Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thơ đa đoan và thân phận

T

hơ cần mới, lẽ hiển nhiên không thể đảo ngược. Xâu chuỗi thơ hay từ thời Thơ mới, thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thơ trong vùng đô thị miền Nam và các thế hệ sau năm 1975 sẽ hiện rõ lộ trình bức tranh thơ Việt. Ở đó, mỗi nhà thơ xác lập cho mình một con đường, một phong cách, một xác tín. Nhiều nhà thơ, nhiều khuynh hướng, trường phái xây nên nền thơ. Sự cộng hưởng, giao thoa hay khác biệt, thậm chí dị biệt có khả năng thúc đẩy, mở rộng làm giàu thi pháp, làm giàu trí tuệ một nền thơ.

Chữ Mới luôn được nhà thơ mang vác như bổn phận. Mới  bao hàm khác, lạ, hay hơn, đẹp hơn chính nó. Tuy nhiên việc làm mới cho thơ không phải lúc nào cũng êm ái, thuận chèo mát mái, ngược lại có thể gây bao hiểu lầm, có khi bị quy kết, chụp mũ những gì ngoài thiên chức của nó. Đây thực sự là căn bệnh kinh niên khó chữa.

Thơ không vần của Nguyễn Đình Thi năm 1949, muốn thoát khỏi chiếc áo thật đẹp, gò bó đã là tâm điểm “xung đột trường phái”. Chỉ vì Nguyễn Đình Thi vượt qúa chuẩn mực của Thơ Mới xuất hiện không lâu trước đó. Ngay cả Xuân Diệu cũng cho rằng thơ Nguyễn Đình Thi tán loạn như trong một bức tranh siêu thực. Còn Thế Lữ thì cho đó là cái thú bệnh tật, nguy hiểm. Thời chống Mỹ, cuối những năm 60, đầu 70, Việt Phương với tập “Cửa mở” trở thành hiện tượng cá biệt, bị phê phán gay gắt, bởi vì hình thức và tư duy thơ ông không giống với tiếng thơ cùng thời, vì tư tưởng cấp tiến của ông trong cách nhìn nhận hiện thực xã hội. Trong khi ấy, giữa lòng đô thị miền Nam, Ngô Kha, Trần Quang Long, Trần Vàng Sao xuất hiện với những khuynh hướng sáng tác đa dạng, siêu hình được các tầng lớp trí thức sinh viên đón nhận, chuyền tay nhau đọc như tác phẩm gối đầu giường thì bị chính quyền Sài Gòn săn lùng, bởi vì tác phẩm của họ chứa đựng tinh thần yêu nước, đòi hòa bình, đòi thống nhất Tổ quốc.

Bây giờ đọc thơ không vần của các thế hệ trẻ, tuổi cũng xấp xỉ ngần ấy đã thấy khác đi rất nhiều. Thơ được mở rộng về chiều kích cảm quan, độc đáo, phóng khoáng trong hoạt động thẩm mĩ, quyết liệt trong cách tân: Ngày mai vẫn con đường đầy bụi/ buổi sáng với danh sách dài những việc chưa làm- ngày mai vẫn hàng cây bên đường cằn cỗi/ quán cafê chật không biết cất nỗi buồn thiên hạ vào đâu- ngày mai con ta đến lớp cặp kính ngay ngắn trên sống mũi/ vẻ trịnh trọng thơ ngây lạ lẫm- bao nhiêu ngày mai, bao nhiêu cánh cửa đóng chặt được mở ra (Tỉnh táo- Trần Kim Hoa). Lê Vĩnh Tài qua ba tập thơ và một trường ca, đã vạch lối đi riêng biệt. Thơ anh nhìn đau đáu, xoáy sâu vào thế giới đời sống tiềm ẩn, mới về cảm xúc và tư duy:

làm sao thơ dám nhận về mình

tờ giấy trắng câu thơ đau phát khóc

và gió đẩy câu thơ về mùa hạ

trên hồ nước một mái chèo mỏi mệt

suốt đêm dòng sông mãnh liệt

đang ngốn ngấu bằng trí tưởng tượng

làm rách chiếc áo của gió

và lăn tròn hai nụ của hoa.

                                        (Bài thơ về tờ giấy)

Dẫu liệu trên cho thấy tiến trình thơ Việt không ngừng chuyển đổi, chưa bao giờ chịu ngưng nghỉ. Cuộc chuyển đổi, phát triển đó theo hình xoáy trôn ốc, trong bối cảnh xã hội nhiều biến động mà vai trò quyết định vẫn là bản lĩnh sáng tạo của mỗi nhà thơ. Đơn giản vì nhà thơ là người đẻ ra tác phẩm, không ai làm thay được. Chuyển động của thơ Việt hơn 70 năm qua dẫu đa đoan, thân phận; nhưng luôn ở vào cái thế tự phủ định để hướng tới chân trời nghệ thuật với mong ước khoáng đãng hơn, phóng túng hơn. Chủ thể sáng tạo thì muốn quăng mình vào cơn lốc, muốn tự do đào bới, muốn thay đổi cái trật tự vốn quen thuộc, nhàm mòn; mà môi trường và điều kiện cứ như bàn tay vô hình thường xuyên níu kéo trở về vị trí xuất phát.

Khác với các hình thái xã hội, văn học nói chung và thơ nói riêng không thể ổn định trong một khuôn mẫu có sẵn. Ngay cả mấy tiếng xã hội ổn định cũng đừng hiểu một cách cứng nhắc. Ổn định mà bảo thủ là chưa ổn định, là kìm hãm phát triển. Thơ lại càng không như thế. Thơ phải chuyển động, phải xê dịch. Mỗi nhà thơ, mỗi thế hệ thơ phải tự làm mới cho mình. Vai trò sáng tạo hối thúc đòi hỏi nhà thơ thường xuyên thử nghiệm để vươn tới cái mới.

Một trong những chức năng của văn học là dự báo xã hội. Nhà văn tài hoa là người không chỉ biết khám phá hiện thực đời sống xã hội mà còn biết tiên đoán xã hội. Do vậy họ phải khai mở, phát quang lối đi, sinh tạo nhiều thi pháp, nhiều giá trị thẩm mĩ, tư tưởng cho xã hội.

Các cuộc tranh luận trên văn đàn bấy lâu chứng tỏ vẫn còn cái nhìn thiếu thiện cảm với các nhà thơ các cây bút trẻ mạnh dạn tìm tòi, phát kiến. Cứ thấy cái gì khác lạ ngày hôm trước đã canh chừng. Cứ thấy đưa tính dục vào thơ đã la lối lên.

Lớp nhà thơ trẻ từ sau năm 1986 khá đông, thực ra họ chẳng còn trẻ nữa, có người đã ngót nghét trên ba lăm bốn mươi tuổi. Họ đã hình thành một thế hệ có tính bền vững. Thơ họ mỗi người một lập trình. Tôi biết không chỉ ở Hà Nội và vùng phụ cận, các tỉnh và trung tâm đô thị miền Trung, các nhóm thơ ở thành phố Hồ Chí Minh và vùng đồng bằng Sông Cửu Long hình thành khá đông. Có điều trong số họ, nhiều người không may mắn, không được xuất hiện trọn vẹn gương mặt mình trên sách báo. Phần do sự dè dặt của các cơ quan nắm quyền xuất bản khi đụng tới thứ sản phẩm cho là lạ lùng này, phần do văn học trẻ Việt Nam chưa có lý luận phê bình trẻ để dẫn luận, như nhà phê bình Võ Gia Trị lên tiếng. Các nhà phê bình để chắc ăn thường đào bới các sản phẩm văn chương kinh điển, đã định hình, được khẳng định. Họ ái ngại khi đụng chạm tới lớp trẻ, không biết rồi sẽ đi tới đâu, không dám mổ xẻ đánh giá thật công minh khoa học. Có chăng là những bài viết về văn chương thế hệ này chung chung với cái nhìn lo lắng bấp bênh chưa đủ tâm phục khẩu phục.

Văn học trẻ cần phải có lý luận phê bình trẻ, tiếp nhận các trào lưu tinh hoa thơ thế giới, thu nạp các khuynh hướng, xu hướng tân tiến nhất.

Rõ là sự đối xử trên văn đàn thiếu công bằng và dân chủ. Vô hình chung, chúng ta lãng tránh, ngồi chờ kết quả sáng tạo của lớp trẻ rõ ràng mười mươi mới vào cuộc. Nói thẳng ra, sự dè dặt này cũng là tội lỗi, là giải pháp tiêu cực, tiếp tay cho căn bệnh kinh niên khó chữa như đã nói ở trên, trong khi thế hệ này, không ai khác là chủ nhân nền văn học nước nhà ngày mai không xa.

Vậy thì làm sao bàn thảo một cách đầy đủ, kĩ lưỡng về thành tựu đổi mới để có nhiều tác phẩm chất lượng cao?

Xét cho cùng, dẫu còn lắm trắc ẩn khi nhìn thẳng vào vóc dáng thơ Việt hôm nay, nhưng tự bản chất, tự thực tế phơi bày, thơ Việt đã hợp lưu từ nhiều nguồn sáng tạo khác nhau, hình thành một dòng chảy không thể cưỡng lại.

Vậy thì thơ Việt trong sự vận động làm mới có còn giữ được tính dân tộc nữa hay không? Câu trả lời chỉ có thể, tại sao lại không? Bản sắc dân tộc chính là cái hay, cái đẹp, cái mới do các nhà thơ Việt Nam mang lại. Chẳng lẽ cứ rập khuôn hình thức có sẵn, nhấm nháp vẻ đẹp truyền thống, khư khư ôm chặt tinh hoa cha ông mới là giữ vững bản sắc? Như thế làm sao phong trào Thơ Mới có thể bùng nổ như một cuộc cách mạng, làm đảo lộn bao nếp nghĩ của các bậc đồ Nho ngự trị hàng trăm năm trước. Trong khi chủ nhân của phong trào này đều mười tám đôi mươi, có người chỉ mới 16 tuổi như Chế Lan Viên với tập “Điêu tàn” gây xôn xao dư luận, làm bàng hoàng sửng sốt độc giả thời ấy.

Thơ Việt hiện nay cũng vậy, không thể cài then sập cửa, chối từ các khuynh hướng nghệ thuật, phương pháp sáng tác, chối từ cái tôi muôn thuở của thơ. Thơ sẽ bị dồn vào cái thế chật chội, bức bối như người đẹp bị cấm cung, không được phô bày gương mặt kiều diễm của mình với thiên hạ. Đến như Dương Tường, Lê Đạt những bậc cao niên thời chống Pháp, lẽ ra thơ các vị phải cùng chung dòng chảy. Điều đáng trọng, các nhà thơ ấy không chịu để cho số phận thơ già cỗi, tiếp tục ra mắt cùng độc giả những bài thơ rất hiện đại:

Thời gian như một cái nhìn vàng

           tôi vẫn phi tôi

vẫn lạc lối hoài trong một im lặng trầm

                 đa giác

(Sinh nhật-Dương Tường)

Dương Tường chủ xướng thi pháp “âm bồi”, bỏ qua các khái niệm chủ đề hướng thơ vào cuộc chơi “duy mĩ” (chữ Hoàng Hưng), biểu lộ rõ nhất qua tập “Thơ Dương Tường” do nhà xuất bản Hải Phòng ấn hành cách đây hơn một năm. Còn Lê Đạt phát biểu quan niệm của ông ở bài “Hai Kâu”- một lối viết phối ngẫu giữa thơ và kiến giải thơ, in trên Tạp chí Thơ vừa qua cho ta cảm phục sự dấn thân đến cùng của một trái tim thơ lao luý thời Nhân văn giai phẩm:

Chiếc diều đứt dây “diều đứt dây” này có bay đến đích không.

Tôi cũng không chắc.

Nhưng tôi tin

ở cơ may. Một người làm thơ mà không tin ở

cơ may thì không làm được một cái gì

đáng đồng tiền bát gạo cả.

Cùng lắm là mất một cuộc đời.

Đời người đáng quý thật nhưng con đường thiên

lý của thơ cũng đáng quý không kém.

Tôi chưa bao giờ hoài nghi rằng con đường tôi

đi lại không dẫn tôi “lạc” đến

Phố

Bích Câu.

Chấp nhận hiện tượng các thế hệ nhà thơ tự lột xác, chấp nhận thi pháp mới của thế hệ trẻ trong bối cảnh xã hội khác ngày hôm trước, cho dù có khi làm gai mắt người đọc, đó là sự tiếp nhận trên tinh thần khoa học để làm giàu thêm dáng vẻ thơ Việt. Trên con đường chông gai với khát vọng cháy bỏng, sự dẫm đạp, na ná, tương tác, có khi ngược chiều trong sáng tạo, chớ vội phủ nhận, hãy kiên nhẫn chờ đợi. Đó cũng là sự tiếp nhận có lương tâm đối với nghệ thuật.

Cuộc chuyển dạ nào chẳng đau đớn vật vã để sản sinh một sinh linh mới. Bản ngã dân tộc in đậm trong cuộc tìm kiếm vô biên của bao thế hệ đi qua và bao thế hệ đang tới. Cần nhìn nhận tính dân tộc trong sự vận động và phát triển của nó. Trong cuộc tìm kiếm này bao thế hệ nhà thơ đã làm giàu thêm vốn ngôn ngữ tiếng Việt. Khả năng ngôn ngữ được mở rộng hơn về mặt mĩ học, về tư duy, linh hoạt hơn trong biểu hiện, biểu cảm, trong cấu trúc ngữ pháp. Đây là sự đóng góp không nhỏ trong tiến trình xây dựng nền văn hóa phát triển, đậm đà bản sắc.

Một nền thơ tiến bộ và đổi mới, nền thơ đó phải thừa nhận mọi giá trị nghệ thuật người tạo ra nó. Ở đó cùng tồn tại nhiều chủng loại, nhiều hình hài, giọng điệu, nhiều gương mặt. Dĩ nhiên thời gian vẫn là cái sàng sẩy tinh tường nhất.

                                                                       21/9/2006

                    H.V.T

                                                                   

Hoàng Vũ Thuật
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 147 tháng 12/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground