N |
hằm tạo chiến lược phát triển mới cho báo chí Quảng Trị, trong đó có Tạp chí Cửa Việt, xây dựng một nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới, UBND tỉnh đã giao cho Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu, xây dựng Quy hoạch phát triển Báo chí tỉnh Quảng Trị đến năm 2020. Sau khi xem xét việc xây dựng Quy hoạch đã đảm bảo theo trình tự và thủ tục quy định, từ khảo sát, thu thập số liệu, tổ chức các đợt lấy ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành của tỉnh, các cơ quan báo chí, các huyện, thị xã, thành phố để bổ sung, hoàn chỉnh Quy hoạch cho đến việc tổ chức hội thảo, hội nghị thẩm định Quy hoạch, cuối cùng là báo cáo xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nội dung Quy hoạch; UBND tỉnh đã có Quyết định số 1172/QĐ-UBND ngày 22/6/2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển Báo chí tỉnh Quảng Trị đến năm 2020. Đối với Tạp chí Cửa Việt, một tạp chí có bề dày phát triển, có “thương hiệu” trên toàn quốc, Quy hoạch đã xác định lộ trình phát triển của Tạp chí đến năm 2020 với những yêu cầu đặt ra mới và cao nhưng phù hợp với nội lực của Tạp chí, nội lực văn hóa của một vùng đất lịch sử và khả năng đáp ứng của tỉnh.
Tạp chí Cửa Việt là diễn đàn văn hóa, văn học nghệ thuật, với cơ quan chủ quản là Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị. Tạp chí có tôn chỉ, mục đích sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu truyền thống văn hóa Quảng Trị; chọn lọc giới thiệu những tác phẩm văn học nghệ thuật của địa phương, trong nước và thế giới cho bạn đọc; góp phần xây dựng sự nghiệp văn hóa văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhiều năm qua, Tạp chí Cửa Việt đã chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức thể hiện. Tạp chí đã đăng tải nhiều tác phẩm có giá trị, phản ánh chân thực, sinh động bức tranh đổi mới và phát triển của quê hương, đất nước.
Để thực hiện thành công mục tiêu phát triển của báo chí Quảng Trị, trong đó có Tạp chí Cửa Việt, vấn đề có tính tiên quyết là phải có cơ chế, chính sách đầu tư đúng mức và đủ mạnh cho báo chí phát triển ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Nhận rõ vấn đề này, Quy hoạch phát triển Báo chí tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 đã xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư phát triển dài hạn cho Tạp chí Cửa Việt như sau: Đến năm 2015, Tạp chí Cửa Việt được cấp kinh phí cho nhiệm vụ phát triển văn hóa - văn nghệ theo đường lối của Đảng (tương tự như Báo Quảng Trị), trong lúc đó, các sản phẩm báo in mới ra đời sẽ được tính 70-75% tin, bài cho thông tin chính trị và công ích, các sản phẩm tạp chí mới ra đời là 55-60% tin, bài cho thông tin chính trị và công ích (nghĩa là chỉ được ngân sách cấp kinh phí từ 55 đến 75%). Đến năm 2020, Tạp chí Cửa Việt là ấn phẩm báo công ích (tương tự như Báo Quảng Trị), trong lúc đó, các sản phẩm báo in còn lại được tính 25-30% tin, bài cho thông tin chính trị và công ích, các sản phẩm tạp chí được tính 15-20% tin, bài cho thông tin chính trị và công ích (nghĩa là chỉ được ngân sách cấp kinh phí từ 15 đến 25%). Đặc biệt, đối với việc phát triển báo điện tử, Quy hoạch đã xây dựng danh mục dự án đầu tư trọng điểm phát triển báo điện tử, gồm Tạp chí Cửa Việt điện tử và các trang báo điện tử của Báo Quảng Trị, Đài PT-TH tỉnh trong giai đoạn 2011-2015 với tổng kinh phí 6 tỷ đồng.
Ở cấp độ quốc gia, việc đầu tư kinh phí cho các tạp chí văn nghệ đã được đề cập nhưng hiện còn chờ xây dựng cơ chế. Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng và rà soát các chế độ, chính sách đối với các hoạt động văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ; chế độ tài trợ, đặt hàng đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật; chính sách khuyến khích sáng tác trong các hoạt động văn học, nghệ thuật” thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới đã nêu giải pháp: “Xây dựng đề án trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách đầu tư kinh phí phù hợp cho tạp chí, báo, xuất bản của các Hội Văn học Nghệ thuật để các đơn vị này hoạt động ổn định, thực hiện chức năng phổ biến, tuyên truyền phục vụ chính trị”.
Với cơ chế, chính sách của tỉnh đầu tư phát triển Tạp chí Cửa Việt đến năm 2020 đã được xây dựng, yêu cầu đặt ra cho Tạp chí là phải nâng cao về quy mô, số lượng và chất lượng phát triển. Đến năm 2015, Tạp chí không tăng trang, tăng số nhưng tăng chất lượng tác phẩm, cải tiến về nội dung và hình thức. Xây dựng trang thông tin điện tử và tiến tới phát triển thành báo điện tử. Đến năm 2020, Tạp chí tăng kỳ xuất bản lên 2 số/tháng, tăng số lượng phát hành từ 1.500 bản đến 3.000 bản. Về phương thức phát hành, ngoài phát hành ấn phẩm tạp chí in như lâu nay, Tạp chí còn phát hành ấn phẩm điện tử (e-paper), trong đó, tỷ trọng sản lượng ấn phẩm điện tử chiếm 30%.
Tầm nhìn năm 2020 và cơ sở phóng chiếu của nó đã rõ. Vấn đề còn lại là ở nỗ lực của Tạp chí Cửa Việt và của cả Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, cơ quan chủ quản, thông qua các bước đi và giải pháp cụ thể, phù hợp. Có thể kể đến một số giải pháp sau.
Thứ nhất là tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức tạp chí. Về nội dung, trước tiên nói về chuyên mục. Tạp chí hiện có 5 chuyên mục thường xuyên: “Sự kiện và bình luận”, “Văn nghệ”, “Văn hóa thời đại”, “Người và đất quê hương”, “Quảng Trị tự giới thiệu”, ngoài ra còn có những chuyên mục không thường xuyên như: “Văn học dịch”, “Văn học thiếu nhi”. Để cho độc giả được thưởng thức những bữa tiệc tinh thần phong phú, thịnh soạn, trong thời hội nhập, toàn cầu hóa, Tạp chí cần bổ sung thêm những chuyên mục mới như “Tác giả, tác phẩm và dư luận”, “Lý luận và phê bình”,“Nhìn ra văn học thế giới”, “Từ trong di sản”, “Từ Hành lang Kinh tế Đông-Tây”, “Văn học các nước trên Hành lang Kinh tế Đông-Tây” v.v..., chú ý đến những chuyên mục bàn về những vấn đề thời sự của văn học trong nước, văn học thế giới, về các yêu cầu hiện đại hóa và hội nhập đặt ra cho văn học. Cùng với việc bổ sung chuyên mục, cần mở rộng đề tài để gia tăng biên độ phản ánh của Tạp chí. Do tỉnh Quảng Trị là một tỉnh có bề dày về truyền thống lịch sử, văn hóa, có lợi thế địa-kinh tế đặc thù là tỉnh “đầu cầu” xuyên Á về phía Việt Nam, là cửa ngõ có cung đường ngắn nhất thông ra biển Đông cho Hành lang Kinh tế Đông-Tây... nên tài nguyên thông tin của tỉnh rất phong phú. Tạp chí cần chú trọng đầu tư trí tuệ, công sức cho những đề tài có tính chất dài hơi hàng năm, nhiều năm như đề tài về di sản văn hóa Quảng Trị, nhân vật chí Quảng Trị, làng nghề Quảng Trị... , những đề tài về khai thác tiềm năng, lợi thế Quảng Trị, về vai trò đóng góp của tỉnh Quảng Trị đối với sự phát triển của Hành lang Kinh tế Đông - Tây, về khai thác các giá trị, tiềm năng văn hóa để phát triển du lịch Quảng Trị và tiểu vùng sông Mê Kông... Tạp chí phải góp phần chung vai gánh vác “sứ mệnh văn hóa” với một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, góp phần phát huy vai trò động lực của văn hóa đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Trị, theo yêu cầu của tỉnh là “phấn đấu đưa Quảng Trị phát triển nhanh, bền vững”. Về thể loại, ngoài việc sử dụng các tác phẩm thuộc đủ các thể loại phong phú như lâu nay, cần chọn lọc sử dụng các tác phẩm có đóng góp mới về thi pháp thể loại, thi pháp tác phẩm, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập với văn học thế giới. Trong các thể loại, dĩ nhiên thể ký cần phải được duy trì đều đặn, nhất là phải đầu tư cho phóng sự, để có những phóng sự hay, thể hiện những vấn đề nóng hổi, sát sườn của cuộc sống, những vấn đề nhân dân quan tâm. Như vậy, bên cạnh việc bàn chuyện muôn đời, Tạp chí còn bàn những vấn đề thiết cốt với nhân sinh, với cuộc đời thường nhật.
Về hình thức, Tạp chí cần chú trọng cải tiến hình thức, đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về mỹ thuật, kỹ thuật làm báo hiện đại, giữ cho “dung nhan” Tạp chí luôn tươi mới và “vượt thời gian”. Đầu tư xây dựng Web Tạp chí Cửa Việt có giao diện đẹp, tiến tới xây dựng, phát hành ấn phẩm điện tử.
Thứ hai là chăm lo phát triển nguồn nhân lực, đầu tư đúng mức cho việc đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực. Quy hoạch phát triển Báo chí tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 xác định lộ trình phát triển nguồn nhân lực báo in theo hai giai đoạn. Đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng tổng số nguồn nhân lực 5-10%/năm. Tỷ lệ lao động báo chí in trình độ đại học đạt 100%. Tỷ lệ lao động có trình độ trên đại học đạt trên 2%. Lao động có trình độ chính trị cao cấp, cử nhân, trung cấp đạt 60%. Phóng viên, biên tập viên phải biết ít nhất 1 ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số. Trình độ ngoại ngữ phải có chứng chỉ B trở lên; hoặc biết đọc, biết viết thành thạo tiếng Lào, tiếng Thái Lan. Đặc biệt, chú trọng tuyển dụng, đào tạo phóng viên có khả năng phỏng vấn trực tiếp bằng ngoại ngữ. Để phát triển báo chí theo chiều sâu, mở rộng thị trường, tăng số lượng phát hành, mỗi cơ quan báo chí phải hình thành, phát triển hai nhóm nguồn nhân lực, đó là nhóm nguồn nhân lực chất lượng cao và nhóm nguồn nhân lực phát triển thị trường (nhóm nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực quyết định sẽ sản xuất tin, bài theo chủ đề gì để đáp ứng nhu cầu người dân; nhóm nhân lực nghiên cứu thị trường là nhóm nhân lực nghiên cứu nhu cầu người dân muốn đọc gì, nghe gì, muốn bàn về vấn đề gì để cung cấp thông tin cho nhóm nhân lực chất lượng cao, quyết định kỳ báo tới đề cập thông tin về vấn đề gì). Ban biên tập xử lý thông tin kết hợp từ hai nhóm nguồn nhân lực này để tổng hợp thông tin xác thực về nhu cầu bạn đọc trong từng giai đoạn, từ đó định ra chiến lược cụ thể về nội dung trên các ấn phẩm báo chí. Trong giai đoạn này, hai nhóm nguồn nhân lực được hình thành, tuy nhiên chỉ hoạt động mang tính kiêm nhiệm. Đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng tổng số nguồn nhân lực 5-10%/năm. Tỷ lệ lao động trình độ đại học đạt 100%. Tỷ lệ lao động có trình độ trên đại học đạt trên 5%. Lao động có trình độ chính trị cao cấp, cử nhân, trung cấp đạt 50%. 100% lao động phải biết ít nhất 1 ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số. Trình độ ngoại ngữ bằng C trở lên. Tiếp tục tuyển dụng, đào tạo phóng viên có khả năng phỏng vấn trực tiếp bằng ngoại ngữ. Hai nhóm nguồn nhân lực chất lượng cao và nguồn nhân lực phát triển thị trường đi vào hoạt động độc lập.
Thứ ba là xây dựng mạng lưới cộng tác viên hùng hậu trong tỉnh, trong nước và kể cả nước ngoài, chú ý đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài, trong đó có các nước trên Hành lang Kinh tế Đông-Tây. Đây chính là nguồn nhân lực bên ngoài rất quan trọng đối với sự phát triển của Tạp chí. Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng Tạp chí là cách thu hút và giữ được cộng tác viên lâu bền, có hiệu quả, nhất là những cộng tác viên tên tuổi, theo quy luật “hữu xạ tự nhiên hương”. Ngược lại, thu hút nhiều cộng tác viên sẽ càng góp phần thúc đẩy sự đổi mới, nâng cao chất lượng Tạp chí. Đối với cộng tác viên trong tỉnh, Tạp chí là vườn ươm tác phẩm văn nghệ, nơi phát hiện tài năng văn nghệ, phát hiện các tác giả trẻ. Để phát triển cộng tác viên ngoài tỉnh, Tạp chí cần xây dựng mối quan hệ gắn bó với các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước để có nguồn cộng tác viên chủ lực cho các chuyên mục nghiên cứu, lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ; với Hội Nhà văn Việt Nam, các hội văn nghệ các tỉnh, thành, các nhà văn tên tuổi để có nguồn cộng tác viên chủ lực cho các trang sáng tác. Tạo dựng thêm mạng lưới cộng tác viên dịch thuật, có năng lực cập nhật, phân tích những vấn đề của văn học thế giới đương đại, các cộng tác viên chọn lọc ở nước ngoài, trong đó có Việt kiều.
Thứ tư là phát triển kinh tế báo chí. Hiện Tạp chí chỉ phát hành thông qua bưu điện, không có hệ thống phân phối, đại lý bán tạp chí. Cần xây dựng mạng lưới đại diện Tạp chí ở các địa bàn trung tâm, trọng điểm trong nước để góp phần thúc đẩy Tạp chí phát triển, lan tỏa rộng, trong đó có việc thúc đẩy phát hành Tạp chí, quảng cáo trên Tạp chí. Tiến tới thực hiện từng bước việc xuất khẩu Tạp chí sang các nước, đặc biệt là xuất khẩu sang các nước trên Hành lang Kinh tế Đông-Tây, chú trọng độc giả là cộng đồng Việt kiều. Tăng cường thu hút quảng cáo trên địa bàn tỉnh và trong nước, nhất là ở những vùng trung tâm, vùng động lực phát triển kinh tế của cả nước, vùng có nhiều tiềm năng quảng cáo để phát triển kinh tế Tạp chí. Xây dựng nguồn nhân lực chuyên trách về quảng cáo, phát hành.
Thứ năm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về văn nghệ: Triển khai thực hiện Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng và rà soát các chế độ, chính sách đối với các hoạt động văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ; chế độ tài trợ, đặt hàng đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật; chính sách khuyến khích sáng tác trong các hoạt động văn học, nghệ thuật” thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới; tiếp tục thực hiện Đề án của Chính phủ hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật ở các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương giai đoạn 2010-2015; đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách của tỉnh đầu tư cho văn học nghệ thuật của tỉnh phát triển. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, cơ quan chủ quản của Tạp chí Cửa Việt cần đề xuất, kiến nghị với tỉnh về cơ chế, chính sách của tỉnh đầu tư, hỗ trợ cho văn học nghệ thuật của tỉnh phát triển với tầm cao mới, chiều sâu mới. Tỉnh cần quan tâm đầu tư nâng mức nhuận bút cho báo chí của tỉnh, trong đó có Tạp chí Cửa Việt để góp phần động viên, khích lệ người viết nâng cao chất lượng tác phẩm. Cần có cơ chế, chính sách đặt hàng cho các tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng cao (các tác phẩm quy mô, tầm vóc, các tác phẩm về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, các tác phẩm văn học dân tộc thiểu số... ). Cơ chế, chính sách phát triển xuất bản, in và phát hành của tỉnh trong giai đoạn mới sẽ được xây dựng hoàn chỉnh, góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật của tỉnh, khi Quy hoạch phát triển ngành Xuất bản - In - Phát hành tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2011-2020 được UBND tỉnh phê duyệt. Hiện UBND tỉnh đang giao cho Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu xây dựng Quy hoạch này (thực hiện theo Quyết định số 887/QĐ-UBND ngày 16/5/2011 của UBND tỉnh phê duyệt đề cương Quy hoạch phát triển ngành Xuất bản - In - Phát hành tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2011-2020). Để động viên, kích thích và tôn vinh hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cần phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho UBND tỉnh sớm ban hành Quy chế Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Chế Lan Viên.
Với việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong tỉnh, trong nước đầu tư, hỗ trợ cho văn nghệ nói chung, Tạp chí Cửa Việt nói riêng, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển Tạp chí Cửa Việt trong giai đoạn mới, Tạp chí Cửa Việt sẽ tạo ra sức bật mới, tạo được những “giá trị gia tăng” về lượng mới và chất mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh và xứng đáng với mảnh đất đứng chân giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và tiềm năng, lợi thế địa-kinh tế đặc thù trong hội nhập với khu vực và thế giới.
N.H