T |
rước hết xin nói ngay để khỏi phiền lòng bạn đọc. Kẻ viết bài này không phải là một nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật chi cả, lại càng non kém trong một lãnh vực khó hơn đó là thi ca. Từ đầu đã khẳng định là không lấy mớ kiến thức tạp nham của mình để làm sáng tỏ hơn về một thi nhân đã bị quên lãng qúa lâu... như cuộc đời, thân phận và những mối quan hệ bạn bè của ông, sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Đơn giản tôi chỉ là một người yêu văn thơ và may mắn đang lưu giữ một số bài thơ của ông, mà mỗi khi đọc lại không khỏi rung động và thầm nghĩ mình đang cầm một báu vật trên tay. Người đời lắm lúc cố công đi tìm kiếm để lưu giữ những đồng xu tiền cổ- tất nhiên là không phủ nhận những giá trị vật chất hoặc lịch sử của nó- Thế thì một thi sĩ đã được Hoài Chân- Hoài Thanh từng nhắc tới trong Thi Nhân Việt Nam tất nhiên là không giám trách sự quên lãng của đời người. Vì tuy Hoài Chân- Hoài Thanh có nhắc tới ông nhưng lại không trích dẫn một bài thơ nào của ông cả. Mà đời ông ghi lại “Mà đời tôi là đời của chim ngàn/ Nên sực nghĩ thân mình mà ngán tủi” Trong khi đó tôi lại có may mắn đang có trong tay khoảng chục bài thơ của ông. Nếu cứ giữ như một kỷ vật trong tủ sách của mình để thời gian gần bôi xóa thì thật là một tội lớn. Lại nghĩ trong muôn vàn sự quên lãng của đời người, sao nỡ quên đi một nhà thơ. Cái điều mà với linh cảm của một thi sĩ ông đã viết.
Còn ai ai biết đề thơ
Đạm Tiên mất tích Kiều thơ chẳng còn
Rồi thì cả khối tình con
Ngàn năm cũng chẳng hao mòn đi đâu
Thi nhân Việt Nam (lấy quyển tái bản mới nhất, lần tái bản thứ 21 nhà xuất bản Văn học tháng 09 năm 2003, trang 36). Hoài Chân- Hoài Thanh đã nhắc đến như sau:
Chung quanh đôi bạn Xuân Diệu, Huy Cận có vô số thi sĩ bàn nhì bàn ba: Tế Hanh, Huyền Kiêu, Đình Hùng, Phan Khắc Khoan, Thu Hồng, Nguyễn Đình Thư, Xuân Tâm, Huy Tân, Huy Chức, Phan Thanh Phước, Nguyễn Đức Chính, Tường Đông... Oái oăm thay trong số những cái tên được nhắc ở đây không ít người đã may mắn đọc được thơ của họ, nhưng Tường Đông thì lại không! Bài viết này chỉ nhằm một mục đích là giới thiệu nhà thơ đến với mọi người.
Tường Đông tân thật là Đoàn Văn Bá sinh năm 1918 tại làng Ưu Điểm huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên. Ông học trường Quốc học, đổ bằng Thành chung.
Ông không làm cho một công tư sở nào, mở lớp dạy học, học ban tú tài. Trong số những anh em của ông: Đoàn Anh Hào, Đoàn Đình Dương, Đoàn Thái Hoè học hành đổ đạt mà sự nghiệp và đường đời bằng phẳng... Ông lại chọn cho mình một lối đi gập ghềnh chông gai. Gót chân lãng tử đưa ông đi khắp nơi lấy thơ, bạn và sóng nước làm lẽ sống. Trong thơ bảng lãng nét lãng du hiệp khách
Trong làn khói bạc nức mùi hương
Tráng sĩ hôm nay bước lạc đường
Mượn tạm nơi này làm quán họ
Để hồ rủ áo hố phong sương
(Hương trầm)
Đọc những bài thơ như: Hương trầm, Đêm nhà thương, Uống nước dừa, Cây xoan cuối thu, Đi đêm, Chùa An Lạc. Người đọc dễ nhận thấy ông là con người của sương gió. Bước chân hành giả lang thang để thoả chí giang hồ? Đi tìm lẽ sống? Hay là sự đoạ đày mà kiếp thi nhân phải chịu?!
Trên bến cô đơn giữa thế thường
Tôi là viễn khách của ngàn phương
Hôm nay tạm lánh đông bắc tuyết
Tôi gạt thầm. Em! Lệ thảm thương
(Hương trầm)
Khác với những bài thơ cùng thế hệ. Nói như nhà văn Từ Sơn (Con trai của Hoài Thanh). Họ (Những nhà thơ trong Thi nhân Việt Nam) đắm chìm trong mơ mộng vẩn vơ và ta có cảm giác họ là những người sung sướng, đầy đủ và nhàn rỗi. Tuy không phải được như vậy chăng nữa thì ít ra họ cũng có một nơi chốn yên ổn để làm thơ, làm việc và trầm tư... Thì đấy Thế Lữ viết văn viết báo trong Tự lực văn đoàn, Phong hóa, Ngày nay, Tinh Hoa. Vũ Đình Liên tham chánh Hà Nội. Lam Sơn ở Sở công chánh Hải Phòng. Xuân Diệu làm tham tá ở Mỹ Tho. Hàn Mặc Tử làm ở Nam Phong, dạy học... Còn Tường Đông mãi miết trên những dặm đường heo hút...
Rồi đó năm năm đến một lần
Phận nghèo huý nhật của bày dâng
Vài hàng thơ khóc hương hồn cỗ
Để lại lang thang giữa bụi trần
(Quan san)
Quán họ, điếm canh là nơi ông thường ghé lại để dừng bước giang hồ
Trần thế còn tràn những khổ thương
Đây người ngồi khóc bến Tầm Dương
Đó chàng trai trẻ không quê quán
Nằm tạm trường canh bến dọc đường
(Dặm đường)
Đến đây tôi chợt hiểu vì sao thơ Ông thất lạc nhiều. Mặc dầu Ông được Nguyễn Tiến Lãng, một danh sĩ, một người bạn thân đánh giá Ông là con người tài hoa vô cùng. Hàn Thu Nguyễn Tiến Lãng- Tường Đông Đoàn Văn Bá (Người quen thường gọi là cặp Thu Đông) mà trên bước đường phiêu bạt Ông đã có những lời thơ tâm huyết vọng về bạn như sau:
Quê hương trăm dặm quê nhà chơi vơi
Tưởng khi góc biển chân trời
Còn người để chắp những lời nước non
(Chia tay)
Trong bài Đêm nhà thương viết để trả lời bài Thu của Hàn Mạc Tử. Cho ta thấy sự bi thương của kẻ lạc lỏng bơ vơ khi phải lâm trọng bệnh. Ông có biết mẹ già mỏi mắt ngóng trông đứa con phiêu lãng của mình với những giọt lệ ngày đêm. Đáng thương thay! Đáng giận thay!
Rồi tôi khóc trong khi anh bỡ ngỡ
Cho dòng châu điểm hạt dưới mi tôi
Thảm thương chi thấy bà mẹ ngồi
Rồi nắng tắt sân chiều về chậm rải
Mắt phương trời bà mẹ tựa bên sông
Tưởng con mình tuy gặp bước gian vong
Vẫn còn sống trong dòng đời cuộn chảy
Vì nghĩ thế nên khôn ngăn lệ chảy
Trong nhà thương sùi sụt tiếng khóc khuya
(Đêm nhà thương)
Đọc những câu thơ trên, sao tôi cứ ái ngại và thương cảm một kiếp tài hoa. Đây quả là một nỗi buồn đau trần thế. Một kẻ sa cơ lỡ bước, một anh hùng gươm giáo nơi sa trường, một chiến sĩ xã thân vì quê hương dân tộc. Trong giờ phút giữa cái sống và cái chết, Mẹ là, nỗi nhớ quay quắt, quặn lòng và hình ảnh mang theo của những đứa con. Ở đây ta không hiểu Hàn Mạc Tử tới thăm ông khi ông bị bệnh, hay là sự đưa đẩy của số mệnh để hai người gặp nhau nơi chốn tai ương của cuộc đời.
Cuộc đời con người có thể chia ra từng giai đoạn “Bỉ cực- thái lai”
Nhưng những gì tôi đang có trên tay cho ta thấy hình ảnh của một bộ hành cô đơn đi mãi. Hình như có một thôi thúc nào đấy với ông “ Hỡi người, Người sinh ra không phải để yên nghỉ mà là lên đường...” (lời văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường).
Trong bài “Uống nước dừa” cho ta thấy người bộ hành đã có vẻ chồn chân, nhưng nhất quyết không chịu dừng lại
Đừng pha nữa! chị ơi đừng mời nữa
Bởi giang hồ nên mới gặp nhau đây
Chốn đoàn viên đâu phải ở nơi này
Đây quán trọ cùng những phường bất hạnh
Mở hết cửa cho gió xuân rờn lạnh
Làn da dâu bởi nắng giải ngày hè
Cả đời tôi là một cổ loan xe
Lòng hiệp nữ là những nhà ga tạm
Rồi bánh chuyển xe không cần máy hãm
(Uống nước dừa)
Không hiểu ông chạy đuổi một lý tưởng, hay chỉ là một ảo ảnh? Cớ sao như kẻ tha phương không cửa, không nhà đến niềm tâm sự cũng không biết ngõ cùng ai
Một mình ngày tháng ngang tàng
Đêm đêm chỉ thấy trăng vàng mà thôi
Hoặc
Còn ai ai biết đề thơ
Đạm Tiên mất tích Kiều thơ chẳng còn
Rồi thì cả khối tình con
Ngàn năm cũng chẳng hao mòn đi đâu
(Trả lời bài Dòng dư lệ của thi sĩ Nguyễn Bính)
Nhà thơ giữ riêng cho mình một nỗi niềm sâu kín và lầm lủi đi tìm. Để thơ theo bước chân phiêu lãng như những chiếc lá bay mất vào hư không và những dòng nước mắt rơi xuống trần gian. Những giọt nước mắt trong trẻo dấu sau bộ mặt phong trần nhưng không dấu được cốt cách của giống nòi thi sĩ. Con người là một sinh vật yếu đuối. Huống chi ông lại là một thi nhân
Ngang tàng, khí phách đến mấy cũng không chịu được bảo táp và sầu thảm. Không còn cái dũng khí ban đầu như:
Một đoá bèo trôi lạc giữa dòng
Nước dồn sóng vỗ thị như không
Thênh thang mặt nước trong veo mặt
Xa tít trùng khơi vững một lòng
Thương giống lệ dương, e bão vũ
Trách dòng lau sậy phụng ba phong
Trôi đi rồi lại trôi về bến
Mặt vẫn tươi dòn giữa tố dông
(Cái bèo)
Trong bài ví mình với cây xoan cuối mùa. Ông đã nhận ra mình đích thực
Chiều hôm nay thu ngự đến đó rồi
Cành và cánh xơ tàn như mái rạ
Và trơ bóng một mình đơn chiếc lạ
Trên bờ sông hổ thẹn ngắm mình xơ
(Cây xoan cuối mùa, viết cho Nguyễn Tiến Lãng)
Ngay từ đầu tôi đã giữ lới hứa là không lạm bàn về thơ, nhiều khi cũng muốn xem vào một vài ý. Nhưng đọc sách xưa thấy cách ứng xử của cổ nhân càng thận trọng hơn. Nghĩ mình tài năng phải đứng hằng trăm dặm mới dám ngó nhìn Sương Dĩnh. Thời vận phải nhiều kiếp mới được nâng áo Bào Sinh. Lý luận thì hở hang, chỉ phải vấp phải nghi ngờ từng đống. Các vị ấy đã từng đi lại tại vườn văn, bơi lội trong rừng nghĩa, thế mà lời nói khiêm nhã, thận trọng từng chút. Trả lời xằng bậy chỉ làm bẩn vẻ đẹp của văn đàn. Ta lờ mờ thấy sự ẩn hiện phế hưng và sự chìm nỗi mà Ông đã trãi.
Có kẻ nghi ngờ hay là Ông hoạt động chính trị? Thật là một ý nghĩ quái lạ. Không có một nhà chính trị nào lại suốt đời vờn với chiếc bóng của riêng mình. Vì thế kẻ viết bài này chỉ dám nói những gì mà mình biết cụ thể, không dám liều lỉnh làm chuyện vọng tưởng đi tìm huyền châu là vậy. Ở đây tôi chỉ trăn trở về một kiếp người với nhiều câu hỏi trong đầu (???...). Nếu cứ lấy cái thường tình mà luận với học vấn của ông. Ông có thể sống như những nhà văn, nhà thơ cùng thời đại và biết đâu tên tuổi và văn thơ của ông đã có chân đứng trong thi đàn Việt Nam mà không phải chỉ là cái bóng mờ chìm khuất trong lớp bụi thời gian. Chúng ta vẫn biết thi nhân lấy sự rong chơi làm thú tiêu khiển và tìm cảm hứng, họ dám lấy bản thân mình để đánh đổi một đời thơ. Nhưng ở Trường Đông ông như nhà khổ hạnh tự đày đoạ mình để trả món nợ của kiếp người. Cuối cùng kẻ khổ hạnh đã ngộ ra nhưng ngộ ra trong thất vọng
Hỡi khách giang hồ của kiếp sau
Thương nhau nên nhắn gửi cho nhau
Đoạn đường khúc chiết trên dương thế
Chớ bước dài chi để lệ sầu
(Hương trầm)
Ông đứng tủi ngồi sầu và đã làm mảnh tình tan vỡ bao hàng lệ châu
Em từ buổi vu quy hết mộng
Lòng đìu hiu còn vọng chờ ai
Gió xuân năm nay lại thở dài
Tình xuân hoa cỏ oán người Thuỵ Long
(Cẩm sơn mộng)
Viết đến đây tôi bâng khuâng chợt nhớ câu nói của người xưa: “Điều chí lý không thể lấy sự tầm thường để lường đo. Lẽ vi tế ẩn khúc thì không thể dùng sự cạn cợt có thể tham hiểu”
Ngoài những bài thơ viết trên dặm đường gió bụi. Những bài thơ tình của ông vẫn mang khí chất lãng mạng của những thi sĩ thế hệ ông như: Mộng ngày thanh, Tình nồng, Tương tư, Lòng ly phụ, Cẩm sơn mộng...
Thơ ông mang nặng một nỗi buồn nhân thế, khóc cho sự ly tán, buồn cho quê hương đất nước trong cảnh loạn ly
Mành tương phấp phới hàng hoa toả
In nước lưng trời cảnh nhạn trăng
Nhìn cảnh tiêu sơ hàng lệ chảy
Hỡi hồn chiến sĩ, nói nghe chăng
(Thu)
Hoặc những nhà yêu nước bị tù đày trong lao tối của giặc
Nhớ người cố quận trong lao tối
Nhớ kẻ tha hương dạn mặt dày
Thương kẻ bâng khuâng vì thế sự
Quyền sầu dục dã dưới heo may
(Tự thán)
Nhưng những người mà cuộc đời như những cánh chim bạt gió và ba đào luỵ dễ tìm được sự đồng cảm nơi thơ ông.
Mây trắng ngang ngang rải bốn bề
Non Hồng sừng sững lấp hương quê
Hoàng hôn không phủ người trong mộng
Xa lắc đồng xanh vọng lối về
(Gửi hương cho gió)
Ô hay tỉnh mộng bồn chồn
Sâm thương cách trở khơi nguồn lệ rơi
Giờ đây cười chẳng muốn cười
Bẻ cành liễu rủ tặng người viễn phương
(Chia tay)
Các cụ già ở quê cho hay Đoàn Văn Bá học nhiều, biết rộng, giỏi văn thơ (Đối với các cụ ở quê ngày ấy tú tài, diplom quả là không nhiều) bạn văn thường lui tới đàm đạo
Chừng ấy Thơ, chừng ấy hiểu biết về một nhà Thơ quả là quá ít. Người viết bài này chỉ muốn lấy cái Tâm để gọi là một chút gì với người đã khuất và nếu nhà Thơ phải nhận nhiều nỗi đau của cuộc đời hơn người khác, điều ấy hẳn không có gì lạ.
Trăng vàng muôn thuở bạn bè đâu
Mà khi rãi lụa trên cành biếc
Cũng khiến văn nhân cũng rãi sầu
“Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ” (Dừng ngại con đường trước mặt không có tri kỷ). Thưa nhà thơ, nếu bài này may mắn tới tay bạn đọc thì người đời còn biết tới ông cũng gọi là một chút tri âm vậy mà!
Những đóng góp của ông cho thơ mới nói riêng và cho làng thơ Việt Nam nói chung, kẻ viết bài này không dám bình luận. Điều chắc chắn một nhà phê bình cẩn thận như Hoài Chân, Hoài Thanh khi nhắc đến một thi sĩ trong tác phẩm của mình, dù nói rất ít về họ, tôi e chừng không bao giờ chỉ là một sự hiểu thoáng qua, mà chắc chắn là ông đã có trong tay những bài thơ của Trường Đông với sự đánh giá, thẩm định của tác giả. Nhưng do khuôn khổ của một tác phẩm và nhiều lý do khác nữa Hoài Chân, Hoài Thanh đã không trích đăng (mà không phải chỉ có ông thôi đâu trong 42 thi sĩ trong Thi nhân Việt Nam rất nhiều người cũng không có bài trích đăng ở đó)
Thơ ông vang động biết bao cảm khái. Hình như ông không chịu bó mình trong không gian nhỏ hẹp, mà là tìm cảm hứng trong trời đất vô tận. Tôi lẩn thẩn nghĩ hay là ông muốn biểu đạt quan niệm Thiên- Địa- Nhân của Mạnh Từ là con người phải hòa cùng trời đất, đi cùng trời đất. Khổ vậy thay!
Một ngày đầu đông khí trời lành lạnh... trong căn nhà nhỏ bạn bè của tôi cùng nhâm nhi chén rượu. Bỗng nhiên tôi liên tưởng và mường tượng trong căn nhà của Tường Đông (không xa Kinh thành Huế là bao) những Danh sĩ, Thi nhân một thời: Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Tôn Nữ Thu Hồng, Xuân Tâm, Bích Khê, Nguyễn Tiến Lãng... ngồi uống rượu ngâm thơ trong bóng thời gian mờ ảo. Mà những câu thơ tiếng cười như còn vang động chưa nguôi dưới lớp bụi rêu mờ của dĩ vãng. Sao chỉ một mình ông rẽ vào con đường gió bụi, để thơ và đời bay chìm vào hư không. Nếu ông cứ ngồi uống rượu ngâm thơ cùng bạn bè thì đâu phải 60 năm qua hai tiếng Tường Đông- Một phần người phải chôn vùi trong quên lãng...
Cuối thu năm Bính Tuất (2006)
Đ.H.T