Năm ấy, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và tôi đến Đan Mạch dự Liên hoan Hình ảnh châu Á (Images of Asia) kéo dài suốt tháng 8 và tháng 9-2003 ở Copenhagen và nhiều thành phố khác. Chúng tôi có những cuộc đọc sách trước công chúng tại thủ đô Đan Mạch và thành phố lớn thứ hai của Đan Mạch là Arhus. Thế là bắt đầu những chuyến đi xuyên qua ba hòn đảo lớn của Đan Mạch. | ||
Đan Mạch là đất nước của Andersen, hẳn thế rồi. Nhưng còn quê hương bản quán của ông? Chúng tôi phải theo đường bộ sang đảo Funen, đến thành phố Odense. Thế là bắt đầu một cổ tích: Ngày xửa ngày xưa ở Odense có một chú bé con nhà nghèo khó. Cha là thợ giày, mẹ là thợ giặt. Đời sống lam lũ bần hàn chỉ càng kích thích nuôi dưỡng một điều trái ngược: mơ mộng. Chú bé có khả năng nghe và hiểu thấu ngôn ngữ loài vật, đồng cảm và chia sẻ với chúng. Mười bốn tuổi, cái tuổi trẻ em còn bám váy mẹ, chú bé đã quyết chí rời bỏ quê hương lên thủ đô Copenhagen "để trở nên nổi tiếng". Năm sau chú vào học nhạc và múa tại Nhà hát Hoàng gia Đan Mạch, nhưng phải thêm tám năm lận đận nữa chàng trai mới vào được đại học. Hăm tư tuổi chàng xuất bản cuốn sách đầu tiên, sa vào một vụ thất tình đến mức bỏ sang Đức và viết truyện du ký. Đến tuổi ba mươi, chàng nổi tiếng với tiểu thuyết đầu tiên và tập truyện thần tiên cũng đầu tiên, nhưng có những truyện ngay lập tức trở thành kinh điển như Nàng công chúa và hạt đậu. Người kể chuyện thần tiên đã khiến cả hoàng gia lẫn dân chúng đều phải đọc. Chàng được mời vào hoàng cung đọc truyện và ứng khẩu kể chuyện. Chàng đến với khu phố nghèo của những người thợ giày thợ giặt, của những người đánh cá ăn sóng nói gió. Chàng trở thành người kể chuyện của mọi nhà. Có chương trình đọc sách trước công chúng ở thành phố Arhus, trên đường về lại thủ đô, chúng tôi ghé lại Odense. Như thế là đi một vòng tròn quanh Đan Mạch, qua ba hòn đảo chính của đất nước này. Qua mấy chiếc cầu dài nối những eo biển. Đất nước của những chiếc cầu. Ông giám đốc xuất bản, Vagn Plenge, bổ sung: ngày trước phải nói Đan Mạch là đất nước của những chiếc phà mới đúng. Bây giờ cầu đã thay phà ở nhiều nơi. Đúng rồi, phà nữa. Những chuyến phà như tòa nhà cao tầng. Màu trắng tinh nổi trên nền biển xanh. Mỗi cái phà trôi qua eo biển đến gần một giờ, chở trong lòng hàng chục chiếc xe hơi. Trên phà có quán cà phê sang trọng như ở khách sạn. Vậy là đến được Odense. Cổ kính, nhỏ xinh nhưng cũng là thành phố lớn thứ ba của Đan Mạch. Bỏ xe, đi tìm nhà bảo tàng Andersen căn theo bản đồ, đi bộ qua những đường phố lát đá. Nhớ tiếng vó ngựa lóc cóc trong những chuyến xe đêm. Ngôi nhà tuổi thơ của ông tạm đóng cửa để tu bổ. Nhà bảo tàng mới xây chuẩn bị cho năm 2005 kỷ niệm hai trăm năm sinh của Andersen phải đi lối mới. Thành ra cứ đi loanh quanh mãi trong phố cổ. Bốn giờ chiều đến nơi thì chỉ còn ba mươi phút nữa bảo tàng đóng cửa. May mà bảo tàng chỉ ở mức nhỏ. Hối hả đi lướt qua xem lướt qua. Này đây là tượng Andersen, những bức tranh tường vẽ bằng màu nước của họa sĩ Niels Larsen Stevns miêu tả cuộc đời Andersen, những hiện vật gắn với đời ông. Này đây những bức vẽ và tranh cắt giấy của chính nhà văn dành cho một cô bé bạn vong niên nào đó. Kia là bộ tranh trổ giấy của một nữ nghệ nhân trổ giấy Trung Quốc tặng cho bảo tàng. |
Thành phố Odense nhỏ và cổ kính, nơi có ngôi nhà thời thơ ấu của Andersen
Kia nữa là bộ sưu tập sách đồ sộ. Andersen viết 174 truyện ngắn, 14 tập truyện dài, 50 vở kịch, hơn 10 cuốn sách du ký, khoảng 800 bài thơ, 2 tập tự truyện cùng rất nhiều mẩu chuyện vui. Sách của ông dịch ra 80 thứ tiếng trên thế giới và đều được gửi về đây. Ô, truyện của Andersen được dịch ra tiếng Việt dễ đến gần một thế kỷ nay với bao nhiêu bản dịch khác nhau bao nhiêu ấn bản khác nhau, sao chưa thấy có một bản nào trong bảo tàng? Chẳng biết từ nay Bộ Văn hóa ta có nghĩ đến chuyện này không? Tôi ngồi xuống bên một màn hình phẳng hiện đại, chỉ vài thao tác là tìm được tên hàng nghìn bản sách của Andersen. Cũng không thấy danh mục ấn bản tiếng Việt. Phương tiện hiện đại của bảo tàng còn cho phép nghe đọc truyện của Andersen bằng nhiều thứ tiếng. Tôi đeo tai nghe và dò tìm truyện Bộ quần áo mới của hoàng đế. Một giọng đọc tiếng Anh đầy biểu cảm: "Hoàng đế cởi truồng kìa - Thằng bé kêu lên". Phía bên phải của căn phòng thứ hai có tấm ảnh Andersen đứng cầm mũ, cao bằng người thật, 1,85 mét. Đương thời tầm cao trung bình của người Đan Mạch chỉ là 1,65 mét. Dáng người Andersen khô gầy, "gương mặt không thuộc loại đẹp trai, nhưng tiếp xúc và trò chuyện bao giờ cũng để lại ấn tượng một con người tinh tế, đôn hậu". Nguyễn Huy Thiệp thích câu này. Anh đứng vào cạnh con người cao 1,85 mét, bảo tôi chụp cho một tấm ảnh kỷ niệm. Tôi thì chụp bên dấu giày của Andersen, dấu giày cỡ 44. | ||
Vội vàng quay lại quầy sách và đồ lưu niệm. Sách nhiều thứ tiếng bán cho du khách, nhiều nhất là tiếng Anh và tiếng Đan Mạch. Người bán hàng đang thu dọn để đóng cửa. Tôi hỏi ngôi nhà tuổi thơ của Andersen ở đâu, người ta chỉ ra đằng sau bảo tàng. Hai chúng tôi vội vàng sang chụp ảnh trước căn nhà nhỏ mái ngói kiểu cổ. Vội vàng quay lại thì bảo tàng đang đóng cửa. Hỏi lại mới biết đã nhầm: nhà của Andersen ở góc đường cơ. Nhà bảo tàng Andersen
Chạy đến góc đường. Ngôi nhà cổ đánh số 45 và 43, phố hàng giày ngày xưa. Andersen ở trong căn phòng mười tám mét vuông này cùng gia đình từ năm lên hai đến năm mười bốn tuổi. Đây là nơi khởi nguồn trí tưởng tượng về một thế giới của chú lính chì, nàng tiên cá, bà chúa tuyết... Còn ngôi nhà Andersen chào đời nghe nói ở phía bên kia đường, bên bờ nước, thuận tiện cho bà mẹ thợ giặt. Nguyễn Huy Thiệp và tôi chạy qua chạy lại trên đường phố cổ lát đá. Chạy trên con đường tuổi thơ của Andersen. Biết đâu Andersen cũng đã từng chạy như thế, người đàn ông suốt đời mang tâm hồn trẻ thơ? |
Du khách đến Đan Mạch, đặc biệt là nhà văn, mà không đến thăm lâu đài của chàng Hamlet thì quả là cả một sự thiếu hụt. Nguyễn Huy Thiệp và tôi đều nghĩ vậy. Đều hào hứng khi ông Vagn Plenge, giám đốc nhà xuất bản Forlaget tự tay lái xe đưa đến thăm lâu đài hoàng tử Hamlet ở thị trấn Helsingor. Gọi là lâu đài Hamlet vì bộ phim kinh điển do Laurence Olivier đóng vai chính và đoạt bốn giải Oscar được quay ở đây năm 1948. Thực tế thì Hamlet chưa bao giờ ở đây, càng không bao giờ nhìn thấy hồn ma cha mình đi trên tường thành. Mà ngay chính Hamlet nữa, đã chắc gì có một hoàng tử như thế trong lịch sử? Người ta chỉ biết rằng đó là một nhân vật truyền thuyết. Nhờ có Shakespeare mà Hamlet hiện diện như một nhân vật hiện thực rồi trở thành bất hủ. Trong vở kịch của Shakespeare, Hamlet là hoàng tử Đan Mạch phát hiện ra ông chú đã giết vua anh để cướp ngôi rồi lại kết hôn với chính hoàng hậu là chị dâu. Bi kịch của Hamlet là bi kịch của người không sao quyết định nổi mà phải ôm giữ hận thù trong lòng, phải giả vờ điên khùng để che giấu. Nỗi do dự của chàng đã dẫn đến sự hủy diệt tất cả và hủy diệt chính mình. |
Lâu đài Hamlet xây dựng ở thế kỷ XVI và được dựng lại ở thế kỷ XVII
Đến lượt bộ phim kinh điển đã biến lâu đài Kronborg thành lâu đài Elsinore của chàng Hamlet. Bài trí trong lâu đài gây cảm tưởng Hamlet đang đi loanh quanh đâu đấy và sẽ trở lại ngay. Này là nơi để dao kiếm của chàng, nơi trưng bày những bộ trang phục của chàng và của nàng Ophelia do các họa sĩ nổi tiếng thiết kế. Này là nơi chàng ngồi đăm chiêu trước một cái đầu lâu và tự vấn Tồn tại hay không tồn tại. Kia là bức tường thành, súng thần công tua tủa hướng ra biển. Kia nữa là phòng của nhà vua, của hoàng hậu, nơi chất chứa bao nhiêu âm mưu, nước mắt, hận thù. |
Lâu đài lịch sửThực ra lâu đài Kronborg là do vua Frederik Đệ Nhị cho xây dựng từ 1574 đến 1585 để thu thuế tàu bè đi qua eo biển này trên đường ra vào biển Baltic. Phần lớn lâu đài đã bị hỏa hoạn năm 1629, nhưng rồi được vua Christian Đệ Tứ dựng lại theo đúng phong cách Phục hưng. Lâu đài sau đó từng bị người Thụy Điển chiếm đóng và cướp phá, nhiều năm bị lãng quên, chỉ còn được sử dụng như là một nơi thu thuế tàu thủy. Từ 1785, lâu đài bị biến thành trại lính mãi cho đến 1922, sau đó được phục chế thành bảo tàng.
Những sảnh lớn sảnh nhỏ của hoàng gia đều có lò sưởi cẩm thạch, những bức tranh trần nhiều chi tiết, những tranh thảm treo tường. Đặc biệt phòng đại tiệc lộng lẫy rộng 11 mét dài 62 mét, phòng yến tiệc hoàng gia lớn nhất ở vùng Bắc Âu. Nhà thơ kỳ cựu Rendra người Indonesia, nhà văn nữ trẻ trung Lakambini Sitoy người Philippines đều hăng hái như nhau khi khám phá toàn bộ lâu đài. Chúng tôi chui xuống cả tầng hầm ẩm thấp như hầm ngục, luồn lách trong những ngách tối, thỉnh thoảng mới gặp một ngọn đuốc giắt trên tường, ghé nhìn vào những căn phòng nghỉ của lính biên thùy ngày xưa, giường ba tầng đơn giản, nhìn vào nơi họ trữ nước và cá muối, nơi tập hợp đội ngũ cơ động nhanh... Cũng dưới tầng hầm còn có pho tượng vị chỉ huy Viking huyền thoại, Holger Danske, tì hai tay lên thanh kiếm đặt ngang, mắt nhắm như đang ngồi ngủ. Tương truyền ông ngủ thế thôi, nhưng một khi đất nước Đan Mạch có giặc ngoại xâm là ông tỉnh ngay dậy, dẹp yên bờ cõi. Vở kịch Hamlet trong lâu đài Kronborg
Trong lâu đài hiện có nhiều phòng trưng bày ảnh và hiện vật của những bộ phim và vở kịch Hamlet do các đạo diễn trên thế giới dàn dựng nhiều lần. Tôi chụp ảnh một số trang phục của Hamlet, biết đâu một lần nào đó sân khấu Việt Nam sẽ dựng lại vở Hamlet, tôi sẵn sàng cung cấp tư liệu. Tại đây đã thành lệ, hàng năm vào hai tuần đầu tháng tám có liên hoan sân khấu Hamlet. Các nhà hát Bắc Âu và cả nhiều nhà hát trên thế giới đến đây chỉ dựng và diễn cho nhau xem một vở Hamlet mà thôi. Trong khi tôi tản bộ sang cả nhà thờ của hoàng gia và bảo tàng hàng hải, thì Nguyễn Huy Thiệp đã một mình lang thang vòng quanh thị trấn Helsingor. Những khu nhà cổ mấy trăm năm. Vô vàn cửa hàng rượu bia trên bến cảng. Thị trấn tràn ngập du khách Thụy Điển vượt đường biên sang Đan Mạch mua sắm, cả gia đình đến bằng xe hơi, bằng thuyền máy, đi về trong ngày như đi chợ. | ||
Tối hôm ấy, trở về Copenhagen, về với liên hoan Hình ảnh châu Á, chúng tôi đọc sách trước công chúng trong một nhà thờ cổ. Lại cứ thấy hình như thấp thoáng bóng Hamlet đang ngước nhìn lên tự vấn To be or not to be. |
• Nội dung: HỒ ANH THÁI • Hình Ảnh: H.A.T - I.T • Thiết kế: NGUYÊN QUÝ |
Bài in trên Cửa Việt số chuyên đề 10 (6.2023)
49 Phút trước
Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.
23/12/2024 lúc 17:07
Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).
23/12/2024 lúc 17:04
Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.
23/12/2024 lúc 17:00
Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).
23/12/2024 lúc 16:56
Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm
Hiện tại
26°
Mưa
27/12
25° - 27°
Mưa
28/12
24° - 26°
Mưa
29/12
23° - 26°
Mưa