Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thêm cảm nhận về con người Chế Lan Viên

N

hiều năm sau ngày mất của Chế Lan Viên, nhân dịp vào Nam công tác tôi mới đến thăm được Viên Tĩnh Viên, thắp nén nhang tưởng nhớ nhà thơ quá cố.

Tôi đã được biết qua thơ văn và nghe kể về căn nhà có khu vườn của Chế Lan Viên, Căn nhà ở khuất nẻo thành phố, một quận ven nội khá xa. Một ngẫu nhiên thú vị cuối đời, nhà thơ lại “Đi ra ngoại ô”. Đến được phải qua nhiều lối rẽ. Nhưng hình như nhà thơ đang đi tìm con đường thẳng nhất, ngắn nhất đến với bạn đọc. Nói vui như lời một bài thơ tưởng niệm “Lánh mình ra bà Quẹo, Để thơ không cù cong”

Viên Tĩnh Viên nghe đài các, phong lưu, có cái gì trầm mặc nữa. Đó là danh hiệu khu vườn của một biệt thự với dừa, mận, cam, ổi, hương nhu, hàng dậu tigôn... mà mang bóng dáng cả đại ngàn: phong lan rừng và xương rồng hoang dại. Điều quan trọng nhất là nó biến thành nơi đàm đạo văn chương, nơi bàn luận thơ ca. Một nhà thơ trẻ cảm nhận “ở nơi ấy, tôi hiểu thế nào là cái mênh mông vũ trụ của thơ và cái nhỏ nhoi nguyên tử của thơ”. Và truyền đạt một cảm giác kỳ lạ: “Từ Viên Tĩnh Viên tôi đi, mang theo một bầu trời trên  một vườn cây êm ả nhưng chứa trong mình gió bốn phương”.

Nghe là vậy. Tuy nhiên đến tận nơi, nhìn tận mắt xem nhà, ngắm vườn tôi mới cảm thấy rõ cái nghĩa sâu xa của mấy chữ Viên Tĩnh Viên. Điều quan trọng là biết rõ thêm “diện mạo” ông chủ nhà văn và thấu hiểu cốt cách của một hồn thơ một người làm vườn, một người gieo hạt cho những mùa màng văn chương mãi mãi.

* * *

Qua cổng, trước khi bước vào nhà là thấy ngay trên đầu một cành cây lớn chĩa ngang lối, trấn ngự như một cái rào chắn đồ sộ. Và mặc nhiên khách qua nhà phải đi luồn dưới cành cổ thụ ấy. Một cảm giác lạ vụt đến với tôi. Hình như ai vào đây, bất kể sang, hèn, bất kể có quyền thế hay không, cả thân lẫn sơ đều phải cúi đầu một chút. Chị Thường cho biết: lẽ ra cần chặt cành cho quang quẻ trước thềm nhà nhưng Chế Lan Viên không muốn. Kể cũng hay, để vậy giữ được quang cảnh tự nhiên, con người bước vào với tâm thế hồn nhiên hơn. Vả lại cũng nên lịch sự trân trọng chủ nhà một chút. Đây là một sự cúi đầu kính cẩn trước khi vào gia đình của  những nhà văn. Có thể suy luận để nghĩ rằng, nhà thơ có chút “ngạo mạn” bắt mọi người phải cúi thấp đầu khi bước vào khu vườn văn thơ như một “ngôi đền nghệ thuật”. Thơ xưa đã chẳng ghi lại cái cúi đầu rất đáng tự hào của người thi sĩ trước cành mai đó sao?

Chế Lan Viên rất yêu thiên nhiên. Chẳng phải khi ông có vườn mới “yêu hoa cỏ” như Vàng Anh nói về cha. Thiên nhiên in đậm trong hồn thơ ông. Nên coi đây là sự cúi đầu trước tự nhiên, trước vẻ đẹp hồn nhiên và đó lại chính là cốt cách ngẩng đầu của mỗi con người khi bước vào Viên Tĩnh Viên. Ta tưởng phải kính trọng nhà thơ hoá ra Chế Lan Viên đã có thiện ý trân trọng khách. Ông muốn đón những người khách quý đấy chứ? Cành cây phải chăng cũng là người lính gác, là sứ giả gửi lời kính chào trươc tiên tới mọi người? Ngôi nhà được mua do tiền gom góp của hai vợ chồng nhà văn vào thời điểm sau giải phóng không lâu. Nhà xây cất đơn sơ, chỉ có vườn đất rộng. Tiếng là ở một quận nhưng đây là vùng ven nội xa thành phố có nhiều phong vị dân giã. Khu vườn chưa được quy hoạch, cây cối mọc tự nhiên có nét gì đó hơi hoang sơ. Chế Lan Viên và vợ, con có trồng trọt, chăn nuôi chút ít. Có lẽ làm cho vui, cho khoẻ là chính, cải thiện đời sống không có ỹ nghĩa bao nhiêu. Có người đến thăm bắt gặp nhà thơ khá vất vả vì công việc lao động. Chính nhà thơ cũng giễu mình là “nhà thơ hốt lá”. Đó là một tiếng cười có chua xót pha tự hào. Điều cốt lõi là ông chấp nhận một cuộc sống giản dị, có thể thiếu thốn nhưng đấy là cái thanh bần của con người biết tự trọng.

Tôi thực sự cảm động khi tới nơi ở những năm cuối đời của Chế Lan Viên. Một sự so sánh đột nhiên ập tới. Thành phố Hồ Chí Minh tráng lệ, nhộn nhịp và vùng ven nội nhỏ nhoi, vắng lặng. Đúng như ấn tượng ghi trong câu thơ của Tố Hữu khi tới đây: “Xóm quê”, “Ngõ vắng”. Tôi có cảm giác đây là nơi lui mình của một hàn sĩ! Những năm Chế Lan Viên còn ở Hà Nội, tôi có đôi lần qua lại nhà ông – căn phòng ở ngay cơ quan – giữa trung tâm thủ đô, đã chứng kiến cảnh sống giản dị của gia đình nhà thơ. Nhà tập thể đã nhỏ hẹp, đồ đạc lại toềnh toàng. Đi nước ngoài nhiều vào những năm ấy chẳng ăn thua gì. Tôi cũng có dịp “xuất ngoại” vào thời kỳ bao cấp, rất thông cảm với các nhà văn của ta. Thời ấy, phải đóng bộ quần áo, giầy mũ đi mượn của Bộ Ngoại giao. Một chuyến đi được chiêu đãi ít tiền tiêu vặt may ra đủ mua quà tặng lặt vặt khi về nước. Bài thơ mượn giày là nói thật. Bây giờ ở Viên Tĩnh Viên nhìn chung đồ đạc cũng xoềnh xoàng. Chị Thường chỉ tôi xem cái tủ lớn tư liệu hiện nay chứa chất tất cả tài sản vô giá: những tư liệu di sản của Chế Lan Viên. Một cái tủ kiểu dáng quá cũ kỹ nếu không muốn nói là cổ lỗ. Tủ kê ngay ở phòng khách với bộ ghế xa lông giản dị và bàn thờ Chế Lan Viên. Thế thôi, đơn sơ ngôi nhà nhỏ. Phòng khách kiêm phòng sách và buồng thờ. Có lẽ đây là nơi lịch sự nhất, thân tình nhất mà cũng thiêng liêng nhất. Bước vào nhà tôi cảm nhận thấm thía Chế Lan Viên như một kiểu thi sĩ “an bần lạc đạo” thời nay. Bỗng nhớ Nguyên Hồng lui về vùng Bắc Giang, xa lánh chốn phồn hoa đô hội có lẽ cũng chỉ mong được sống yên ổn hồn nhiên với đồng ruộng, núi rừng giữ cái chất mộc mạc, thuần khiết tâm hồn của ông. Chế Lan Viên có khác. Hàn sĩ đâu hẳn là ẩn sĩ? Ông sống giữa một thành phố sôi động đến nhốn nháo đầy dư âm của xã hội tiêu thụ cũ và cả những cái ồn ã mới của cơ chế thị trường ngày nay. Ông không ẩn đi mà còn ở kề cạnh sát sạt, đối mặt với cuộc sống ấy. Nhưng chỉ lựa chọn cho mình một góc tĩnh: tĩnh tâm, tĩnh trí. Tôi tưởng tượng có những giờ ông thực sự tĩnh tâm trong tư thế thiền để tu chí theo đạo: đạo làm người và đạo làm thơ. Rồi cũng để truyền cái đạo ấy cho bạn bè anh em. Tĩnh tâm để triết luận về nhân tình thế thái những năm cuối đời, phải chăng nơi đây đã biến thành “cõi viên tĩnh” thực sự? Cả cuộc đời đi theo cách mạng nhất là mươi năm cuối của thập kỷ 80. Chế Lan Viên đã thể hiện cốt cách sống giản dị, thanh bạch và ông muốn để lại một thông điệp quan trọng: hãy giữ cho tâm hồn thanh cao mãi trong cuộc đời và trong văn thơ. Tâm hồn ấy chính là khu vườn khoáng đạt và lộng gió như ví von của một bạn văn.

Nhiều người gần gũi Chế Lan Viên đều thừa nhận nhà thơ thông minh sắc sảo. Tôi muốn nói thêm và nhấn mạnh điều này; ông còn là một con người đáo để, sắc sảo đến đáo để. Không chỉ là thái độ ứng xử trong đời sống mà còn là, và chính là tính cách triệt để trong tư duy và giải quyết công việc. Dù hoạt động chính trị, xã hội, hay làm văn, làm thơ, dù giao lưu, hay tranh biện, ở ông không bao giờ có sự nửa vời. Mà chỉ là sự đi đến cùng. Chế Lan Viên sống hết mình, say mê tột cùng. Làm thơ - hoạt động tươi đẹp của cảm xúc và trí tuệ cũng là hành trình đi tìm kiếm lý tưởng nghệ thuật – tìm kiếm đến cùng. Cách tư duy triệt để này rất có lợi trong nghề văn: đào đi, xới lại vấn đề, xem mặt này rồi xoay mặt khác, nhìn sự vật, sự việc “ở phía bề sau, bề sâu, bề xa”, vực cuộc sống vốn bằng phẳng lên ba chiều không gian “ thơ bình phương, đời lập phương”. Trong cuộc sống, tính cách ấy chủ yếu là tích cực, nó thể hiện tính chiến đấu mạnh mẽ nhất là trong những trường hợp phải đến mức quyết liệt. Tất nhiên riêng cái lối nhận xét, lối nói đến nơi đến chốn của Chế Lan Viên cũng có lúc gây phiền hà cho ông. Cùng với nhược điểm là đôi khi quyết đoán, có phần cực đoan ông dễ bị giảm sút hoặc mất đi thiện cảm, với đối tượng cần phải đối thoại. Tôi nghe nói khi tập Ánh sáng và phù sa ra đời, có một nhà nghiên cứu văn học viết một bài nhận xét và đến trình bày trực tiếp với ông. Bài viết đã gây ra một sự bất đồng với tác giả thơ. Chế Lan Viên đã thẳng thắn trao đổi, thậm chí tranh luận, chất vẫn vị khách đó. Tất nhiên là về câu chữ, văn chương. Không khí đối thoại chủ, khách khá căng thẳng. Kể ra như thế có phần bất nhã nhưng tính Chế Lan Viên là vậy: không thể kiềm chế được những điều bất đồng, tuyệt nhiên không bao giờ che đậy giả dối cái không ưng ý. Phải tranh biện cho ra nhẽ để tìm ra đúng, sai và có lẽ đó mới là cái lịch sự chân chính theo quan niệm Chế Lan Viên. Tất nhiên đây là cá tính nhà văn. Ở Chế Lan Viên rất rõ “văn là người”: cá tính sống cũng là cá tính văn chương và chính nó đã tạo nên cái nét phong cách độc đáo của nhà thơ.

Nói với kẻ thù, với người khác chiến tuyến đối địch thì giọng thơ quyết liệt là hay, là rất cần thiết. Nhưng nói với nhau, với bạn bè dù người ta sai thì lối nói thẳng, nói thật, có khi mất mặn, mất nhạt cả ở đời và ở thơ dễ gây ra nhiều phiền hà và không ít hiểu lầm tai hại. Kể ra cũng có người hiểu đúng nhưng họ không chịu được lối nói, cách cư xử ấy nên trở thành người đối lập với Chế Lan Viên, thậm chí như ông nói: những kẻ thù. Điều ấy chứng tỏ Chế Lan Viên rất tỉnh táo nhưng tỏ ra bất cần. Bởi vì bạn bè của ông trên đời là rất đông, rất đông. Bạn đọc hôm nay và cả mai sau là trùng trùng, điệp điệp. Số hết sức ít ỏi gọi là “kẻ thù” dù muốn giết ông – tức giết thơ ông - chỉ là muối bỏ bể.

Một điều cốt lõi tạo nên sức mạnh tâm hồn Chế Lan Viên là sự trung thực, sự chân thành hết mức của một nhà thơ - nghệ sĩ. Chế Lan Viên thành thật trong đối xử và cũng giãi bày hết tâm hồn trên trang thơ, văn. Nhiều lần toạ đàm với thầy trò khoa Văn trường Đại học Sư phạm, Chế Lan Viên thẳng thắn, mạnh dạn nêu ý kiến khen, chê của mình. Khen không tiếc lời, đôi chỗ có vẻ hơi quá đà chút ít, chê cũng vậy, thậm chí ác khẩu, sâu cay, quyết liệt. Vào những năm 70 tôi nhớ có một lần đến nhà mời Chế Lan Viên nói chuyện. Tiện có tờ báo nước ngoài, ông chỉ cho tôi xem và phê phán rất ráo riết kiểu thơ hình thức chủ nghĩa, hiện đại chủ nghĩa đi vào kết cấu hình học hoá bài thơ (hình tam giác, hình quả trám, hình thang...) và nhân đó phê phán kiểu văn chương lố lăng nhân danh hiện đại hoá của một vài nhà thơ đương thời. Ông đề cao nhiều nhà thơ trẻ, khuyến khích đổi mới và tự mình nêu gương không ngừng tìm tòi, sáng tạo. Nhưng ông ghét cay, ghét đắng, những kẻ giả đổi mới, giả sáng tạo hoặc nhập nhằng thật, giả. Đó cũng là thái độ nhất quán khi ông dị ứng thậm chí phản ứng khá gay gắt với kiểu hiện đại chủ nghĩa của một số tác giả thơ thời kỳ đổi mới sau này. Ai đó nói nhà thơ Chế Lan Viên khôn khéo, biết che đậy, tôi không tin như vậy. Bài Tháp Bay On bốn mặt trong Di cảo thơ được vận vào lối sống, cách đối xử của Chế Lan Viên. Đó chỉ là một cách hiểu và có phần đơn giản. ý nghĩa nội hàm của bài thơ phong phú hơn nhiều, nhất là chất triết lý.

Rất dễ nhận ra cái “tấc lòng” của Chế Lan Viên trong thơ ông. Thời kỳ 1945 - 1975 , thơ ông là một trong những tiếng thơ hào hùng bậc nhất. Thơ đậm chất sử thi. Chế Lan Viên trở thành một ca sĩ hào hùng hàng đầu của thế hệ nhà thơ “dũng sĩ”

Ông cao giọng vì nhân danh cộng đồng, nhân danh con người Việt Nam trong thời đại, con người tự hào và anh hùng bậc nhất. Đôi khi hơi quá lạm dụng giọng quyền uy dạy người, dạy đời thì đấy cũng là sự quá đà một cách thành thật. Cho đến những năm cuối đời thơ, ba tập Di cảo càng thể hiện rõ sự chân thật cao độ có buồn, có giận, có xa xót, dằn vặt, có cả tự giễu sâu cay... Căn cứ vào Di cảo, nhiều người coi Chế Lan Viên đã “lộn trái” tâm hồn mình phơi bày trên trang thơ. Và sự hiện hình như là mặt thứ tư của tháp Bay On chỉ một mặt mà “nghìn trò cười khóc”, nói lên ba mặt được “giấu đi” trong cõi “ẩn hình”.

Trước hết cần coi Di cảo thơ là sự tìm lại chính mình - một cuộc tìm mình chân thành, dũng cảm. Điều đó giúp chúng ta nhìn thấy nhiều mặt khác nhau của một thiên tài thi ca. Một vài ý kiến cho rằng đây là thơ sám hối vì tội lỗi là không đúng.

Tuyệt nhiên Chế Lan Viên không phủ định mình, không phủ định thơ ca một thời của bản thân và cả đội ngũ. Nhất là không bao giờ quay lưng lại với Đảng với nhân dân. Có nuối tiếc, có ân hận nhưng đó là vì có những hạn chế lịch sử, không thể khác. Nếu thơ phải sống ba phần cho nhiệm vụ thì nhà thơ cũng chỉ được sống một phần cho cái riêng tư. Giấu đi ba mặt “ẩn hình” cũng là ba mặt siêu hình, hư vô để mà hiện hữu với đời. Hiện diện với tồn tại đó chính là cái mặt thứ tư, cái mặt duy nhất đã có và cần có của Chế Lan Viên. Ở đây nên hiểu “sám hối” là sự nhận thức lại, là sự tự kiểm điểm nghiêm khắc, sâu sắc hiếm có. Nó mang ý nghĩa là sự phủ định triết học, mở đường cho những sinh sôi, phát triển của tương lai. Và nếu như vậy thì cuộc “sám hối” của con người thơ Chế Lan Viên đúng ra đã thực sự bắt đầu từ Ánh sáng và phù sa với mảng thơ tâm niệm độc đáo. Đó là sự tự kiểm sâu sắc, đầy ý nghĩa chưa từng có của nhà thơ từ ma đến người, từ cái tôi nhỏ bé đến cái ta lớn lao, qua hành trình từ siêu hình đến thực tại, từ “thung lũng đau thương đến cánh đồng vui”, từ “chân trời của một người” đến chân trời của tất cả”, Chế Lan Viên có nghĩ lại, nhưng “nghĩ mà thương” chứ không nghĩ mà đau. Câu thơ đẹp, ý thơ đẹp vẫn bay lên phía trước với tinh thần lạc quan phơi phới, với một ý tưởng siêu thoát cao quý khi phải nhìn rõ sự thật - một sự thật có thể phũ phàng với cuộc đời (Trên đường đến lò thiêu). Theo ông nếu không nghĩ lại, nếu vẫn tư duy như cũ, nghĩa là không tự đổi mới thì đúng là có tội và ông dè chừng nghĩ về đời, nghĩ về thơ như vậy.

* * *

Bức ảnh Chế Lan Viên trên bàn thờ mà tôi ngắm nhìn là một gương mặt nghiêm trang, thanh thản. Trước mắt tôi, giờ đây là hình ảnh một nhà thơ lớn rất mực đáng kính yêu bởi vì đây là một trong những gương mặt thơ đẹp nhất không chỉ của riêng ai, không chỉ của ngày hôm nay.

Chế Lan Viên là một trong số ít người làm thơ nhiều nhất và hay nhất về Bác Hồ (thơ trong tập Hoa trước lăng Người), tương quan tinh thần vĩ nhân – thi nhân ở đây là có thật. Có thể nhất trí một nhận định chắc chắn: ở Chế Lan Viên, thơ chính là người. Hình như khi chiêm ngưỡng một nhân vật vĩ đại như Bác Hồ, xây dựng Bác thành một hình tượng toàn vẹn tuyệt mỹ về phẩm chất thì nhà thơ nào cũng phải tự nâng tâm hồn mình lên: “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn” (Tố Hữu), Chế Lan Viên đã yêu Bác biết bao nhiêu. Tôi tin rằng cái phẩm chất giản dị, trung thực, kiên nghị của Chế Lan Viên chắc một phần không ít được bồi đắp bởi chính hình tượng tuyệt vời Hồ Chí Minh. Phải chăng ông đã biết đón nhận sự tỏa sáng của tâm hồn lãnh tụ để biến thành chính ánh sáng cho đời và cho thơ mình. Mai sau dù là hạt sương, ngọn cỏ, áng mây... như nhà thơ mường tượng thì những tồn tại đó vẫn lấp lánh dưới mặt trời vĩnh cửu để phát ra mãi mãi cái ánh chói lọi một hồn thơ..

 

Đ.T.H

Đoàn Trọng Huy
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 139 tháng 04/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground