tuỳ theo người thưởng ngoạn. Có thể đó là một chút khát khao về cuộc sống thanh bình, không có chiến tranh, không có hận thù, môi trường thiên nhiên không bị huỷ diệt bởi con người. Có thể đó là những đồ vật biểu tượng của dân tộc Vân Kiều ẩn chứa những ý nghĩa khác biệt với các dân tộc khác trên bình diện cả nước. Và cũng có thể đó là những con vật quen thuộc có ích cho con người, hoặc những mầm xanh và hoa trái rừng ngọt ngào.

Ước vọng cháy bỏng ngàn đời của người xưa là mưa thuận gió hoà, mùa màng và cả con người sinh sôi nảy nở. Trong đời sống sinh hoạt của người dân tộc Vân Kiều ở miền Tây Quảng Trị có rất nhiều nghi lễ truyền thống hết sức tâm linh gắn liền với phong tục tập quán của họ. Một trong những nghi lễ đó có lễ "Rapựp" là một lễ "Phong thần" cho những người đã mất. Đây là một nghi lễ mang nét đẹp văn hoá truyền thống từ bao đời nay của người Vân Kiều giữa đại ngàn trường sơn hùng vĩ. Hồ Uông đã phần nào ảnh hưởng nghi lễ của sự đền ơn đáp nghĩa ấy, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, về sự tồn tại vĩnh hằng của những người Vân Kiều trong đời sống hôm qua và hôm nay. Có thể thấy rõ điều này qua tác phẩm điêu khắc gỗ "Tục trực nhà mồ" của ông; người ta thấy lần đầu tiên ông sử dụng hai nhân vật tách rời nhau, chỉ nối hai nhân vật lại với nhau bằng một linh cữu linh thiêng, biểu tượng của cõi tâm linh thần thánh. Cũng vẫn thế đứng thẳng theo trục nhưng ảnh hưởng nhiều đến phong cách tượng nhà mồ của người dân tộc Vân Kiều. Để làm được tác phẩm này, ông đã phải lặn lội lên ngược miền Tây Khe Sanh- Quảng Trị ở lại nữa tháng trời để nghiên cứu, tìm hiểu cội nguồn tín ngưỡng của người Vân Kiều trong nghi thức lễ "Phong thần". Trở về nhà, ông sáng tác nhóm tượng hai người được khái quát, cô đọng tối đa, không có tay chân, không có quần áo cụ thể. Hai chân dung là tiêu biểu cho phong cách độc đáo của ông, được cắt khối khúc chiết, góc cạnh, tình cảm đã tạo cho nhóm tượng một vẻ vừa mạnh mẽ, vừa gần với chất huyền bí tâm linh, gợi trí tưởng tượng. Nghệ thuật của ông không quan tâm nhiều đến cái đẹp duy mỹ hoặc một tinh thần hoài cổ, nệ thực, mà quan tâm đến yếu tố dân gian, dân tộc, hiện thực của đời sống đương đại. Trên một số tác phẩm có kích thước gỗ nhỏ, ông đục theo ngẫu hứng nhất thời mà không có sự chuẩn bị, nghiên cứu thật thấu đáo, chính vì thế đã tạo nên sự khiên cưỡng; và đây cũng chính là sự khác biệt với đồng nghiệp.

ở một khía cạnh khác, ông là con người có suy nghĩ độc lập và lối sống quy cũ. Ông không bị phụ thuộc vào việc tìm kiếm người mua tượng, ông có thể sống cống hiến cả cuộc đời mình cho việc giải quyết những vấn đề ông đã tự đặt ra trong nghệ thuật và ông cũng biết có thể nó sẽ thất bại. Lúc còn sinh thời, ông không phải là ngưòi ham thích bàn cãi về lý thuyết, nhưng khi uy tín của ông trong số ít những người hâm mộ ông tăng lên, thì ông cũng giải thích với họ bằng một vài lời về những gì ông muốn làm. Một trong những điều ông lưu ý là tác phẩm phải nêu bật được tính Đảng, tinh thần cách mạng đổi mới trong nhận thức với cuộc sống xã hội đương thời. Những tác phẩm của ông để lại cho đời không nhiều nhưng đầy sức thuyết phục bởi ông đã từng có một tấm lòng say mê như thế.

Hình tượng nghệ thuật có giá trị không chỉ ở phần nội dung mà việc xử lý kỹ thuật tạo chất, giải quyết một loạt các vấn đề trên tác phẩm không phải là chuyện dễ dàng. Đòi hỏi mỗi một nhà điêu khắc phải có sự cần mẫn liên tục, để tạo ra hình khối trong tâm thức và thực tại.

Xuyên suốt quá trình sáng tác của nhà điêu khắc Hồ Uông rõ ràng đã có cách nghĩ, cách thể hiện phong phú, nhạy bén, giàu lòng yêu quê hương, giữ gìn bản chất hiền hoà, giản dị của người dân tộc Vân Kiều, kiên định quan điểm trong sáng tác, có ý thức vượt lên chính mình góp phần tạo dựng những nét riêng trong dòng chảy mỹ thuật và đời sống hôm nay. Gần đây các nhà điêu khắc trong nước và nước ngoài đang phản ánh lại những mối bận tâm triết học của thời đại. Đây là vấn đề của phong cách, của cấu trúc tạo hình. Điêu khắc hiện đại cũng có sự chuyển biến ở dạng siêu thực không rõ hình, chỉ có khối chuyển động và chất liệu tạo ra khối ấy cũng vô cùng phong phú. Đó là sắt thép, inox, thuỷ tinh, compozit, than đá... Chính sự phong phú chất liệu này đã tạo cho tác phẩm điêu khắc một đời sống độc lập của riêng nó.

Bức tượng nếu có cuộc sống riêng của chính nó, phải khởi đầu bằng cách trở thành một đơn vị không thể chia cắt được. Mỗi một phần của nó đều quan trọng như nhau. Tất cả những phần đó phải được thể hiện cùng một lúc như một tổ chức chính thể. Hồ Uông được người ta nhớ đến bởi sự khác biệt ở tác phẩm điêu khắc, mang đầy đủ những tâm trạng, cảm xúc và ý nguyện của con người với những quan điểm triết học, tôn giáo, mối quan hệ ứng xử phương Đông ẩn dụ huyền bí. Phải chăng đây cũng là vấn đề dân trí mới? Nhìn ở góc độ nào thì ở đó từ cái đẹp vẫn toát lên những dụng ý gửi gắm, nhắn nhủ khiến người ta khi bắt gặp phải suy tư, cũng như thúc đẩy nếp nghĩ ở một số tầng lớp trong xã hội vốn dĩ ít quan tâm đến nghệ thuật.

Tìm tòi sáng tạo trong nghệ thuật là một yêu cầu khách quan, là ý thức, là tự thân có tính chất tự nguyện, là nguyên tắc của những người lao động nghệ thuật chân chính, Hồ Uông đã tạo cho mình một hướng đi riêng, tác phẩm của ông sẽ tự toả sáng, khắc được dấu ấn cùng với mỹ thuật cả nước./

                                                                                                              T.H.T

Trịnh Hoàng Tân
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 136 tháng 01/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground