Với giọng văn đặc trưng Quảng Trị cuốn hút người đọc, Diệu Ái để lại nhiều suy ngẫm về “vẻ đẹp Quảng Trị” qua phận đời của những con người nhỏ bé, bình dị như o bán quán, người nông dân… sinh sống trên vùng đất đầy trở ngại bởi thời tiết, tàn phá bởi chiến tranh và thậm chí đôi lúc vì “quá khổ” mà trở nên cay nghiệt với nhau nhưng sau tất cả, vẫn là sự yêu thương, đậm nghĩa tình. Tập truyện ngắn này được trao giải B Cuộc thi sáng tác Văn học nghệ thuật chủ đề “Quảng Trị - 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” (1972 - 2022) (gọi tắt là Cuộc thi) và nó cũng bật lên một tín hiệu vui khi tác giả là nữ và trẻ (sinh năm 1987). Bởi trong nhiều năm qua, trên diễn đàn văn học nghệ thuật (VHNT) của Quảng Trị vắng bóng sự tham gia của gương mặt nữ và nhất là người trẻ.
Các tác giả nhận giải B - Ảnh: Thanh Long
Bên cạnh đó, Cuộc thi còn nhiều tín hiệu vui khác về chất lượng nội dung, tư tưởng của tác phẩm. Hầu hết các tác phẩm đều bám sát mục đích, yêu cầu cuộc thi đề ra, đồng thời phản ánh toàn diện, chân thực, sâu sắc cuộc sống, sự vươn lên, đổi mới của mảnh đất, con người quê hương. Đồng chí Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi đánh giá: “Các lĩnh vực Văn học nghệ thuật như: văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh… đều có các tác phẩm thể hiện ấn tượng chủ đề Cuộc thi. Mỗi thể loại tìm ra tác phẩm độc đáo, có bản sắc riêng của Quảng Trị”. Bên cạnh phản ánh những đau thương, mất mát mà đất và người Quảng Trị phải gánh chịu trong chiến tranh như bộ phim 2 tập Bao giờ thuyền lại sang sông của tác giả Lê Quang Thông - NSƯT Quốc Trọng, hoặc góc nhìn nhân văn về hiện thực chiến tranh và người lính trong tập truyện ngắn Lỗ Thủng của tác giả Văn Xương; các tác giả còn phản ánh công cuộc tái thiết lại quê hương được thể hiện trong tác phẩm điện ảnh Hàn gắn vết thương chiến tranh (nhóm tác giả Phòng Chính trị, Bộ Chỉ Huy quân sự tỉnh) và Nhọc nhằn bước chữ (tác giả Trần Đăng Mậu)… Một số vấn đề thời sự được phản ánh kịp thời trong tác phẩm Đêm trắng thời Covid-19 (tranh sơn dầu của Trương Minh Dự); Quảng Trị ngày mới (tranh sơn dầu của Nguyễn Thanh Thái). Những trăn trở, nghĩ suy mang tính dự báo về sự phát triển của Quảng Trị trong tương lai được thể hiện sâu sắc trong tập bút ký, phóng sự Nơi đầu cầu liên Á (tác giả Nguyễn Hoàn)…
Thông qua Cuộc thi đã khẳng định sự phát triển, kế thừa và của các thế hệ văn nghệ sĩ tỉnh nhà ngày càng đông đảo, chuyên nghiệp và tài năng. Đó là sự nối tiếp của thế hệ đầu tiên sau ngày Quảng Trị được giải phóng (họa sĩ Thế Hà, nghệ nhân ưu tú Vũ Mạnh Thi), đến thế hệ trưởng thành cùng với sự đổi thay của Quảng Trị (nhà thơ Nguyễn Văn Dùng, họa sĩ Trịnh Hoàng Tân, họa sĩ Trương Minh Dự, nhà văn Nguyễn Hoàn, nhà văn Trương Đức Minh Tứ, nhà văn Đào Tâm Thanh, nhạc sĩ Võ Thế Hùng); đến thế hệ trẻ 8x như: NSNA Hồ Thanh Thọ, cây bút nữ Diệu Ái…
2. Số lượng tác phẩm dự thi lớn, thuộc nhiều chuyên ngành; phần lớn là các tập sách được thực hiện bài bản, công phu và giàu tâm huyết trong đó chuyên ngành văn học có tác phẩm gần 600 trang. Do đó việc xem xét, chấm giải được tiến hành hết sức khách quan và chặt chẽ từ Phân hội, qua Tổ tư vấn, đến Hội đồng sơ khảo và cuối cùng là Hội đồng chung khảo. Ban Tổ chức và các hội đồng lắng nghe những thông tin phản hồi từ cộng đồng, cân nhắc và trao đổi, làm rõ từng ưu điểm và điểm chưa đạt của tác phẩm. Nét mới trong khâu tổ chức chính là việc công bố kết quả giải thưởng sau khi được Hội đồng chung khảo thông qua, trước khi chính thức trình Ban Tổ chức ban hành quyết định công nhận 29 tác phẩm (gồm 5 giải A, 10 giải B, 14 giải C).
Việc công khai tác phẩm được giải trên website Hội; trang thông tin điện tử tổng hợp và fanpage của Tạp chí Cửa Việt giúp tác giả dự thi và công chúng có cái nhìn khách quan, toàn diện về Cuộc thi.
3. Lần đầu tiên sau 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị có một cuộc thi rộng lớn, tất nhiên có rất nhiều mong đợi từ phía Ban Tổ chức và công chúng. 390 triệu đồng - tổng số tiền thưởng để trao cho 29 tác phẩm trong một cuộc thi VHNT này không phải là số tiền lớn đối với các tỉnh, thành có điều kiện phát triển nhưng rõ ràng không phải số tiền nhỏ so với điều kiện của tỉnh Quảng Trị như hiện nay. Bởi VHNT tỉnh nhà ngoài giải thưởng hàng năm, đã có thêm giải thưởng Chế Lan Viên xét 5 năm trao một lần, thì với Cuộc thi lần này thể hiện sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo đối với nền VHNT.
Sự quan tâm càng lớn thì trách nhiệm càng cao. Qua Cuộc thi, có nhiều vấn đề cần bàn luận, quan tâm để VHNT Quảng Trị thật sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện trong thời gian tới.
Mặc dù Kế hoạch, Thể lệ Cuộc thi đã được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, website Hội VHNT tỉnh nhưng có đến 38 tác phẩm vi phạm quy chế, thể lệ, không đủ điều kiện chấm/xét giải. Do thời gian tổ chức cuộc thi ngắn nên số lượng tác giả, tác phẩm tham dự không đông đảo, nhất là tác giả ngoại tỉnh và Trung ương; thiếu vắng tác phẩm có giá trị lớn trên các lĩnh vực, nhất là kiến trúc, văn nghệ dân gian… Nhiều tác giả ngoài tỉnh có tác phẩm sáng tác về Quảng Trị rất hay nhưng không gửi tham dự. Một số tác giả trong tỉnh có tác phẩm tốt nhưng không dự thi.
Một số tác phẩm phản ánh về cuộc sống, mảnh đất, con người Quảng Trị còn mờ nhạt. Chưa có nhiều những tác phẩm tầm cỡ xứng với Quảng Trị trong 50 năm qua.
Đối với thể loại văn học, nhất là một số tác phẩm ký, ghi chép còn thiếu chất liệu văn học, nặng về báo chí. Truyện ngắn mới chỉ dừng lại chất lượng trung bình khá. Các chuyên ngành khác như: âm nhạc, nhiếp ảnh, văn nghệ dân gian, văn học thiểu số chưa thực sự có nhiều tác phẩm hay, mang tính khái quát cao, hấp dẫn người xem, người nghe. Thiếu vắng sự tham gia của người sáng tác trẻ (chưa đến 30 tuổi) trên lĩnh vực VHNT. Tác phẩm mang tính dự báo còn quá ít, chưa phác thảo được chân dung trong tương lai để làm động lực xây dựng và phát triển Quảng Trị…
Vấn đề nên viết gì, sáng tác như thế nào để có những tác phẩm hay hơn, đóng góp được nhiều hơn cho sự nghiệp lớn của đất nước, quê hương hôm nay, thiết nghĩ đây không chỉ là trăn trở của mỗi người cầm bút, mỗi văn nghệ sĩ mà còn là băn khoăn, đòi hỏi của công chúng đối với văn nghệ sĩ. Đồng thời cũng là trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc tập hợp, bồi dưỡng và phát huy khả năng sáng tạo trên lĩnh vực VHNT.
D.A