Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tiến trình vận động của tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn giai đoạn 1932 – 1985

Q

uá trình hiện đại hóa văn học từ đầu thế kỷ XX đã mở đường và tạo điều kiện cho các nhà văn có cách tiếp cận đa dạng đối với hiện thực đời sống nông thôn và người nông dân. Có thể nói đây là đề tài thu hút và hấp dẫn các nhà văn ở nhiều khuynh hướng khác nhau thể hiện năng lực khám phá hiện thực và con người với những chiều kích và phẩm chất nghệ thuật mới.

1. Tiểu thuyết viết về nông thôn giai đoạn từ 1932 – 1945 chủ yếu có hai khuynh hướng sáng tác là lãng mạn (với các tác phẩm của Tự lực văn đoàn) và hiện thực (với các sáng tác của của các nhà văn hiện thực phê phán). Các nhà văn Tự lực văn đoàn viết về nông thôn và nông dân tập trung giai đoạn từ 1936 đến 1939. Những tác phẩm như Tối tăm (Nhất Linh), Gia đình và Thừa tự (Khái Hưng), Bùn lầy nước đọng và Con đường sáng (Hoàng Đạo)… trực tiếp miêu tả bức tranh nông thôn trong cảnh “bùn lầy nước đọng”, nông dân thuộc tầng lớp “dưới đáy” xã hội. Dẫu các nhà văn Tự lực văn đoàn tập trung phản ánh, phê phán tư tưởng cổ hủ, lạc hậu vốn ăn sâu bám rễ trong đời sống nông thôn và trong nghịch cảnh thất thế, sa sút của người nông dân nhưng họ lại lí giải rằng: những thảm kịch ấy đều xuất phát từ những thói quen, trình độ thấp kém chứ không phải bị giai cấp địa chủ, quan lại bóc lột, đàn áp. Cách lí giải đó, thiết nghĩ các nhà văn Tự lực văn đoàn đã đứng trên lập trường tư tưởng cải lương.

Trong số các nhà văn Tự lực văn đoàn, Trần Tiêu là nhà văn tiêu biểu nhất. Nằm trong dòng chảy chung nhưng Trần Tiêu đã tạo cho mình một phong cách riêng khác với những giá trị mới. Những trang văn viết về nông thôn của Trần Tiêu không giàu lý tưởng như Hoàng Đạo, không mơ mộng, bay bổng như Thạch Lam, mà thuần phác, chân chất. Hằn in trong nhiều tác phẩm như Sau lũy tre (truyện ngắn), Con trâuChồng con (tiểu thuyết) là hình ảnh của làng quê dấu yêu, với những cảnh vật và con người mang đậm dấu ấn của những phong tục văn hóa ngàn đời. Trần Tiêu cũng đã dành cả trái tim mình để cùng đồng hành với những nỗi đau, mất mát của người nông dân bé nhỏ sau lũy tre làng, đặc biệt thân phận của những người phụ nữ nông thôn. Con trâu là một trong những tác phẩm xuất sắc viết về nông thôn và nông dân, tác phẩm được vinh dự đón nhận danh hiệu người viết tiểu thuyết con trâu đầu tiên của Việt Nam. Tác phẩm không chỉ miêu tả phong tục, tập quán trong đời sống nông thôn, mà còn đi sâu vào những mảnh đời khốn khổ của những người nông dân trong xã hội bị áp bức bóc lột. Những người nông dân như bác Chính suốt cả đời lam lũ, cần cù, chắt chiu cốt chỉ để thực hiện một ước mơ nhỏ nho: có được con trâu cái làm giống, cày bừa, trồng trọt, nhưng cuối cùng vẫn không thực hiện được mơ ước nhỏ bé ấy. Bác Chính đã ngã bệnh và chết trong cảnh đói nghèo vì làm việc quá sức.

Đỉnh cao của văn xuôi và tiểu thuyết viết về nông thôn ở giai đoạn này lại thuộc về các nhà văn hiện thực. Các nhà văn như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng… đi vào khám phá và thể hiện bức tranh đời sống nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám một cách chân thực, sinh động mà sâu sắc. Những sáng tác của họ thực sự đã góp phần đánh dấu bước phát triển mới về chất đối với đề tài nông thôn. Một số tiểu thuyết (Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Vỡ đê của Vũ Trọng Phụng, Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan), truyện ngắn(Chí PhèoLão Hạc của Nam Cao, Cảnh nghèo của Cô Việt Bằng, Một đồng bạc của Quang Huy, Thôn quêChuồng nuôi ngựa của Như Phong) và phóng sự (Tập án cái đìnhViệc làng của Ngô Tất Tố, Bùn lầy nước đọng của Hoàng Đạo, Cường hào của Nguyễn Đình Lạp, Xôi thịt của Trọng Lang, Một huyện ăn tết của Vũ Trọng Phụng) vừa ra đời được người đọc chú ý, quan tâm. Với cái nhìn xã hội “trên tinh thần giai cấp”(Vũ Trọng Phụng) và khát vọng muốn làm “người thư ký trung thành của thời đại”, các nhà văn hiện thực đã dựng lên một bức tranh toàn cảnh về cuộc sống nông thôn và thân phận người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Đó là một nông thôn tối tăm, xơ xác, ngột ngạt và nghèo đói, hủ tục và nhiêu khê, hà khắc với sưu cao thuế nặng, vô lý, bất công, thủ đoạn bóc lột tàn nhẫn, trắng trợn của bọn quan lại thống trị, địa chủ (Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan). Nông thôn của những cuộc mâu thuẫn, xung đột triền miên, quyết liệt và gay gắt giữa người nông dân lương thiện, chân lấm tay bùn và bọn địa chủ, quan lại thống trị tham lam, độc ác, xảo trá (Ông chủBà chủcủa Nguyễn Công Hoan). Nông thôn của những mánh khóe trong việc cho vay nặng lãi, cướp đoạt ruộng đất… đẩy người nông dân đến “bước đường cùng” (Nghị Quế trong Tắt đèn, Nghị Lại trong Bước đường cùng, Bá Kiến trong Chí Phèo). Nông thôn của nạn cường hào, nạn xôi thịt, nạn dịch tể hoành hành, nạn lụt lội đói kém, nạn phu phen tạp dịch, nạn dốt nát tối tăm, nạn mê tín dị đoan (Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan, Vỡ đê và Giông tố của Vũ Trọng Phụng). Nông thôn của những người nông dân lương thiện, hiền lành bị đọa đày, bóc lột, hắt hủi, lăng nhục một cách tàn nhẫn, đẩy vào tình trạng cùng cực, bần cùng và lưu manh hóa (Chị Dậu trong Tắt đèn, Chí Phèo trong Chí Phèo, lão Hạc trong Lão Hạc). Và nông thôn của những cuộc vùng lên đấu tranh chống áp bức, bóc lột của tầng lớp nông dân giành lấy quyền sống, quyền làm người và quyền mưu cầu hạnh phúc (Chị Dậu trong Tắt đèn, anh Pha trong Bước đường cùng, Phú trong Vỡ đê).

Xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử, xã hội và văn hóa ở chặng đường 1940 – 1945, văn xuôi và tiểu thuyết viết về nông thôn trong sáng tác của các nhà văn hiện thực không còn chiếm ưu thế. Những nhà văn chuyên viết về nông thôn trước đây đã rẽ sang mảnh đất mới. Vũ Trọng Phụng mất năm 1939, còn Nguyễn Công Hoan lại quay sang viết truyện ngắn, Ngô Tất Tố dành tâm huyết, thời gian cho hoạt động khảo cứu và dịch thuật, rải rác chỉ một vài cây bút trẻ sáng tác như Tô Hoài (Quê người – tiểu thuyết), Bùi Hiển(Nằm vạMột trận bão cuối nămChuyện ông ba bị dân chài – truyện ngắn), Kim Lân(Đứa con người vợ lẽTông chim Cả ChuốngChó sănCon Mã mái – tiểu thuyết, phóng sự), Nguyễn Đình Lạp(Ngoại ô và Ngõ hẻm – tiểu thuyết, phóng sự) Mạnh Phú Tư (Làm lẽ và Sống nhờ - tiểu thuyết)… Dưới ngòi bút của những cây bút trẻ, cuộc sống và con người nông thôn hiện lên sống động, trong đó nổi lên chủ đề phong tục, tập quán, góp phần đem đến cái nhìn mới mẻ cho người đọc.

Nét nổi bật nữa trong văn xuôi và tiểu thuyết viết về nông thôn của các nhà văn hiện thực là, một mặt kế thừa, nhưng mặt khác lại biến đổi, sáng tạo những phương thức nghệ thuật truyền thống như kết cấu, ngôn ngữ, bút pháp miêu tả tâm lí nhân vật, hình tượng người nông dân, phong cách nghệ thuật… góp phần đem lại cho đề tài nông thôn một sức sống riêng, có sức cuốn hút đối với bạn đọc. 

Những thành tựu và cả sự đóng góp của văn xuôi và tiểu thuyết viết về nông thôn và nông dân của các nhà văn Tự lực văn đoàn và hiện thực phê phán là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, do những hạn chế về vốn sống, về phương pháp sáng tác và những mâu thuẫn trong thế giới quan của nhà văn nên đôi lúc (và thậm chí nhiều khi) các nhà văn phản ánh hiện thực đời sống nông thôn và nông dân ở mặt tiêu cực hơn là tích cực, một nông thôn chỉ có xấu xa, bỉ ổi, độc ác; người nông dân chính là nạn nhân của chế độ đương thời tù túng, oi bức và ngột ngạt. 

2. Đất nước độc lập chưa lâu, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, cả dân tộc bước vào một cuộc trường chinh để bảo vệ độc lập tự do cho Tổ quốc. Do tính chất đặc thù đó mà ranh giới giữa văn học kháng chiến nói chung và tiểu thuyết viết về nông thôn nói riêng ở chặng đường 1945 - 1954 quyện chặt vào nhau, không xác định đường biên rõ ràng. Như vậy, đề tài nông thôn nằm trong đề tài kháng chiến. Nó là một đề tài lớn của nền văn học cách mạng còn non trẻ. Đội ngũ sáng tác ở giai đoạn này khá đông đúc, hùng hậu. Bên cạnh lớp nhà văn đã có bề dày sáng tác ở giai đoạn trước là một thế hệ nhà văn kiểu mới của cách mạng, họ vừa là chiến sĩ vừa là nghệ sĩ (Nguyễn Khải, Hồ Phương). Với một đội ngũ sáng tác đông đảo, với nhiều cá tính sáng tạo và bút pháp khác nhau nhưng họ cùng chung lý tưởng, cùng đứng vào hàng ngũ của Đảng, cùng hòa nhập với công - nông - binh (lực lượng chủ yếu của cách mạng), vừa cầm bút vừa sẵn sàng đến những vùng mũi nhọn của cuộc sống nhằm phục vụ mục đích: kháng chiến kiến quốc. Trong không khí khẩn trương của cuộc kháng chiến và để đáp ứng nhiệm vụ vận động, tuyên truyền cách mạng kịp thời nên tiểu thuyết viết về nông thôn không có được mùa bội thu như truyện ngắn và ký. Những năm 1950 trở đi, theo Phong Lê, “nhờ sự chuẩn bị một cách tích cực và có ý thức những tiền đề về mặt xã hội, tổ chức đội ngũ và lý luận về phương pháp sáng tác…” <4;tr.133>, tiểu thuyết nông thôn mới bắt đầu có thành tựu. Mùa gặt bội thu thể hiện qua hai cuộc thi Giải thưởng Văn nghệ (1951 – 1952, 1954 - 1955). Những tác phẩm như Vùng mỏ (Võ Huy Tâm), Xung kích (Nguyễn Đình Thi), Con trâu (Nguyễn Văn Bổng)… đã phác họa được bức chân dung phong phú, chân thực về các cuộc vận động lớn như chiến đấu và sản xuất, tiền tuyến và hậu phương. Tiểu thuyết Vùng mỏ tái hiện một cách sinh động, nóng hổi về các cuộc đấu tranh thắng lợi giòn giã của công nhân mỏ trong vùng tạm chiếm. Xung kích - tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Đình Thi cũng đã tái hiện sinh động cuộc chiến thắng vang dội của nhân dân Vĩnh Yên và Bình Trị Thiên. Con trâu tái hiện được hình ảnh người nông dân với tinh thần quyết chiến quyết thắng, ra sức bảo vệ trâu để ổn định sản xuất phục vụ cho tiền tuyến. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử tiểu thuyết nông thôn đã xây dựng được hình tượng đám đông quần chúng công – nông - binh đầy ắp hơi thở của sự sống như đám đông công nhân bãi công trong Vùng mỏ. Đám đông cuồn cuộn sức sống đấu tranh chống thực dân của dân công và bộ đội trong Xung kích. Đám đông nhân dân Quảng Nam ra sức bảo vệ xóm làng, bảo vệ trâu để sản xuất trong Con trâu… Nổi lên trong đám đông đó là hình ảnh những người nông dân tích cực như Lũy, Na (Xung kích), chị Min, chú bé Lê, anh tài Bá (Vùng mỏ), anh Phận, Chức, Trợ, chị Bai (Con trâu)…

Tiểu thuyết nông thôn ở chặng này có thành tựu nhất định, nhưng vẫn không tránh khỏi hạn chế. Khuyết điểm lớn nhất là chưa phản ánh kịp thời “đời sống và cuộc đấu tranh của nông dân chống lại sự bóc lột và đạp đổ quyền thế của địa chủ… không nhận rõ thực chất của đề tài là vấn đề dân cày làm cách mạng dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân… không nhìn thấy vấn đề nông thôn, vấn đề ruộng đất, vai trò của dân cày”, vì thế tiểu thuyết nông thôn ở chặng này đã “bị rỗng ruột, mất hết máu thịt, tác phẩm chỉ còn diễn tả bề ngoài hời hợt của cuộc sống” (Dẫn theo Phan Cự Đệ) <4; tr.137>.

3. Hiệp định Giơnevơ được ký kết (1954), đất nước tạm chia làm hai miền Nam – Bắc. Miền Bắc vừa tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa cùng cả nước đấu tranh thống nhất nước nhà. Hai mươi năm (1954 - 1975), chúng ta thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng cùng một lúc, nhưng đó cũng là thời gian để chúng ta tạo dựng một nền văn học mới. Một nền văn học lấy phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa để thực hiện nhiệm vụ phục vụ chính trị: chống đế quốc và chủ nghĩa thực dân, vì độc lập dân tộc, hòa bình và tiến bộ xã hội.

Ngay trong khoảng thời gian mười năm đầu (1955 - 1965), tiểu thuyết nông thôn đã bắt kịp nhịp đi của thời đại, của dân tộc qua việc hướng ngòi bút vào những vấn đề có tính thời sự, một trong những vấn đề đó là cải cách ruộng đất. Hàng loạt tác phẩm ra đời như Bếp đỏ lửa(Nguyễn Văn Bổng), Truyện anh Lục (Nguyễn Huy Tưởng, 3 tập), Đất chuyển ( Nguyễn Khắc Thứ, 2 tập), Những người dân cày (Sao Mai), Xung đột (Nguyễn Khải, tập 1)… Các tác phẩm trên chủ yếu tập trung vạch trần những tội ác của giai cấp địa chủ, ca ngợi sức mạnh quật cường của người nông dân, khẳng định những thành quả đạt được của phong trào cải cách ruộng đất. Tuy nhiên, nhìn chung đa số các tác phẩm còn “sa vào cái bệnh sơ lược, rập khuôn, công thức” <4;tr.143>. Nhận thấy công cuộc cải cách ruộng đất không phù hợp với thực tiễn lúc bấy giờ nên cuối năm 1956 Đảng đã thực hiện chính sách sửa sai. Đời sống nông thôn và người nông dân từ đó cũng có những khởi sắc. Văn xuôi và tiểu thuyết viết về nông thôn đã xông vào phản ánh kịp thời cái không khí nóng hổi đó (Sắp cưới của Vũ Bão - tiểu thuyết,Những ngày bão táp của Hữu Mai - truyện ngắn, Thôn Bầu thắc mắc của Sao Mai - truyện ngắn, Bố con ông lão chăn bò trên núi Thắm của Xuân Thu - truyện ngắn). Từ 1959, phong trào đấu tranh nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh, đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa… nên những vấn đề nông thôn trong cải cách ruộng đất và sửa sai đã “ngừng lại trong lặng lẽ, để chuyển sang chủ đề cải tạo nông thôn theo con đường hợp tác hóa từ thấp lên cao” <5;tr.43-44>. Trước hiện thực đầy ắp hơi thở của cuộc sống đó, các nhà văn (nhất là các nhà văn trẻ lúc bấy giờ) lần lượt lên đường về các hợp tác xã nông nghiệp để "ba cùng" với nông dân. Nguyễn Khải, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng đi Điện Biên, Đào Vũ về hợp tác xã Vũ La (Nam Sách, Hải Dương), Nguyễn Kiên xuống các hợp tác xã nông nghiệp thuộc tỉnh Hà Đông (cũ), Tô Hoài về các hợp tác xã Thái Bình... Chuyến đi thực tế đó đã đem lại một mùa bội thu cho văn xuôi và tiểu thuyết viết về nông thôn. Về tiểu thuyết có Cái sân gạchVụ lúa chiêm (Đào Vũ), Xung đột (Nguyễn Khải). Truyện ngắn cũng dồi dào như Đồng tháng nămTrong làngĐáy nướcVụ mùa chưa gặt (Nguyễn Kiên), Mùa lạcHãy đi xa hơn nữaTầm nhìn xa (Nguyễn Khải), Gánh vácHai chị em (Vũ Thị Thường), Trai làng Quyền(Nguyễn Địch Dũng), Cỏ non (Hồ Phương)... Các tác phẩm đã tập trung phản ánh cuộc đấu tranh giữa hai con đường ở nông thôn: “Cuộc đấu tranh giữa tập thể và cá thể, giữ tư tưởng tư hữu của những người sản xuất nhỏ và tư tưởng xã hội chủ nghĩa của những người nông dân đi theo đường lối giai cấp công nhân. Cuộc đấu tranh giữa ta và địch, đặc biệt là ở những vùng cao biên giới và vùng Thiên Chúa giáo. Cuộc đấu tranh giữa mới và cũ, tiến bộ và lạc hậu, tiên tiến và bảo thủ” <4;tr.204> và ghi lại những hình ảnh về cuộc sống mới và con người mới ở nông thôn, phản ánh những bước đi ban đầu đầy hứa hẹn ở nông thôn miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Cái sân gạch và Vụ lúa chiêm (Đào Vũ) được xem là sự kiện văn học lúc bấy giờ, đưa nhà văn Đào Vũ đến với Giải thưởng Nhà nước (đợt I) về văn học nghệ thuật. Cái sân gạch đã dựng lại không khí nông thôn miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong những ngày đầu xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Nhân vật lão Am - một lão nông chăm chỉ, thích và biết cách làm giàu, nhưng lại “ngại” vào hợp tác xã nông nghiệp, vì cho rằng ở đó sản xuất không hiệu quả, nông dân không giàu có được. Đây là một cái nhìn rất sắc sảo của một lão thuần nông khi ấy, một cái nhìn mang tính dự báo cao mà lịch sử đã minh chứng. Vụ lúa chiêm miêu tả không khí khởi sắc ở nông thôn trong thời kỳ xây dựng hợp tác xã từ cấp thấp lên cấp cao. Ở đó, có cả một thế hệ thanh niên nông thôn đầy hoài bảo, ước mơ và nhiệt tình với cách mạng, say sưa với khoa học kỹ thuật. Họ xứng đáng là những chủ nhân tương lai của nông thôn, của đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xung đột của Nguyễn Khải ra đời sau chuyến đi thực tế của nhà văn về vùng Thiên chúa giáo toàn tòng ở Hải Hậu. Nguyễn Khải đã có cái nhìn chân xác về cải cách ruộng đất, lên án những kẻ đội lốt tôn giáo chống phá cách mạng, ngăn cản giáo dân tham gia phong trào hợp tác xã nông nghiệp đang phát triển rầm rộ ở miền Bắc. Tuy nhiên, khi viết Xung đột (ở giai đoạn 1956-1960) Nguyễn Khải chưa có điều kiện để tìm hiểu phong trào cải cách ruộng đất đầy đủ, nhất là sự tiếp cận với bà con giáo dân nên cái nhìn, cách đánh giá ít nhiều còn phiến diện, nghiêng về mặt đấu tranh với những kẻ đột lốt tôn giáo chống phá cách mạng.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ lan rộng ra toàn quốc (8 - 1964), tất cả mọi tầng lớp (trong đó có nông dân) cùng hành quân ra mặt trận. Trong không khí sục sôi đó, tiểu thuyết nông thôn đủ sức để gánh vác được trọng trách của văn học đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Thấm nhuần ý thức “văn học là một vũ khí, nhà văn là một chiến sĩ, sáng tác là một hành động đấu tranh” nên “họ không thể đứng ngoài cuộc, không nỡ đi bên lề đường, khi Tổ quốc cất tiếng thiết tha”. Do tác động của hoàn cảnh vừa sản xuất vừa chiến đấu, hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn nên tiểu thuyết nông thôn chặng đường 1964 - 1975 ít nhiều mang âm hưởng sử thi, tràn ngập cảm hứng ngợi ca (cái nhìn sử thi, nhân vật sử thi, không/ thời gian sử thi, khoảng cách sử thi). Hàng loạt tác phẩm có dung lượng đồ sộ đã ra đời như Bão biển và Đất mặn (Chu Văn), Đất làng và Buổi sáng (Nguyễn Thị Ngọc Tú), Cửa sông (Nguyễn Minh Châu), Chủ tịch huyện (Nguyễn Khải), Vùng quê yên tĩnh (Nguyễn Kiên), Ao làng (Ngô Ngọc Bội), Giáp trận(Nguyễn Thế Phương)… Truyện ngắn, truyện vừa cũng khởi sắc như Ánh mắtTrong gió cát(Bùi Hiển), Quê hương (Vũ Tú Nam), Bông hoa súngHai chị em (Vũ Thị Thường)… Nhìn chung, những tác phẩm trên chủ yếu miêu tả, khắc họa, ngợi ca ý chí chiến đấu chống giặc ngoại xâm của người nông dân. Người nông dân cầm súng đi vào kháng chiến một cách tự giác chứ không “tự phát” như giai đoạn trước. Những tác phẩm được viết ra từ máu thịt, mang cảm xúc sôi nổi, chân thành nhằm phản ánh sức sống nông thôn trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, miêu tả người nông dân hăng hái đi vào sản xuất lớn, sẵn sàng hậu phương vững chắc cho miền Nam. Vỡ bờ (2 tập) của Nguyễn Đình Thi là cuốn tiểu thuyết tiêu biểu nhất ở chặng này. Nhà văn có tham vọng khái quát phạm vi rộng lớn của hiện thực đời sống từ đô thị tới nông thôn nhằm thể hiện quá trình vận động của lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc. Ông đã miêu tả sự thăng trầm của những số phận đại diện cho nhiều tầng lớp xã hội khác nhau trước biến cố lớn lao của lịch sử. Có thể nói Nguyễn Đình Thi vẫn là nhà tiểu thuyết có công lớn đối với đề tài nông thôn và nông dân.

4. Những năm tiền đổi mới (1975 - 1985), tiểu thuyết nông thôn đã âm thầm diễn ra cuộc chuyển mình ở chiều sâu trong đời sống nội tại, với những trăn trở tìm tòi thầm lặng mà quyết liệt ở những nhà văn mẫn cảm trước những biến chuyển của thời đại. Và họ đã lặng lẽ tự thay máu mình để cuộc sống hiện thực đa chiều hơn như Chu Văn (Đất mặn), Ma Văn Kháng (Mưa mùa hạ), Nguyễn Thị Ngọc Tú (Hạt mùa sau), Nguyễn Kiên(Nhìn dưới mặt trời), Đào Vũ (Bí thư cấp huyện), Nguyễn Thế Phương (Ngày trở về), Nguyễn Mạnh Tuấn(Đứng trước biểnCù lao Tràm)… Bên cạnh cảm hứng ngợi ca đã xuất hiện cảm hứng phê phán, cảm hứng đời tư, cảm quan nhận thức lại hiện thực và có sự đánh giá, quan sát người nông dân dịch chuyển dần về phía đạo đức sinh hoạt; là tiếng nói “phản biện”, “lập luận” trong cung cách làm ăn kinh tế (vấn đề tổ chức sản xuất và quản lí xã hội) của những người “đi trước thời đại”, đồng thời chỉ ra sự lỗi thời, lạc hậu của cơ chế bao cấp, những bất cập trong tiêu chí đánh giá người nông dân nặng về ý thức hệ… Những vấn đề nóng bỏng đó được các nhà văn quan tâm một cách rốt ráo, phản ánh cuộc sống mới ở nông thôn đang chuyển mình, đang bung phá cùng nhịp đập toàn dân tộc. Tiểu thuyết Mưa mùa hạ (Ma Văn Kháng) phản ánh được những khó khăn, gian khổ ở nông thôn trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những vấn đề đặt ra trong tác phẩm cho đến thời điểm này vẫn còn nguyên giá trị, bởi cho đến bây giờ và mai sau, sự phát triển hay suy thoái của nông nghiệp, nông thôn và nông dân vẫn được xem là một vấn đề lớn của quốc gia. Với một giọng văn trầm tĩnh đến xa xót, tác phẩm viết về những kỹ sư nông nghiệp đang ngày đêm trăn trở để tìm cách diệt các ổ mối đã khoét rỗng ở thân đê trong cảnh nước lớn ở thượng nguồn cuồn cuộn đổ về. Cù Lao Tràm (Nguyễn Mạnh Tuấn) ra đời tạo cơn địa chấn trong giới văn học, giới quản lí và được bạn đọc khen chê một thời sôi nổi. Sức hấp dẫn chủ yếu bởi tính thời sự. Tác giả dám “đặt ra những kinh nghiệm cá nhân ngang với kinh nghiệm cộng đồng”, dám nói và nói được những vấn đề tiêu cực lớn (liên quan đến những người thuộc giới lãnh đạo kiểu như bí thư huyện ủy Tư Hoan) trong đời sống nông thôn những năm 80 của thế kỷ trước, trong lúc đó cả nước đang hồ hởi, ngợi ca cung cách làm ăn kinh tế miền Tây (vựa thóc, vựa lúa trong cả nước). Những vấn đề đặt ra trong tác phẩm đi ngược lại đường lối, quan điểm lúc bấy giờ, vì thế một thời, ông đã bị liên lụy, công kích dữ dội, bị truy tố, đốt sách. Hà Xuân Trường đánh giá rất đúng khi cho rằng văn xuôi và tiểu thuyết viết về nông thôn ở chặng này xuất hiện khá nhiều tác phẩm “xuất sắc với nhiều sự đổi mới trong thể hiện của nhiều cây bút khác nhau” <3;437>.

Do độ lùi của thời gian, tính chất giao thời từ văn học cách mạng sang nền văn học thời kì hậu chiến nên tiểu thuyết nông thôn chặng này vẫn chưa làm một cuộc bứt phá toàn diện ở cả đề tài, cảm hứng, các phương thức nghệ thuật và quy luật vận động. Nó vẫn theo “quán tính” cũ, nghiêng về sự kiện, bao quát hiện thực, chưa có dấu hiệu phản sử thi. Hình tượng con người bản lĩnh, anh hùng vẫn đọng lại đậm nét. Nhà văn Nguyên Ngọc đã day dứt khi nghĩ về “văn học đã không nghe, không hiểu được những lo lắng “tầm thường” hôm nay của họ. Văn học quay lưng lại với những ưu tư “vụn vặt”, mà bức xúc hằng ngày của họ, cho nên họ dửng dưng quay lưng lại với văn học thì cũng là đương nhiên” <239;tr.170>. Hiệu ứng đó tạo ra “khoảng chân không trong văn học”(Nguyên Ngọc). Dĩ nhiên, cảm hứng sử thi sau 1975 khác với trước bởi bên cạnh nhu cầu tái hiện lịch sử, nhà văn còn có điều kiện tập trung xây dựng tính cách nhân vật, lý giải và phân tích các sự kiện, biến cố lịch sử. Những tìm tòi gian khổ của buổi đầu đã mở ra cho tiểu thuyết nông thôn những năm tiền đổi mới hướng tiếp cận mới về hiện thực ở nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau, làm nên bệ phóng tích cực cho việc chuẩn bị sẵn sàng bước vào thời kỳ đổi mới. Những gì thực sự đổi mới ở khu vực tiểu thuyết nông thôn phải chờ đến sau Đại hội VI (1986).

B.N.H

 

 

Bùi Như Hải
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 222 tháng 03/2013

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

8 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground