Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thị hiếu thẩm mỹ - Thực trạng, sự biến đổi và vấn đề giáo dục thẩm mỹ

1.

Trong những năm gần đây, lý luận nghệ thuật, mỹ học đặc biệt quan tâm đến vấn đề tiếp nhận người tiếp nhận, tác phẩm văn học, nghệ thuật và xác định người tiếp nhận như là người đồng sáng tạo, nhìn nhận tác phẩm văn học, nghệ thuật như là một quá trình, trong đó, tiếp nhận và người tiếp nhận là một khâu rất quan trọng của quá trình đó, làm cho giá trị của tác phẩm từ là một tiềm năng trở thành giá trị hiện hữu được nhận thức, tiếp nhận, xác định và truyền bá. Có nghĩa là, đặc trưng và giá trị của tác phẩm nghệ thuật không chỉ nằm trong bản thể nó, mà có liên quan rất phong phú, đa dạng với người tiếp nhận. Chỉ khi nào có sự tham gia của chủ thể tiếp nhận thì “văn bản” tác phẩm mới thực sự trở thành tác phẩm với ý nghĩa là một chỉnh thể nghệ thuật được công nhận.

Chủ thể tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật là một khái niệm có nội hàm đặc trưng không trộn lẫn, chỉ những người trực tiếp đọc, nghe, nhìn, cảm thụ, đánh giá… tác phẩm nghệ thuật. Nhưng chủ thể đó là những cá nhân cụ thể khác nhau về mọi phương diện, có nghĩa là khi phân tích chủ thể, cần đồng thời làm sáng tỏ cái chung có thể có của chủ thể và những cái riêng của từng cá nhân. Ví dụ, trong một giai đoạn lịch sử cụ thể, thị hiếu thẩm mỹ của chủ thể có những nét chung và cái chung đó lại bao hàm trong nó vô vàn cái riêng, sắc thái riêng, cái cá thể của thị hiếu cá nhân. Điều đó có ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc và phức tạp đến đời sống, sự vận động, biến đổi và các khuynh hướng của sáng tạo văn học, nghệ thuật, đặc biệt trên hai phương diện rất quan trọng. Một là, tác động đến sự nhận thức, đánh giá, truyền bá văn học, nghệ thuật của xã hội và hai là, tác động đến bản thân tư duy, cảm hứng, sự tìm tòi và đón bắt của người sáng tạo - nghệ sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu của chủ thể tiếp nhận. Như vậy, rất nhiều vấn đề phong phú, phức tạp đặt ra khi nghiên cứu chủ thể tiếp nhận văn học, nghệ thuật, trong đó, nhân tố hàng đầu cần phải quan tâm là thị hiếu thẩm mỹ của chủ thể đó. Và thị hiếu đó vừa có mẫu số chung cho các chủ thể tiếp nhận thuộc một thời kỳ lịch sử nhất định, được quy định bởi nhiều nhân tố khách quan và chủ quan vừa luôn luôn biến đổi, biến động theo thời gian và hết sức phong phú của những sắc thái và biểu hiện cá nhân.

Khi cấu trúc lịch sử - xã hội thay đổi, nghĩa là nền tảng tinh thần của xã hội và của cộng đồng đang tác động, chi phối chủ thể tiếp nhận thay đổi thì tất yếu sẽ dẫn tới sự thay đổi, biến đổi của thị hiếu thẩm mỹ, của tâm thế tiếp nhận của công chúng nghệ thuật. Sự biến động, biến đổi của thị hiếu thẩm mỹ được thể hiện rất phong phú, cụ thể, sinh động, song điều cần phải đặc biệt quan tâm, đó là sự dẫn tới những biến đổi của các chuẩn mực thẩm mỹ. Sự biến đổi này thường không có đột biến hay bất thường song quá trình đó diễn ra rất sâu sắc, tác động đến đời sống văn học, nghệ thuật cả từ diện mạo chung đến tận chiều sâu nhất của nó thể hiện trong tư duy nghệ thuật, sự tìm kiếm những mẫu hình mới, cảm hứng mới, đối tượng thẩm mỹ mới và các phương thức biểu đạt mới. Chính vì thế mà chuẩn mực thẩm mỹ là một thành tố cực kỳ quan trọng có tác dụng chi phối chiều hướng, khuynh hướng vận động và phát triển của đời sống văn học, nghệ thuật. Những điều trình bày trên đây là cơ sở lý luận để chúng ta nghiên cứu, phân tích thực trạng và sự biến đổi của thị hiếu thẩm mỹ của chủ thể tiếp nhận - công chúng nghệ thuật - ở nước ta từ đổi mới (1986) đến nay.

2. Đặc điểm mới của môi trường xã hội - văn hóa từ sau 1975 và đặc biệt, sau năm 1986 là những nhân tố trực tiếp và gián tiếp tác động làm biến đổi thị hiếu của chủ thể tiếp nhận, tạo nên sự giao thoa phức tạp giữa thị hiếu thẩm mỹ quen thuộc và rất đặc thù (thời chiến đấu bảo vệ và giải phóng Tổ quốc) với các dấu hiệu đang hình thành của khuynh hướng thẩm mỹ mới và thúc đẩy sự xuất hiện những biểu hiện rất mới, đôi khi hoàn toàn khác trước của các nhu cầu thẩm mỹ thời kỳ mới. Vì vậy, cần phải phân tích làm sáng tỏ các đặc điểm mới của thời kỳ lịch sử từ năm 1975 đến nay.

Thứ nhất, sau 30 năm (1945 - 1975), thời kỳ mà cả dân tộc sống trong những điều kiện và hoàn cảnh hoàn toàn không bình thường, đó là về cơ bản, sống trong chiến tranh đã chuyển sang cuộc sống bình thường như khát vọng vĩnh hằng mà vô cùng đơn giản của con người. Cuộc sống trong chiến tranh là bất thường vì hầu như tất cả đều bị đảo lộn, có nghĩa là, toàn bộ tổ chức xã hội từ kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa đến mọi quan hệ của con người… phải được tổ chức theo đòi hỏi và đặc điểm khắc nghiệt của chiến tranh. 30 năm đó, đối với cả dân tộc ta là một thách thức vô cùng to lớn và để đi qua thách thức đó, chúng ta đã dồn toàn bộ sức lực, tiềm năng, trí tuệ, tình cảm… vì mục tiêu cao cả: giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Văn học, nghệ thuật, trong hào khí và dòng chảy đó, đều tự nguyện hướng tới phục vụ cho mục tiêu đó.

Lý tưởng, thị hiếu thẩm mỹ của con người Việt Nam thời kỳ đặc biệt này có một mẫu số chung: hướng tới những khát vọng và hình mẫu cao đẹp được phản ánh trong văn học, nghệ thuật, tạo nên sức lay động và cổ vũ con người vươn tới, vượt lên trong cuộc sống vì lý tưởng chung cả cả dân tộc. Cái đẹp của thị hiếu nằm trong sự thống nhất đó và cũng từ đó, tạo nên sự đồng nhất khó tránh khỏi, vì vậy, tính đa dạng và sự khác biệt khó được chấp nhận trong hoàn cảnh bất bình thường của chiến tranh.

Sau năm 1975, mặc dù hậu quả của chiến tranh còn rất nặng nề, song, dần dần, con người được trở về với cuộc sống bình thường vốn có của mình từ những vấn đề lớn nhất như khôi phục kinh tế, tổ chức xã hội đến những biểu hiện hàng ngày, cụ thể như ăn, mặc, đi lại, quan hệ… Tưởng rằng, điều đó là đơn giản, nhưng thực ra, đó là vấn đề lớn lao của dân tộc và từng con người. Các nhu cầu sống bình thường nhất nhưng rất thiết yếu và phải có của đời sống con người, từng bước được xuất hiện trở lại và đòi hỏi được đáp ứng, điều mà trong suốt 30 năm chiến tranh, bị kìm nén hoặc dẹp sang một bên. Văn học, nghệ thuật trong chiến tranh với sức mạnh vẫy gọi, cổ vũ của nó đang chuyển hướng tìm về vị trí mới nhưng đúng với quy luật vốn có của nó là: đồng hành, đối thoại, tìm kiếm, phát hiện, can thiệp vào cuộc sống muôn vẻ của con người. Nghĩa là nó không muốn đứng cao hơn cuộc sống để vẫy gọi như trước đây. Đặc điểm đó đáp ứng thị hiếu của chủ thể tiếp nhận đang biến đổi. Sự biến đổi đó diễn ra thầm lặng nhưng thực sự là biến đổi về chất, có tính bước ngoặt. Công chúng cần văn học, nghệ thuật sát gần hơn nữa với cuộc sống, tìm đến những vùng miền còn chưa được khám phá của số phận con người, giải mã những ẩn số của thế sự, đường đời, đời tư của các cá thể người trong quan hệ cực kỳ phong phú của xã hội thời bình, thời kinh tế thị trường, thời mở cửa và hội nhập…

Thứ hai, sau nhiều năm tổ chức kinh tế - xã hội theo thể chế tập trung, quan liêu bao cấp để rơi vào khủng hoảng nặng nề những năm 1980 - 1985, từ năm 1986, đất nước chuyển sang thể chế kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế cùng tồn tại, cạnh tranh và phát triển, tạo nên sự giải phóng sức sản xuất, khắc phục khủng hoảng, đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, phù hợp quy luật phổ quát của thế giới đương đại. Đặc điểm này  tác động cực kỳ sâu sắc đến toàn bộ đời sống vật chất và tinh thân của xã hội, cả tích cực và tiêu cực, trước hết thể hiện ở sự hình thành và phát triển của cấu trúc xã hội theo kiểu mới, của các giai cấp, tầng lớp và các quan hệ mới giữa các giai cấp tầng lớp đó. Vị thế kinh tế của con người thay đổi, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng dãn ra, quyền lợi kinh tế của các tầng lớp, các nhóm xã hội ngày càng biến đổi theo sự phát triển của kinh tế thị trường là nguyên nhân sâu sắc của sự biến động trong đời sống tinh thần - tâm lý của con người và từ đó nảy sinh và phát triển các nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ ngày càng khác nhau. Sự giải phóng cá nhân, nhu cầu phát triển của cá nhân bắt đầu được tôn trọng ngày càng được hiểu như là một quy luật, một đòi hỏi của quá trình dân chủ hóa xã hội. Và đó là cơ sở để phát triển ngày càng mang tính cá thể của thị hiếu thẩm mỹ và tạo nên sự phân hóa của các nhu cầu thẩm mỹ trong đời sống. Từ đó, tính đồng nhất, sự thống nhất vốn là đặc điểm chung của nhu cầu thẩm mỹ thời chiến tranh bị xóa mờ dần, dẫn tới sự đa dạng phân hóa của các nhu cầu đó.

Thứ ba, tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện và đi vào chiều sâu, gắn liền với nó là sự phát triển mạnh mẽ của thông tin và truyền thông, sự giao lưu ngày càng mở rộng, sự xâm nhập của văn hóa thế giới vào Việt Nam ngày càng mạnh mẽ là những nhân tố trực tiếp tạo nên sự phát triển, tính đa dạng của các nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ trong công chúng nghệ thuật. Các trào lưu tư tưởng, văn hóa, văn học, nghệ thuật cả tiến bộ tiêu cực, ồ ạt vào nước ta vừa trực tiếp, vừa thông qua năng lực chuyển tải của các phương tiện thông tin truyền thông hiện đại đã tạo ra những nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ mới, nhiều khi hoàn toàn khác trước hoặc chưa từng có trong thời chiến và trong những năm còn chìm trong thể chế tập trung quan liêu bao cấp. Ví dụ, các nhóm hâm mộ các trào lưu nghệ thuật đương đại ngày càng phát triển trong giới trẻ là hiện tượng chưa từng có ở nước ta những năm trước đây, hoặc xuất hiện sự đắm say đến mê muội các thần tượng âm nhạc, điện ảnh cả nước ngoài và trong nước trong các nhóm thanh niên cũng làm ngỡ ngàng đến khó hiểu của không ít những người lớn tuổi về sự biến đổi khó lường trong thị hiếu thẩm mỹ của con em mình, mặc dầu, về thế hệ, chỉ cách nhau khoảng hai, ba thập niên.

Thứ tư, sự vận động và phát triển với nhiều dấu hiệu, đặc điểm mới của đời sống tinh thần - tư tưởng xã hội, của đời sống văn hóa, văn học, nghệ thuật trở thành nhân tố trực tiếp tác động trở lại đối với thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, tạo nên tính đa dạng, sự phân nhóm, phân hóa và sự hình thành những nhu cầu thị hiếu mới - cả tích cực và tiêu cực. Nhu cầu đối thoại, bình giá, phản biện mạnh hơn nhu cầu chấp nhận, được định hướng và hướng dẫn. Văn học, nghệ thuật hướng mạnh vào nhận thức cái cá thể, thế giới nội tâm với các vùng tối, tâm linh, vô thức… đã gợi mở xuất hiện nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ mới, theo đó, công chúng muốn tìm đến những loại tác phẩm có những khám phá mới, lạ về các vấn đề còn như vùng đất “bỏ hoang” đối với năng lực chiếm lĩnh hiện thực đời sống và số phận con người của văn học, nghệ thuật.

3. Sự biến đổi của thị hiếu thẩm mỹ của công chúng diễn ra theo bốn chiều hướng sau: đa dạng hóa, cá thể hóa, phân nhóm và phân hóa. Trước hết, chúng ta phân tích một số dấu hiệu nổi bật nhất của các chiều hưóng trên.

Nhu cầu thẩm mỹ của công chúng trong thời chiến và thời bao cấp thường quy tụ vào những vấn đề lớn của đất nước và xã hội. Từ đổi mới, xuất hiện nhiều nhu cầu mới và rất đa dạng. Ví dụ, theo kết quả điều tra xã hội học của Đề tài khoa học của Viện Văn học (2011 - 2012) Công chúng và giao lưu quảng bá văn học thời kỳ đổi mới, xuất hiện và phát triển các nhu cầu đọc sau:

- 65,9% trong tổng số 636 người được hỏi chọn đọc đề tài hôn nhân, tình yêu, trong khi đó chỉ có 37,1% chọn đề tài chiến tranh, 37% chọn đề tài nông thôn. Phải chăng, đã có sự “nhường chỗ”, “đổi ngôi” về nhu cầu và thị hiếu từ thời chiến, thời bao cấp sang thời bình và thời đổi mới.

- 69,1% người đọc hướng tới các giá trị tư tưởng cao và tầm vóc, chiều sâu nhân văn, đồng thời 50,2% hướng tới các tác phẩm có tính nghệ thuật đặc sắc, mới mẻ, 41,3% chú ý vấn đề tâm linh, vô thức và chỉ có 14,3% quan tâm tác phẩm đi vào chủ đề tình dục.

- Có tới 87,2% công chúng hướng tới tác phẩm dịch của nước ngoài, đồng thời vẫn có 87,5% (trong số 488 người được hỏi) cho rằng, văn học, nghệ thuật Việt Nam đặt ra những vắn đề gần gũi với đời sống. Đó là dấu hiệu rất đáng mừng.

- Có tới 66,9% người được hỏi cho rằng đọc trên mạng tiện lợi hơn, và 51,1% đọc trên mạng vì khỏi “tốn tiền mua sách”… Đây là đặc điểm mới phát triển rất nhanh trong những năm gần đây.

- 74,5% người được hỏi quan tâm đến những tác phẩm đang được dư luận chú ý, quan tâm, và đặc biệt có 33,2% tìm đọc những tác phẩm thường được gọi là “có vấn đề” (sex, cấm kỵ về tôn giáo, liên quan quan điểm chính trị, bí mật đời tư…).

Với những cứ liệu cho thấy rõ ràng những biến đổi mạnh mẽ, sự đa dạng ngày càng phát triển, những nhu cầu và thị hiếu mới xuất hiện từ đổi mới đến nay đang là một quy luật khách quan. Đặc điểm này sẽ còn tiếp tục diễn ra trong nhiều năm tới và đang lặng lẽ song rất mạnh mẽ và trực tiếp tác động đến tất cả các khâu của quá trình sáng tạo - sản xuất - biểu diễn - đánh giá - giới thiệu - quảng bá và tái sản xuất các tác phẩm văn học, nghệ thuật, kể cả mặt tích cực và tiêu cực, đối với sự phát triển của người sáng tạo và của các khuynh hướng, trào lưu sáng tác văn học, nghệ thuật.

Trong sự biến đổi trên, có thể nhận thấy, nhu cầu giải trí phát triển rất mạnh, trong khi đó, nhu cầu đến với tác phẩm để tự nâng cao tri thức, nhận thức, tự trau dồi, giáo dục… như trước đây, đang có xu hướng giảm. Trước đặc điểm đó, có xu hướng cả trong sản xuất, xuất bản và cả trong biểu diễn, quảng bá, người ta đã chú ý khai thác các loại tác phẩm dễ tìm độc giả, trực tiếp đáp ứng nhu cầu giải trí, kích thích sự tò mò…

Không chỉ biến đổi theo hướng đa dạng hóa, sự hình thành các nhu cầu và thị hiếu mới mà còn bộc lộ ngày càng rõ sự khác nhau, sự đối chọi nhau, sự ngược nhau trong tiếp nhận, đánh giá, cảm thụ tác phẩm văn học, nghệ thuật, điều mà trước đây, trong thời chiến, ít xảy ra, khi sự thống nhất, sự đồng nhất chiếm vị trí bao trùm. Khi bộ phim Tướng về hưu dựa theo truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Huy Thiệp chuẩn bị công chiếu và phát hành, dư luận xã hội, lúc đó, hết sức khác nhau, người khen hết lời, kẻ chê quyết liệt. Trên cùng một tờ báo, người ta đăng tải hai ý kiến của hai vị đại tá quân đội như sau. Vị thứ nhất phê phán: “Thật thảm hại, thật là xấu hổ, thật là đau lòng. Xã hội tiêu cực toàn diện. Đồng tiền vô luân phi nghĩa khống chế tất cả. Không có đường ra, xã hội là một màu xám xịt. Không có một hé mở nào là tích cực, không dự báo được điều gì là sáng sủa để mang lại niềm tin cho con người, cho thế hệ trẻ”, từ đó tác giả đề nghị một cách kiên quyết “với các cơ quan chức năng cần chấm dứt lưu hành bộ phim đó càng sớm càng tốt”. Ngay dưới ý kiến đó, trên cùng một trang báo, vị đại tá khác khẳng định ngược lại rằng: “Rõ ràng cái chết của ông tướng về hưu là một đòn tấn công mãnh liệt chứ không phải là một hành động bất lực, trốn tránh trách nhiệm. Nó là một cú sét đánh vào những cái đầu bảo thủ trì trệ trong giới chức quyền hiện tại, không dám nhìn thẳng vào sự thật, không dám đổi mới. Hãy cảnh giác và cần vạch mặt bọn cơ hội núp dưới chiêu bài “bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ” đã vội la toáng lên là phim xấu, thực chất họ cũng là đám người bảo thủ mà nhận thức đã xơ cứng đáng sợ, tình cảm cũng đã nguội lạnh đáng sợ. Họ đã hốt hoảng run sợ trước đòn tấn công mãnh liệt của văn học, nghệ thuật đối với tiêu cực xã hội, còn cố lên gân lừa bịp, tỏ ra ta đây vững “lập trường’ và “quan điểm”. Hiện tượng trên xảy ra vào những năm 90 của thế kỷ XX, những năm sôi động nhất của thời kỳ đổi mới được đẩy tới cao trào, như là dấu hiệu tiêu biểu của sự phân hóa không thể tránh khỏi của nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của công chúng tiếp nhận văn học, nghệ thuật. Không thể quay lại thời kỳ đồng nhất, thống nhất trước đây. Phải nhận thức đó là một nhu cầu khách quan, một quy luật trong thời kỳ lịch sử mới với những đặc điểm mới, như đã phân tích ở các phần trên. Sự phân hóa đó dẫn tới các kiểu thị hiếu thẩm mỹ theo nhóm và thậm chí được cá thể hóa, cá nhân hóa. Sự hình thành và phát triển các nhóm cổ động viên cho một thể loại nghệ thuật, cho từng diễn viên, cho một “thần tượng”… đã trở thành phổ biến ở nước ta. Thậm chí, sự phân hóa đó đã và đang dẫn tới những biểu hiện đáng lo ngại, khi có một bộ phận công chúng tự đề cao tuyệt đối quyền “được đánh giá, cảm thụ của mình, bất chấp, coi thường các chuẩn mực cốt lõi cần thiết đối với người tiếp nhận.

Ở một dạng phân hóa khác, không chỉ là sự khác nhau về “gu” thẩm mỹ, mà từ chiều sâu của sự khác nhau đó có nguyên nhân ở quan điểm gốc nhìn nhận xã hội và thể chế. Các cách đánh giá khác nhau, ngược nhau về truyện ngắn Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu là một dẫn chứng tiêu biểu. Đằng sau sự khác nhau, ngược nhau đó là vấn đề thái dộ, quan điểm đối với xã hội đương đại. Còn những ý kiến hết sức khác nhau, đối chọi nhau xung quanh truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư không chỉ xuất phát từ quan điểm nhìn nhận xã hội, mà còn gắn liền với nhận thức về vai trò, đặc trưng của văn học, nghệ thuật đương đại trong việc nhận thức, đánh giá và “can thiệp” vào hiện thực.

Những biến đổi của thị hiếu thẩm mỹ của chủ thể tiếp nhận còn được thể hiện rất phong phú trong xu hướng khác nhau khi tiếp nhận các loại hình nghệ thuật và cả các thể loại cụ thể trong từng loại hình nghệ thuật. Đó là một nội dung sẽ được phân tích kỹ hơn trong một chuyên đề khác.

4. Từ sự phân tích những biến đổi trên, cầm làm rõ hơn đặc điểm bao quát nhất của nó và chỉ ra những yêu cầu của việc giáo dục thẩm mỹ như thế nào trước những biến đổi phức tạp, phong phú đó.

Có thể nhận thấy rằng, về nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của công chúng nghệ thuật ở nước ta hiện nay, đang diễn ra một quá trình giao thời, chuyển tiếp chưa chấm dứt, chưa định hình. Đó là quá trình chuyển từ nhu cầu thời chiến, bất bình thường sang nhu cầu thời bình với sự phát triển trở lại bình thường phải có của con người. Đó là quá trình mà các nhu cầu bình thường vốn có của con người bị kìm nén, dồn nén, đôi khi bị triệt tiêu trong thời chiến và thời bao cấp, quan liêu được thao gỡ, được hồi sinh, được bật dậy trong điều kiện xã hội mới. Đó là quá trình từ nhu cầu mang đặc trưng của cái ta, cái chung chi phối chuyển sang nhu cầu của nhóm người, của cá thể xã hội, của cái tôi cá thể. Quá trình biến đổi đó chưa hoàn thành, vì vậy, dẫn tới sự va chạm, xung đột giữa nhu cầu truyền thống và những nhu cầu mới xuất hiện và cả với những cái quá đà, quá khích, quá trớn của những nhu cầu cá nhân ích kỷ, vị kỷ, không được giáo dục, rèn dũa.

Vấn đề đặt ra hiện nay là, một mặt, phải nhận thức sự biến đổi và phát triển đó là khách quan, là tất yếu, là quy luật, và mặt khác, phải chăm lo xây dựng và nuôi dưỡng nhu cầu và thị hiếu đó phát triển đúng hướng, vừa rất phong phú, đa dạng vừa phải tốt đẹp, trong sáng, lành mạnh. Điều đó không chỉ quan trọng đối với từng chủ thể tiếp nhận, mà còn có tác động đối với sự phát triển tốt đẹp của văn học, nghệ thuật dân tộc và sâu xa hơn là sự phát triển lành mạnh của đời sống tinh thần của toàn xã hội.

Như vậy, vấn đề giáo dục thẩm mỹ trở thành một đòi hỏi lớn, có ý nghĩa chiến lược trong nhiệm vụ tổng quát chung là chăm lo xây dựng con người.

Trong nhiệm vụ nuôi dưỡng và xây dựng con người, mục tiêu cần đạt tới là: bằng mọi con đường và phương thức nhằm giúp cho quá trình hình thành và phát triển đầy đủ trong con người các giá trị tinh thần - văn hóa của nó. Tổng hợp các giá trị đó tạo nên sự định hình vững chắc của nhân cách kiểu mới, mà đặc trưng cơ bản của nó, như V.I.Lê nin đã nhiều lần nhắc đến là con người phát triển toàn diện, được giáo dục toàn diện.

Cùng với hoạt động thực tiễn và đấu tranh xã hội - yếu tố đóng vai trò quyết định sự hình thành và phát triển nhân cách, thì hệ thống các phương tiện sản xuất tinh thần như triết học, khoa học, giáo dục, đạo đức học, tâm lý học, mỹ học, văn học, nghệ thuật… góp phần trực tiếp tạo nên các giá trị tinh thần của nhân cách đó. Trong các giá trị cơ bản của nhân cách, giá trị thẩm mỹ có một vai trò đặc biệt quan trọng, tạo nên sự phong phú, vẻ đẹp, sự độc đáo của cá thể, thể hiện rõ nhất trong năng lực cảm thụ cái đẹp, trong chiều sâu của cảm xúc và tâm hồn. Góp phần trực tiếp nuôi dưỡng giá trị thẩm mỹ chính là văn hóa, văn học, nghệ thuật, và đó còn là cả một quá trình công phu, tinh tế của việc giáo dục thẩm mỹ trong gia đình, nhà trường, trong môi trường xã hội. Khẳng định tầm quan trọng đó, văn kiện Đại hội Đảng nhiều lần chỉ rõ “Coi trọng đúng mức giáo dục thẩm mỹ, nâng cao không ngừng trình độ thưởng thức và năng lực sáng tạo nghệ thuật của quần chúng, thỏa mãn ngày càng đầy đủ nhu cầu thưởng thức và hoạt động văn hóa của nhân dân”.

Như vậy, giáo dục thẩm mỹ là một trong những nội dung và biện pháp để đào tạo con người, bồi dưỡng và xây đắp cho con người một giá trị tinh thần có tính đặc thù - giá trị thẩm mỹ và đó là một trong những thành tố không thể thiếu của một nhân cách phát triển toàn diện, hài hòa và phong phú, tạo ra trong con người trình độ và năng khiếu, trí tuệ và tình cảm, tư duy và hoạt động sáng tạo một cách tự giác theo những quy luật khách quan và “theo quy luật của cái đẹp”.

Trước những biến đổi, biến động phức tạp của nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của công chúng hiện nay và những năm sắp tới, việc chú trọng hơn nữa nhiệm vụ giáo dục thẩm mỹ càng trở nên bức thiết, góp phần, một mặt, đáp ứng những nhu cầu chính đáng, lành mạnh đang phát triển và mặt khác, định hướng và điều chỉnh cho chính sự phát triển đó để gạt bỏ, phê phán, ngăn chặn các nhu cầu và thị hiếu tầm thường, mất gốc, thô bạo, vụ lợi, ích kỷ, cực đoan… Nhằm đáp ứng đòi hỏi đó, văn hóa, văn học, nghệ thuật thời kỳ mới có đồng thời trong sản phẩm và hoạt động của mình hai chức năng không tách rời nhau: “vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa - tinh thần ngày càng  cao của nhân dân” (Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” ngày 16/6/2008.) Đi chệch ra khỏi đòi hỏi đó, chúng ta không thể làm tốt chức năng, nhiệm vụ giáo dục thẩm mỹ trong điều kiện mới hiện nay, và sẽ rơi vào hai trạng thái, hoặc là chỉ lo định hướng chung chung, xa rời thực tiễn, không có khả năng đáp ứng nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ đang phát triển, hoặc là, chạy theo nhằm thỏa mãn các nhu cầu của công chúng mà thiếu năng lực định hướng, hướng dẫn, điều chỉnh cần thiết và tỉnh táo. Đó chính là đặc trưng mới của giáo dục thẩm mỹ hiện nay.

Đ.X.D

 

ĐINH XUÂN DŨNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 232 tháng 01/2014

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground