C |
ó một phương ngôn chí cốt từ thời cổ đại đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị đó là phát hiện của triết gia Socrate: “Hạnh phúc lớn nhất của con người là được sinh hoạt và làm việc theo sở trường của mình”. Tại sao hạnh phúc không phải là nhiều tiền, nhà cao cửa rộng, quyền lực chót vót, mà lại là được sống và làm việc theo sở trường? Bởi lẽ, như người đời xưa nay vẫn biết, hạnh phúc do người khác đem lại cho ta không thể nào sánh nổi với giá trị của hạnh phúc do ta tự làm nên. Thí dụ, một anh chàng được tặng một chiếc máy hát, kèm theo nhiều đĩa nhạc hay, anh ta đem về nhà, ngồi vắt vẻo trên sa-lông, bên cạnh ly cà phê toả hương thơm, mắt lim dim tận hưởng những cung đàn thánh thót, điều đó khá thú vị, nhưng nó chẳng đáng kể gì so với anh chàng kia đang tự tay mở bản nhạc của các nhạc sĩ và tập từng giai điệu một, ngón tay của anh đang tạo nên khúc âm thanh kỳ diệu cho chính đôi tay của mình. Trời ơi, một người nghe nhạc và người kia biểu diễn, giá trị thụ hưởng quả là một trời một vực. Một thí dụ khác sát thực hơn, cô gái kia đến tuổi yêu đương, cô liền mượn một cuốn tiểu thuyết lãng mạn về đọc ngấu nghiến, say sưa với những hẹn hò và tình tự của nàng công chúa trong truyện, rồi một ngày kia cô được trải nghiệm sự hẹn hò chờ đợi của chính mình, thấp thỏm, hồi hộp và tan biến trong những vòng tay, đúng lúc đó cô phát hiện những tình tự của nàng công chúa trên sách vở kia không thể sánh với sự thật dù quê mùa thôn dã như cô. Người Việt nói: “Của dề dề không bằng nghề trong tay”, phản ánh rằng tiền của cũng không bằng sự tinh thông nghề nghiệp của mỗi người, bởi lẽ chính sự tinh thông đó đem lại tiền của và hạnh phúc cho người ta, như Kinh Thánh cũng ví, của tiền nếu cất vào kho sẽ bị mối mọt xông, nhưng của tiền cất trong tâm hồn người ta, tức các giá trị của đạo đức, tài năng sẽ không bao giờ bị mối mọt. Mà muốn có nghề tinh thông thì phải phát triển từ sở trường.
Tại sao sinh hoạt và làm việc theo sở trường lại hạnh phúc nhất, chúng ta hãy trả lời bằng chính hiện thực. Chẳng hạn như nhà quán quân cờ vua thế giới Các-pốp kia, anh có khiếu chơi cờ, vì vậy anh chơi lâu mà không thấy chán, không thấy mệt, càng chơi càng say, càng chơi càng giỏi, rồi anh giật giải từ thấp đến cao, mỗi giải thưởng lại đem về cho anh một phần thưởng cho cuộc sống và vinh quang cho bản thân. Từ đó sinh hoạt đấu cờ vừa trở thành niềm vui cao nhất vừa là chuyên môn tài nhất đem về cho anh cả vinh quang và thu nhập... Về sở trường triết gia Socrate cũng xác nhận chắc chắn: không ai có sở trường về mọi việc, mỗi người chỉ có sở trường riêng rẽ về một mặt nào đó. Nhìn vào bài học của bà mẹ thiên nhiên, chúng ta cũng thấy, tạo hoá cho con voi chiếc vòi, con công bộ cánh sặc sỡ, con hoạ mi giọng hót ngọt ngào... con voi có thể dùng vòi phun nước hay bẻ gỗ nhưng không thể cậy vào sự to lớn mà muốn hót thay cho hoạ mi, hoạ mi không thể cậy hót hay mà đòi làm thay nghề thụ phấn hoa của loài ong hay loài bướm... Nhìn vào xã hội, như cầu thủ Carlos thuận chân trái, đã trở thành một hậu vệ trái hay nhất thế giới, cầu thủ Cafu thuận chân phải đã trở thành hậu vệ phải trứ danh, và Kô-lô cao lênh khênh chân tay vụng về lại nổi tiếng nhờ những bàn thắng bằng đầu... Xã hội mang tính tập thể, nó có thể được ví như một đội bóng vậy, không ai có sở trường về mọi vai của các cầu thủ, người thạo chân phải không thể chạy bên trái, người thạo đánh đầu không thể làm thủ môn, người phiêu lưu tìm mọi kẽ hở như tiền đạo không thể thay thế sự chắc chắn của những hậu vệ đòi đắp thành lũy trên từng gang tấc... Sở trường hay thiên hướng hiện đang là nguyên lý giáo dục của mọi nền giáo dục trên thế giới, trong các lớp học và các cấp học, thầy giáo, cô giáo phải có trách nhiệm tìm hiểu xem, mỗi học trò có sở trường và xu hướng nào, để có thể hướng nghiệp cho các em, sao cho được phát huy hết sở trường của mình.
Sở trường, chúng ta đang đi vào vấn đề rất lớn, đó chính là nền tảng đầu tiên xây nên mọi nền cộng hoà. Có thể nói trên thế giới ngày nay, dưới đại dương thì tràn ngập nước biển, trên đất liền thì tràn ngập các nền cộng hoà. Không chỉ nước ta là “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, nhìn sang Trung Quốc thì thấy “Cộng hoà nhân dân Trung Hoa”, nhìn sang châu âu thì thấy Cộng hoà Liên bang Đức, nhìn sang châu Phi thì thấy Cộng hoà Nam Phi... Cộng hoà theo nghĩa của nó: cộng đồng và hoà hợp các thành phần khác biệt của xã hội, giống như Trung Quốc trước đây từng tóm gọn trong phương ngôn: “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”. Trong hoàn cảnh kinh tế thị trường hội nhập toàn cầu của nước ta hiện nay, giờ cũng là lúc thích hợp để chúng ta nhìn lại cơ cấu cộng hoà, đặc biệt với nhiệm vụ mà Quốc hội đang tiến hành: cổ phần hoá các doanh nghiệp, cải cách hành chính triệt để và sâu rộng, thì càng phải ôn lại nền móng đầu tiên hơn bao giờ hết.
Trở lại, với Socrate, ông bàn rằng: không ai có đủ mọi sở trường, mỗi người chỉ có một sở trường mạnh nhất vì thế người đó sẽ theo đuổi một chuyên môn thành thạo nhất, hợp nhất mọi thành viên có sở trường trong xã hội sẽ làm cho xã hội tăng trưởng một cách hùng hậu nhất; thêm nữa tính chất cạnh tranh sẽ bớt gay gắt hơn vì người giỏi sở trường về tay phải không bao giờ muốn cạnh tranh người giỏi về tay trái. Trong một xã hội phát huy mọi thành phần có sở trường, như người giỏi về đất sét làm chum, người giỏi gỗ làm thợ mộc, người có chữ viết văn, người thạo đi biển làm hoa tiêu, người giỏi chính trị làm công tác chính quyền... Xã hội hùng mạnh, tính chất cạnh tranh cũng lành mạnh vì nó phát triển theo hướng sở trường thách thức người khác sánh kịp mình. Trái lại, nếu không có những ngành nghề khác nhau, ai cũng đua chen vào chân viên chức nhà nước, hưởng ưu tiên và ưu đãi, thì sự trau dồi sở trường sẽ biến mất, thay vào đó là lối cạnh tranh cửa quyền đầy tiêu cực. Vừa rồi, tổng thống Pu-tin vừa tiến hành cải cách hành chính sâu rộng ở Nga, có những bậc lương được nhấc bổng cao hơn mức cũ từ 3 đến 12 lần, chính là để giữ lại những người tài năng, không để cơ cấu của tư nhân lôi cuốn. Đây cũng là một cách phản ánh cuộc cạnh tranh sở trường của nền cộng hoà.
Nếu không được phát huy sở trường thì chắc chắn không có được những con người tài ba nhất, giản dị như cầu thủ Carlos chỉ thuận chân trái kia bị điều sang chơi bóng chuyền, sau đó chán nản, bị huấn luyện viên nhận xét là bất tài, đuổi khỏi đội thì cuộc đời sẽ ra sao? Không sống và làm việc theo sở trường sẽ không tạo ra bất cứ một sức bật nào, như vậy sẽ không có vinh quang chói lọi, không có giầu nứt đố đổ vách; điều đó lý giải ở một xã hội viên chức còn làm ăn đều đều, ai đó giàu có hơn hẳn thì chưa chắc là tài năng mà phần nhiều chui vào từ nạn tham nhũng, Quốc hội nước ta đang chống tham nhũng một cách quyết liệt cũng phần nào nằm trong phạm vi nguyên lý này.
Tìm được một công việc theo đúng sở trường của mình sẽ là sự thành đạt cao nhất, là hạnh phúc lớn nhất, đó là một sự thật mà chúng ta chớ nên mảy may nghi ngờ. Vì thế nếu ta có bị lận đận trong việc sắp xếp lại công ăn việc làm thì cũng chớ có buồn, có lẽ, đó là cách số phận đang thử thách và tìm cho ta một chỗ đứng thích hợp nhất. Trái lại, nếu có cơ số thân quen được xếp vào thiếu may mắn, vì đó là môi trường làm thui chột sở trường nhiều nhất. Có lẽ chúng ta dễ đồng ý với nhau, cuộc sống giống như toà lâu đài kia, có những móng xếp bằng đá, có cột để cốt thép, có mái tôn, có tranh trên tường, có đàn dương cầm đặt giữa nhà, có nhà bếp nấu nướng, và có cả những lọ hoa... Không nên thấy hoa vừa đẹp vừa thơm mà ai cũng muốn làm người cắm hoa, phải có kiến trúc sư để xây lâu đài, phải có nhạc sĩ để chơi dương cầm, phải có hoạ sĩ để vẽ tranh treo tường, phải có nhà bếp để lo cho mọi người được ăn... Còn hoa là thơ cho cuộc đời chúng ta.
Người Việt có câu chê bai những kẻ ham vui “vui đâu chầu đấy”. Cuộc sống mà chỉ theo đuổi hai chữ “ham vui”, đổi sở trường lấy sở đoản, chắc chắn đó là cách: vừa tiêu cực vừa thất bại. Trái lại, ai biết đầu tư và theo đuổi sở trường của mình chắc hẳn sẽ thành công, vì đó chính là nguyên lý: Thiên-Nhân tương ứng. Của trời và ý người cùng hợp làm một, khi đó người ta sẽ thành đạt đến mức nào ai sánh kịp.
N.H.Đ