Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 11/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thế giới thơ Võ Văn Hoa

“Đời ngoài tuổi năm mươi - Mong gì hương sắc lạ”

                                          (Chế Lan Viên)

1

. Có người nói văn học nghệ thuật là “quý hồ tinh hơn quý hồ đa”, nhưng tôi lại thiết nghĩ có “đa” mới có “tinh”. Với nhà thơ Võ Văn Hoa, không chỉ quan tâm “đa” hay “tinh”, nhiều hay ít, điều anh tâm niệm là phải cố viết bằng sự chân thành, không giả dối, điệu đà, khoa trương hay triết lý rối rắm. Trong sự nghiệp trước tác, Võ Văn Hoa từng được các giải thưởng về thơ, nhưng chưa bao giờ anh khoe mĩ về các giải thưởng ấy. Có lần anh tâm sự: Đối với người cầm bút thì giải này hay giải nọ đâu phải cái đích cuối cùng. Điều khao khát nhất là luôn tạo ra những thi phẩm hay hơn, mới hơn, thật hơn với chính mình. Cố viết bằng tâm hơn là viết bằng tài, có như thế mới gần gũi với bạn đọc, nhà thơ mới tồn tại. 

Trên hành trình sáng tạo thi ca, nhà thơ Võ Văn Hoa có rất nhiều thi phẩm được đăng trên các tạp chí Trung ương và địa phương, được tuyển chọn vào những tập thơ chung, sau đó anh đã góp nhặt và cho ra đời hai tập thơ riêng Còn ta với mình (NXB Thanh Niên, 2004 )Gió cuối mặt sông (NXB Thuận Hoá, 2008). Có được thành quả đó, là nhờ vào quá trình làm việc nghiêm túc, miệt mài không mệt mỏi của anh. Điều đó, đã làm nên chứng chỉ thi ca, và chứng chỉ thời gian của hành trình nghệ thuật, mà anh trót nặng nợ, đa mang, và có thể hệ lụy, nhưng anh không thể khước từ, không thể lặng im.

Thế giới nghệ thuật thơ của Võ Văn Hoa đa dạng và phong phú. Cảm hứng sáng tạo chính trong thơ của anh là sự hoà quyện những cảm hứng lớn về quê hương, đất nước, và những cảm hứng thẳm sâu về con người, thiên nhiên, về tình yêu, thế sự... được thể hiện trong suốt con đường thơ của anh.

2. Trong mỗi con người, ai cũng có quê hương để thương, để nhớ, đó là nơi chôn rau cắt rốn, nơi sinh ra và lớn lên trong những năm tháng ấu thơ. Quê hương, hai tiếng thân yêu ấy đến với Võ Văn Hoa trong tiếng nói đầu của thi ca. Anh sinh ra và lớn lên ở vùng quê đằm thắm hương vị của ruộng đồng và biển cả. Và thế, anh đã mang trong tâm hồn tấm lòng tha thiết với quê hương. Bước vào đời thơ, Võ Văn Hoa đã có bài Quê mẹ Hải Lăng: “Có một miền quê nồng nàn đến thế/Tôi đưa em về quê mẹ Hải Lăng.Có một vùng quê nồng nàn đến thế/Tôi đưa em về huyện trũng Hải Lăng.Có một vùng quê nồng nàn như lửa/Qua đạn bom mới yêu hết tình đời”.

            Vừa tự sự, vừa miêu tả, cảm nhận, bài thơ đã nói hộ tình yêu nồng mặn của thi nhân - nhà thơ với một vùng chiêm trũng, sông nước, một vẻ đẹp nhỏ nhẹ, đằm thắm. Tình yêu ấy ngày càng nghiệm sinh, thấm sâu vào hồn thơ của anh: “Miền quê nghèo giàu nhân nghĩa nhân gian/Có một miền quê, có một miền quê “rũ bùn đứng dậy”/Chói sáng tim hồng”(Quê mẹ Hải Lăng).

             Thi phẩm được coi là kiệt tác tiểu biểu cho mảng đề tài quê hương, đất nước. Bài thơ mang hồn thơ chân thật, nồng nàn, trong sáng, là tiếng thơ của một tâm hồn giàu cảm xúc đã được ý thức soi sáng. Lời thơ mộc mạc, trong trẻo, giản dị, với chất giọng tâm tình làm cho bạn đọc cứ tưởng như tấm lòng ta vậy.

Nơi chốn quê của anh có dòng sông, biển bãi, có vùng chiêm trũng, có bờ tre nghiêng bóng, có bờ xanh lúa khoai, buổi trưa hè...  Ở đó, có dòng sông, nơi tắm mát tuổi thơ đã ăn sâu vào tâm thức nhà thơ, nơi anh kí thác tâm tình: “Bờ tre xanh nghiêng bóng/Con sông nhỏ về đâu?/Con sông nhỏ nông sâu/Vĩnh Định ơi ta về” (Vĩnh Định ơi ta về). Quê hương trong anh có lẽ lớn hẳn lên với một khí thế chiến đấu tưng bừng, với những người con ưu tú anh dũng hy sinh: “Về bãi ngang một thời oanh liệt/“Mồ chen thôn xóm...” năm nào.Bao người mẹ anh hùng, bao người con bất tử!/Hải Lăng trong tôi”(Quê mẹ Hải Lăng). Sức mạnh đấu tranh của những người mẹ, người chị, người anh, người em... đã đi vào huyền thoại. Lúc này, trong anh đã đâm chồi nảy lộc một miền tin vào sức mạnh kì diệu của quê hương: “Đảng chỉ cho ta đường ra phía trước/Để mai sau đón lấy mùa vàng.Con muốn bơi giữa dòng đời đẹp thế!Báo tin vui - Ngày-nước-đến muôn làng” (Nước đã về trên cách đồng Triệu Hải mẹ ơi)

            Những địa danh, tên đất, tên làng của những vùng quê khác nhau đã đi vào trang thơ của anh như Hạ Long, Qua đèo Hải Vân, Một mình với Huế, Thơ viết mùa xuân đôi chín, Đêm Đà Lạt... Anh có nhiều chuyến đi vào cuộc sống thực tế và nhạy bén trong việc quan sát, nắm bắt hiện thực khác quan, tìm thấy nhiều miền quê mới, một Tiên Điền: “Làng quê nghèo như bao làng quê khác. Sóng Cửa Hội vẫn vỗ vào đất liền âm ba của thơ”(Tiên Điền). Một Đà Lạt mộng m¬, huyền ảo trong sương mờ: “Đêm chùng xuống thông xanh/Một Đà Lạt mờ sương ảo ảnh/Ven Hồ Xuân Hương se lạnh”(Đêm Đà Lạt). Một cố đô Huế cổ kính, rêu phong: “Màu tím Huế chiều Hoàng Thành bịn rịn.Không gian Huế bức tranh trầm mặc/Tố nữ ơi xuân tím đến bao giờ?”(Thơ viết mùa xuân đôi chín). Trước vẻ đẹp của một thủ đô ngàn năm văn hiến, anh đã chú ý chọn lọc một số nét tiêu biểu, tô đậm, thể hiện cảm xúc trước cảnh Hồ Gươm: “Bừng thức chuyện rùa vàng/Hồ gươm xanh bóng phố/Hạt ngọc qua thời gian/Sáng ngời trang cổ sử” (Bên hồ Gươm). Tình cảm với Hà Nội cũng là tình cảm với đất nước. Mỗi bước đi của hiện tại đều gắn liền với lịch sử hôm qua, và cũng là sự ngời sáng cho ngày mai. Đến với phong cảnh thiên nhiên hay các địa danh, tất cả đều xuất phát từ tình yêu quê hương được nâng lên thành tình yêu Tổ quốc.

             Tôi yêu những vần thơ quê hương, đất nước đầy cảm xúc, thiết tha của anh, bởi ở anh, chất hồn nhiên, mộc mạc và chân thật, những lời tâm sự thủ thỉ, và tấm lòng da diết với quê hương, đất nước không hề đổi thay. Võ Văn Hoa không đưa ta vào những mê cung huyền bí, những trận đồ bát quái, những chữ nghĩa mê hồn trận làm tan tác hồn người, mà ở đó, anh đưa ta về những hồn quê đắm say, ngay cả những người đang sống giữa lòng quê hương mình.

3. Ngoài mảng viết về quê hương, đất nước, Võ Văn Hoa cho ra đời dòng thơ về bản thân, gia đình, bạn hữu, đồng nghiệp và đời tư-thế sự... Từ những con người bé nhỏ đến những người nổi tiếng đều là đối tượng để anh đưa vào trang thơ. Mở đầu tập thơ Gió cuối mặt sông là hình ảnh của người con gái anh hùng, gan dạ của một thời xẻ dọc Trường Sơn, tiêu biểu cho sức mạnh của người phụ nữ Việt Nam: “Em vẫn đi dọc Trường Sơn/Tìm lại dấu chân son những ngày khói lửa/Đồng đội em ngã xuống nơi nào?/Cây rừng kèn dày phế tích” (Có một nơi xa nào).

Cũng là con người, nhưng mẹ Việt Nam lại phải hứng mưa bom bão đạn, phải gắn chịu bao nỗi đau thương, đứng lên tự chủ vì đất nước đang bị dày xéo tả tơi: “Cả Thị xã máu trộn cùng vôi vữa trắng thời gian. Dòng Thạch Hãn như vết cắt nhói tràn đất mẹ” (Vĩ thanh Thành Cổ). Những người chị (Trần Thị Tâm) đang còn tuổi thanh xuân, chân lấm tay bùn, đứng lên từ trong đau khổ, căm thù lũ giặc cướp nước: “Nơi này xưa chị ở/Cả vùng trời màu xanh” (Ở một chân trời quê hương).

 Anh viết nhiều về những người lao động chân bùn tay lấm, những người hăng say dựng xây cuộc sống mới: “Những cô gái Lệ Ninh nói ít làm nhiều/Vết chai sạn hằn lên da thịt/Dù không nói ra, anh vẫn biết/Xe cát nhọc nhằn... không uổng đâu em/Có mồ hôi em lúa sẽ lên xanh/Đất và nước hẹn mùa sáu tấn/Đồng Triệu Hải những ngày vui  vô tận/Nước đã về. Em lại tiếp ra đi...” (Những cô gái Lệ Ninh).

            Những nhân vật nổi tiếng cũng là đối tượng được khai thác. Anh viết về họ với một tình cảm chân thành, tấm lòng kính phục: “Vẫn làng quê như bao làng quê khác/Vẫn ngôi nhà mộc của bậc sinh thành.Người học trò xuất sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh/“Nhành mai đỏ” bên dòng sông Thạch Hãn/Đại thắng Mùa xuân dấu soi tươi sáng/Lịch sử sang trang/Ông - một con người  toàn vẹn với non sông” (Thăm nhà Tổng Bí Thư Lê DuÈn).

            Có những bài thơ anh viết rất hay về bạn bè, đồng nghiệp. Đó là những người cùng chất sống như anh: “Nhiều đêm dốc bầu thức trắng/Nghêu ngao thơ phú nỗi niềm/Bất luận nắng mưa sớm tối/Tìm về một cõi thân quen”(Nét xuân). Khởi nghiệp là nhà giáo, sau đó anh làm quản lí, nên anh rất thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, vất vả, khó khăn của đồng nghiệp trong việc đưa cái chữ lên miền núi, về miền xuôi: “Quê anh lầm lội cơn mưa/Đồng nước bạc ngỡ như chưa bao giờ/Em về dạy các em thơ/Mấy mùa gian khó nối bờ thương yêu”(Gửi em cô giáo trường làng); “Các cô giáo miền xuôi lên đây cắm bản/Dốc chiều nghiêng!/Gian khó buổi đầu không thể nào quên”(Như hoa Cà-phê trắng). Người bạn đồng nghiệp gắn bó bên anh “Những tháng năm dài gian khổ bên nhau”, trong “Tình bè bạn men nồng thức trắng” đã ra đi vào cõi vĩnh hằng trong khi “trang đời mới mở” để lại “bao nỗi thương đau” cho người ở lại: “Tin mới nhận bồi hồi nóng bỏng/Có thể nào bạn đã ra đi.Hải Khê ơi!Trong từng lời sóng vỗ/Chia cùng ta bao nỗi thương đau”(Cho người nằm xuống). Và bất kỳ đâu, nơi nào, thăm, gặp nhân vật nào, nhà thơ cũng có thể đưa ngay họ vào trang thơ của mình: “Lâu chú mới về thăm làng/Gặp cháu nghêu ngao gõ sừng/Tan học chăn trâu giúp mẹ” (Đứa bé chăn trâu đồng làng).

            Và những lúc anh cảm nhận đặc sắc nhất cái vô thường của đời người, và sự bất lực trước thời gian, qua hình ảnh của người Cha thân yêu thuở nào “dắt con mỗi sớm đến trường”, thế mà “Giờ sang tuổi tám mươi tai lãng, mắt mờ” (Bố). Và Mẹ - Người con gái làng Văn “Đoan trang tính cách má môi hồng”, biết bao chàng trai “phong trần ngơ ngẫn tiếc”(Con gái làng Văn), nhưng giờ đây “Dáng mẹ hao gầy vào ra sớm tối/Gậy khua vào bảng lảng hoàng hôn”(Bão).

            Cuộc sống và con người trong trang thơ của anh phong phú và đa dạng nhường nào, có đầy đủ các đối tượng, tất cả đều xuất hiện một cách có khí phách, có tầm cỡ và có vóc dáng riêng của bản thân, góp phần làm giàu thêm mình bằng chất tiểu thuyết, chất đời, chất người qua các nhân vật. Và như thế, cũng có nghĩa là cái tôi trữ tình của nhà thơ đã phong phú, lớn lao, đã có sự hoá thân, gửi gắm vào những nhân vật vật trữ tình ấy. Đến tập thơ Gió cuối mặt sông, thơ Võ Văn Hoa mới đến độ chín nhất định. Đó là một kết quả của một quá trình phấn đấu, rèn luyện không mệt mỏi của anh để có sự hòa quyện cùng nhịp đập giữa cái tôi và cái ta.

4. Với tình yêu, Võ Văn Hoa viết cũng không phải là ít so với nguồn thơ tình dồi dào đến mức định in thành “từ điển” của một số nhà thơ lớn. Đây là thơ tình của người lớn tuổi, vì thế rất ý nhị, đằm thắm, trang nhã, lắng sâu, tâm tình, thủ thỉ, một tiếng nói nhẹ nhàng, buồn buồn của một thời hoa mộng chưa xa. Tất cả xuất phát từ một cái tình thực, xúc cảm thực của anh, tạo ra nhiều vần thơ đẹp, thơ mộng cho tình yêu đôi lứa: “Ra giêng anh cưới em/Bên thềm xuân gõ cửa/Còn vui nào hơn nữa/Ra giêng về... cưới em”(Ra giêng anh cưới).

            Tuy nhiên, những bài thơ tình hay lại là những thi phẩm mà anh viết về tình yêu của một thời hoa mộng, trong sự chia ly cách xa. Sự chia ly, xa cách ngay từ mối tình đầu của nhà thơ: “Có phải từ bao giờ/Vân vê tà áo mỏng/Cánh chuồn bay trong thơ/Cũng ngân vang tiếng sóng/Anh từ nỗi đau xưa/Quên sao ngày xa vắng”(Thơ tình).

            Điều đó cũng hợp lẽ thường tình, vì suốt những năm tháng của tuổi hoa mộng học trò, với những ánh mắt, nụ cười, những rung động đầu đời, và với những tháng năm đất nước bị chia cắt... đã đi vào kí ức của anh. Cảm xúc nhớ thương trong xa cách ấy thường trực trong tình cảm của anh, và khi bắt gặp mỗi hoàn cảnh cụ thể nỗi nhớ lại bùng lên, tạo những ý thơ, tứ thơ, hình ảnh thơ xúc động trong những bài thơ sâu lắng: “Em hát tình ca đọng mật đời/Dấu tình như thể chẳng buông lơi/Anh mang gió nắng chiều rung nhẹ/Đi tận chân mây đến cuối trời”(Người hát tình ca). Anh đã bộc lộ những cung bậc của tình yêu, nhờ vậy nhà thơ đạt tới chất trữ tình bền vững. Với bút pháp liên tưởng tạo nên sự lung linh, huyền diệu, và một chất men tình ái cho thơ. Thời gian luôn được ngoái nhìn về quá khứ, không gian luôn cách xa, chia cắt.

            Thơ tình của Võ Văn Hoa là mạch tình cảm chân tình. Anh không che đậy lòng mình, cũng không khoa trương thi vị hoá. Thơ anh như là lời tâm sự, mà thấu hiểu lẽ đời, tình người, thấm thía từ cảm nhận xót xa, cay đắng trong tình nhớ, tình buồn: “Bçng dưng trời đổ thay màu/Em về buổi ấy nghe đau nhân tình/Lời yêu từ độ chúng mình/Để còn góc cạnh hành trình vời xa/Bỗng dưng ngừng bặt khúc ca/Khoảng không nỗi nhớ còn ta với mình” (Còn ta với mình).

            Đến những nỗi buồn thấm thía thiết tha, đau đáu, dang dở của cuộc tình vẫn tìm chốn nương nhờ, ẩn khuất giữa đất trời, thiên nhiên: “Anh về thăm lại Đakrông/Cô gái năm xưa đã lấy chồng/Cầu treo như nhắc ngày xưa cũ/Anh mãi đi về một nhánh sông” (Đakrông)

            Độc giả thực sự xúc động trước những suy nghĩ trải nghiệm về tình yêu của anh, dù vui hay buồn, đủ đầy hay dang dở, gần gũi hay chia ly, hiện thực hay mong ước... đều xuất phát từ tính thực. Tính thực là cái gốc để có thơ hay, nhất là với thơ tình, và thơ tình của Võ Văn Hoa có cái gốc vững chãi ấy: “Mai em có về/Huyện trũng quê anh/Ngày mới quê hương trên đường đổi mới/Bão lụt qua rồi-xốc hành trang đi tới/Hải Lăng ơi quê mẹ anh hùng!/Mai em có về.Về làm dâu quê anh!”(Huyện trũng).

            Võ Văn Hoa luôn hiểu rõ những giới hạn mà mỗi người vượt qua khó khăn trong tình yêu, có lẽ vậy hơn một lần anh tự bạch: “Em đi ngang còn thơ thì đi dọc/Em và thơ ngang dọc suốt đời tôi”.

            Viết về đề tài tình yêu, Võ Văn Hoa có cái nhìn, cách thể hiện riêng. Đó là sự chân thành, mộc mạc, đậm đà, không cầu kỳ, bay bổng, choáng ngợp để đưa tâm hồn ta vào thế giới tình ái mông lung, ảo hoá. Là cái cụ thể của người yêu cụ thể, được thi vị hoá thành thơ rất thật, gần gũi với đời thường, như những gì vốn có của nó: “Ngày em hai mốt tuổi/Người trồng cây si đứng vệ đường/Áo trắng tung bay chiều ngược gió/Đôi mắt vô tình thương đến là thương!”(Ngày em hai mốt tuổi).

Tôi thiết nghĩ, trong tình yêu cũng cần bình đẳng. Có cái rạo rực xao xuyến của tình yêu tuổi trẻ, có cái sâu lắng, thâm trầm của lớp người lớn hơn. Đều cần cả. Tình yêu trong thơ anh không chỉ có “hoa thơm trái ngọt”, mà còn cả “trái đắng”. Đây chính là chất giọng riêng, một cung bậc không giống ai của thơ tình Võ Văn Hoa.

5. Sau chiến tranh, đặc biệt sau đổi mới, thế giới thi ca mở rộng biên độ và phong phú, đa dạng hơn. Và vì thế, những cây bút mới có điều kiện tìm tòi nghệ thuật thể hiện, không tỏ ra lạnh nhạt với những thể thơ cũ, nhưng đồng thời cũng mạnh dạn hơn. Hoà tấu cùng dòng chảy đó, Võ Văn Hoa đã thể nghiệm các thể thơ tự do và thơ văn xuôi, chủ động sáng tạo trong kết cấu, ngôn ngữ, hình ảnh... Có gì tai hại hơn khi phải nệ theo một khuôn mẫu cứng nhắc, làm rơi rụng hết những ý tứ phong phú. Ý tứ càng phong phú, cách tư duy càng đa dạng cần phải tìm đến các dạng thức phong phú trong kết cấu tác phẩm như Tiên Điền, Tình ca Ô Lâu, Í a Xuân, Email xuân, Quà tặng... Mạch luận lí không thật rõ, nhưng có phải trạng thái tâm hồn ảo huyền, “thất tình” là dòng chảy mạch ngầm trong thi phẩm Tình ca Ô Lâu. Thế nhưng, hai câu thơ toàn thanh bằng đã tạo nên một sự nhẹ nhàng như đôi cánh thiên thần dẫu có chút vô vọng, xót xa: “Dòng sông Ô Lâu-Em đi về đâu?/Dòng sông Ô Lâu-không còn em-tôi đi về đâu”. Hay khi anh thể hiện những suy tưởng thế sự, những tâm tình sử ký, anh lại dùng thơ văn xuôi như bài Tiên Điền, Vĩ thanh Thành Cổ. Trong bài thơ Tiên Điền anh viết:

 “Tế Hanh có “Bài học nhỏ về nhà thơ lớn” chuyện hôm nay có khác hơn. Trẻ em ở đầu làng đã đọc thuộc Kiều đương nhiên còn tận tường chỉ cho tôi đường về mộ Nguyễn.

Tiên Điền tôi qua một lần thôi. Nhưng người giảng Kiều lâu năm trong tôi sẽ nhập thần hơn từ buổi sớm mai này”.

Võ Văn Hoa có cách nói hội tụ và thắt nút vấn đề, nên bên sau câu thơ, bài thơ thường có cái tứ chung, từ đó, vực dậy đem lại cho bạn đọc những cảm xúc bất ngờ, mới mẻ. Thơ anh ít triết lý, hầu như anh không cố tình triết lý, nhưng nhiều cảm xúc đến độ chín, tự nó trở thành triết lý cho thơ như bài Chớp bể, “Chuột bạch” ơi!chẳng hạn: “Người đi rừng nhìn từ phía bể/Nhà nông nhìn tổ kiến trên cao/Anh yêu em nhìn từ đôi mắt” “Người tuổi Tý sành điệu ít nói/Nhưng nói ra triết lý dịu dàng”.

Với cách thể hiện linh hoạt như thế, thơ anh có khả năng đi sâu vào những vấn đề rộng lớn của quê hương, đất nước, những vấn đề đời tư-thế sự, và cả miền sâu thẳm của tâm hồn. Như thế, có ai dám bảo những miền đó không tiềm tàng những điều chân thật nhất, đáng nghĩ suy nhất!. Thơ anh mang sắc thái, dáng vẻ hiện đại (thể thơ, kết cấu, ngôn từ, tư duy...), nhưng vẫn lưu giữ, vang vọng một trình tự dân tộc, một màu sắc dân dã, và những nếp nghĩ cổ truyền: “Ăn gạo mòn răng mà chẳng biết/Hôm qua mạ nói:Gạo ba trăng/Mới hay gạo cá thơm tình mạ/Trời đất!Con quên cả chị Hằng ”(Gạo ba trăng).

Thơ Võ Văn Hoa thể hiện trên nhiều chủ đề, đề tài khác nhau, tạo nên sự phong phú và đa dạng. Từ tập thơ Còn ta với mình đến tập thơ Gió cuối mặt sông đã vươn ra khỏi những nẻo đường nhỏ hẹp, là một thế giới thơ rộng lớn, phong phú, khoáng đạt. Cảnh sắc quê hương, đất nước, con người, tình yêu... được mở mang, tạo điều kiện cho độc giả khám phá thêm nhiều điều mới mẻ. Với những mảng thơ này làm dịu mát tâm hồn ta.

Trong dòng chảy của nền thơ ca đương đại, Võ Văn Hoa không gây ồn ào, sóng gió như nhiều nhà thơ khác, nhưng ở anh có cái trung thực, tinh tế và sự trong trẻo... vẫn thấm sâu vào lòng bạn đọc trong nhiều thế hệ. Điều đó, đã góp phần lý giải vì sao Võ Văn Hoa là một trong rất hiếm nhà thơ thuộc thế hệ U55 nhưng không bị già cũ, và có khả năng đồng hành được với nhiều thế hệ. Thế hệ nhà thơ trẻ ngày nay ắt có những điều khác với thế hệ nhà thơ Võ Văn Hoa. Thế nhưng, các bạn làm thơ trẻ nhìn thấy ở anh một tấm gương nghệ thuật đầy nhiệt tâm, và tìm thấy trong thơ anh nhiều góp ý bổ ích, kích thích thêm sự tìm tòi, thể nghiệm nghệ thuật của mình “Thơ hay như người đẹp - Ở đâu, đi đâu cũng được lấy chồng”(Chế Lan Viên).

                   B.N.H

 

Bùi Như Hải
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 181 tháng 10/2009

Mới nhất

Bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị”

11 Giờ trước

Chiều ngày 10/12, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị phối hợp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị” năm 2024.

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng

10/12/2024 lúc 12:24

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam và khai mạc Triển lãm hội họa Lê Hữu Quỳnh

08/12/2024 lúc 15:03

TCCVO - Sáng nay 8/12, tại thành phố Đông Hà, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Trị phối hợp với Chi hội

Tạp chí Cửa Việt đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ X

03/12/2024 lúc 23:05

TCCVO - Tối ngày 3/12/2024, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Hơn 14.000 bức ảnh tham gia Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III

25/11/2024 lúc 23:57

TCCVO - Tối ngày 25/11/2024, tại Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (Đống Đa, Hà Nội) diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III . Cuộc thi do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

12/12

25° - 27°

Mưa

13/12

24° - 26°

Mưa

14/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground