Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sức vẫy gọi của một vùng văn học

Q

uảng Trị - vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, truyền thống đấu tranh cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến, Quảng Trị là nơi xảy ra cuộc đụng đầu quyết liệt với kẻ thù là nơi chứng kiến những đau thương, mất mát lớn lao nhất mà chứng tích còn lưu lại đến ngày nay như huyền thoại. Và tất cả được văn học nghệ thuật lưu giữ một cách chân thực. Một tiềm năng văn học được khơi dậy từ mạch nguồn sự sống cách mạng hào hùng đó.

   Biết bao văn nghệ sĩ trong cả nước đã đến đây sống, chiến đấu và tạo nên những tác phẩm nổi tiếng. Vẫn còn đây trong tâm thức người Việt những nỗi đau mà Quảng Trị là mảnh đất sẻ chia, gánh chịu. Hiền Lương - hai tiếng thiêng liêng quặn thắt một thời; Dốc Miếu, Cồn Tiên, Cồn Cỏ từng gánh chịu bao đau thương để hái mặt trời hồng. Còn đây Vĩnh Linh huyền thoại với những địa đạo, làng hầm... không phải ngẫu nhiên mà Quảng Trị lại là nơi các anh hùng, dũng sĩ của mọi miền về đây yên nghỉ: Nghĩa trang Trường Sơn - biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Điều đó, chứng tỏ Quảng trị là vùng đất lửa, vùng đất anh hùng. Và tự mình nó không thể không mang những khát vọng hóa thân. Một nổi đau âm ỉ đã cháy lên sự sống thật. Văn học đã góp phần làm sống lại quá khứ hào hùng đó lẫn những niềm vui hồi sinh trong hiện tại, cả những ước vọng hướng về tương lại. Những nhà văn quê hương Quảng Trị mang trọng trách hết sức vinh quang mà nặng nề trong việc củng cố đời sống tinh thần cho chính nhân dân qua từng trang viết.

   Từ ngày tách tỉnh đến nay, đội ngũ nhà văn Quảng Trị lại bắt tay vào một cuộc chạy đua tiếp sức mới với một hành trình đầy cam go mà ngoạn mục. Những trang viết của họ da diết trong ta những tâm sự vui buồn.

   Một đội ngũ cầm bút phải nói là đông đảo, có trình độ và nhiệt tâm được tụ họp đông vui chung quanh Hội văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị và Tạp chí Cửa Việt. Trước đây, khi Bình Trị Thiên còn là tỉnh chung, lực lượng sáng tác có đông hơn nhưng để thực sự đánh thức tiềm lực văn học Quảng Trị quả là chưa có. Trong số đó, những nhà văn quê hương Quảng Trị có thể đếm đầu ngón tay.

   Có thể làm một cuộc điểm danh để thấy sự thật này. Trước 1975, trong hai cuộc kháng chiến, các tác giả người Quảng Trị phân tán, chưa có điều kiện hội tụ trong một hội nghề nghiệp nhưng không thể không tự hào vì họ đã sinh ra, trưởng thành từ Quảng Trị và cầm bút viết cho quê hương mình như: Nguyễn Khắc Thứ, Dương Tường, Vĩnh Mai, Hồng Chương, Lương An, Trần Quốc Tiến (Tấn Hoài) Trần Hoàn, Trường Sinh, Chế Lan Viên, Kinh Kha... Giai đoạn chống Mỹ có thêm Xuân Đức, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Thị Mây... Các thế hệ cầm bút này đã thực sự đóng góp vào nền văn học chung của cả nước bằng những tác phẩm của mình. Thời này, trong Nam, lực lượng có đông hơn nhưng phân tán như: Hoàng Phủ Ngọc Phan, Ngụy Ngữ, Đỗ Tư Nghĩa, Triệu Phong, Tạ Nghi Lễ, Trần Văn Lãng Tử, Phan Phụng Thanh, Phan Văn Quang... Với hình thức công khai, bán công khai, tác phẩm của họ phần nào nói lên tình yêu quê hương, khát vọng tự do và lòng căm thù quân xâm lược. Trong số này, phần lớn trưởng thành từ phong trào học sinh, sinh viên ở các đô thị miền Nam.

   Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, lực lượng cầm bút nói trên, vì nhiều hoàn cảnh khác nhau đã phải sống xa quê. Có người vào Nam, số rất ít ở Huế trong Hội văn nghệ Bình Trị Thiên, nên việc phát hiện, bồi dưỡng lực lượng kế thừa bị hạn chế. Tuy vậy, ngay tại Đông Hà, do nhu cầu của những người cầm bút không chuyên, nhà văn hóa thị xã thành lập câu lạc bộ thơ Sông Hiếu do Phan Văn Quang và Nguyễn Hữu Quý phụ trách. Câu lạc bộ này tập hợp nhiều cây bút như: Vương Thừa Ân, Nguyễn Trung Hữu, Hồ Đắc Thắng, Lê Văn Trâm, Ngô Minh Phục, Tống Quang, Thu Thủy... Trong số này có Vương Thừa Ân, Phan Văn Quang và Nguyễn Hữu Quý được kết nạp vào hội văn nghệ Bình Trị Thiên năm 1988. Câu lạc bộ Sông Hiếu đã có những cố gắng đáng kể trong việc phản ánh cuộc sống hòa bình trên chính quê hương Quảng Trị bằng những trang viết chân thành, tâm huyết. Sau ngày tách tỉnh, Hội văn học nghệ thuật Quảng Trị được thành lập, các tạp chí Cửa Việt, Văn Hóa, Báo Quảng Trị được chính thức ra mắt. Từ đó, tiềm năng văn học tỉnh nhà mới thực sự được đánh thức. Các nhà văn nhà thơ từ Huế trở về. Câu lạc bộ Sông Hiếu có dịp hội tụ đông vui trong một tổ chức nghề nghiệp và có điều kiện phát huy khả năng của mình.

   Bên cạnh Hoàng Phủ Ngọc Tường, Xuân Đức, Nguyễn Quang Lập, Lê Thị Mây là hội viên Nhà văn Việt Nam còn có các thành viên của câu lạc bộ Sông Hiếu. Những khó khăn của Hội và các tạp chí bước đầu là có thật. Qua một năm hoạt động, tình hình đã chuyển biến đáng mừng. Khát vọng của một vùng đất đã được đánh thức trong thời gian ngắn. Một lực lượng mới cầm bút được hình thành cùng thời, tạo thành một thế hệ đồng hành, tiếp sức đông đảo. Lớp trước có Lê Bá Đạo, Nguyễn Trung Hữu, Trần Biên, Trần Đình Phùng, Nguyễn Hoài Chung, Ngô Nguyên Phước, Thanh Hà... Sau đó, lần lượt xuất hiện những cây bút đa số là trẻ với những ưu thế mới: Xông xáo, nhiệt huyết, đa số đều tốt nghiệp đại học như: Hàn Vũ Hùng, Võ Văn Luyến, Y Thi, Cao Hạnh, Nguyễn Văn Dùng, Trần Xuân An, Thái Đào, Võ Văn Hoa, Minh Tứ, Hoàng Đức, Lâm Chí Công, Đinh Như Hoan, Nguyễn Hoàn, Đào Tâm Thanh, Lê Đức Dục, Võ Minh Lâm Tiến, Nguyễn Tiến Đạt, Hòai Nhạn, Hàn Nguyệt, Nguyễn Trọng Hoán, Phạm Giáp Phê, Lê Xuân Lãm, Lê Thị Lài, Nguyễn Thị Thu, Hồng Thám. Muộn nữa có Từ Dạ Thảo, Phan Bùi Bảo Thi, Trần Thanh Hà, Khánh Hà, Hà Bắc... Thế hệ này nhanh chóng khẳng định mình. Tuy trình độ và hiệu quả khác nhau nhưng có thể nói rằng đây là lực lượng chủ công, đầy triển vọng của văn học Quảng Trị. Hiện tại, tên tuổi nhiều người đã vượt xa phạm vi tỉnh lẻ để vươn lên tầm cả nước.

   Trong đời sống văn học Quảng Trị không thể không lưu ý đến những hoạt động thiết thực và có ý nghĩa. Đó là việc thường xuyên phát hiện và động viên những người cầm bút trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Một câu lạc bộ đúng nghĩa được ra đời: Câu lạc bộ Hoa Phượng với số hội viên ngày càng đông do Nguyễn Thảo Nguyên phụ trách. Câu lạc bộ này tập họp những học sinh có năng khiếu Nghệ Thuật của các trường phổ thông trong thị xã với những hình thức sinh hoạt bổ ích, trọng tâm: Đêm thơ, đêm nhạc, những buổi nói chuyện chuyên đề... Có thể coi câu lạc bộ này là bước chuẩn bị ban đầu cho những tâm hồn nghệ thuật bay cao, bay xa về sau. Nhiều tài năng trẻ xuất hiện như: Bích Nguyệt, Tuyết Thanh, Đông Hà, Thủy Tiên, Kim Liên, Lê Anh Chiến, Hoàng Thị Thu Hương, Văn Thị Diệu Hiền, Lê Ngọc Tâm. Đây là những tín hiệu ban đầu, lấp lánh những niềm tin nghệ thuật trong tương lai.

   Sự phát triển của một vùng văn học, một thời kỳ cụ thể không được xem là có giá trị nếu bản thân chúng không tạo được một lực lượng kế cận. Đây là yêu cầu của đời sống mà cũng là yêu cầu của bẩn thân văn học. Sức vẫy gọi của một vùng đất phải xuất phát từ một hiện thực có sẵn. Đến lượt mình, lực lượng sáng tác Quảng Trị cũng đủ tài năng và thừa say mê để tôn vinh vùng đất khát vọng của mình.

   Trong số này, vì nhiều lý do, có người đã chuyển địa bàn sáng tác, nhưng những gì họ có được trong hành trang vào nghề của mình đều xuất phát từ quê hương Quảng Trị và trang viết của họ đều hướng về nơi chôn nhau, cắt rốn của mình như: Lương An, Triệu Phong, Nguyễn Quang Lập, Lê Xuân Lãm, Phan Bùi Bảo Thi, Trần Xuân An, Từ Dạ Thảo, Tạ Nghi Lễ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan...

   Trong tương lai, văn học Quảng Trị sẽ tiến lên hay chững lại, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng trước hết là chính ở những người cầm bút. Có người tiếp tục nghiệp bút, có người chững lại, có người bỏ nghề. Âu cũng là chuyện bình thường. Rồi các thế hệ sau sẽ xuất hiện, lớp trước sẽ ra đi. Đời sống văn học cứ thế diễn ra. Có điều: những gì họ để lại, ta hy vọng rằng nó có đủ sức mạnh để trong một khoảnh khắc có thể vĩnh cửu hóa khát vụng của mình. Đó là yêu cầu cao về chất lượng tác phẩm mà từng ca nhân tự đề ra nghiêm khắc.

   Điểm qua lực lượng sáng tác Quảng Trị chúng ta vui mừng nhận thấy rằng trong không khí chung của văn học cả nước, Quảng Trị đã đạt được những thành tựu đáng mừng. Số lượng tác phẩm của hội viên Quảng Trị đã in trên các tạp chí, kể cả những tác phẩm chưa được in giúp ta có cơ sở để suy nghĩ và hy vọng. Trong tiến trình chung của văn học cả nước, liệu Quảng Trị có tạo được tiếng nói riêng? Có. Đó chính là bản sắc một vùng đất đã đi vào từng tác phẩm, làm hiện lên diện mạo tinh thân của con người quê hương gió Lào, cát trắng... mà trong bài viết ngắn này, chúng ta không thể điểm hết từng gương mặt.

   Chúng ta đã từng biết những tác giả, tac phẩm đi vào đời sống văn học dân tộc một thời như Dương Tường với "Tiếng cây Dương Mỹ Thủy" (1), Hồng Chương với "Đội biệt động đường 9" và "Máu lửa đồng quê", "một luồng gió mới"..., Chế Lan Viên với "Kết nạp Đảng trên quê mẹ" Lương An với "Nắng Hiền Lương" "Cô gái Ba Lòng" Nguyễn Khắc Thứ với "Trận Thanh Hương", Vĩnh Mai xúc động với "Khóc Hoài", "Dân quân xã" Tấn Hoài hồn nhiên với "Cười trong lá, hát trong cây", lớp chống Mỹ kéo dài tới thời bình có Xuân Đức với "Cửa gió", "Người không mang họ", Hoàng Phủ Ngọc Tường tài hoa, xuất sắc với "Rất nhiều ánh lửa", "Ai đã đặt tên cho dòng sông", "Bản di chúc cỏ lau...", Lê Thị Mây luôn mới và tìm tòi với "Tặng riêng một người", "Một mình", "Miền Trung", "Phố còn hoa cưới" Nguyễn Quang Lập với "Một giờ trước lúc rạng sáng", "Tiếng gọi phía mặt trời lặn..."

   Và bây giờ, chúng ta biết thêm Nguyễn Trung Hữu với Tiểu thuyết Khởi thủy, và tập truyện ký Nấm mồ cất giấu xúc động lòng người. Chiến tranh và con người trong chiến tranh, kéo dài ra trong thời bình cứ hiện lên chân thành đến tê buốt. Đó là những trang viết, trang đời của một tâm hồn yêu thương và từng trải. Trần Biên, sau tập sách dày dặn Làng Hầm, lại làm cho bạn đọc bàng hoàng xúc động với "Đi tìm đồng đội", đạt giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ quân đội. Trần Đình Phùng cần mẫn mà không kém phần sắc sảo trong các bài ký "Kỷ niệm một thời", đặc biệt với vở kịch dành cho ngành thầy thuốc Cá mùa đầu Xuân, đạt giải A trong đợt phát động của thị xã Đông Hà. Lê Bá Tạo cây bút lớn tuổi, không chuyên nghiệp nhưng giàu cảm xúc và từng trải đã chắt chiu từng niềm vui, nỗi buồn chính mình và tha nhân lần lượt cho ra mắt hai tập thơ tâm huyết "Nắng gió quê nhà", "Năm tháng đi qua" Nguyễn Văn Dùng hồn nhiên với "Tự tình", tập thơ đượm chất hoài niệm.

   Lớp cầm bút trẻ hơn phải kể đến Hàn Vũ Hùng. Xông xáo và chịu nghĩ trong cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề. Sinh nở là một trong những truyện ngắn hay của anh. Cao Hạnh cần cù thể nghiệm và không phải dễ thành công. Đến "Đưa con nối dõi", anh mới thực sự có tiếng nói riêng và vinh dự nhận huy chương vàng toàn quốc năm 1994. Lâm Chí Công có phần thêm của một thiên phóng sự và Manh chiếu giữa làng được khen ngợi và tin yêu. Bút ký "Xóm bảy vợ" của Nguyễn Quang Lập, Lâm Chí Công và Đinh Như Hoan cũng gây xôn xao dư luận , được in lại trong gần mười tờ báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Phóng sự Con gà trống ẩn núp của Nguyễn Hoàn xuất hiện đột ngột với văn phong chắc, khỏe; sắc sảo trong cách lập ngôn, sâu trong ý tưởng. Cùng hiện tượng này có Lê Xuân Lãm - cây bút trẻ mà xuất hiện được coi như vững vàng với "Lăng mộ lão ăn mày" và "Trâu bay". Trần Xuân An có "Nắng và mưa" viết về con người và quê hương mình. Nguyễn Tiến Đạt được xem là cây bút trẻ có hồn. Ngoài truyện ngắn, ký, Đạt dành cho thơ nhiều trắc ẩn. "Tự tình" và "Người đi nhặt cuội" là tâm tình day dứt của anh. Tập thơ đánh dấu một giai đoạn sáng tác dài với nhiều bút pháp đan xen của Phan Văn Quang cũng góp mặt cho thơ Quảng Trị một tiếng nói riêng(ta ôm một nửa trời lưu lạc). Trần Thanh Hà là một trong rất ít cây bút nữ được bạn đọc hy vọng. Hàng loạt truyện ngắn của Thanh Hà được coi là thành công. "Bà thỏn", "Cái bóng cây", "Tìm bóng những cánh rừng" là những truyện ngắn xúc động, đầy tình người. Trong số người cầm bút nữ nghiệp dư phải kể đến Hoài Nhạn - táo bạo, chân thành, tuy còn hạn chế trong tập thơ đầu tay "Bỗng một lần siêu thoát". Hiện tại, chị đang cố gắng khắc phục những điểm yếu của mình và chị đã có một tập bản thảo mới khá bất ngờ. Phạm Giáp Phê - cây bút truyện ngắn chịu khó tìm tòi. Truyện anh chưa đạt đến những đột phá nhưng chững chạc, có chiều sâu. "Nghề của bố", "Chiều sâu của đất" đã gia tăng chất thực và chất nghĩ, làm cho hấp dẫn hơn.

   Nói đến thể loại. Quảng Trị có thế mạnh về ký. Những cây bút quen thuộc như Y Thi, Lê Đức Dục, Minh Tứ, Hoàng Đức, Văn Tuyên, Ngô Nguyên Phước, Lê Nguyên Hồng, Hải Hiền, Đinh Như Hoan, Đào Tâm Thanh... Tất cả đều có tay nghề vững và mỗi người mỗi vẻ đã làm phong phú thêm cho văn học một vùng đất. Có lẽ hiện thực Quảng Trị đã làm cho thể loại này phát triển? Y Thi sau nhiều công trình văn hóa dân gian , anh đã chuyển sang viết văn; Ký của Y Thi điềm đạm, nhiều triết luận nhưng vẫn giưc được độ cảm xúc, nhân ái trong "Người mẹ chít vành khăn xanh", "Tôi ở núi chạnh nhớ sông kia", "Mây trắng ơ hờ, mây trắng bay", "Bây giờ kháp mặt", "Muối trên ngàn..." Lê Đức Dục xông xáo, nhanh và sắc với hàng loạt bút ký, tùy bút, phóng sự, tạo ra nét riêng của thế hệ cầm bút sau 1990. Lê Việt Thường, Lưu Thụy Ngọc đều là bút hiệu khác của anh. Trong đội ngũ này, có hai cây bút cùng thời. Họ cùng lứa tuổi, cùng học, cùng làm nên có nhiều nét tương đồng. Đó là Minh Tứ, Hoàng Đức với "Về thăm thủ đô xanh" và "Bazan xanh". Cả hai đều có cách viết hay về chủ đề này. Hoàng Đức nhìn thấu đáo về vùng cà phê Hướng Hóa tươi xanh, một vùng tham quan du lịch triển vọng dẫu sao một thời nó là sân bay Tà Cơn đầy chứng tích tội ác của kẻ thù. Đó là một Bazan xanh của quê hương Quảng Trị. Minh tứ cũng đứng ở vị trí hiện tại của Tây Bắc để vui niềm vui hiện tại, khẳng định một ước vọng tương lai, bằng cách làm sống lại những sự tích như huyền thoại của Thủ đô xanh Tây Bắc trong một chuyến tham quan. Ngô Nguyên Phước với "Cửa Tùng trong sương" và Lê Nguyên Hồng với "Trập trùng Vĩnh Khê" thấm đẫm chất văn, đã văn chương hóa những sự tích, cảnh vật vụ thể của quê hương mình. Nằm trong cảm hứng ấy có Hải Hiền - Văn Tuyên với ký hay "Nước nguồn từ ruột đất". Qua những dẫn chứng sơ lược trên, có thể nói rằng ký là thể loại mạnh của Quảng Trị. Đây là thể loại không thể bỏ qua khi xét về văn học Quảng Trị trong tiến trình xây dựng và đổi mới.

   Chính từ thực tế sáng tác và đội ngũ cầm bút nói trên, chứng tỏ Quảng Trị là một vùng đất giàu tiềm lực và bản sắc đã được đánh thức và còn tiếp tục đánh thức. Chúng ta đều biết: một nguyên tắc có tính sống còn của văn học nghệ thuật là mối quan hệ của nó, tức mối quan hệ giữa chủ thể sáng tạo và hiện thực đời sống. Một vùng đất đầy âm vang, chứng tích và giàu khát vọng từng chịu nhiều đau thương mất mát như Quảng Trị giờ đây đã thực sự thừa đất, thừa trời để văn học bay cao, bay xa. Tác phẩm của các tác giả Quảng Trị đã mở rộng diện phản ánh theo nhiều hướng, nhiều chiều với một hiện thực bốn bề trên quê hương mình trước đây cũng như ngày nay. Có được thành tự đó, phải thừa nhận công lao của Hội văn nghệ và Tạp chí Cửa Việt đã là nơi phát hiện, tập hợp, bồi dưỡng có hiệu quả.

   Hiện nay, Quảng Trị có ba nhà văn Trung ương, trên dưới năm mươi hội viên địa phương. Trong số họ, chưa thể khẳng định ai là người tiếp tục lâu dài cùng văn học, ai nổi lên rồi nguội lạnh, ai âm thầm ươm hạt cho đời. Vì văn chương là một cái nghiệp đầy khắc nghiệt lại bị tác động ghê gớm của cơ chế đời sống thị trường hiện nay. Nhưng những gì mà văn học Quảng Trị có được từ một vùng đất và những gì mà vùng đất được tôn vinh từ văn học quả là đáng để cho chúng ta suy nghĩ và tự hào trên hành trình đi tìm cái đẹp. Chúng ta có quyền đòi hỏi và hy vọng ở đội ngũ nhà văn Quảng Trị tương lai. Nét riêng của một vùng đất sẽ tạo thành nét riêng của một vùng văn học. Đó là điều đã rõ ở văn học Quảng Trị. Bên cạnh đó, sự tác động của khu vực và cả nước (có thể rộng lớn) đã bắt đầu đi vào đời sống văn học, tạo nên diện mạo và sắc riêng của Quảng Trị mà qua từng trang viết, trang đời, các tác giả đã trải ra cùng nhân dân quê hương mình.

   H.T.H

Hồ Thế Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 28 tháng 01/1997

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

4 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

7 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground