Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thơ văn ở trại viết "60 năm Vĩnh Linh - Lũy thép, lũy hoa", đôi điều cảm nhận

C

hào mừng kỷ niệm 60 năm đặc khu Vĩnh Linh - 60 năm ngày truyền thống Vĩnh Linh 25/8 (1954-2013), ngày 22/6/2013, UBND huyện Vĩnh Linh, Hội Văn học- Nghệ thuật Quảng Trị, Phân hội Văn học phối hợp tổ chức  khai mạc trại sáng tác văn học với chủ đề “60 năm Vĩnh Linh- Lũy thép, lũy hoa”.

Trại sáng tác văn học được tổ chức lần này tập trung khai thác, phản ánh, tôn vinh những trang sử oanh liệt của đất và người Vĩnh Linh đã bám trụ địa bàn, sản xuất và chiến đấu kiên cường, bảo vệ vững chắc tiền đồn miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong suốt những năm tháng đất nước tạm thời chia cắt làm hai miền Nam- Bắc; những thành tựu quan trọng của huyện Vĩnh Linh trong xây dựng, phát triển về mọi mặt, hòa vào dòng chảy của tiến trình đổi mới, hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ trên quê hương, đất nước.

Một mảnh đất tự mình làm nên lịch sử. Lịch sử của pháo đài thép được đúc bằng trí dũng và tình yêu quê hương vô bờ. Không ở đâu đặc biệt như Vĩnh Linh – mảnh đất sống còn gắn với sự sống còn của dân tộc. Non hơn một phần tư thế kỷ, Vĩnh Linh đứng đầu sóng ngọn gió của của lửa đạn chiến tranh. Máu, mồ hôi và nước mắt đủ để dựng tượng đài hy sinh; chiến công đủ để dựng tượng đài chiến thắng; hạnh phúc đủ để dựng tượng đài hoà bình!

Như một vụ mùa mới, sau 5 tháng gieo trồng, chăm chút, giờ là lúc chúng ta gặt hái những thành quả đầu tiên.

Ở lĩnh vực văn xuôi, bao gồm các thể loại bút ký, ghi chép, truyện ngắn...Ban tổ chức trại sáng tác đã nhận được hơn 31 tác phẩm của 25 tác giả. Các tác giả đã bám sát chủ đề, thâm nhập thực tế, cộng với sự trải nghiệm, đồng cảm, chia sẻ và có khi, chỉ cần khơi thức lại một kỷ niệm đẹp về mảnh đất và con người Vĩnh Linh lũy thép, là đã có thể có được tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống đương đại, sống động và nhiều nội lực.

Nhà thơ Ngô Minh viết: "Đến Vĩnh Linh vốc lên từng nắm đất/Hiểu thêm nhiều sự thật lạ lùng hơn". Những năm tháng chiến tranh khốc liệt, Vĩnh Linh hứng chịu đủ loại đạn bom. Đất Vĩnh Linh ngày ấy “cái chết là lẽ thường tình, sự sống mới là điều kỳ diệu”. Suốt mấy chục năm ròng, có biết bao biến cố, hàng ngàn câu chuyện bi tráng và hào hùng đã in vào từng thớ đất và trong trí nhớ của bao người, những câu chuyện có thật mà như huyền thoại trên vùng đất Vĩnh Linh.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất kiên trung ấy, tác giả  Nguyễn Xuân Phùng đã lặng lẽ đi tìm những con người của lịch sử để nghe lại bao nhiêu ký ức thăng trầm, những khí phách kiên cường và cả những hy sinh vô bờ bến vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Ghi chép Chiến công đặc sắc: "Ăn cơm Bắc đánh giặc Nam" của tác giả Nguyễn Xuân Phùng đã theo dòng ký ức của cựu chiến binh, thương binh Trần Đình Kính, một trong những cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Công an vũ trang bảo vệ giới tuyến Vĩnh Linh sau hiệp định Giơ- ne- vơ, dựng nên một tượng đài kỳ vĩ về lòng dũng cảm của những người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc suốt những năm đánh Mỹ. Đúng như một nhà văn đã nói: “Ít có nơi nào trên mảnh đất Việt Nam như ở giới tuyến Vĩnh Linh, không một mảnh ruộng, không một bờ mương, không một tấc đất nào không có bom đạn của Mỹ. Mỗi con đường, mỗi khúc sông, mỗi cánh đồng, ngọn đồi, cây cầu và mỗi con người ở vùng đất Vĩnh Linh đều là một câu chuyện, tập hợp lại thành một kho chuyện lớn về sự trung thành, về lòng dũng cảm, ý chí sáng tạo và đẹp như những huyền thoại”.

Tác giả Phạm Minh Quốc trong ghi chép:" Rực sáng đô thị trẻ nở hoa..." cũng tiếp nối chuỗi ký ức trong trẻo về một Vĩnh Linh thời đất nước còn chia cắt với vẻ đẹp hồn hậu, lạc quan, cuộc sống tuy gian lao nhưng luôn rộn rã tiếng cười: "Dẫu vất vả bộn bề nhưng thị trấn của tuổi thơ tôi vẫn thật ngọt ngào và đắm say như hương vị que kem mát lạnh buổi trưa hè mà bố mua cho ở cửa hàng ăn uống; là những cuốn sách Kim Đồng ở hiệu sách nhân dân đã mở ra cho chúng tôi những chân trời mới diệu kỳ, cao vợi; là những bài ca, điệu múa, những trò chơi vui nhộn do anh chị phụ trách hướng dẫn trong các buổi sinh họat đội đã khiến chúng tôi quên hết sự nghèo khó của những tháng ngày bao cấp bộn bề khó khăn..."

"Cuối cùng rồi cũng có hòa bình. Hãy quên và tha thứ cho chúng tôi... Hãy để cho chúng tôi rút ra bài học về quá khứ..."- Wiliam A.Bery, một cựu binh Mỹ có mặt tại chiến trường miền Nam từ những năm 1966 - 1968 đã viết những dòng này vào sổ lưu niệm Nhà bảo tàng địa đạo Vịnh Mốc năm 1997.

Ngày hòa bình, người Vĩnh Linh bước ra từ đổ nát hoang tàn, dựng xây cuộc sống mới. Khí phách của người sông Tuyến lại một lần nữa tỏa sáng trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, cởi mở đón nhận làn gió của công cuộc đổi mới đất nước.

Trong bút ký "Đường vào bản", tác giả Ngô Nguyên Phước nhẩn nha kể những câu chuyện dung dị anh ghi nhận được từ nhiều lần đến với Vĩnh Khê. Đó là những người Vân Kiều tự nguyện theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng mà anh đã gặp với bao cảm mến; vùng đất  mà anh trở đi, trở lại nhiều lần đang ấp ủ bao hy vọng về một ngày mai giàu có, sung túc. Bây giờ Vĩnh Khê đã đổi thay gấp trăm, gấp ngàn lần trước. Từ cây cao su, từ rừng kinh tế, từ cây lúa nước, cây sắn nguyên liệu...nhiều hộ đồng bào Vân Kiều của xã Vĩnh Khê đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chú bé Vân Kiều có cái tên Pả Ngoan mà tác giả từng gặp 35 năm trước, giờ đã đảm nhiệm bí thư chi bộ bản Xung Phong, một điển hình sản xuất giỏi và giàu có nhất Vĩnh Khê.

Ở một cách tiếp cận trực diện, khai thác hết diện mạo và chiều sâu nhân vật nghệ sĩ Ái Chủng, bút ký:"Tùng Luật- Làng nghệ sĩ" của tác giả Minh Tứ đã gián tiếp đưa ra lý giải hết sức thuyết phục vì sao người ta gọi làng Tùng Luật là làng nghệ sĩ.  Được dưỡng nuôi từ mạch nguồn văn hóa của làng, nghệ sĩ Ái Chủng từ Tùng Luật đi ra, mang lời ca tiếng hát của mình phục vụ cho sự nghiệp cách mạng và cũng chính đây là nơi ông lại quay về, dành tâm huyết còn lại cho quê hương với công việc phục dựng chèo cạn làng Tùng. Nghệ sĩ Ái Chủng bộc bạch: “Dân ca là dòng sông bất tận kết tinh trí tuệ, tâm hồn của nhân dân ta qua bao đời nay. Mong ước của tôi là làm thế nào để thế hệ con cháu mai sau gìn giữ, phát huy cho kỳ được bản sắc phong phú của dân ca”.

Điều dễ nhận thấy là tham gia trại sáng tác lần này, số lượng tác phẩm văn xuôi khá phong phú về thể loại. Đó là truyện ngắn: Dân chợ Huyện của Nguyễn Trung Hữu; Những bất ngờ thú vị của Lê Nguyên Hồng; Người bưu tá, Mua chỗ của Hữu Đạt; Đôi bờ giới tuyến của Đặng Nguyên Sơn; Lá thư người lính của Văn Xương; Phía trước là con đường của Nguyễn Ngọc Chiến; Đôi bờ sông Tuyến của Phương Lan; Bão lòng biển của Thúy Sâm. Ký Một mai nơi này của Đoàn Phương Nam; Về miền đất ở đầu ngọn sóng  của Hoàng Tiến Sỹ; Hồi sinh từ hai đầu đòn gánh của Lâm Chí Công; Vĩnh Linh - Lũy thép, lũy hoa; Từ Củ Chi đến địa đạo Vịnh Mốc của Nguyễn Hoàn. Ghi chép: Chúng tôi ngày ấy, bây giờ của Lê Mậu Đạt; Những người con đất thép ở Trường Sa của Đào Tâm Thanh; Bến đò B Tùng Luật của Trần Biên; Chuyện kể về ngành ngân hàng Vĩnh Linh của Lê Bá Tạo; Những kỷ niệm bi hùng về C331 TNXP Vĩnh Linh và cái chết oanh liệt của người đội viên cảm tử của Văn Tuyên; Người quê mình thích ăn cà muối; Tìm lại vượng miện cho bãi tắm Cửa Tùng  của Lê Văn Thê Mang ơn vùng biển quê hương của Thùy Liên. Chùm tản văn của tác giả Lê Như Tâm; Có một thời như thế của Nguyễn Đức Tiên ... Dù thể hiện dưới thể loại nào, các tác giả cũng đã cố gắng truyền cảm hứng từ hơi thở cuộc sống của mảnh đất, con người Vĩnh Linh vào trong tác phẩm của mình với khả năng phản ánh hiện thực sinh động rất đáng trân trọng; ngôn ngữ có độ lùi, tỉnh táo  để câu chuyện tự nó được kể ra, dung dị, thân thuộc, có sức lay động; ngôn ngữ sử dụng trong truyện ngắn có độ tiết chế đáng kể, tròn trịa, dễ đọc, dễ cảm nhận, dễ chia sẻ.

Thơ viết về Vĩnh Linh trong trại viết góp phần nêu bật sức sống mãnh liệt của cuộc sống, đời sống và con người đất này. Tuy đóng vai trò khiêm nhường như những nốt trầm dấu lặng trong bản hòa tấu nhiều bè của trại sáng tác, nhưng kết quả mang lại thật khá thú vị. Hơn 106 bài thơ của 35 tác giả. Điều quan trọng ở đây không phải là số lượng mà ở chất lượng, ở độ lắng, sự tụ kết và ý nghĩa bật ra từ năng lực kiến tạo chữ nghĩa của người nghệ sĩ, từ cảm xúc thăng hoa với đối tượng thẩm mỹ đem lại.

Sống với thời gian hai chiều, cái tôi trữ tình công dân vẫn là cảm hứng chủ đạo xuyên suốt, bám sát chủ đề về mảnh đất đầy âm vang trong quá khứ và hiện tại. Nguồn mạch thi ca ấy nảy sinh từ trong lửa trào, từ trong hồi tưởng về những năm tháng “gian lao mà anh dũng”:

Tôi cúi xuống bốc lên tay đất đỏ máu mình

Nghe xa xót trong tầng sâu thương nhớ

Người đã khuất có bao giờ về nữa

Ảnh hình còn sống động mắt tâm tư

             (Đất này năm tháng – Hải Hiền)

Bằng con mắt thơ đằm thắm, thiết tha nhưng không kém phần hào sảng, tác giả Nguyễn Đăng Quang đã có cái nhìn quán chiếu về một Vĩnh Linh vững vàng cái thế đất “Lưng tựa vào Trường Sơn/Mặt biển Đông khát vọng” giàu tiềm năng kinh tế, giàu truyền thống văn hóa “Của lòng dân vạn đại/Truyền mãi đến muôn đời”, giàu nghĩa khí đấu tranh cách mạng và xây dựng cuộc sống mới. Cùng khơi nguồn từ mạch sống sử thi, tác giả Nguyễn Văn Dùng có “Bài ca lũy thép, lũy hoa” với những hồi vọng da diết, những yêu thương dâng đầy, những niềm vui chín tới và những hy vọng lấp lánh niềm tin vẫy gọi. Tác giả Lê Văn Hiền với “Tự hào đất mẹ Vĩnh Linh” vẻ lên bức tranh lấp lánh hào quang thời đánh giặc và hồ hởi, khỏe khoắn trong lao động dựng xây. Tác giả Lê Quang Thông lại vui sướng được ngắm hoa trái độc lập, tự do qua những lứa đôi hạnh phúc, qua bàn chân son xóa dấu giày đinh của những tên lính Pháp, những vết bom đạn Mỹ thời chiến tranh hủy diệt. Tác giả Hoài Quang Phương tự hào về một Vĩnh Linh đất thép:

Tuyến lửa

Bảy tấn bom/đầu người

Cây lúa chín từng bông trong bão táp

Tài sản riêng của người đất thép:

Khẩu súng AK

                             (Vang vọng mai sau)

Như một tất yếu, âm hưởng hùng ca trở thành âm hưởng chủ đạo trong những vần thơ viết về Vĩnh Linh. Điều này không có gì lạ, bởi “thơ không mọc lên trên mảnh đất trống mà có truyền thống” (Hà Minh Đức), một Vĩnh Linh tự mình làm nên truyền thống lịch sử, làm nên tiếng vang “năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng” (Bác Hồ).

Kết nên bản hùng ca nhiều bè này, ta còn bắt gặp ở các tác giả Nguyễn Xuân Phùng, Đinh Ngọc Du, Đức Tiên, Phan Văn Quang, Dương Trọng Hòa, Hồ Chư, Trần Đình Thành, Võ Văn Hoa, Võ Văn Luyến, Hoàng Tấn Trung, Dương Trọng Hòa, Hoài Nhạn, Thanh Minh, Đậu Trung Thành, Kim Quý, Trương Lan Anh, Trần Bình, Xuân Lợi, Nguyễn Văn Trình, Minh Châu, Văn Tuyên, Lê Văn Trâm, Hoàng Tấn Linh…Mỗi người mỗi vẻ nhưng thi liệu, thi cảm, thi pháp thể hiện đồng quy ở một điểm. Đó là những tên đất, tên người gắn với gian khổ hy sinh, gắn chiến công oanh liệt, gắn với nụ cười chiến thắng, dựng nên đài tháp lạc quan cách mạng, không gì lay chuyển được. Đó là những kết quả gặt hái được lớn nhất từ trại viết với chủ đề “60 năm Vĩnh Linh – Lũy thép, lũy hoa”.

Đặc biệt, trại viết lần này có rất nhiều thơ được các nhạc sỹ tìm đến phổ thành công, những ca khúc giàu nhạc điệu chắp cánh cho thơ bay cao bay xa hơn. Có một miền quê của Nguyễn Đăng Quang; Tự hào đất mẹ Vĩnh Linh  của Lê Văn Hiền; Khúc hát sông Hiền của Nguyễn Văn Dùng, Biển của Trương Lan Anh, Chiều Cửa Tùng của Nguyễn Văn Trình… đang ngày ngày vang lên khắp các nẻo đường, gốc phố, bản làng, trường học của Vĩnh Linh và những vùng đất khác nữa.

Tuy nhiên, sau những thành công của trại viết, cũng cần nhận rõ một số vấn đề đặt ra đặng để bước tiếp trên con đường sáng tạo.

Phần văn xuôi sáng tác văn học về chủ đề mảnh đất và con người Vĩnh Linh luôn đặt ra những thách thức lớn đối với văn nghệ sĩ. Nói như nhà văn Hồ Anh Thái "Người viết bây giờ có khi không theo kịp người đọc. Người viết vẫn ở chỗ cũ trong khi người đọc lại trưởng thành thật nhanh..." Bạn đọc dường như vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào đội ngũ sáng tác văn xuôi của chúng ta tiếp tục có những tác phẩm dày dặn hơn, hay hơn, đẹp  hơn nữa, xứng đáng với tầm vóc của một mảnh đất Vĩnh Linh anh hùng trăm mến, ngàn thương...

Đọc thơ trại viết, chúng ta thấy được cái tình nồng ấm trong thơ. Song, dường như thơ thiếu đi những tự vấn, những băn khoăn đối thoại của thời đại và có lẽ, do tư duy cảm xúc lấn át tư duy hình tượng nên ít nhiều làm mờ đi đặc trưng của văn học nói chung, của thơ nói riêng. Rít-Xốt không phải không có lý khi cho rằng: “Nếu công việc của nhà thơ có được một số giá trị nào đấy, thì những giá trị ấy biểu hiện ở chỗ - ta đã đi vào những đau khổ của kiếp người để mang lại hy vọng cho mọi đớn đau - Thơ đó là nền nghệ thuật chia sẻ với con người”. Đó chính là đi tìm chân lý hằng cửu cho thơ vậy.

Hy vọng sau thành công của trại viết “60 năm Vĩnh Linh - Lũy thép, lũy hoa” văn nghệ sĩ Quảng Trị tiếp tục tiếp cận, khai thác, phản ánh những vẻ đẹp về mảnh đất con người Vĩnh Linh trong công cuộc đổi mới hôm nay.

V.T

VĂN TÂM
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 231 tháng 12/2013

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground