Thưa các anh chị, do sức khỏe của tôi dạo này rất tệ nên tôi không thể ra Đông Hà họp Ban chung khảo lần cuối để thảo luận, cân nhắc và bỏ phiếu những tác phẩm xứng đáng vào giải. Tôi xin trình bày cặn kẽ những ý kiến của tôi những truyện ngắn và ký dự thi được vào chung khảo để các Anh Chị xem xét.
1. Trước hết cho phép tôi phát biểu một chút về tạp chí Cửa Việt qua những số mà các anh chị gửi cho đọc. Đó là một tạp chí Văn hóa văn nghệ rất Quảng Trị, không thể trộn lẫn với các tạp chí khác trong cả nước. Một Quảng Trị có bề dày đáng kinh ngạc về Văn hóa, về Lịch sử qua những nhân vật kiệt xuất của mình. Phần tư liệu rất phong phú, mới lạ, biên khảo công phu, gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc về một vùng đất, về những con người Việt Nam. Khi nghĩ về Quảng Trị mà tôi chỉ được biết một phần nhỏ là Vĩnh Linh, các xã ven biển của Vĩnh Linh và đảo Cồn Cỏ, là nghĩ về một vùng đất dữ dằn, gai góc với những con người kiên cường, quyết liệt, chưa bao giờ chịu lùi bước trước bất kỳ thử thách nào. Quảng Trị cũng là phần đất phải chịu đựng nhiều bom đạn, nhiều gian nan, nhiều hy sinh nhất trong cả hai cuộc kháng chiến kéo dài ba chục năm. Cái sức mạnh để tồn tại, để chiến thắng trong mọi tình huống của người Quảng Trị khiến những chiến công của họ phảng phất màu sắc huyền thoại.
Đó cũng chính là những tiêu chuẩn chúng tôi tự đặt ra để đọc văn của những cây bút tham gia cuộc thi văn thơ của tạp chí Cửa Việt lần này. Có nghĩa là nó phải mang đậm màu sắc của một vùng đất và của những con người sinh trưởng ở đó. Có sợ rằng văn chương mang đậm màu sắc một địa phương sẽ làm giảm tính phổ biến của nó, tính vĩnh cửu của nó? Không đâu! Các tác phẩm của Mackét rất đậm màu sắc địa phương nhưng bạn đọc toàn thế giới đã phát hiện ra một nhân loại mới bên trong cái nhân loại mà ta đã từng biết. Cái rất riêng của Quảng Trị sẽ là, bạn đọc cả nước hiểu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn tính cách Việt Nam, con người Việt Nam.
Bởi vậy , trong ba truyện của Trần Thanh Hà, tôi thích SÔNG ƠI! hơn cả, truyện ngắn THỜI GIAN của Nguyễn Trung Hữu cũng rất đáng chú ý. Chỉ trong một truyện ngắn tác giả đã miêu tả được một khía cạnh chân thực của người dân Vĩnh Linh: tháo vát, gan dạ, kiêu hùng trong chiến đấu cũng như trong kiếm sống, không sợ ai cả, không ngại nói ra cái điều mình phải nói. Với con người ấy, không có sức mạnh nào cản trở được họ. Chỉ tiếc cách viết còn non nên chưa khai thác được triệt để cái viên đá quý mà tác giả đã bổ được những nhát cuốc đầu tiên. MÙA MAI ĐỎ của Tống Phước Trị cũng là một truyện ngắn gọn ghẽ. LỜI NGUYỀN của Tạ Nghi Lễ lại viết về một mảng sống khác, một gia đình sĩ quan ngụy và một bà vợ cũng rất quyết liệt, không nhân nhượng một chút nào cái người đã từng là chồng mình nhưng đã phản bội mình. Tôi xin tạm ghi lại những truyện, theo cách nghĩ của tôi có thể được vào giải, mong các anh chị tham khảo
SÔNG ƠI! (Trần Thanh Hà) THỜI GIAN, (Nguyễn Trung Hữu) MÙA MAI ĐỎ (Tống Phước Trị), LỜI NGUYỀN, (Tạ Nghi Lễ), KHÚC HÁT NGÀY XƯA (Đức Ban), CHIẾC BÈ CHỞ NỖI ĐAM MÊ (Quý Thể), CÔ GÁI HOÀNG HÔN (Việt Hùng), ĐÊM SƯƠNG MÙ (Nguyễn Trung Hiếu).
Truyện của Quý Thể viết về một tình yêu rất hồn nhiên ở nông thôn và anh đã viết thành công. Tình huống của truyện nêu một cách tâm lý, một cách bi ai là hỏng. Đây là một truyện ngắn hay của Quý Thể. CÔ GÁI HOÀNG HÔN đề cập đến mối quan hệ giữa hiện thực và nghệ thuật cũng hay lắm. Hiện thực nó bao giờ cũng nhạt hơn, tẻ hơn, ít gây được những ấn tượng, cảm xúc lâu bền. Còn một tác phẩm nghệ thuật thành công có thể lưu giữ đến muôn thuở cái giây phút lóe sáng của cái đẹp lý tưởng theo cách cảm nhận của tác giả. ĐÊM SƯƠNG MÙ là một truyện liêu trai mới, cái chết của ba cô gái trong chiến tranh đã đi vào vĩnh cửu bởi đã hóa ra thiêng liêng. Theo tôi các truyện: SÔNG ƠI, CHIẾC BÈ CHỞ NỔI ĐAM MÊ, CÔ GÁI HOÀNG HÔN có thể được xem là những truyện ngắn hay xếp cùng với hàng loạt truyện ngắn hay của cả nước vào những năm ấy. Còn sắp xếp thứ tự như thế nào là tùy các anh chị. Có thể những tác phẩm được các anh chị bỏ phiếu tín nhiệm cao lại không nằm trong danh sách tôi đề đạt thì cũng là lẽ thường tình. Vì cách nghĩ của người đã hơi già, đã có phần tách khỏi đời sống văn học của hôm nay thì không thể tỉnh táo, chính xác bằng sự thẩm định của một tập thể trẻ hơn, gắn bó với văn học hôm nay nhiều hơn. Xin cứ lấy nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số làm tiêu chuẩn quyết định giải lần này.
2- Đọc một loạt các bài ký, rất lấy làm tiếc, vì những người viết đều có phần máu thịt với các đề tài, là người trong cuộc, tình cảm nồng cháy, mà đọc lại không được thích. Chắc là do cách viết, viết còn thật thà, chân phương quá, chưa tài hoa để sự mơ mộng vượt khỏi những tư liệu, những chi tiết của cuộc sống đã trải, lên tới một cõi cảm nhận khác, bao trùm hơn, mênh mang hơn (như những bài ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường chẳng hạn). Nó chật hẹp, cụ thể, cụ thể như những bài báo viết kỹ, tự trói buộc trong một thể loại vốn không có bất kỳ sự trói buộc nào. Tôi xin chọn ra một số bài ký, thích thì chưa thích nhưng đọc được: ÔNG LÃO DƯỚI CHÂN NÚI LINH SƠN của Đinh Như Hoan (một mẫu người Việt Nam rất tiêu biểu), DÒNG SÔNG CHIỀU LẶNG của Trần Đình Phùng (một mảnh đất của Việt Nam rất điển hình qua ba mươi năm chiến tranh), NGƯỜI LÍNH VÀ MÀU XANH của Nguyễn Thành Phú, MỞ ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN MANG TÊN BÁC của Phan Thiện Quốc, CƠN LỐC NĂM ẤY của Nguyễn Thị Thúy Liên (cái đói của một thời kỳ quyết liệt trong chiến tranh).
Theo tôi, cuộc thi văn và thơ của tạp chí Cửa Việt phải được xem là đáng hài lòng. Nó sẽ là hạt nhân kích thích một phong trào sáng tác sâu rộng hơn trong số người hiện nay đang là bạn đọc trung thành của Cửa Việt. Từ đó sẽ có những sáng tác cả văn và thơ ngày một hay hơn không phụ lòng bạn đọc trong cả nước vốn đã tín nhiệm chất lượng nghệ thuật tạp chí từ nhiều năm.
Xin chúc các Anh Chị trong ban chung khảo làm việc vui vẻ và thành công. Mong rằng sự lựa chọn những sáng tác trong cuộc thi này sẽ được các đồng nghiệp của chúng ta cũng như các bạn đọc vốn quan tâm tới sự nghiệp văn học của nước nhà đồng tình và hoan nghênh.
Xin chúc tạp chí Cửa Việt trong những năm tới có số lượng phát hành như… tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Chào thân ái.
N.K