Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 18/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tinh, khí, thần của một vùng văn hóa địa linh

I. NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HOÁ VẬT CHẤT

1. Đền, tháp, giếng xếp đá, bình vôi… của người Chăm là những di tích cần được bảo tồn.

Mối bang giao, hòa giải, cộng cảm giữa người Chăm và người Việt trong nhiều làng cổ ở Đông Hà, Cam Lộ được thể hiện trên nhiều mặt: hôn nhân, tín ngưỡng, văn hoá, phong tục, nếp sống… có thể khác nhau, nhưng những di vật còn lại chứng minh rằng, sự cộng cảm giữa Chăm và Việt là một hiện tượng lịch sử. Đối với người Đại Việt từ miền Bắc mới vào định cư không có kẻ thắng người thua, mà tất cả do sự sắp đặt của lịch sử, của văn hoá tâm linh, ước nguyện sao cho nước thịnh, dân an. Nhiều đền, tháp của người Chăm đều biến thành đền, miếu của người Việt. Những giếng nước hình tròn, xếp đá hay hình vuông hiện còn lại nhiều nơi ở phường Đông Thanh và một số làng ở huyện Cam Lộ, hệ thống thuỷ lợi được người Việt tái sử dụng để phục vụ đời sống và sản xuất.

2. Những công trình kiến trúc văn hoá truyền thống như nhà ở, đình, chùa, nhà thờ họ, đền miếu, nhà thờ thiên chúa giáo hay Đạo Tin lành v.v…cần được phục hưng, tôn tạo, thậm chí dù điều kiện khó khăn, có công trình nên bảo tồn tại chỗ nguyên trạng, vì chúng là “ngôn ngữ phong tục” nói lên nhiều điều về lối sống, tín ngưỡng về tổ tiên chúng ta. Kiến trúc nhà Rường, nhà Rội là một ví dụ: Nhà ở dân gian vùng Đông Hà ở nhiều làng Cam Lộ đã từng bước thay đổi về kiến trúc, không gian, nguyên vật liệu xây dựng để phù hợp với môi trường, vườn tược bao quanh. Quá trình này biến đổi trong nhiều thế kỷ cho đến đầu thế kỷ XX mới tạm gọi là hoàn thiện. Những công trình độc đáo, đơn sơ nhưng là giá trị, thành quả sự sáng tạo của cha ông.

3. Cảng thị vừa là đặc điểm độc đáo của miền Trung, trong đó có Đông Hà vừa là giá trị vật thể về địa lý, đầu mối giao thông, thương mại.

Cảng quân sự Đông Hà là nơi hội tụ của những mạch máu giao thông cấp quốc gia, đầu mối giao thông thương mại phát triển gắn liền với Đông Hà, nối với chợ Phiên Cam Lộ về phía Tây và Cửa Việt phía Đông. Nơi đây là một vị trí trung chuyển đã vận chuyển hàng vạn tấn lương thực và vũ khí từ miền Bắc vào các chiến trường Miền Nam. Chợ Hôm ở làng Lập Thạch với tổ chức “Tân Lập thương cuộc” là tổ chức tuyên truyền cách mạng. Chợ Phiên Cam Lộ mà thuyền bè từ Huế, Quảng Trị ra, từ Vinh, Đồng Hới vào đều đi qua các phường của thị xã Đông Hà với một tháng 6 phiên được hội nhập với Cửa khẩu Lao Bảo đường số 9, đường số 1 và nay là đường Trường Sơn v.v… là những trọng điểm kinh doanh thương mại sẽ phát triển hưng thịnh trong nay mai.

4. Các di tích lịch sử hiện đại của Đông Hà- Cam Lộ chủ yếu là các chiến tích. Chúng không chỉ là những kỳ tích chiến tranh giữ nước mà còn giá trị lâu dài về truyền thống văn hiến giữ nước vừa là sản phẩm du lịch của thời đại.

Nếu lấy Đông Hà là tiêu điểm, chúng ta có ba vùng di tích đậm đặc vừa là ba tuyến du lịch cho hiện đại. Mảnh đất này dày đặc những di tích vô giá, tính có đến mấy trăm. Đi về phía Bắc chúng ta sẽ gặp di tích Cầu Hiền Lương, Sông Bến Hải, Hàng rào điện tử Mắcnamara, Nghĩa trang Trường Sơn, Địa đạo Vịnh Mốc, Đảo Cồn Cỏ anh hùng. Đi về phía Nam và đông nam là Thành cổ Quảng Trị, Kinh đô Ái Tử, Cảng Cửa Việt - Hướng phía Tây chỉ cách Đông Hà 10 cây số là trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam ở trung tâm thị trấn Cam Lộ, các chiến trường Khe Sanh, Tà Cơn, Nhà tù Lao Bảo, Làng Vây và hàng chục di tích dọc theo đường Chín. Có người nói: Quảng Trị mà trung điểm là Đông Hà là một bảo tàng lớn, bảo tàng sống về cuộc chiến tranh cam go, quyết liệt về đại thắng mùa xuân năm 1975 của quân và dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược, mảnh đất đầy thương tích này do quân xâm lược, gây nên đã gieo tai họa cho nhân dân Quảng Trị, Đông Hà, mà theo thống kê mỗi người dân phải chịu bảy tấn bom. Cả tỉnh có một nghìn thôn, làng thì có ba làng nguyên vẹn sau chiến tranh, còn lại là hoang tàn, đổ nát. Đó là chưa kể Thành cổ Quảng Trị với diện tích chỉ hơn ba km2, mà số bom đạn ném xuống thị xã này bằng bảy quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hirôsima. Cái giá của chúng ta phải trả quá lớn. Những truyền thống bất khuất, anh hùng ấy chỉ được đo bằng thước đo giá trị: máu, nước mắt, sự hy sinh của hàng triệu người con cả nước.

II. NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HOÁ TINH THẦN

1. Thờ cúng tổ tiên là “đạo nhà” là một biểu hiện đẹp, thiêng liêng đối với các bậc tiền nhân của hầu hết gia đình người Việt ở Đông Hà - Cam Lộ.

Các giá trị văn hoá gia đình được lưu giữ bền vững hơn các giá trị khác ngoài xã hội. Thờ cúng tổ tiên, ông bà là mỹ tục, được phổ biến từ nhiều thế kỷ, là tục lệ ăn sâu bén rễ vào tâm linh, tình cảm của người Việt Nam. Sách của người xưa nói: Thờ cha mẹ lúc chết cũng như lúc còn sống là điều Hiếu. Các nhà nho chính thống không nói linh hồn bất tử mà chú trọng thờ cúng tổ tiên bên cạnh thờ Thần, Phật, Thành Hoàng. Nghi thức thờ cúng, lễ vật hiến dâng người đã khuất, trong mỗi gia đình mỗi kiểu, nhưng đều gặp nhau ở chữ Tâm lòng thành, mong cho người đã khuất mồ yên mả đẹp, cầu cho người sống an khang, thịnh vượng, thành đạt. Những ngày lễ, tết, ngày rằm, mồng một của tháng, nhà nhà hương khói, đèn nhang để tưởng niệm các bậc tổ tiên. Ngay trong cả chiến tranh, bom đạn ác liệt là vậy, người dân Đông Hà - Cam Lộ vẫn thu xếp được nơi thờ phụng, dù chỉ là bát hương, một đĩa hoa quả. Ở các nhà khá giả trang trí trước bàn thờ thường là bức hoành phi gồm tam tự:Hoà vi quý, Kính như tại, Phúc mãn đường với mong muốn gia đình sung mãn, phúc đức, kính trên nhường dưới. Câu đối thường được các gia đình dùng có nguồn gốc từ miền Bắc vào:

Tổ tiên công đức thiên niên thịnh

Tử hiếu, tồn hiền vạn đại xuân.

2. Một vùng đất có truyền thống hiếu học, khuyến học, trọng học, trọng tài.

So với nhiều tỉnh ở miền Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ thì Quảng trị - Đông Hà chưa phải vùng đất có truyền thống khoa bảng, nhiều đời, có khi tam đại đều đỗ đạt lớn; nhưng dưới thời Nguyễn ở Quảng Trị đã có hàng trăm vị đỗ cử nhân, 10 vị đỗ phó bảng, 17 vị đỗ tiến sĩ. Một vùng đất mà “dân ít, đất đai hẻo lánh, phong tục chất phát, nhân vật thưa thớt…” (Dương Văn An- Ô châu cận lục)  thì tỷ lệ như trên so với số dân không phải là nhỏ. Giá trị to lớn ở giáo dục dân gian vùng này là truyền thống hiếu học, khổ học. Con đường nhọc nhằn, khó khăn với khát vọng hiểu biết để thành tài không phải chỉ là của các bậc danh nhân, ngay cả con nhà nghèo cũng khổ công, khổ học để tìm đến ánh sáng. Bùi Dục Tài, quê ở một làng nghèo Hải Lăng là tấm gương về ý chí khổ học luyện tài sau hơn mười năm đèn sách, ông đã “sớm nêu sĩ vọng, đột phá khai khoa” xuất sắc vượt qua kỳ thi hương (1501) rồi thi hội, thi đình để vinh dự nhận bằng đệ nhị giáp tiến sĩ, được sắc tứ vinh quy, được khắc tên ở Văn Miếu, được thăng tả thị lang Bộ Lại, sau khi mất được tặng chức Thượng thư Bộ Lễ. Tiến sĩ họ Bùi giỏi về chính trị, văn chương, bậc anh tài trong cả tỉnh, cả nước chứ đâu phải riêng vùng nào. Trước cách mạng tháng tám, nhân dân Quảng Trị - Đông Hà sớm thấy tầm quan trọng, ý nghĩa của sự học, cho nên nhiều làng ở Đông Hà - Cam Lộ hiện nay, dù khá giả hay chỉ mới “đủ ăn” đã bằng mọi cách cho con đến trường, thậm chí có một số gia đình đã có nhiều người đỗ đạt từ cấp tiểu học đến trung học hoặc trường kỹ nghệ thực hành. Thực trạng số đông phải thất học càng làm cho sự khao khát việc học, đề cao “người có chữ” trong nhân dân. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp mặc dầu phải hứng chịu bom đạn, thiếu thốn ăn mặc, nhưng các cơ quan lãnh đạo Tỉnh uỷ và UBND tỉnh đã có ý thức rất sớm về việc đào tạo đội ngũ trí thức nay mai cho tỉnh, đã chủ trương đưa con em Quảng Trị ra học tại các tỉnh vùng tự do như Thanh, Nghệ, Tĩnh. Từ khi nước nhà thống nhất đến nay nhờ sự học phát triển, nhiều con em ở vùng Đông Hà và phụ cận đã được học hành có hệ thống, đỗ đạt cao, nhiều người đạt học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư, một số người được chính phủ ta gửi đến học tại trường đại học danh tiếng ở Nga, Mỹ và các nước Châu Âu. Đó là chưa kể một số trí thức Việt Kiều ở Mỹ, Châu Âu đã và đang là những nhân vật nổi tiếng trong các tổ chức khoa học, văn hoá ở các nước đó. Một vài ví dụ: Truyền thống hiếu học, khuyến học ở các dòng họ Hồ Công (tức là Hồ Sĩ mà nguyên tổ là Hồ Hưng Dật từ Quỳnh Lưu vào), ở An Bình một số làng thuộc huyện Cam Lộ, Đông Thạch. Họ Nguyễn Thế, Nguyễn Hữu, Nguyễn Khắc, Họ Phạm ở Lập Thạch (Đông Lễ); họ Lê Văn ở Trung Chỉ. Phong trào khuyến học ở Quảng Trị vài năm gần đây được phát triển, được nhân dân ủng hộ là nhờ có truyền thống vừa nói, đó là một giá trị tiềm ẩn và bền vững.

3. Một số loại hình nghệ thuật như như hát ru, hò giã gạo, hò Như Lệ, nghệ thuật tuồng và nhiều ca khúc hiện đại về Quảng Trị, Đông Hà - Cam Lộ được cả nước biết… đã có sự đóng góp của người quê Đông Hà hoặc cư trú tại thị xã này.

Hát ru con thì địa phương nào cũng có, nó thuộc thể điệuđiệu hát ru vận động theo luyến láy, làn điệu sử dụng những quãng âm nhỏ, chức năng của hát ru là gây ngủ. Hát ru ở Bình - Trị - Thiên thật da diết, man mác! lời ru hát thường bắt nguồn từ cao dao: Cầm vàng mà lội sang sông, mất vàng không tiếc, tiếc công cầm vàng… Rồi mùa toóc mạ rơm khô, bạn về xứ bạn, biết nơi mô mà tìm… Cái phong phú của hát ru truyền thống là ở chỗ, nó nói lên được tâm tình, tấm lòng trời biển của người mẹ: Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn đối với đứa con, thậm chí người mẹ có thể ứng tác trong khi đặt lời. Hát ru là điệu nhạc đầu tiên trên trái tim của tuổi thơ một cách tự nhiên không gò bó giữa lời hát và điệu hát: điệu hát cho con, còn lời là cho mẹ. Hát ru là mãi mãi, chừng nào còn tình mẫu tử, còn người mẹ và con thơ. Có thể không còn tao nôi, chiếc võng tre trong thời hiện đại, nhưng hát ru thì không thể mất, bởi đó là một giá trị thật.

Đến thế hệ chúng tôi, hò giã gạo vẫn tồn tại như một hình thức nghệ thuật độc đáo của người dân Quảng Trị. Ở Đông Hà, tại các làng ven sông Hiếu, ngã ba Đại Độ, phường Đông Giang, chợ Sòng, các làng sát nách thị xã như Điếu Ngao, Tây Trì, Lập Thạch… hò giã gạo đều được hoạt động sôi nổi, nhất là những đêm trăng sáng. Hò giã gạo có nhiều chặng: chặng hò chào, hò hỏi thăm thường ngắn, nghệ thuật chưa cao, nhưng cần thiết cho hò để giao hòa làm cầu nối giữa hai người hay hai nhóm người. Tiếp theo là chặng hò đôi, hò đố vui và sau cùng là chặng hò ân tình, giao duyên đằm thắm, thiết tha. Ở chặng hò đối thâm thuý có lúc ẩn chứa những câu phàm tục. Chặng hò ân tình là của các bạn hát trai tân, gái chưa chồng, dừng chân bên cối giã gạo, tay cầm chày để gõ nhịp, miệng hát những lời ca ân ái trao thân, giữ phận cho nhau. Hò ở Quảng Trị thường có sắc thái với thái độ sòng phẳng, bạo dạn đến bất ngờ:

Thiếp gặp chàng vịn cổ, bá vai

Thiếp nguyền làm vợ, một hai chàng chồng.

Dù cho năm tháng trôi đi, nhưng hò giã gạo vẫn là một giá trị truyền thống có thể tôn trọng như một hoài niệm đẹp.

Quảng Trị là một trong những cái nôi phát sinh truyền thống nghệ thuật ở Đàng Trong. Nhiều văn nhân, nghệ sĩ, trí thức người Quảng Trị trưởng thành từ Huế, từ Hà Nội; nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng Triệu Hải là kết tinh của tuồng Bắc, tuồng Nam với dân ca Huế. Thế mới biết vị trí tiêu điểm Đông Hà, bây giờ là tỉnh lỵ của Quảng Trị không phải là ngẫu nhiên, không phải là con số cộng đơn thuần mà là tổng hoà của tinh, khí, thần, của cảm hứng và tài năng, của thăng hoa trong quá trình sáng tạo của người Quảng Trị.

Giá trị văn hoá - lịch sử của một vùng là tinh hoa của sản phẩm vật chất và tinh thần do con người tạo nên qua nhiều thế hệ, trong trường kỳ lập quốc, bảo vệ và xây dựng đất nước. Chúng không giới hạn như biên giới một quốc gia, sự tách bạch về địa lý hành chính, mà sự giao thoa trao đổi, bổ sung, vừa hội nhập vừa lan toả, vừa tụ và tán chứ không hẳn của riêng vùng nào. Chúng vừa mang bản sắc Việt Nam vừa được tô đậm sắc thái của vùng, kết tụ được những giá trị thật, mà ở đó con người hiện đại cần có thái độ trân trọng, khách quan, biết tiếp cận có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ, loại bỏ những cái  dở, cái lạc hậu để làm giàu cho văn hoá vùng. Giá trị lịch sử văn hoá ở đô thị Đông Hà- Cam Lộ cũng được tìm thấy trong quá trình đô thị cần được bảo tồn và phát huy trên cơ sở khoa học, biện chứng với mục tiêu chung là xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại toàn cầu hoá và hội nhập, mở cửa.

Mùa thu Hà Nội 2006

H.S.V

 

  

 

 

____________

Tài liệu tham khảo:

* Dòng chảy văn hoá của người Quảng Trị: NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002 - Hồ Sĩ Vịnh chủ biên

*Trần Quốc Trượng: Cây văn hoá Quảng Trị trong rừng, văn hoá Việt Nam; (Trong công trình trên)

* Phan Thị Đào: Đôi nét về một buổi sinh hoạt hò giã gạo ở Quảng Trị; (trong công trình trên)

* Tạp chí Văn hoá- nghệ thuật các số 9 - 1995 và số 1 - 1995

Lịch sử Đảng bộ thị xã Đông Hà (1930 - 1999), NXB Chính Trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

 

 

Hồ Sĩ Vịnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 150 tháng 03/2007

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

19/04

25° - 27°

Mưa

20/04

24° - 26°

Mưa

21/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground