Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/07/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tạp chí văn học trong bối cảnh kinh tế thị trường

I. Nhà văn và Tạp chí Văn học

Xin bắt đầu câu chuyện này bằng cái sự viết của nhà văn. Cái sự viết tự ngày xưa vốn dĩ đã khiến nhà văn cô đơn (tiền bất kiến cổ nhân/ hậu bất kiến lai giả/niệm thiên địa chi du du/ độc thương nhiên nhi thế hạ - Trần Tử Ngang - Đăng U Châu đài ca – Người trước chẳng thấy ai/ người sau thì chưa thấy/ ngẫm trời đất thật vô cùng/ Riêng lòng đau mà lệ chảy), nay càng cảm thấy cô độc hơn trong bối cảnh nền kinh tế thị trường đã ngày càng khiến đời sống nhân loại trở nên khốc liệt vì quay cuồng trong các trạng thái cực đoan của xã hội tiêu dùng. Các nhà văn đương đại hiện nay được ví như thể là những con trâu ngơ ngác trên cánh đồng cỏ còn sót lại rất ít ỏi bên cạnh những tòa nhà chọc trời, họ cũng như thể là những cánh cò bay lả bay la bay qua cánh đồng nhân văn chứng kiến những tia chớp mạnh mẽ rạch ngang trời của thời kỳ bùng nổ kỹ thuật số đang chi phối toàn bộ đời sống nhân loại.

Đối với nền văn học, nó không chỉ chi phối nhà văn, mà còn chi phối mạnh mẽ đến các tạp chí văn học, nơi mà các nhà văn ít nhiều đã gắn bó.

Dự phần vào sự phát triển của văn minh loài người, công việc của nhà văn là kể lại những câu chuyện mà họ muốn kể: có thể câu chuyện đã thuộc về quá khứ, có thể câu chuyện đang diễn ra, có thể câu chuyện sẽ là của tương lai hay sẽ vĩnh viễn không bao giờ diễn ra trên thế gian, ngoại trừ đã tồn tại trong trí tưởng tượng của nhà văn. Nhà văn không thể giải tán thế giới họ đang sống dù có thể nó đang tồn tại bất hợp lý (như môi trường thiên nhiên bị tàn phá là một ví dụ). Nhà văn cũng không thể thiết lập một thế giới lý tưởng mới trong thực tại. Sự sáng tác của nhà văn, chỉ có thể là những câu chuyện kể mới mẻ hoàn toàn, hoặc kể lại những câu chuyện đã cũ theo một phương thức biểu đạt mới, hoặc nói tiếp câu chuyện người đi trước chưa nói hết. Những câu chuyện đó, với văn chương đích thực, là những câu chuyện không vụ lợi – như một thuộc tính gốc của văn học. Nhìn thẳng vào tình cảnh của nhà văn trước nền kinh tế thị trường, nhà văn Cao Hành Kiện viết trong diễn từ Nobel “Lý do của văn học” rằng: “Viết văn biến ra một nghề là kết quả chẳng đẹp gì của phân công trong xã hội hiện đại, và đối với nhà văn, là một trái đủ đầy đắng cay. Nhất là ngày nay, giáp mặt với thời đại mà kinh tế thị trường không còn lỗ nào không vào, và sách đã thành hàng hóa. Giáp mặt với cái thị trường mù lòa không biên giới, không khe hở kia, khoan nói một nhà văn một mình lẻ loi, ngay các văn xã và phong trào thuộc các trường phái văn học cũng không còn đất đứng. Nhà văn nếu không muốn chịu ép theo áp lực của thị trường, không rơi vào chỗ sáng tác sản phẩm văn hóa để thỏa mãn khẩu vị thời thượng, thì không thể không tự tìm đường sống. Văn học chẳng phải là sách bán chạy, hoặc danh sách sắp hạng, và những nhà văn trên truyền hình là làm quảng cáo chứ không phải viết văn”.

Tạp chí văn học – nơi chắp cánh cho các nhà văn, cũng không phải không lao đao trong thời buổi kinh tế thị trường.

Ngày xưa, Việt Nam đã từng có những tạp chí văn học nổi tiếng, là nơi gắn bó chặt chẽ với các cây bút tên tuổi. Chẳng hạn Đông Dương tạp chí có sự cộng tác đắc lực của các bậc tiền bối: Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn, Tản Đà, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Dương Bá Trạc... Các cây bút này đã làm cho Đông Dương tạp chí vang động trong xã hội, tạo nên một hiện tượng thú vị. Như GS Trịnh Vân Thanh nhận xét: “Mặc dù Đông Dương tạp chí ra đời không ngoài mục đích chính trị của thực dân Pháp...Nhưng họ đã thất vọng vì các cây bút viết cho báo không theo đúng mục đích chính trị, mà chỉ cốt thực hiện một nền quốc văn mới cho dân tộc...Có thể nói đây là một tạp chí, trước nhất chuyên về việc dịch thuật Hán văn và Pháp văn, nhằm mục đích nâng cao dân trí. Bên cạnh đó, nhóm Đông Dương tạp chí cũng đã sáng tác nhiều loạt bài với lối văn bình dị, nhắm vào việc giáo dục giới thanh niên trên con đường tiến hóa…Sau khi gạt bỏ những gì có tính chất chính trị mà thực dân Pháp đã dụng ý, Đông Dương tạp chí quả thật là đã có công xây dựng một cơ sở vững vàng cho nền quốc văn mới trong lịch sử văn học Việt Nam ở đầu thế kỷ 20”.

Hay như Nam Phong Tạp chí có sự cộng tác của nhiều cây bút nổi tiếng thời bấy giờ: Đông Hồ Lâm Tấn Phác, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Trọng Thuật,Phạm Duy Tốn, Trần Trọng Kim, Tương Phố, Tản Đà, Dương Bá Trạc, Dương Quảng Hàm, Nam Trân, Đạm Phương... Theo GS. Dương Quảng Hàm, tạp chí Nam Phong đã có ảnh hưởng về hai phương diện:Về đường văn tự, Nam Phong đã sáp nhập vào tiếng Việt nhiều danh từ triết học,khoa học mới, và luyện cho chữ quốc ngữ có thể diễn dịch được các lý thuyết, các ý tưởng về triết học, khoa học mới. Về đường học vấn, Nam Phong đã cho phổ biến những điều yếu lược của học thuật Âu Tây, đồng thời diễn đạt những điều đại cương trong các học thuyết cổ của Á Đông nhưNho học, Phật học, v.v., và bảo tồn những điều cốt yếu trong văn hóa Việt Nam xưa (văn chương, phong tục, lễ nghi).

Dẫn ra hai tạp chí tiêu biểu ấy để thấy rằng, sự gắn bó của các nhà văn với sự phát triển và đóng góp cho xã hội của tạp chí là rất quan trọng. Đó là điều mà bất kỳ một tạp chí văn học nào cũng ghi dấu nằm lòng nếu thực sự muốn tạp chí của mình có những dấu ấn nhất định trong lòng bạn đọc.

II. Tạp chí Văn học trong bối cảnh kinh tế thị trường

Ai cũng biết rằng, trong một nền văn hóa, đóng góp của nền văn học nghệ thuật gần như là cốt lõi, là biểu tượng lớn nhất. Trong sự đóng góp to lớn đó của nền văn học nghệ thuật, các tác phẩm văn học đóng vai trò xương sống, như đã từng có lời ví von khẳng định rằng các cuốn tiểu thuyết là những khẩu đại bác của nền văn học. Đã có một thời gian dài trước đây, các tác phẩm văn học được bao cấp in một lúc hàng vạn bản, các tạp chí văn học cũng được bao cấp in số lượng lớn và công chúng háo hức đọc các tác phẩm đó trong các thời gian rỗi của mình.

Thế nhưng thời kỳ đó đã qua rồi. Trong thời buổi kinh tế thị trường, việc tiếp nhận các tác phẩm văn học không còn được ưu tiên hàng đầu sớ vơi các vấn đề khác.

Bối cảnh kinh tế thị trường khiến cho con người lao vào làm ăn kinh tế nhiều hơn, thời gian dành cho việc làm ăn, tiếp đãi đối tác... nhiều hơn là đọc sách. Việc cập nhật thông tin từ các báo thời sự hàng ngày trở nên cấp thiết hơn, và rõ ràng là việc tìm kiếm thông tin thời sự có tính chất thực tế hơn nhiều so với để dành thời gian rỗi đó cho việc tiếp cận tác phẩm văn học có phần hơi khó đọc hiện nay. Bên cạnh đó, sự bùng nổ thông tin Internet khiến ngành báo in còn chao đảo, huống hồ là tạp chí văn học ra một tháng một kỳ.

Lại nữa, sự bát nháo của xuất bản khiến cho công chúng đến với sách văn học như đi vào một ma trận. Những cái không phải là văn chương lại được quảng bá quá nhiều, bên cạnh đó là sự xuất hiện khá rầm rộ của những sản phẩm văn học chất lượng cực thấp của các câu lạc bộ văn học, của các tác giả làng nhàng khiến công chúng có vẻ bị bội thực sản phẩm văn học. Và hiện trạng đó, khiến sản phẩm văn học đích thực muốn đến với công chúng đã khó khăn, nay càng khó khăn gấp bội.

Đã thật sự có một cuộc chiến giành giật công chúng khán giả giữa các tờ báo, các loại hình báo chí, các hình thức thẩm mỹ, các hình thức tiêu dùng giải trí khác... Cuộc chiến giành giật này diễn ra từ ngoài xã hội cho đến tận các phòng ngủ của các cặp vợ chồng và phòng ngủ riêng của những đứa trẻ. Trong cuộc chiến giành giật thời gian giải trí của công chúng, tạp chí văn học hoàn toàn lép vế. Thế giới đầy màu sắc và cực kỳ nhanh nhạy của Internet và truyền hình kỹ thuật số, các kênh phim ảnh HBO, MOVIE, MAX, AXN... , các live show truyền hình, các trò chơi điện tử, chát trên điện thoại di động... hoàn toàn hấp dẫn hơn rất nhiều so với các tạp chí văn học đang được in ấn không đẹp lắm, thậm chí lộ rõ sự nghèo nàn, sống dở chết dở hiện nay.

III. Tạp chí trong bối cảnh vừa giữ bản sắc dân tộc vừa hội nhập

Trong thời buổi mà hầu như bất kỳ địa hạt nào cũng dính dáng đến toàn cầu hóa, thì cũng dễ nhận ra rằng văn học của mọi vùng đất, mọi quốc gia và vùng lãnh thổ không thể đứng biệt lập, nó muốn có tiếng nói thì nó phải hòa mình vào dòng chảy văn chương thế giới. Dù muốn dù không, văn học của một quốc gia bất kỳ nào đó không thể thu mình trong tháp ngà của dân tộc để tự tỏa sáng được, nó buộc phải hội nhập. Và như vậy, một trào lưu văn chương không thể nằm ngoài hệ thống các mối quan hệ chằng chịt trên toàn thế giới. Từ xưa, các trào lưu, các nhà văn hoặc nhóm tác giả, các tác phẩm văn học đã tiếp cận nhau, giao thoa với nhau, ảnh hưởng tới nhau, thậm chí xung đột với nhau... Thì trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay, với sự hỗ trợ của Internet và kỹ thuật số, sự giao thoa đan cài là ngày càng lớn hơn. Bây giờ, bản thân văn học cũng không thể cố thủ đơn độc trong cõi mơ mộng của mình mà tất yếu phải chịu ảnh hưởng của các loại hình nghệ thuật khác, và những yếu tố phi văn học khác.

Ở Việt Nam, văn học so sánh đã chưa thể phát triển mạnh. Sở dĩ văn học so sánh chưa được đánh giá đúng mức như vậy là vì nhiều lý do. Dưới sự tác động của yếu tố truyền thống, phong tục tập quán, chiến tranh, văn hóa Việt Nam đã có một thời hoặc là thu mình trong dân tộc trung tâm luận, có những lúc tự bằng lòng, tự tâng bốc nhau, hoặc cực đoan từ phía khác mặc cảm tự ti trước vẽ hoành tráng của các nền văn học phương Tây khác... Thêm vào đó, lý luận văn học so sánh, cũng như lý luận văn học thuần túy ở Việt Nam chưa tìm được tiếng nói chung với các nước khác trên thế giới. Tất cả những điều đó dẫn đến thực trạng là văn học ViệtNam chưa có tiếng vang trên diễn đàn chung của văn chương thế giới.

Từ chuyện sự bức thiết phải hội nhập, lý do phải hội nhập cho thấy rằng đã đến lúc văn học chúng ta phải vừa tự đổi mới, vừa tự so sánh để tiếp thu các khuynh hướng mới, vừa bảo đảm rằng sự sáng tạo đó không đi quá xa cái gốc rễ cây lúa nước của dòng giống Việt.

Những vấn đề đó, bên cạnh sự tự đổi mới của các nhà văn, các tạp chí văn học cũng không thể đứng ngoài cuộc. Nền văn học ngoài các tác phẩm văn học, tờ báo Văn nghệ, cũng phải nhắc đến sự hiện diện của khoảng 100 tờ tạp chí văn học có mặt ở tất cả các tỉnh thành trong nước. Nếu các tạp chí văn học mạnh, sẽ làm cho các trào lưu sáng tác phát triển, và ngược lại.

Việc làm cho các tạp chí văn học mạnh mẽ hẳn lên, khuyến khích được các trào lưu sáng tác mới, được các cây bút tin yêu gửi gắm tác phẩm, được công chúng đón đọc... là chuyện không hề dễ dàng. Đó thực sự là thách thức từ nhiều phía.

Những thách thức ấy có thể liệt kê ra như sau:

+ Không có nguồn kinh phí dồi dào để tạo cú hích phát triển, khuyến khích tâm huyết những người làm tạp chí văn học. So với các loại hình báo chí được bao cấp tại các địa phương (báo Đảng, các đài truyền hình), tạp chí văn học được đầu tư mang tính chiếu lệ, nơi cao nhất chưa bằng một nửa ưu ái so với các loại hình báo chí khác.

+ Với nhuận bút kém hơn rất nhiều lần, tạp chí văn học bị các báo thời sự cạnh tranh bài vở, lôi kéo sự cộng tác của các cây bút tên tuổi, lôi kéo độc giả...

+ Tạp chí văn học không thể đi làm các thứ khác để câu khách.

Vậy muốn các tạp chí văn học phát triển mạnh, cần phải làm gì?

Chúng ta biết rằng, hàm lượng chất xám trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ mà các tạp chí văn học hội tụ được từ chính bản thân các cây bút trong cả nước và nước ngoài là cao hơn rất nhiều so với các loại hình báo chí khác.

Đó chính là cơ sở, là nền tảng cho sự phát triển. Rõ ràng là các tạp chí văn học đã có đủ điều kiện về trí tuệ và cảm hứng, và đang rất cần những cú hích. Những cú hích đó là gì? Đó là:

- Cần thiết có sự đầu tư mạnh mẽ của nhà nước từ trung ương đến địa phương theo tinh thần Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị: “Đầu tư cho văn học nghệ thuật là đầu tư cho phát triển”.

- Sự dấn thân của các nhà văn trong việc cộng đồng trách nhiệm với các tạp chí văn học.

- Về lâu dài, phải có sự lưu ý đầu tư trong chương trình giáo dục để việc phổ cập kiến thức cảm nhận thẩm mỹ được rộng rãi, giúp cho đông đảo công chúng có điều kiện có thể cảm nhận cái đẹp mà nghệ sỹ mang đến cho công chúng.

Đối với bản thân các tạp chí, cần nâng cao năng lực làm báo văn nghệ để mỗi số tạp chí ra mắt, thật sự là một ấn phẩm văn học chất lượng. Bên cạnh việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa vùng đất, các tạp chí văn học cần mạnh mẽ hơn trong việc khuyến khích các trào lưu sáng tác mới, chấp nhận các tìm tòi thử nghiệm miễn là không đi ngược với chủ trương đường lối phát triển của đất nước, không quá xa rời bản sắc văn hóa dân tộc, và tất nhiên là cũng không quá phụ thuộc, bắt chước không có chọn lọc cái bên ngoài, hay nói cách khác là tất cả phải được xử lý theo cảm quan nghệ thuật của một người Việt Nam hội nhập.

Và các tạp chí văn học cũng cần tận dụng ưu thế của Internet để tạo cho mình một thế đứng trong cộng đồng kỹ thuật số.

*  *  *

Tạp chí văn học không làm câu chuyện kinh tế, bản thân sự tồn tại của nó đã là sự có mặt của văn hóa, đó là điều mà những người đang làm các tạp chí văn học có thể tự hào. Vấn đề là chúng ta cần làm tốt hơn nữa công việc của mình, để những sản phẩm của chúng ta đưa đến công chúng, thật sự được đón nhận đông đảo hơn. Và dù chúng ta làm hết sức rồi mà chưa được đón nhận đi nữa, thì chúng ta cũng không nên lấy đó làm buồn. Chúng ta đã làm tất cả những gì có thể, những gì trong điều kiện tối thiểu, luôn thiếu thốn mọi bề, giữa bối cảnh xung quanh ta công chúng đang bị bủa vây bởi nhiều cám dỗ khác mà không thể bứt phá ra được.

Chúng ta hãy làm và chúng ta hãy chờ đợi, bởi suy cho cùng, văn chương chỉ là câu chuyện của nhân loại khi họ không còn bám víu vào đâu được nữa…

H.Đ.T.N 

 

 

Hồ Đăng Thanh Ngọc
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 226 tháng 07/2013

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt - 35 năm một chặng đường

28/06/2025 lúc 16:18

Ngày 28/5/2025, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm tạp chí ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên năm 2025. Tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập phụ trách Hồ Thanh Thọ đã có bài phát biểu khai mạc...

Vùng trời hoa sim

26/06/2025 lúc 23:29

Những triền sim tím đồi xaBềnh bồng nâng gót mùa qua lặng thầm

Hương xưa; Nắng sớm

26/06/2025 lúc 23:27

Hương xưa… Ta về tìm lại hương xưa

Giấc mơ đồng bằng; Về xanh trong gió thơm

26/06/2025 lúc 23:24

Giấc mơ đồng bằng Gọi em đêm qua tôi mơ

Ngủ giữa gió sông quê

26/06/2025 lúc 23:22

Hôm ấy gió sông thổi về lồng lộng. Lửa nương theo bàn tay của gió vồ lấy mái bếp, tỏa ngọn nghi ngút trên đống củi khô, tràn qua ô cửa vương tơ nhện và bụi mờ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/07

25° - 27°

Mưa

09/07

24° - 26°

Mưa

10/07

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground