Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sức mạnh lưu giữ của ảnh tư liệu

 

Nói đến nhiếp ảnh, tưởng như một công việc rất đơn giản, chỉ cần đưa máy lên bấm là xong, nhưng nếu phân tích kỹ thì có rất nhiều vấn đề để bàn. Trong ngành nhiếp ảnh hiện nay có khá nhiều thể loại như: ảnh nghệ thuật, ảnh báo chí, ảnh tư liệu, ảnh đường phố, ảnh ý niệm… Mỗi thể loại đều mang một ý nghĩa, một mục đích khác nhau. Bởi vậy việc xác định rõ các thể loại trong nhiếp ảnh là vấn đề rất cần thiết đối với những người quan tâm đến loại hình nghệ thuật này.

Có thể nói, ảnh tư liệu rất gần gũi với thể loại ảnh báo chí. Thực ra bản chất hai dòng này không khác nhau nhiều và đến nay nó không có một ranh giới cụ thể nào để xác định mà chỉ khác nhau về phương pháp thể hiện mà thôi. Nhìn chung, đó là cách kể chuyện bằng ảnh, ghi lại các sự kiện đã diễn ra trong từng thời điểm, theo dõi việc phát triển, đổi mới của những sự vật cụ thể hoặc các lĩnh vực văn hóa, kiến trúc, xây dựng, nghệ thuật, đời sống, chính trị, xã hội…

Xưa nay, có rất nhiều phóng viên ảnh, nhiều nhà sưu tầm đã đi theo dòng ảnh tư liệu. Họ rất có ý thức về bảo quản, sắp xếp cẩn thận theo từng thời gian chụp, từng địa điểm hoặc từng sự kiện… Song, một phần vì ít cơ quan, đơn vị cần đến hoặc không biết cụ thể người chụp và người lưu giữ, lại thêm khí hậu khắc nghiệt, cơ sở bảo quản chưa đúng kỹ thuật nên loại ảnh này chưa thực sự được xem trọng.

Ảnh tư liệu không dành cho những người hời hợt, ít quan tâm. Bởi theo đuổi nó, vừa mất tiền, tốn sức, lại vừa mất thời gian, phải chăm chú, yêu thích nó thì mới theo đuổi được. Giá trị của ảnh tư liệu là ở thông tin, nó là phương tiện để bày tỏ suy nghĩ, quan điểm cá nhân của mình trước cuộc sống, dù những bức ảnh đó hướng đến xã hội hay cá nhân riêng tư thì bản chất nó là kể chuyện thay lời. Nó có sức mạnh lưu giữ đặc biệt, là loại ảnh không chỉ của hôm nay mà còn là của mai sau. Có thể xem đây chính là việc biên chép lại lịch sử mà không cần văn tự.

Khi chúng ta xem những bức ảnh tư liệu ngày xưa cảm thấy rất quý, bởi vì người xem nhìn thấy được sự thay đổi của quá khứ qua thời gian. Ảnh tư liệu bây giờ cũng sẽ như vậy. Thế hệ trẻ sau này sẽ hiểu hơn về cuộc sống, quê hương, đất nước thông qua những tác phẩm hiện tại. Ảnh tư liệu có giá trị lịch sử, hay nói một cách chính xác hơn, nó là một nhân chứng của thời gian.

Năm 1972, tôi bắt đầu tự học nghề ảnh, bằng cách đến các cửa hiệu thuê máy để chụp. Không phải lúc nào cửa hiệu cũng có máy cho mình thuê, mà máy cho thuê thì không được ngon lành nhưng biết làm sao được khi mình chưa làm ra tiền để sắm. Tay nghề được phát triển lên từng ngày, từng tháng, tôi học thêm qua sách, bạn bè và ở các bậc đàn anh đi trước rồi dần dần tự đúc rút kinh nghiệm để đi chụp. Máy cơ chụp bằng phim cuộn đen trắng lúc đó quá rắc rối chứ không phải như kỹ thuật số bây giờ. Nào tốc độ, khẩu độ, màn trập, độ nhạy sáng, cự ly… rất phức tạp. Mỗi loại phim và giấy in ảnh của các nước khác nhau thì độ nhạy sáng cũng khác nhau. Tùy theo độ nhạy sáng, ánh sáng bên ngoài khi chụp, chụp đèn pha hay chụp ánh sáng trời, chụp buổi sáng, buổi trưa hay buổi chiều, chụp ngoài nắng hay trong bóng mát… khi chụp phải điều chỉnh độ chớp, tốc độ, khẩu độ ống kính cho phù hợp để có bức ảnh đẹp, được rõ ràng, sắc nét, không đen quá và cũng không trắng quá.

Lúc đã thành thạo với máy ảnh xong, tôi học cách phối cảnh. Một bức ảnh dù chụp cái gì cũng phải bảo đảm bố cục có đầy đủ các yếu tố tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh thì tác phẩm đó mới đẹp, mới có tính nghệ thuật cao.

Cuối cùng tôi lại tiếp tục tự học cách pha chế hóa chất tráng phim, làm ảnh, sửa phim, in, phóng ảnh, tô màu, ghép ảnh… Công việc buồng tối thời bấy giờ rất hiếm, mua được một máy phóng ảnh không phải chuyện đơn giản, lại còn phải thiết kế một phòng tối trong nhà để làm nghề. Sau khi ảnh được chụp về là phải tự hoàn thiện hết tất cả các công đoạn, không phải như bây giờ đã có máy in, phóng ảnh kỹ thuật số hiện đại rất thuận lợi.

Những năm sau, khi học ở trường Mỹ thuật Huế, có nhiều chuyến đi thực tế về các công trình xây dựng, các công trường, nông trường, nhà máy, vùng nông thôn... tôi đã chụp ảnh hoạt động thời sự để cộng tác với các báo. Lúc ra trường được về công tác ở một đơn vị thường xuyên lưu động nên càng có điều kiện hơn để thực hiện ảnh tư liệu, báo chí. Ngoài việc chụp ảnh cộng tác với các tòa soạn báo, ảnh còn hỗ trợ cho tôi trong ngành mỹ thuật, khỏi phải ký họa như lúc đang học ở trường.

Năm 1989, tỉnh Bình Trị Thiên tách ra, Quảng Trị được lập lại, tôi trở về với quê hương để tiếp tục công tác. Nhà Văn hóa Trung tâm nơi tôi làm việc lúc đó là đơn vị chủ lực để thực hiện các cuộc triển lãm của tỉnh, may mắn rằng tôi được đặt đúng vị trí để làm công việc này. Thị xã Đông Hà những ngày đầu được trở thành trung tâm tỉnh lỵ còn rất ngổn ngang, bề bộn, cơ sở vật chất thiếu thốn, đường sá, nhà cửa, công sở chưa có quy hoạch rõ ràng. Tôi cầm máy để ghi lại những khoảnh khắc khó khăn lúc đó, qua từng tuần, từng tháng, rồi từng năm thị xã Đông Hà cũng như các huyện, thị khác trong tỉnh đã dần dần thay da đổi thịt, phát triển một cách nhanh chóng. Tôi cứ mải mê chụp những bộ ảnh giá trị cho các báo cũng như các cơ quan cấp tỉnh lúc bấy giờ. Ngày đó, Báo Quảng Trị chưa có phóng viên ảnh chính thức nên tôi là cộng tác viên đắc lực, hầu như số báo nào cũng có ảnh được sử dụng. Đúng một năm sau ngày tỉnh nhà được lập lại, một cuộc triển lãm thành tựu của quê hương được trưng bày, những tác phẩm của tôi cũng trở thành chủ lực. Năm sau đó Hội VHNT tỉnh đưa một phòng ảnh của quê nhà vào triển lãm tại TP Hồ Chí Minh để giới thiệu với bà con đồng hương biết những thay đổi cụ thể nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Năm 1991 tôi được chuyển công tác về tạp chí Văn hóa (sau này nhập với tạp chí Cửa Việt) để làm hai việc, vừa phóng viên ảnh vừa phụ trách mỹ thuật của đơn vị. Được làm nghề mình yêu thích, được đào tạo đúng hướng là quá hạnh phúc, tôi cố gắng hết sức mình để thực hiện những dự định mà lâu nay hằng ấp ủ.

Cứ mỗi công trình mọc lên, mỗi con đường được hình thành, một điều gì đổi mới, tôi đều ghi lại để làm tư liệu. Không những thế, tôi còn đi đến các nơi như: Thông tấn xã Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, những phóng viên chiến trường đang sống ở các tỉnh, thành trong nước đã một thời lăn lộn trên mảnh đất Quảng Trị trong chiến tranh chống Mỹ, sưu tầm trên báo chí quốc tế và trong nước để tìm ảnh tư liệu về dùng cho tạp chí mình, đồng thời lưu giữ lại.

Tôi cũng có cơ may được cung cấp ảnh cho Bộ Văn hóa Thông tin, Bảo tàng xe Tăng và Thiết giáp, Bảo tàng Đường Trường Sơn (Bộ Quốc phòng), Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Cục Thống kê, Bảo tàng tỉnh, Công an tỉnh và rất nhiều ban ngành liên quan khi cần đến các tư liệu.

Cứ hàng năm, tôi lặn lội đi chụp những cái mới để thấy được sự phát triển nhanh chóng của tỉnh nhà, năm sau lại khác năm trước, nhất là từ khi Đất nước đã hội nhập với quốc tế thì mọi sự thay đổi cứ theo chiều hướng đi lên. Kho ảnh của tôi cứ vậy mà càng ngày càng nhiều thêm, càng phong phú thêm.

Những năm về trước, khi ảnh kỹ thuật số chưa phát triển, tôi phải phóng ra ảnh để lưu giữ, đồng thời lưu cả phim, sự kiện nào tách riêng sự kiện đó, niêm phong kỹ và ghi chú rõ ràng để lúc cần đến khỏi phải tìm kiếm mất thời gian. Sau này khi có công nghệ hiện đại tôi vừa lưu ở máy tính, vừa lưu ở ổ cứng và vừa phóng ra ảnh cụ thể.

Chẳng biết ở các cơ quan lưu trữ, người ta bảo quản ảnh tư liệu bằng cách nào, riêng tôi cất giữ ảnh khác với mọi người, tôi dùng các thùng đạn “đại liên 50” của Mỹ thời trước, cho ảnh vào, không cần lót giấy, hạt chống ẩm hoặc chất diệt mối mọt. Thùng này có đặc điểm rất kín, nhờ vào bộ roang xiết chặt nên rất an toàn, ảnh của tôi không bị hư hỏng mặc dù đã trên dưới 30 năm qua.

Thiết nghĩ rằng, ảnh tư liệu là dòng ảnh dựa trên trải nghiệm người thực, việc thực, không sắp đặt, lắp ghép, hư cấu. Giá trị của ảnh tư liệu không theo nghĩa thông thường, nó đã truyền tải được một nội dung đúng như người chụp muốn làm và thể hiện sinh động, bản chất của ảnh tư liệu được ghi lại từ cuộc sống, từ những hoạt động thường ngày trong xã hội, một xã hội luôn phát triển theo chiều hướng tốt. 

                                                                                                          H.T.T

HỒ THANH THOAN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 309

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground