Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thơ ồn ào, thơ nhảy cóc, thơ rối rắm?

C

hẳng phải ngẫu nhiên mà nhà thơ tài danh Chế Lan Viên, sau những từng trải, chiêm nghiệm về cuộc sống và thi ca đã viết: Nhân loại đi xa chớ có vẽ bày/ Từ ngữ kềnh càng, văn chương vô lối/ Cả đời anh, anh thu nhỏ lại/ Chỉ còn cái lõi/ Cho nhân loại mang cùng, nhân loại cầm tay (Thơ cầm tay). Như vậy, thơ, trong vai trò thể hiện và truyền dẫn cảm xúc, suy ngẫm từ người viết đến bạn đọc rất cần sự cô đọng, sâu lắng. Chọn lọc hình ảnh, chi tiết và ngôn từ là công việc của sáng tạo thơ. Cái lõi của thơ là tâm hồn cuộc sống, là tình cảm con người, càng cô đúc, càng đa nghĩa, càng dồn nén càng ám ảnh.

Khác mọi thể loại văn học, thơ đòi hỏi rất nhiều sự tiết chế, tiết kiệm hình ảnh và ngôn ngữ. Đến bút ký, người cao tay cũng không bao giờ làm cái việc thấy gì kể nấy, sao chép hiện thực một cách thật thà chứ nói gì đến thơ, một thể loại rất cần tới sự Phóng khoáng nhưng không vu vơ (Chí phóng nhi bất vu). Thơ hay, mang trong nó vẻ đẹp tự nhiên và những lao tâm khổ tứ của người sáng tác song hầu như không để lại dấu vết gì. Ngoảnh lại quá khứ, tôi thấy bao nhiêu gợi mở từ những câu thơ giản dị mà luôn tươi mới như thế này: Đêm Hà Nội buốt tê/ Mái buồn nghe sấu rụng…(Đêm Hà Nội 1950-Chính Hữu); Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm/ Em có bao giờ em nhớ thương (Đôi mắt người Sơn Tây-Quang Dũng); Mũi hài cũ rêu in ngón lạnh (Về lại Xứ Đoài-Thu Bồn); Mùi mưa xưa/ lòng chưa tạnh/ phố nhau đầu (Chiều Bích Câu-Lê Đạt); Phố này đêm ấy có trăng/ Cùng đi một quãng nói bằng lặng im (Hà Nội vắng em-Tế Hanh)…

Tôi cũng chịu khó đọc thơ. Thơ bạn bè, thơ người mình biết, thơ tác giả mới và cả thơ được giải thưởng. Tuy vẫn canh cánh một điều: thơ được giải nhiều khi chỉ phản ánh xu hướng sáng tác, “gu” thơ hay “thỏa hiệp” của ban giám khảo, hội đồng ấy và không thể không tính đến chuyện điểm cộng thêm của cánh vế, quen biết, gửi gắm này nọ.

Tự hỏi: có phải bây giờ người ta đang cổ súy, nâng đỡ cho dạng thơ ồn ào, thơ nhảy cóc và thơ rối rắm?

Tôi nhận ra sự lặp lại, mòn cũ và ồn ào trong một số bài thơ viết về đất nước hiện nay. Ít lắm những sáng tạo mới mẻ về cấu trúc, hình tượng, ngôn từ. Thơ nghiêng về sự ầm ào, cao giọng, tuyên truyền cổ vũ mà không có những câu hay, những ám ảnh lâu bền. Thoạt nghe có vẻ mênh mông, hoành tráng nhưng khi đọc kỹ bằng mắt ta thấy vô vàn sáo rỗng, cũ kỹ…Thơ mang trong nó sự sáng tạo quyết liệt không lặp lại người đi trước, người cùng thời và cả với cái mình đã có. Thế mới cao tay, mới xứng đáng được tôn vinh.

Có người đưa hiện thực vào thơ như “nướng gà cả lông”. Đó là kiểu thấy gì nói nấy, nghĩ gì viết nấy. Buồn thay, đến văn xuôi người ta cũng không ôm đồm thế. Thơ cần phải tinh. Tinh trong hình ảnh, ngôn ngữ. Đó là yêu cầu bất di bất dịch của sáng tác thơ; xưa đã thế, nay cũng thế. Tôi đã đọc những câu thơ này và tự hỏi: “Đây là thơ hay văn xuôi?”:

-Năm ấy, tôi đến từ phương xa/ không giấy tờ, không người quen, không nhà không cửa và tương lai tôi/ tương lai ở trong tay những kẻ bố ráp bắt người đi đánh thuê cho quân xâm lược…(Thơ tặng chị Ba ở Phan Rang-Lê Văn Ngăn);

-Ngày ấy, em còn nhớ chăng, nếu không cùng một nỗi lo toan về con cái/ có lẽ chúng ta đã mỗi người mỗi ngã/ và vết thương/ khó lòng được hàn gắn lại dần dần (Có thể đến một ngày em đọc những dòng chữ này-Lê Văn Ngăn)

-Cái kéo. Phích nước. Chiếc bút…/ Dăm tờ giấy trắng/ cạnh biên bản, hình như một cuộc họp/ có ghi tên chủ tọa, thư ký và đại biểu cấp trên/ “Hôm nay, hồi 17 giờ 30, tại…/ Tổng số: 32/ Vắng:04, có lý do…”(Nhìn kỹ-Mai Văn Phấn)

-Nhà ông trưởng thôn bị con đường/ đâm thẳng vào cửa/ Mở sách Lý Số ra xem/ có họa/ Sách còn ghi/ ở mục Nốt ruồi/ trang 267 dòng thứ 3 từ dưới lên/ám chỉ những người tơ tít, lăng nhăng. (Biết thì sống- Mai Văn Phấn)…

-Tôi mơ thấy em hôm qua, vào khoảng đêm về sáng/ Rúc đầu vào chăn tôi ngủ nán/ Ngoài trời dần sáng bạch/ Người nhà bảo tôi lười quá/ Chỉ em gái lo tôi ốm (Giấc mơ- Đỗ Doãn Phương)

-Bất chợt ngắm các cháu trong gia đình/ Cùng đám trẻ con lâu nhâu hàng xóm/ Chúng đã biết đi, biết nói từ lâu lắm…/ Cái đầu chúng đã độc lập, ký ức chúng đã hình thành/ Chúng gọi tôi bằng bác, bằng chú, bằng anh/ Có đứa ôm cổ bá vai hỏi thăm, có đứa tròn mắt khóc thét (Lũ nhóc con- Đỗ Doãn Phương);

-Chiều có giới hạn/ thủ đoạn, xảo trá vô hạn/ đêm có giới hạn/ kiểu cọ, vênh váo vô hạn/ biển có giới hạn/ nông cạn, dốt nát vô hạn…(Một vị trí buổi chiều-Đinh Thị Như Thúy)

-Lại ngày hôm qua ngày hôm nay ngày mai/ Chúng ta phải thận trọng chúng ta phải cảnh giác chúng ta phải tiết kiệm chúng ta phải nêu cao tinh thần trách nhiệm (Chúng ta đã làm gì trong những ngày cuối cùng mùa hạ?-Đinh Thị Như Thúy)…

Không ai khác, chính Chế Lan Viên từ lâu, khi còn sống đã cảnh báo việc đưa vốn sống vào thơ thế nào cho đúng: “Vốn sống của người viết văn và người làm thơ phải ngang nhau, nhưng cách làm phải khác nhau. Giống như cùng một thứ nếp cho ta rượu và bánh chưng”. Thử hỏi, kiểu “nấu” như trên cho ra “bánh chưng” hay là “rượu” hay là gì?

Đọc một số bài thơ được cho là “cách tân” tôi thấy tác giả không quan tâm tới tạo lập tứ và chọn lựa hình ảnh hay sao ấy. Tác phẩm của họ giống quầy hàng xén bày ra nhiều thứ hàng vụn vặt, màu mè. Từ hình ảnh này nhảy cóc sang hình ảnh khác, tạo nên sự hỗn độn, rối rắm làm nhọc lòng người đọc. Ví dụ: Những ngọn thác câm lặng đang đổ xuống rất mạnh/ những đế giày chuẩn bị vỡ tung/ chân tường mở cánh cửa thoát hiểm/ bụi mưa phùn hay châu chấu bay qua/ cả ngôi nhà lao đi chóng mặt/ sửng sốt, rã rời khi gặp bình minh (Để nhận ra anh-Mai Văn Phấn)…Đã có, đang có rồi sẽ có những biện minh và cổ súy cho cách viết đó. Nhưng tôi mạo muội cho rằng: một bài thơ không phải là sự tập hợp các hình ảnh, chi tiết lại một cách tùy tiện, vô tổ chức. Viết theo kiểu nào, truyền thống hay cách tân thì thơ cũng cần có sự liên kết, bổ trợ cho nhau giữa các khúc đoạn, hình ảnh. Dù có rẽ ngang rẽ dọc thì thơ vẫn phải chảy về dòng chính, đó là cái “trục” của bài. Sự lỏng lẻo rời rạc không tạo ra được mạch thơ xuyên thấu, nó làm mất đi âm hưởng của cảm xúc vốn được xem là quy luật của thơ. Theo cảm nhận của riêng tôi, bài Ba khúc niệm của Đỗ Doãn Phương là như thế. Nó như là tập hợp của ba bài thơ ngắn, riêng lẻ. Nếu tách ra, Khúc 2 là một bài thơ đọc được. Xin dẫn nguyên văn bài thơ để bạn đọc kiểm chứng: “Ba khúc niệm/ Khúc 1/ Ngài ở ngay trong ký ức tôi, nhưng tôi không sao nhớ nổi mặt Ngài/ Tôi nhận thấy đâu đó quanh tôi, Ngài đang tồn tại/ Tâm hồn tôi rối loạn/ Khắp mặt đất chạy rông/ Khúc 2/ Bước chân trượt trên đá sỏi/ Xuống sườn dốc lòng hồ/ Nơi ấy nước nằm lõa lồ trên đất/ Thèm được biến tan/ Đồi nhả ra những viên đá rắn cứng/ Và làm đau những đầu lưỡi sóng/ Và làm rách toác mặt nước/ Chưa thể hóa sương/ Tôi đã đến và mặt đất nơi đây từ chối/ Tôi như con tôm bật mình trên nền đồi đá sỏi/ Thèm được giấu hơi thở mình trong nước/ Mà tinh thần cứ như vật nhọn cứng nhô lên/ Khúc 3/ Ngọn lửa nhú lên, hé mắt ra nhìn/ Bốn phía thế gian ập vào nó/ Không một tiếng kêu thét/ Tắt phụt/ Mẫu tro.

Lại có người đề cao quá mức sự nhục cảm trong thơ. Nhục cảm không lạ với văn chương. Nó là nhu cầu của con người. Nhưng không phải lúc nào hình ảnh mang tính dục trong thơ cũng có ý nghĩa tích cực. Những câu thơ như thế này không vượt lên được hành vi thực tế, kích thích mạnh vào phần “con” của người ta: Cái lưỡi mềm của anh nơi gan bàn chân em/ Làm thế giới hóa lỏng…(Vi Thùy Linh). Nói về việc miêu tả cái dục, nó đã “vượt” hẳn câu: Khỏa thân trong chăn thèm chồng của Linh thời nào. Tôi biết Vi Thùy Linh có nội lực sáng tác và cũng rất thành thật trong thơ nhưng tôi rất dị ứng với cách diễn đạt có vẻ khoa trương này: Ngón mềm phá hủy im lặng truyền mãnh liệt trỗi dậy tế bào/ Cặp chân săn chắc mở thớ đường liên hoàn/ Khối uy lẫm dịu dàng/ Khắc vào em ám tượng hay: Quyến luyến miền mơ ngân dài/ Nhân trắc học buông hết các thước đo/ Đại yến thị giác định nghĩa lại cái Đẹp/ Cho đôi ta mặc khải (Môi mùa đông)…

Lối nói to tát ấy dễ làm khuất lấp thơ, “hiếp đáp” thơ. Thơ cần hướng tới sự trong trẻo bình dị và xúc động để nhẹ nhàng bước vào tâm hồn người đọc. Không dễ gì nhử được bạn đọc bằng những hình tượng quái gở hay sự loảng xoảng của ngôn từ đâu. Một lần đọc cho biết thôi, sau đó người ta sẽ cảnh giác với những kiểu viết như thế. Ai đó đã nói rằng: Sau khi xơi phải quả dưa bị sâu, họ đủ khôn ngoan cảnh giác với mọi loại rau…

 

N.H.Q


 

 

Nguyễn Hữu Quý
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 213 tháng 06/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground