Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thế giới Chế Lan Viên

LTS: Nhân dịp khánh thành Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên tại xã Thanh An, huyện Cam Lộ, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam có phát biểu quan trọng đánh giá về những cống hiến của nhà thơ Chế Lan Viên đối với nền văn học, văn hóa nước nhà. Tạp chí Cửa Việt trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát biểu.

Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Chế Lan Viên

Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Chế Lan Viên

Chế Lan Viên đóng góp cho thơ Việt to lớn đến mức, tôi muốn xem ông như một thế giới. Thế giới Chế Lan Viên. Đặc điểm lớn nhất của sự cống hiến đó là sự hài hòa. Lý luận mỹ học coi sự hài hòa là tiêu chuẩn lớn nhất của cái Đẹp. Chế Lan Viên đã đem đến sự hài hòa cho Thơ Mới, và cho thơ ca cách mạng Việt Nam từ 1945 đến nay. Phải là một người có biệt tài mới có thể đem đến một vế đối hài hòa cho cả một nền thơ đất nước.

Với Thơ Mới:

- Tất cả các nhà thơ còn lại viết về cõi Người, Chế Lan Viên viết về cõi Ma.

- Tất cả các nhà thơ còn lại viết về cái còn, Chế Lan Viên viết về cái mất.

- Tất cả các nhà thơ còn lại viết về thì hiện tại, Chế Lan Viên viết về thì quá khứ.

Như vậy, Thơ Mới của tất cả các nhà thơ còn lại mang đến vẻ đẹp dương tính, thì thơ của Chế Lan Viên mang đến vẻ đẹp âm tính. Thơ Chế Lan Viên đem đến sự hài hòa, đó là sự hài hòa của trời đất, của đêm ngày, của sống chết, đó là sự hài hòa của vũ trụ trong sự tròn đầy của chính nó. Không có Điêu Tàn, không có Chế Lan Viên, Thơ Mới vẫn hay nhưng hay một cách đơn tuyến. Có Chế Lan Viên, có Điêu Tàn, Thơ Mới hay một cách đa tuyến. Một cống hiến hết sức tài năng!

Nói Chế Lan Viên là cả một thế giới, không chỉ giới hạn trong cái nghĩa ông làm phong phú, hài hòa cho thơ ca đất nước gần một thế kỷ nay, mà trước hết, ông tự phong phú, tự hài hòa ngay trong chính thơ mình. Bao nhiêu năm tôi đi tìm lời giải cho Điêu Tàn, và thời gian đã chỉ cho tôi dừng lại ở hai câu thơ rất hay:

Khi đã buồn hiện tại

Thì quay về tháp xưa

Sau này, trong bài Ngoảnh lại mười lăm năm tặng nhà thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên viết:

Ôi dân Chàm mất nước

Kiếp dân mình đâu xa

Như vậy, có nghĩa là những ma Hời, những sọ dừa, những xương khô của nước Chàm xưa chính là sự đồng dạng của những nhà tù, những pháp trường, những bom đạn của biết bao tang thương khác mà thực dân Pháp đã dùng nó để thiết lập và duy trì sự thống trị của nó trên đất nước ta. Một hiện tại bi đát có sức tố cáo bọn xâm lược. Đó là ý nghĩa tích cực nhất của Điêu Tàn.

Trong Thơ Mới tức là trong văn học công khai tôi thấy có hai người tiếp cận gần nhất đến thực tại này. Một là Huy Cận khi ông nói đến “nỗi buồn non nước” và với Chế Lan Viên như tôi đã nói ở trên.

Chế Lan Viên đem đến sự hài hòa cho nền thơ Cách mạng từ sau 1945 đến nay.

- Nếu tất cả nhà thơ còn lại là sự thăng hoa của tâm hồn, thì Chế Lan Viên là sự thăng hoa của trí tuệ, của suy tưởng.

- Nếu tất cả các nhà thơ còn lại là sự rung động trữ tĩnh, thì Chế Lan Viên là sự đanh thép của chiến trường.

- Nếu tất cả các nhà thơ còn lại là ru ca, là tình ca, thì Chế Lan Viên là tráng ca, là anh hùng ca.

Chế Lan Viên không chỉ bổ sung cho thơ ta những bài thơ hay, những tập thơ hay theo nghĩa chiến thuật mà ông bổ sung cho thơ ta những cấu trúc, những môi trường của thơ đất nước theo nghĩa chiến lược.

Chế Lan Viên có công rất lớn mở rộng không gian thơ. Thơ ông có nhiều tầng văn hóa. Có lúc thơ ông vang lên như tiếng hịch với chất giọng hàn lâm.

Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt

Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng

Có lúc lại đậm chất tâm tình mang chất dân gian:

Khi vui lấy núi làm vui

Khi buồn nhặt trái sim rơi đỡ buồn

Có lúc ông đả kích cay độc kẻ thù:

Ních Xơn cũng tập thế mà! Mỹ xuất tiền đồng minh xuất máu

Thiệu đem sông núi Việt Nam đổ vào quỹ chiến trường

Có lúc ông lại trở nên đằm thắm, bàng hoàng, say đắm:

Em đi như chiều đi

Gọi chim vườn bay hết

Em về tựa mai về

Vườn ta xanh lộc biếc

Thật là đa thanh, hiển đạt Chế Lan Viên.

Chế Lan Viên là nhà thơ luôn luôn tái nhận thức, tái điều chỉnh, tự vận động không ngừng, cốt cho thơ ta luôn bắt kịp với hồn cốt đời sống đất nước. Sau hòa bình, Chế Lan Viên viết: “Phải làm một cuộc chuyển quân, một cuộc chuyển thơ từ nơi êm đềm, ẩm ướt của lòng mình đến nơi cằn khô, cháy bỏng, đến các chiến trường ác liệt”.

Sau 1975, ông viết: “Thơ bây giờ không đối diện với quân thù, với chiến hào mà phải đối diện với đời thường. Lại phải làm cuộc chuyển quân, chuyển thơ một lần nữa. Từ cái đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng về đồng bằng phì nhiêu của cuộc sống lắm phức tạp”.

Chính điều này giúp ta hiểu giá trị của di sản Di cảo. Phì nhiêu nhưng phức tạp, đó là đặc điểm của đời thường. Di cảo là một tích hợp với biết bao tin tưởng, lo âu, xa xót, yêu thương, vật vã, thao thức về lẽ đời, lẽ thơ và chân lý. Không phải yêu chân lý, gọi một tiếng là chân lý đến ngay. Không phải mong yêu thương là thỉnh một tiếng chuông là yêu thương hiện đến. Thơ Di cảo là tiếng thơ của một người đã đi ngược chiều nhiều trận bão và trả giá gắt cho nhiều trải nghiệm. Di cảo là bản lĩnh, là nhân cách, là tâm huyết lao lung của một nhà thơ kỳ tài chứ không phải là sám hối, là phủ định như một số người đã cố tình gán ghép.

- Trong các nhà thơ Việt Nam, chưa có ai bàn về thơ chuyên nghiệp, thâm thúy, triệt để như Chế Lan Viên. Ông trở đi trở lại không biết bao nhiêu lần về đề tài này. Ông đưa ra một hệ thống thẩm mỹ vừa phổ quát vừa uyên sâu, có giá trị kinh điển về nghệ thuật thơ ca. Ông là nhà phê bình thơ hay nhất trong số các nhà thơ Việt Nam hiện đại.

- Chế Lan Viên là một nhà hùng biện. Ông là bộ óc điện tử của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông chiếm lĩnh đỉnh cao của thành tựu triết học, lịch sử, luật học, xã hội học, chính trị học, nghệ thuật quân sự, các trào lưu văn học nghệ thuật Đông Tây Kim Cổ. Ông say mê với nhiều môn học khoa học tự nhiên. Và ông đã huy động tất cả thành một siêu lực của trí tuệ để đối thoại và thuyết phục người đối thoại.

- Chế Lan Viên là bậc thầy đáng kính của các nhà thơ trẻ. Chuyên mục ông ký tên Chàng Văn trên báo Văn nghệ nhiều năm trước thực sự là một trường đại học cho những cây bút trẻ mới vào nghề và những người yêu văn học. Ông nâng đỡ, khuyến khích, bảo vệ các tài năng trẻ cho đất nước.

- Chế Lan Viên là một chính khách, một nhà ngoại giao xuất sắc. Ông tham gia Quốc hội liền 4 khóa: 4, 5, 6, 7 và cả 4 khóa này ông là nhân cốt trong Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Trong những năm chống Mỹ, trong sự đối đầu gay gắt của ý thức hệ quyết liệt, với chỉ 6 đô la và 2 bộ vét mượn của Bộ Tài chính, Chế Lan Viên đã đi khắp châu Âu, thuyết phục, gặp gỡ làm lay chuyển những bộ óc, những trí thức lớn nhất của châu Âu lúc bấy giờ, giúp họ nhận ra bản chất thực sự của chiến tranh và đứng về phía nhân dân Việt Nam chống Mỹ. Thật là nhà ngoại giao kỳ tài!

100 năm nhà thơ lớn Chế Lan Viên.

100 năm nhà văn hóa Chế Lan Viên.

100 năm biệt tài Chế Lan Viên.

Một người đã góp phần xuất sắc nhất đưa thơ ca Việt Nam lên đỉnh cao.

Quảng Trị là quê hương của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và nhiều người con ưu tú của Tổ quốc. Quảng Trị là tượng đài kỳ vĩ nhất của đất võ trong chiến tranh. Với việc xây dựng Nhà lưu niệm Chế Lan Viên hôm nay, Quảng Trị lại là ngôi đền thiêng của đất văn trong hòa bình. Thật là một địa phương địa linh nhân kiệt, văn võ toàn tài.

Xin thay mặt Đảng Đoàn, Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam, tôi trân trọng cảm ơn một quyết định rất sáng suốt, rất đúng đắn và hợp lòng dân với tầm nhìn văn hóa xa rộng của lãnh đạo tỉnh và Hội VHNT tỉnh Quảng Trị: Xây dựng nhà lưu niệm Nhà thơ lớn, xuất chúng Chế Lan Viên.

Chế Lan Viên đã đi vào lịch sử văn học Việt Nam như một nhà thơ lớn, kỳ tài. Tên tuổi Chế Lan Viên làm vẻ vang cho quê hương Quảng Trị, làm vẻ vang cho Tổ quốc chúng ta. Mãi mãi là tấm gương cao quý, rực sáng về lòng yêu nước, yêu quê hương, một tinh hoa văn hóa rực sáng của thời đại Hồ Chí Minh.

H.T

HỮU THỈNH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 316

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground