Riêng nghệ thuật múa trống Chhay-dăm của người Khmer (xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành) tỉnh Tây Ninh, với những nét đặc sắc riêng biệt, đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2014.
Biểu diễn múa trống Chhay-dăm của đồng bào Khmer ở Tây Ninh tại Liên hoan Văn hóa Nghệ thuật dân gian Việt Nam năm 2023 diễn ra tại TP.HCM vào tháng 4 vừa qua
Cũng như các hình thức trình diễn dân gian khác, múa trống Chhay-dăm được hình thành trong quá trình lao động, lưu truyền trong dân gian mà các tác phẩm không có tác giả (khuyết danh), bài bản cho nhạc khí (dân nhạc) thì không có bản phổ ký âm. Tuy nhiên, cộng đồng - nhóm người sử dụng trống Chhay-dăm cam kết thực hiện việc lưu giữ, thường xuyên sáng tạo, truyền dạy cho con cháu.
Ngày nay tại các nhà văn hoá dân tộc, trong các lễ, tết của đồng bào dân tộc Khmer (như Chol Chnam Thmay, Dolta, Ok Om Bok…), Hội yến Diên trì cung của Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, tại các thiết chế văn hoá từ tỉnh đến cơ sở, trong các liên hoan, hội thi, hội diễn, múa trống Chhay-dăm thường tham gia biểu diễn và đãđể lại nhiều tình cảm tốt đẹp cho người xem.
Múa trống Chhay-dăm là hình thức múa tập thể, không hạn chế số lượng (có đội vài chục người). Cái hay ở đây là các thành viên trong cùng một đội không giấu nghề, luôn truyền dạy và cùng nhau cố gắng biểu hiện thật hay, qua các điệu múa trống thể hiện sự đoàn kết. Khi tiếng trống vang lên hầu như xua tan bao nỗi buồn phiền, mệt mỏi, tất cả chào đón những điều vui vẻ, tốt lành.
Trước đây, việc truyền dạy cho các học viên do NNƯT Trần Văn Xén (xã Long Thành Bắc) phụ trách. Gần chục năm nay, việc gìn giữ và lưu truyền nghệ thuật biểu diễn này còn có thêm nghệ nhân May-Sym.
Chia sẻ về bộ môn nghệ thuật độc đáo múa trống Chhay-dăm của đồng bào Khmer, NNƯT Trần Văn Xén (sinh năm 1957) cho biết: Năm 1969, ông được học bộ môn này từ thầy là Phối Sư Thái Chia Thanh (Toà Thánh Tây Ninh). Từ đó đến nay ông đã đi nhiều nơi, giao lưu với nhiều anh em cũng yêu thích môn múa trống Chhay-dăm để từ đó tạo ra những điệu múa mới mẻ, khác biệt, là bản sắc riêng của đồng bào Khmer ở Tây Ninh.
Sau nhiều năm NNƯT Trần Văn Xén tìm tòi học hỏi, nghệ thuật múa trống Chhay-dăm của người Khmer ở Tây Ninh giờ đây đã phát triển không chỉ với những bài múa bộ nhất, bộ nhị, bộ tam, bộ tứ mà đã lên tới bộ ngũ (múa đơn, múa 2, múa 3, múa 4, múa 5) cùng những động tác khó hơn, mang đến cho người xem nhiều trải nghiệm hấp dẫn, thú vị và đẹp mắt. Ông Xén hiện nhận dạy bộ môn này cho những học trò mới rất nhỏ tuổi, với hy vọng đây sẽ là những mầm non tương lai lưu truyền và tiếp tục phát triển môn nghệ thuật dân gian nhiều ý nghĩa này. Những “nghệ nhân nhí” của ông Xén cũng là những mầm non đầu tiên được nhận học bổng từ Quỹ học bổng “Ươm mầm nghệ thuật”, tại Liên hoan Văn hóa Nghệ thuật dân gian Việt Nam năm 2023 diễn ra tại TP.HCM vào tháng 4 vừa qua.
Còn nghệ nhân May-Sym (sinh năm 1964, dân tộc Khmer), cho biết ông học múa trống từ lúc 14 tuổi, từ nghệ nhân Cao Văn Chia (đã mất). Tính đến nay ông đã hơn 30 năm theo nghề, hiện ông là Phó chủ nhiệm Nhà Văn hóa dân tộc Khmer ấp Trường An, xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh(địa danh này còn có tên dân gian gọi là Bàu Ếch).
“Đội trống Chhay-dăm ở Bàu Ếch hình thành từ rất lâu, các thành viên thay đổi khá nhiều, có nghệ nhân không còn nữa, nhưng đội trống luôn truyền dạy lẫn nhau, giữ gìn các động tác múa trống truyền thống và trong quá trình hoạt động đã có cải biên cho phù hợp.Đội trống lúc đầu hình thành chủ yếu múa trong các dịp lễ, tết, lễ cúng, đón rước thần linh,… dần dần các điệu múa trống xuất hiện trong các chương trình sinh hoạt cộng đồng: họp, sinh hoạt của bà con trong phum, sóc dân tộc Khmer”, nghệ nhân May-Sym chia sẻ.
Các thanh thiếu niên người Khmer ở xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành (Tây Ninh) trong một buổi tập luyện múa trống Chhay-dăm
Tại Nhà văn hoá dân tộc Khmer ấp Trường An hiện có 2 đội trống Chhay-dăm đang hoạt động khá thường xuyên, số lượng mỗi đội từ 10 người trở lên, diễn viên lớn tuổi nhất 60 tuổi, nhỏ tuổi nhất 10 tuổi, có những em nhỏ từ 6 đến 8 tuổi đang theo học. Hai đội trống này thường xuyên được mời đi biểu diễn.
Ngoài đội trống nói trên, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều đội trống với hàng trăm người biết múa, một số đội trống tiêu biểu như: đội trống Chhay-dăm Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, đội trống xã Trường Tây, đội trống xã Trường Đông, đội trống xã Long Thành Bắc, đội trống thị xã Hoà Thành,…
Ngày nay không chỉ có dân tộc Khmer biết múa mà nhiều diễn viên dân tộc Kinh và một số dân tộc thiểu số khác như Tà- Mun, Hoa,… sống trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cũng tham gia, có diễn viên gần 70 tuổi cũng có diễn viên trong độ tuổi nhi đồng. Đa phần người tham gia thích tập múa trống vì tiếng trống nghe vui tai, động tác múa trống linh hoạt, uyển chuyển, thể hiện sự mạnh mẽ, phấn khởi và quyết tâm.
Múa trống Chhay-dăm không chỉ có ý nghĩa văn hóa mà còn là một phần quan trọng trong việc duy trì và phát triển truyền thống của người Khmer. Đó là một cách để giới thiệu và quảng bá văn hóa của người Khmer đến với các cộng đồng dân tộc bạn, giúp tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân địa phương.Đó còn là cách để giới thiệu và quảng bá văn hóa của người Khmer đến với cộng đồng các dân tộc bạn.
Để nghệ thuật múa trống Chhay-dăm được bảo tồn và phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cần đẩy mạnh hoạt động truyền dạy, tăng cường chính sách đãi ngộ với lực lượng nghệ nhân, từng bước đưa múa trống Chhay-dăm vào học đường, vận dụng các điệu múa trống Chhay-dăm vào hoạt động thông tin lưu động. Đặc biệt, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục quảng bá, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giá trị của nghệ thuật múa trống Chhay-dăm, gắn múa trống Chhay-dăm với phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh.