Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tổng thuật Hội thảo Tạp chí 6 tỉnh bác miền trung

T

rong 3 ngày 25- 27/7/2011, tại Tp. Thanh Hoá, Văn nghệ sĩ 6 tờ tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung đã tổ chức thành công cuộc Hội thảo thường niên với chủ đề: “Phát triển báo chí văn nghệ các tỉnh Bắc miền Trung trong thời kỳ Công nghiệp hoá- Hiện đại hoá” do tạp chí Xứ Thanh đăng cai.

Tham dự hội thảo có PGS, TS. Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Trung ương; nhà văn Tùng Điển, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam; PGS, TS. Nguyễn Ngọc Thiện, Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn văn học nghệ thuật Việt Nam và về phía tỉnh Thanh Hoá, có các đồng chí Đỗ Trọng Hưng, UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Chủ tịch Hội VHNT; đại diện lãnh đạo các Sở ban ngành liên quan và đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí địa phương và TW đóng trên địa bàn.

Sau đề dẫn hội thảo của nhà văn Hoàng Trọng Cường- Phó Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hoá, Tổng biên tập tạp chí Xứ Thanh; phát biểu chào mừng của đồng chí Đỗ Trọng Hưng thay mặt lãnh đạo tỉnh Thanh hoá, của PGS. Nguyễn Hồng Vinh, của nhà văn Tùng Điển, 7 bài tham luận của các đại biểu lần lượt được trình bày. Có 4 nhóm vấn đề Hội thảo lần này tập trung giải quyết: 1- Những thuận lợi cơ bản 2- Những thách thức của thị trường (2 lĩnh vực này thường đan xen) 3- Làm gì để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc trong xu thế hội nhập 4- Các nhóm giải pháp và kiến nghị.

                                                    * * *

Thuận lợi và thách thức đan xen.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc (HĐTN)- Tổng biên tập Sông Hương nhắc lại cái thời vàng son, “Đã có một thời gian dài trước đây, các tác phẩm văn học được bao cấp in một lúc hàng vạn bản, các tạp chí văn học cũng được bao cấp in số lượng lớn và công chúng háo hức đọc các tác phẩm đó trong các thời gian rỗi của mình”. Thế nhưng thời kỳ đó đã qua rồi, nên hướng tham luận của mình vào những vấn đề cốt lõi là “Tạp chí văn học trong kinh tế thị trường”:

“… Bối cảnh kinh tế thị trường khiến cho con người lao vào làm ăn kinh tế nhiều hơn, thời gian dành cho việc là ăn, tiếp đãi đối tác... nhiều hơn là đọc sách. Việc cập nhật thông tin từ các báo thời sự hàng ngày trở nên cấp thiết hơn, và rõ ràng là việc tìm kiếm thông tin thời sự có tính chất thực tế hơn nhiều so với thời gian dành cho việc tiếp cận tác phẩm văn học hiện nay. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của thông tin Internet khiến ngành báo chí còn chao đảo, huống hồ là tạp chí văn học ra một tháng một kỳ.

Lại nữa, sự bát nháo của xuất bản khiến cho công chúng đến với sách băn học như đi vào một ma trận. Những cái không phải là văn chương lại được quảng bá quá nhiều, bên cạnh đó là sự xuất hiện khá rầm rộ của những sản phẩm văn học chất lượng cực thấp của các câu lạc bộ văn học, của các tác giả làng nhàng khiến công chúng có vẻ bị bội thực sản phẩm văn học. Và hiện trạng đó, khiến sản phẩm văn học đích thực muốn đến với công chúng đã khó khăn, nay càng khó khăn gấp bội.

Đã thật sự có một cuộc giành giật công chúng khán giả giữa các tờ báo, các loại hình báo chí, các hình thức thẩm mỹ, các hình thức tiêu dùng giải trí khác... Cuộc giành giật này diễn ra từ ngoài xã hội cho đến tận các phòng ngủ của các cặp vợ chồng và phòng ngủ riêng của những đứa trẻ. Trong cuộc giành giật thời gian giải trí của công chúng, tạp chí văn học hoàn toàn lép vế. Thế giới đầy màu sắc và cực kỳ nhanh nhạy của Internet và truyền hình kỹ thuật số, các kênh phim ảnh HBO, MOVIE, MAX, AXN..., các live show truyền hình, các trò chơi điện tử, chát trên điện thoại di động... hoàn toàn hấp dẫn hơn rất nhiều so với các tạp chí văn học đang được in ấn không đẹp lắm, thậm chí lộ rõ sự nghèo nàn, sống dở chết dở hiện nay...”.

Tham gia vào vấn đề này, nhà văn Y Thi (YT)- Phó Tổng biên tập Cửa Việt có những nhận xét dí dỏm, xác đáng. Ngành xuất bản nước ta từng có những đóng góp không nhỏ nhưng thời hoàng kim cũng đã lùi xa. Chưa bao giờ sách văn học ở nước ta bị cơ chế thị trường thao túng, xuất bản ồ ạt, vô tổ chức như bây giờ. Bất cứ NXB nào cũng có thể và sẵn sàng cấp phép in sách văn học bất luận chất lượng và độ tin cậy của nó. Thử thống kê về số lượng đầu sách thơ cho cái gọi là “lạm phát thơ” ở một NXB chuyên ngành văn học là NXB Hội Nhà văn hẵn hoi  đã thấy “chán ngán”:

“ ...Đồng hành với tiến trình đổi mới chung của quê hương đất nước, 1/4 thế kỷ qua thơ Việt có nhiều cuộc nhận đường, lột xác, song xem ra còn quá bế tắc, không những không tự đổi mới được mình mà còn mang tiếng chịu lời là khủng hoảng thừa, lạm phát thơ. Liệu “Trái tim- Thơ” (chữ dùng của Tố Hữu) có đặt nhầm chỗ trong thời buổi cơ chế thị trường không? Trả lời câu hỏi này hay chỉ giải thích hiện tượng này thôi cũng thật là không đơn giản!... Chỉ tính riêng ấn phẩm của NXB Hội nhà văn năm 2010 thôi thì đã cấp phép xuất bản cho 1.100 đầu sách, trong đó có tới 80% là sách thơ; nếu kể các NXB khác từ địa phương, vùng miền đến TƯ thì đó là con số khổng lồ, chưa kể các báo, tạp chí, báo tháng, báo tuần, báo ngày, báo điện tử trong nước, ngoài nước, các trang Web, blog cá nhân...

Ai biên tập thơ trên các tạp chí văn nghệ địa phương cũng đều đối mặt với một thực tế không biết là đáng vui hay  buồn là hàng tháng bản thảo thơ loại ra chồng lên, ngập đến thắt lưng. Trong bối cảnh đó thì Biên tập viên thơ của tờ tạp chí văn nghệ địa phương như chúng ta phải làm gì?

Không còn cách nào khác là phải tận tuỵ với sự đọc thơ/ thẩm thơ, tinh tuý trong việc sàng lọc nhằm giới thiệu được với bạn đọc những tác giả có thơ hay. Công việc sàng lọc thơ bao giờ cũng là thách thức, vì để có 12-14 trang thơ hay, mới lạ để hướng người đọc tiếp cận với đời sống nội tâm đa chiều, tâm hồn trong sáng (cho mỗi số tạp chí ra hàng tháng) là không dễ! Dù thế nào thì sự tuyển chọn thơ trên từng số tạp chí phải đạt tới nghệ thuật của sự giản dị và trong sáng. Không làm được như thế thì chúng ta không khơi nguồn cho Thơ và văn học tuôn về biển cả, mà chỉ quẩn quanh trong ao hồ tù đọng mà thôi. Đành rằng ao hồ tù đọng cũng có nhà thơ và dòng thơ ca tù đọng của nó...”. 

Đó mới chỉ là mặt trái của cơ chế thị trường ở lãnh vực xuất bản ồ ạt sách văn học ảnh hưởng trực tiếp đến các tờ tạp chí văn nghệ. Còn nhiều thử thách khác có thể liệt kê ra như sau:

Thứ nhất: Không có nguồn kinh phí dồi dào để tạo cú hích phát triển, khuyến khích tâm huyết những người làm tạp chí văn học. Nhà văn HĐTN cho rằng: “nếu không có sự hà hơi tiếp sức của ngân hàng nhà nước, thì (các tờ tạp chí văn nghệ) chỉ có đóng cửa và phá sản. Rất may là cho đến nay, hệ thống các tạp chí văn học còn được ngân sách nhà nước bao cấp một phần. Tiếc là sự đầu tư hà hơi này quá thấp nên các tạp chí văn học đa phần sống ngắc ngoải trong bối cảnh luôn thiếu túng. Vấn đề là làm sao để nâng cao chất lượng khi nó tồn tại ngắc ngoải vì ngân sách cũng chỉ đủ cho sự có mặt của nó? Đó chính là sự dấn thân của các nhà văn, kéo theo sự dấn thân của những người làm tạp chí văn học. Tuy nhiên, đó chỉ là một cách nói, chứ thực tế, tâm tư của những người làm tạp chí văn học là rất không yên lòng, Làm tạp chí văn học không phải là chuyện dễ dàng trong bối cảnh bị từ chối của nhiều phía. Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị ban hành đã lâu nhưng thật sự chưa đi vào cuộc sống như tinh thần của Nghị quyết mong muốn. Gần đây, một trong những đề án liên quan đến sự phát triển của Hội VHNT địa phương được phê duyệt, kinh phí dành cho các hoạt động của Hội đã được đầu tư thêm một phần, đó là tín hiệu đáng mừng. Song ngay tại địa phương, việc đầu tư cho một tạp chí văn học vẫn đang đứng yên tại chỗ, từ kinh phí hoạt động đến phương tiện làm việc… So với các loại hình báo chí được bao cấp tại địa phương (báo Đảng, các đài truyền hình), tạp chí văn học được đầu tư mang tính chiếu lệ, nơi cao nhất chưa bằng một nửa ưu ái so với các loại hình báo chí khác…”.

Thứ hai: Với nhuận bút kém hơn rất nhiều lần, tạp chí văn học bị các báo thời sự cạnh tranh bài vở, lôi kéo sự cộng tác của các cây bút tên tuổi, lôi kéo độc giả...cũng là một hệ luỵ khác.

 

Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh (TNT)- nguyên Tổng biên tập tạp chí Xứ Thanh- rươm rướm nước mắt, áp sát cặp kính viễn của mình vào từng dòng tham luận để chia sẻ hệ luỵ này: “…Làm tạp chí ở địa phương bao giờ cũng gặp khó. Lượng người viết ít, không thuận lợi cho anh rộng đường lựa chọn bài vở. Tạp chí ở Trung ương in bài không phải lúc nào cũng hay cả, nói thế không có nghĩa là biên tập địa phương in ẩu, bài vở dở kém chất lượng. Làm tạp chí bây giờ khó hơn trước. Chỉ riêng quảng cáo để cải thiện nhuận bút và đời sống cũng bị cạnh tranh hết sức dữ dội. Nhiều báo và tạp chí xuất hiện, các đại diện mọc lên, mà lại của trung ương chứ đâu phải của địa phương, nên không kiên nhẫn thì không xin được quảng cáo, mà không có quảng cáo, thì “báo” - “tạp chí văn nghệ địa phương” thật khó khăn. Dẫn đến nhuận bút thấp, không thu hút được người viết.

Lực lượng cộng tác viên là sự trái chiều của hai thái cực. Già đi rất nhiều, so với thế kỷ trước. Lúc mới ra đời (hội và tạp chí) họ còn trẻ trung hừng hực tinh thần xả thân cho văn nghệ. Nay thì đã lên lão, sức viết chậm, vốn cạn dần, người có vốn muốn dốc túi để trả nợ hồi kết. Trong khi đó, cây bút trẻ lại chưa chiếm lĩnh kịp. Không phải hội, tạp chí không lo đào tạo, mở các cuộc thi, nhưng kết quả lại vẫn vắng những cây bút trẻ. Lúc ở quê, có viết thì cũng là đá gà đá vịt, khi lên đại học lại tẻ sang một hướng khác, có khi mừng hụt tưởng là nhân tài, nhưng sau vài tác phẩm lặn mất tăm. Tạp chí Xứ Thanh đi tìm người viết trẻ, biên tập trẻ cũng khó như đi tìm vàng…

Bằng mọi cách, cải thiện về chế độ nhuận bút, thấp và lạc hậu, không phù hợp mà các báo, tạp chí đã bỏ từ lâu, nhất là trong điều kiện giá cả như hiện nay. Nói là viết báo không ai nghĩ đến nhuận bút, chả khác chi phát động thi đua mà không có đánh giá và khen thưởng, không ai muốn thi đua; tạo ra sự nói suông, làm sao tạp chí là diễn đàn nữa…”.

Thứ ba: Phát hành tạp chí bao giờ cũng là khâu nan giải nhất. Từ lúc tách tỉnh, tạp chí Sông Lam được lãnh đạo tỉnh ưu ái quan tâm bằng một cơ chế chính sách hết sức thông thoáng là ở đâu có tờ báo Đảng (Tiếng nói của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An) thì ở đó có tờ tạp chí Sông Lam phát hành kèm theo. Nhờ vậy Sông Lam cứ đều đặn mỗi kỳ phát hành xấp xỉ 5 ngàn bản/ 2 tháng 1kỳ; tất cả đều phát hành qua bưu điện. Nhờ vậy TBT Nguyễn Thị Phước cân đối ngang bằng giữa tiền in và tiền phát hành, kiên quyết không tăng giá tạp chí nhằm bảo đảm quyền lợi tuyệt đối của bạn đọc. Ba tháng trở lại đây chị buộc phải tăng giá mỗi cuốn tạp chí từ 5 ngàn lên 7 ngàn là vì giá in tăng nhưng vẫn giữ nguyên tắc đảm bảo quyền lợi tuyệt đối cho bạn đọc. Tạp chí Hồng Lĩnh cũng có một kinh nghiệm tương tự là trong vài năm gần đây đã tăng số lượng phát hành qua kênh của bưu điện và kênh truyền hình. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú (Tổng biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh) khẳng định: “Nghe có vẻ lạ nhưng chúng tôi đã làm và có hiệu quả. Trước hết đó là sự đồng thuận, ưu ái của các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đặt ra mục tiêu cho các cấp uỷ cơ sở: bên cạnh tờ báo Đảng của Tỉnh có thêm tờ tạp chí văn nghệ vì thế số lượng in của tạp chí trung bình 2.500 cuốn/kỳ, phát hành qua bưu điện 2.300 cuốn/kỳ...” Mừng cho 2 tạp chí bạn đã có trong tay bảo bối diệu kỳ. Xứ Thanh đang phát hành mỗi số 1 ngàn bản với dân số trên 3,5 triệu thì quả là còn thấp. Cửa Việt, Sông Hương và Nhật Lệ đã từng “vang bóng một thời” thì nay số lượng phát hành đang báo động, đồng sàng cùng Xứ Thanh, chưa tìm ra lối thoát hiểm nào hữu hiệu.  Quả phát hành đang là khâu nan giải nhất đối với các tờ văn nghệ địa phương.

                                                       * * *  

Làm gì để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc trong xu thế hội nhập?

Để tồn tại và phát triển các tờ tạp chí văn nghệ địa phương không còn cách chọn lựa nào khác hơn là sự dấn thân. Xưa đã dấn thân, nay càng dấn thân và tương lai...cũng chỉ có mỗi con đường dấn thân. Dấn thân của Ban biên tập ở các toà soạn tạp chí và của các nhà văn, bạn viết trong việc cộng đồng trách nhiệm với các tạp chí văn học. Trao đổi về vấn đề này, nhà văn HĐTN cho rằng: “Đối với bản thân các tạp chí, cần nâng cao năng lực làm báo văn nghệ để mỗi số tạp chí ra mắt, thật sự là một ấn phẩm văn học chất lượng, Bên cạnh việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, văn hoá vùng đất, các tạp chí văn học cần mạnh mẽ trong việc khuyến khích các trào lưu sáng tác mới, chấp nhận các tìm tòi thử nghiệm miễn là không đi ngược với đường lối chủ trương phát triển của đất nước, không quá xa rời bản sắc văn hoá dân tộc, và tất nhiên là cũng không quá phụ thuộc, bắt chước không có chọn lọc cái bên ngoài, hay nói cách khác là tất cả phải được xử lý theo cảm quan nghệ thuật của một người Việt Nam hội nhập”. Trong khi nhà văn YT  nêu ra những vấn đề thuộc về thiên chức của anh biên tập và khâu kiểm duyệt, những khâu liên quan trực tiếp đến chất lượng tờ tạp chí: “Nhiều bạn viết phàn nàn với chúng tôi, đại ý ba cái anh biên tập, duyệt bài là chúa suy diễn. Tại sao lại cứ “gọt” cho tác giả tròn vo, bắt tôi phải giống mọi người thì còn gì cá tính, còn gì là văn phong, mỹ học, nghệ thuật nữa! Đây cũng là một thách thức mà tôi cho là không ai cũng giải quyết được ngay trong một sớm một chiều, nếu anh không có bản lĩnh. Để tránh tình trạng sợ bóng sợ vía, suy diễn tuỳ tiện, tôi xin dẫn ra đây quan điểm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trong một Hội nghị Nhà văn, có người hỏi ông rằng: “Trong một tác phẩm văn học cần bao nhiêu phần trăm chính trị, bao nhiêu phần trăm văn chương?”. Cố Thủ tướng của chúng ta trả lời dứt khoát: “100% chính trị và 100% văn chương”. Phát biểu như vậy, cố Thủ tướng đã gợi mở cho các BTV và các TBT rạch ròi giữa nội dung và chất lượng nghệ thuật rồi. Nhưng chúng ta chứ không ai khác, vẫn có cái bệnh nghề nghiệp là hay chú trọng đến nội dung mà quên mất văn phong, mỹ học, nghệ thuật của tác phẩm. Người biên tập theo tôi phải công tâm, vị tha và có cái nhìn khách quan trước tác phẩm. Tuyệt đối tránh các khuynh hướng cực đoan, cảm tình, nể nang dẫn đến thiên về một hướng. Khuynh hướng nào được nhiều bạn đọc ưa thích cần cổ vũ, khuyến khích; ý kiến bạn đọc là tiêu chí chọn tác phẩm; nó bảo đảm tính dân chủ, đa chiều, khách quan và công bằng trên diễn đàn…”. Và cuối cùng, không ai tâm huyết và thành tâm hơn nhà văn Nguyễn Thị Phước (Tổng Biên Tập tạp chí Sông Lam):

“ Phải nói thật là lực lượng cộng tác viên tại chỗ của Sông Lam, so với một số tỉnh, thành phố lớn, là còn rất khiêm tốn (đông nhưng không mạnh). Vì vậy, để có được những tác phẩm “hàng nội” có chất lượng cao, ngoài sự cố gắng của tác giả, những người biên tập cũng phải rất công phu. Bạn đọc và bạn viết phải vì nhau, vì chúng tôi vì họ, kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thông và hiện đại, bắt kịp với sự phát triển của đời sống hội nhập sôi động, đa thanh, đa chiều. Chấp nhận nhiều giọng điệu, cá tính; không né tránh những vấn đề gai góc, những ý kiến còn trái chiều nhau, những phản biện xã hội (tuy vậy, những bài có tính chiến đấu sâu sắc vẫn chưa nhiều).

…Vì xuất bản 2 tháng/kỳ, Sông Lam ngoài việc chăm sóc chất lượng bài vở, còn phải tìm cách riêng để thu hút và giữ bạn đọc bởi các vấn đề thời sự chính trị - xã hội của đất nước - điều mà bạn đọc báo chí hay quan tâm. Ví dụ các vấn đề về môi trường, tệ nạn xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, v.v... không thể là các bài báo, bức ảnh đọc rồi xem rồi quên ngay, mà phải là các bài viết sâu sắc, vừa nhẹ nhàng vừa quyết liệt, có giá trị cả về tư tưởng và nghệ thuật; nó thể hiện bản lĩnh người viết và cả của người biên tập. Bạn đọc có thể cảm nhận được điều đó ở mỗi số tạp chí Sông Lam. Làm báo chí văn nghệ vừa khó vừa khổ, điều này có lẽ ai cũng biết. Ngoài việc đòi hỏi “nhà báo văn nghệ” phải có kiến thức sâu rộng, phải có năng lực cảm thụ tốt, phải có sự đam mê nghề nghiệp, còn phải có sự hy sinh, sẵn sàng nghe bạn biết “mắng mỏ”, và cũng sẵn sàng “cho chữ”. Người biên tập nào cũng điều vui mừng mỗi khi được đọc một tác phẩm lạ, tức ý tứ lạ, cách viết lạ, mà hay, và đặc biệt, sự thích thú sẽ càng tăng nếu đó là của một tác giả lạ...

Cuộc thi thơ, truyện ngắn, bút ký 2008-2010 của Sông Lam, giải thưởng cao nhất về thơ là của một tác giả Cao Bằng điều đó cũng nói lên rằng, Sông Lam luôn mở rộng lòng đối với bạn viết cả nước. Đằm thắm, tinh tế, nồng nàn mà hiện đại. Lấp lánh, hư ảo mà chân thành, sâu sắc. Đó là điều mà Sông Lam muốn có, nghĩa là độc giả của Sông Lam đòi hỏi ở các tác giả. Ban biên tập luôn công bằng, luôn khắt khe, và như thế Sông Lam xứng đáng với bạn đọc, bạn viết của mình.

Quỹ thời gian mỗi người dành cho văn chương ngày mỗi ít đi - vì vậy “đất” của báo chí văn nghệ cũng phải trở thành “đất hiếm”, tải nhiều khắc khoải trăn trở, sự dồn nén cao nhất. Đó cũng là để bảo vệ quyền lợi của bạn đọc, không để họ phải tốn thời gian quý báu cho những gì ít giá trị. Bạn đọc và bạn viết đều là những người thân thiết nhất của chúng tôi. Đó là thông điệp mà Sông Lam muốn chuyển đến bạn đọc và bạn viết ở mọi miền. Đó cũng là những cố gắng của chúng tôi để giữ tình yêu văn chương ấm mãi cho bạn đọc…”.

                                                     * * *

Một số giải pháp và kiến nghị.

Nhà văn Nguyễn Thị Lê Na (Tổng biên tập tạp chí Nhật Lệ) thừa nhận là có: “...một thực tế hiện nay cho thấy các tạp chí văn nghệ đang hoạt động không theo một mô hình thống nhất, trụ sở, biên chế, kinh phí tuỳ thuộc vào sự ưu ái của từng địa phương. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của những người làm tạp chí và đặc biệt hạn chế rất nhiều đến chất lượng nội dung cũng như hoạt động của tạp chí nói chung.

Đất nước đang thời kỳ tiến tới công nghiệp hoá, hiện đại hoá, văn hoá văn nghệ cũng hoà trong dòng chảy đó. Để đáp ứng nhu cầu thời đại, các tạp chí địa phương cũng phải nâng tầm, phát triển và ngày càng phải chuyên nghiệp hoá. Muốn làm được điều đó đòi hỏi sự thay đổi đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Trước hết, việc các tạp chí văn nghệ địa phương cần có một mô hình hoạt động đồng bộ, thống nhất trong cả nước là vô cùng cần thiết. Cần có sự tách bạch giữa tạp chí và Hội về tất cả các mặt như nhân sự, kính phí, trụ sở... để tạp chí có sự chủ động, phát triển hết vai trò trách nhiệm của một tờ báo đối với sự nghiệp phát triển VHNT nói chung, không nên tồn tại tình trạng chồng chéo, kiêm nhiệm công việc giữa tạp chí và Hội VHNT. Sở dĩ tồn tại tình trạng đó một phần do cách nhìn nhận chưa đúng về các tạp chí của một số ban ngành, thậm chí của một số cán bộ chức trách. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển của tạp chí văn nghệ. Rõ ràng, một bộ máy hoạt động chuyên trách, đồng bộ sẽ là đòn bẩy để tạp chí làm tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình...”.

Nhà văn TNT kiến nghị rất quyết liệt: “Nói rằng TW tài trợ cho VNS nhiều tiền lắm. Nhưng được đồng nào giữ bên Hội, tạp chí nào có chỉ thị, chính sác nào đâu. Cứ mỗi lần họp ở Trung ương là Hội họp, Tạp chí hầu như đứng ngoài sự quan tâm này…Vì vậy đề nghị với Trung ương, cụ thể là Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam: Cần có chính sách đầu tư hàng năm, trong số tiền Chính phủ về cho hội địa phương, cần phân định cho Tạp chí địa phương một khoản nhất định, để tạp chí có điều kiện “nâng cao chất lượng”...

Đưa Tạp chí văn nghệ địa phương vào danh mục phát hành tới đội sản xuất, xóm; với vùng núi vùng sâu vùng xa thì nên cấp không cho các xã để họ đọc, “xoá đói giảm nghèo” về văn học nghệ thuật...” v.v và v.v...tức là có rất nhiều giải pháp và kiến nghị được đưa ra tại hội thảo lần này.

Vấn đề là có 7 ý kiến của 7 tác giả tham luận đều đồng tình về những vấn đề này, chưa kể ý kiến đồng thuận của PGS. Nguyễn Hồng Vinh và nhà văn Tùng Điển, kết tinh trong bài phát biểu của nhà văn Cao Hạnh (Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt- thay mặt Chủ toạ đoàn) hạ quyết tâm là ra một bản Kiến nghị, đề nghị cả 6 Tổng biên tập cùng ký tên gửi lên Uỷ ban toàn quốc liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam có cơ chế chính sách đầu tư kinh phí hàng năm cho các tờ tạp chí văn nghệ địa phương trong cả nước ngõ hầu năng cao chất lượng các tờ tạp chí.

* * *

Cùng với những chuyến đi thực địa tham quan danh lam thắng cảnh xứ Thanh như di tích Lam Kinh, thành nhà Hồ...cuộc Hội thảo đã hàm tất những tiêu chí đề ra là được học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, nhất là trong thời kỳ đất nước đang hội nhập kinh tế quốc tế. Hội thảo đã giao lưu để mở rộng tầm nhìn, giúp nhau nâng cao chuyên môn nghiệp vụ để làm cho chất lượng mỗi tạp chí ngày càng đẹp hơn, phong phú hơn. Hội thảo cũng đã thống nhất với nhau rằng, mỗi tờ tạp chí của địa phương là một sản phẩm hàng hoá đặc biệt, nó không phải là thứ hàng hoá đơn thuần bán để thu lời, mà nó tạo nên vóc dáng, bản sắc văn hoá mỗi vùng đất. Vì thế các tờ Tạp chí có quyền đòi hỏi và “phải được đối xử như phép ứng xử đối với sản phẩm văn hoá, nghĩa là nó phải được bao cấp hoàn toàn vì sự nghiệp văn hoá, sự nghiệp con người. Mọi quan niệm bắt buộc rằng các tạp chí văn học phải tự lo liệu đấu tranh sinh tồn, hoặc đầu tư cho tạp chí văn học không có lãi chỉ là phép tính thô thiển của những người có tư duy kinh tế thô thiển, chưa thấu suốt tinh thần Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị. tạp chí văn học không làm câu chuyện kinh tế, bản thân sự tồn tại của nó đã là sự có mặt của văn hoá, đó là điều mà các người đang làm các tạp chí văn học có thể tự hào”(HĐTN).

Đến hẹn lại lên, cử này năm tới các tờ Tạp chí văn nghệ bác miền Trung lại cập nhật thêm những tiến bộ mới.

                                                                                          YT.

 

Y Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 203 tháng 08/2011

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground