Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tổng thuật về Hội thảo: Mười năm văn học Quảng Trị

 

L

.T.S. Ngày 8/12/1998 vừa qua, Hội văn học nghệ thuật Quảng Trị đã tổ chức cuộc hội thảo “ Văn học Quảng Trị mười năm qua và sự phát triển cho thời gian tới”.

            Đến dự có đồng chí Trương Sĩ Tiến (Phó chủ tịch UBND tỉnh) – thay mặt lãnh đạo tỉnh; đại diện lãnh đạo của Ban khoa giáo Tỉnh ủy và các huyện thị; Thường vụ Hội, Ban chấp hành và đông đủ hội viên phân hội văn học.

            Sau báo cáo đề dẫn của nhà văn Trần Biên “Thực trạng văn học Quảng Trị mười năm qua và những giải pháp tháo gỡ”, lần lượt các tham luận chuyên biệt như “Nhìn lại mảng ký mười năm -  thế mạnh và điểm yếu” của Y Thi, “ Để có những bài thơ hay” của Hàn Nuyệt, “Khát vọng văn học trẻ” của Nguyễn Tiến Đạt và đặc biệt tham luận của Hồ Thế Hà “Văn học Quảng Trị trong dòng chảy chung của cả nước” đã được trình bày. Nhiều ý kiến vừa tâm huyết vừa trăn trở của nhiều hội viên như Tổng biên tập Cao Hạnh, nhà thơ Hải Hiền, nhà văn Nguyễn Trung Hữu…và cuối cùng ý kiến phát biểu của đồng chí Trương Sĩ Tiến, phát biểu tổng kết của nhà thơ Lê Bá Tạo làm cho bầu không khí hội thảo thêm hào hứng, sôi động chung quanh một vấn đề hết sức hệ trọng và gay go làm sao tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy văn chương Quảng Trị tiến triển trong nhiều năm tới.

            Trong chương trình hành động của Sở VHTT và Hội về nghị quyết TW5, đây là một hội thảo gặt hái được nhiều thành công, tạo tiền đề tốt cho một công việc dài hơn là kiểm kê, tuyển “Một thế kỷ văn chương Quảng Trị” trong năm tới.

            CV. trân trọng chuyển đến bạn đọc nội dung tóm tắt những bản tham luận này.

 

TRẦN BIÊN

THỰC TRẠNG VĂN HỌC QUẢNG TRỊ

MƯỜI NĂM QUA VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP THÁO GỠ

 

M

ười năm qua cùng với những thành tựu kinh tế xã hội, văn học Quảng Trị cũng gặt hái được những thành tựu đáng kể góp phần thiết thực vào sự nghiệp đổi mới của Đảng. Có thể điểm qua một vài con số: Về thơ có 16 tác giả xuất bản được 22 tập thơ; Về văn xuôi có 6 tác giả xuất bản được 2 cuốn tiểu thuyết, 2 tập truyện ngắn và 6 tập ký. Ngoài ra còn hàng trăm bài thơ, truyện ngắn, ký và kịch bản sân khấu đăng tải trên báo chí Trung ương và địa phương. Trong số 16 tác giả có đầu sách thì 3 tác giả là Nguyễn Trung Hữu, Trần Xuân An, Lê Thị Mây xuất bản đồng thời nhiều thể loại tiểu thuyết, thơ, ký, truyện. Như vậy tính trung bình mỗi năm phân hội văn học xuất bản được 3,5 đầu sách và nếu lấy 32 đầu sách chia đều cho tổng số hội viên thì mỗi người có 0,6 đầu sách.

            Xét về mặt số lượng thì đó là những con số rất khả quan bởi nó nói lên một điều rằng vượt lên trên mọi khó khăn, những người cầm bút Quảng Trị không ngừng sáng tạo mang đến cho văn học Quảng Trị một sắc thái mới đầy hứa hẹn. Đáng vui mừng hơn nữa trong số các tác phẩm đã xuất bản có hai cuốn đó là tập truyện ngắn “Gió của mùa sau” của Trần Thanh Hà, tập thơ “Một mình” của Lê Thị Mây, và các kịch bản sân khấu “Chứng chỉ thời gian” của Xuân Đức, “Đứa con nối dõi” của Cao Hạnh được những giải thưởng cao nhất của Trung ương. Sáu tác giả gồm Trần Thanh Hà, Nguyễn Hữu Quý, Trần Biên, Nguyễn Trung Hữu, Trần Đình Phùng, Ngô Nguyên Phước dành được các giải từ nhất đến khuyến khích cuộc thi thơ văn Tạp chí Cửa Việt hai năm 1996 – 1997. Các tác giả Nguyễn Hữu Quý, Trần Biên được tặng phẩm có bài hay trong năm tạp chí Văn nghệ Quân dội năm 1991 và 1995.

            Tất cả những tác phẩm văn học Quảng Trị trong thập niên chín mươi đều

tập trung bám sát và phản ánh sinh động thực tiễn sự nghiệp chiến đấu xây dựng

của nhân dân Quảng Trị trong chiến tranh và công cuộc đổi mới của Đảng trên quê hương nay đã đem đến cho bạn đọc những nhận thức và tình cảm tốt đẹp, góp phần thiết thực vào thành tựu chung của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.

            Tuy nhiên so với yêu cầu nhiệm vụ thì văn học Quảng Trị còn nhiều bất cập.

            Trước hết nói về đội tác giả, chúng ta có một đội ngũ sang tác văn học khá là đông đảo, tuổi trung bình là 43, chiếm 1/3 tổng số hội viên Hội VHNT nhưng phải thành thật thừa nhận rằng đội ngũ ấy chưa đồng đều, chưa mạnh. Lượng thì nhiều nhưng chất chưa đủ để bứt phá, biến chuyển thành chất mới cao hơn. Nói đến tác phẩm của đội ngũ tác giả Quảng Trị thì ai cũng thấy rằng chúng ta chưa có những tác phẩm có tầm vóc lớn tương xứng với thời đại của nó.Vì sao vậy? Rất nhiều hội viên phàn nàn viết về đề tài đương đại hiện nay quá khó chứ chưa dám nói hay, còn viết về đề tài kháng chiến thì dễ bị trùng lặp. Lại có ý kiến cho rằng phải có một thời đại thật hoành tráng thật hào hùng kiểu như thời đại chống Mỹ của chúng ta vừa qua thì mới có tác phẩm đỉnh cao. Thiết nghĩ rằng các ý kiến đó có chỗ hợp lý của nó song cũng có điểm cần phải bàn lại, mới mong sáng tỏ vấn đề.

Chúng tôi nghĩ rằng văn học là một bộ phần cấu thành và là một trong những yếu tố cơ bản của văn hóa, quan hệ với văn hóa là quan hệ giữa cái riêng và cái chung. Văn hóa chính là nền tảng là cội nguồn của văn học, ngược lại văn học tự nó thúc đẩy và tôn tạo văn hóa phát triển, làm phong phú, sinh động thêm văn hóa. Từ khi xuất hiện con người là có văn hóa, con người ngày một trưởng thành, văn hóa ngày một phát triển và văn học cũng lớn dần lên. Đó là mối quan hệ rất biện chứng đã được lịch sử dân tộc ta cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới chứng minh rất rõ. Cho nên rất dễ thấy dân tộc nào có nền văn hóa phát triển thì văn học cũng phát triển theo. Bởi lẽ đó mà Đảng ta đã kịp thời ra NQ5 về xây dựng một nền văn hóa văn nghệ tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và Sở VHTT Quảng Trị đã xây dựng đề án thực hiện với chương trình mười năm.

Ta có quyền hy vọng rằng rồi đây khi văn hóa phát triển mạnh mẽ, vững chãi thì nhất định văn học Quảng Trị sẽ có những tác phẩm tốt hơn, cao hơn. Vì thế chúng ta sốt ruột muốn có ngay, có nhiều tác phẩm lớn xuất hiện là điều theo chúng tôi nghĩ là không biện chứng và khoa học. Trong tự nhiên có quy luật là những cây chăm bón quá nhanh để cho trái thì không thể là trái quý…

Đứng trước thực trạng văn học tỉnh nhà mà chúng tôi đã tóm lược ở trên thì giải pháp của nó nên như thế nào? Chúng tôi tạm đưa ra vài giải pháp chủ yếu sau:

- Thường xuyên chăm lo việc đào tạo và bồi dưỡng cho hội viên về chính trị và tư tưởng, nâng cao nhận thức, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối sống và nghiệp vụ nhằm giúp cho văn nghệ sĩ có lập trường tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, có lối sống lành mạnh, niềm tin vững chắc. Tránh những ảo tưởng mơ hồ, phiến diện, cực đoan trong sáng tạo. Có như vậy tác phẩm của họ mới có chỗ đứng trong lòng nhân dân.

            - Tập trung đầu tư chiều sâu cho một số nhân sự thực sự có tài năng để có tác phẩm lớn. Tác phẩm lớn chỉ có được khi cha đẻ ra nó là những tài năng thực sự, đích thực. Chẳng lẽ trong trên 50 hội viên văn học của chúng ta không có một vài tài năng. Theo chúng tôi là có đấy, vấn đề là phát hiện ra đúng họ, động viên khuyến khích họ, đầu tư đúng mực cho họ, từ lúc xây dựng đề cương đến quá trình viết, sửa chữa nâng cao tác phẩm thì nhất định sẽ có tác phẩm tốt.

            - Có cơ chế thỏa đáng giải quyết vấn đề đầu ra cho tác phẩm. Đây là vấn đề nan giải nhất, trói buộc nhiều tác giả hiện nay có tác phẩm nhưng không có tiền để in sách. Theo chúng tôi những tác phẩm tốt đã được Hội đồng nghệ thuật nghiệm thu thì Hội nên đầu tư kinh phí in ấn và phối hợp với tác giả cùng phát hành. Làm được điều này hội viên sẽ hoàn toàn yên tâm vào khâu lao động sáng tạo mà không phải lao đao chạy ngược chạy xuôi kiếm tiền in và bán sách.

            - Hằng năm xét giải thưởng văn học một lần nhằm động viên khuyến khích văn nghệ sĩ có tác phẩm tốt có tầm vóc, có tâm huyết phải được khen thưởng thích đáng. Tác phẩm được giải và tiền thưởng cho giải phải xứng đáng.

Với cách nhìn trên thì việc dành một khoản kinh phí nào đó để mở trại viết là một việc làm cụ thể và cần thiết.

            Cuối cùng chúng tôi thấy rằng cho dù tất cả các giải pháp trên dù được thực hiện có hiệu quả nhất cũng chỉ là “ngoại lực”, điều quan trọng số một vẫn là “nội lực” của mỗi cây bút dám vượt qua mọi rào cao chính ngay trong bản thân mình, dồn tất cả tâm huyết cho công việc sáng tạo mới mong có những tác phẩm đạt chất lượng cao như trông đợi.

                                                                                        T.B.

 

Y THI

NHÌN LẠI MẢNG KÝ MƯỜI NĂM -

THẾ MẠNH VÀ ĐIỂM YẾU

 

C

ó thể nói mười năm qua Quảng Trị có một thế mạnh về thể loại ký. Từ ngày tách tỉnh đến nay một đội ngũ phải nói là đông đảo quần tụ ở tạp chí Cửa Việt và Báo Quảng Trị. Hiện thực Quảng Trị bộn bề, vùng đất từng là âm vang chiến tích, khát vọng trước đây trong chiến tranh cũng như bây giờ trong công cuộc đổi mới, xây dựng, thừa đất thừa trời để thể ký tung hoành, dấn thân. Mười năm qua, ngoài các nhà văn đàn anh trụ cột trong thể ký như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: nhà văn Xuân Đức, nhà thơ Lê Thị Mây cũng đã xông xáo ở thể loại này. Lê Thị Mây khá thành công trong tập “Mưa ngâu” với nhiều bút ký để đời như Trên cánh đồng tháng Chạp Đông Hà mặt trời mọc ở phía Tây….Nối tiếp xuất hiện một loạt tên tuổi: Trần Đình Phùng với hai tập hồi ký Kỷ niệm một thời; Dòng sông chiều lặng, Trần Biên (Làng hầm, Đi tìm đồng đội), Lê Xuân Lãm (phóng sự Trâu bay), Lâm Chí Công (Phần thêm của thiên phóng sự; Manh chiếu giữa làn; Đêm đợi tiếng chày), Nguyễn Tiến Đạt, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Hoàn, Đinh Như Hoan, Lê Đức Dục, Y Thi, Minh Tứ, Đào Tâm Thanh, Ngô Nguyên Phước, Lê Nguyên Hồng, Lê Bỉnh, và gần đây Trần Hoài xuất hiện (với Cát đỏ; Cúc áo màu đỏ tím; Nhớ một lần tôi hát Tiến quân ca; Thức cùng thiên nhiên; Bảng lãng Cửa Tùng) khiến cho chúng ta không khỏi ngỡ ngàng. Đội ngũ ký của chúng ta một người một vẻ, tất cả đều xông xáo, nhanh và sắc. Chỉ mỗi một tổ phóng sự Cửa Việt vừa tái thành lập hồi tháng sáu năm nay nhìn vào, cũng đã chứng tỏ đấy là một thế mạnh. Hội thảo 6 tờ tạp chí Bắc miền Trung liên tục trong năm năm qua, các Tổng biên tập như nhà văn Đức Ban (Hà Tĩnh), Từ Nguyên Tĩnh (Thanh Hóa) óa)Hóa), Quang Hà (Thừa Thiên-Huế)… đều ước mơ, song không thể ngày một ngày hai tạo ra được một đội ngũ viết ký vừa hùng hậu vừa có ngón nghề vững, đã tạo ra được dáng vẻ riêng của một vùng đất,  một thế hệ cầm bút ở Quảng Trị sau năm 1990...

Tôi cho rằng đây là một hiện tượng, một đấu hiệu đáng mừng. Nhưng ai trong chúng ta trung thành, ăn đời ở kiếp với thể loại ký? Chúng ta đang làm ký văn học hay nghiêng về ký báo chí. Mười năm qua trong đội ngũ viết ký hùng hậu của chúng ta, tại sao chưa ai in nổi một tập ký riêng? Đó cũng là vấn đề đặt ra để Thường vụ Hội tiếp tục đầu tư chiều sâu và cũng là vấn đề mỗi tác giả ký chúng ta suy nghĩ, chọn lựa. Tập hợp cả lại thì có diện mạo chung, nhưng từng người thì chưa có diện mạo riêng, thật là đáng tiếc. Lập ngôn, hay để thành danh trong thể ký, tôi nghĩ, không phải là dễ, nếu anh không có những trước tác riêng có tầm tư tưởng và xét cho cùng là văn hóa, khả dĩ làm phong phú thêm tư duy của dân tộc. Nhà văn chuyên nghiệp ký như Hoàng Phủ Ngọc Tường sau các tập ký “Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu”, "Rất nhiều ánh lửa", "Ai đã đặt tên cho dòng sông", Hoa trái quanh tôi" đã tự lặp lại, tái bản mình trong “Huế - di tích và con người". Mười năm trở lại đây theo quan sát của chúng tôi, Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã chững lại, chỉ viết chừng năm đến bảy cái ký, tiêu biểu như “Đêm chong đèn nhớ lại; Hành trang của người và gió Không gian Lê Bá Đảng; Ngọn núi ảo ảnh”... Hai tập Nhàn đàm anh Tường mới xuất bản, theo tôi không ngoài mục đích nhất thời là đi và viết của người làm báo, viết để kiếm sống. Tôi không có ý nói viết nhàn đàm, những áng tản văn là dễ. Cho dẫu mục đích như thế nào thì khi viện dẫn nhà văn viết ký Hoàng Phủ Ngọc Tường ra là để có lời bộc bạch, tâm tình với đội ngũ kết ký chúng ta: làm văn trong ký hãy quan tâm đến văn hóa, đến lịch sử chính địa phương, vùng đất mình đang sống. Sau đó nữa là quốc gia, dân tộc. Và như thế có nghĩa ngoài kiến văn, cần tích lũy vốn sống, sự kiên trì trong lao động...Quảng Trị với thời gian mười năm tái thiết là ngắn ngủi, chưa ai dễ dàng gì thành công ở thể loại này thì cũng là một tất yếu.

Hiện nay, nếu tôi không nhầm, ký của chúng ta đang ở thời kỳ rầm rộ và  đa dạng phong phú nhất, song “lệch pha" ở chỗ nghiêng hẳn về báo chí, ít ai chịu làm văn, đầu tư cho những cái ký văn học. Tình trạng của chúng ta cũng như tình trạng chung của cả nước, "mốt" chung của cả nước là dễ dãi. Có người đã lạc quan tếu khi đưa ra nhận xét: "Mặc thì trở về với thổ cẩm, tơ tằm; ăn thì kiếm cơm niêu, cơm lam. Uống thì rượu cần. Ngủ đòi nhà sàn. Chơi thì về lễ hội. Phim ảnh thì về làng quê để quay. Trang phục xanh xanh đỏ đỏ làm như ông cha ta chỉ toàn hát bội, hát chèo...". Cái sự "dễ dãi" ấy là cái dễ dãi chung của cả nước trong đó có chúng ta, trong khi về mặt thể loại, ký không bao giờ chấp nhận sự dễ dãi. Thiết nghĩ, “mốt" ở mọi lãnh vực, nhất là thời trang lúc nào cũng có nhưng chưa phải là mẫu. Một cái ký viết ra dù là thời sự đến đâu nhưng phải sống mãi với thòi gian thì đó mới là mẫu (khác mốt), là ký văn học. Ký và tác giả ký phải đi, góc bể chân trời và "phải uống cuộc đời cho đến chiều tà cạn kiệt". Có ngã, bấy giờ đã ngã vào ngọn núi, biển cả hoặc dòng sông. Mười năm nhìn lại mảng ký, đâu là thành công, thất bại để định hướng, điều chỉnh cũng là một giải pháp thúc đẩy sự phát triển.

                                                                           Y.T.

 

HÀN NGUYỆT

 

ĐỂ CÓ NHỮNG BÀI THƠ HAY

 

T

rong dòng thi ca Việt Nam, có thể nói từ trước đến nay, những tâm hồn thơ Quảng Trị đã đóng góp nhiều áng thơ hay sống mãi theo thời gian và sống mãi trong lòng các thế hệ người đọc. Gần mười năm qua, kể từ khi tỉnh nhà lập lại, bên những tâm hồn cây đa, cây đề tỏa sáng, rất nhiều những mầm thơ đã nhú lên tỏa sáng làm phong phú sắc màu vốn đã rất phong phú của làng thơ Quảng Trị. Nói đến thơ hay, bạn yêu thơ không thể không nhớ dến gương mặt nữ sĩ Lê Thị Mây, thi sĩ Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Tiến Đạt, Lê Bá Tạo, Phan Bùi Bảo Thi, Hoài Nhạn, Đông Hà, Trần Xuân An, Phan Văn Quang, Lê Đức Dục, Nguyễn Trung Hữu, Hải Hiền, Lê Văn Trâm, Võ Văn Luyến, Võ Văn Hoa...và nhiều tác giả khác. Đất trời Quảng Trị nắng lắm mưa nhiều, hạn hán bão lũ quần xéo trên mảnh đất hố bom nên khi thi sĩ cất lên tiếng hát sẽ là hát những lời ca hoành tráng đầy khát vọng, thủy chung và sâu thẳm. Nói đến mỗi tác giả thơ Quảng Trị, hầu như bạn đọc ít nhất cũng nhớ vài bài thơ hay của họ. Lê Thị Mây trong bốn tập thơ xuất bản gần đây, có rất nhiều bài thơ hay đi vào lòng bạn yêu thơ. Có thể thấy được tâm sự, nỗi lòng của nhà thơ qua những câu thơ giản dị mà giàu chất thơ:

Biết lòng thổ lộ cùng đâu

Gió thì thinh lặng dây bầu trở xanh

Từng ngày từng tháng mong manh

Từng đêm vạt áo hong hanh lại nhàu

(Thổ lộ)

Những câu thơ tưởng chừng như đơn sơ giản dị nhưng khi tác giả dùng từ "hong hanh" thì câu thơ sáng lên, tâm trạng bay bổng trở nên rất sâu. Qua nhiều bài thơ hay, câu thơ hay của chị, người đọc thấm thía một tâm sự buồn nhưng rất yêu đời, yêu người, mong chờ từng phút từng giây hạnh phúc rung lên từ trong hồn thơ lung linh. Vết thương trong lòng nhà thơ là vết thương ngọt ngào, đằm thắm và cả đắng chát, biệt ly. Chị nói:

Trong đất vết đạn cũ dần

Trong tim vết sẹo còn lành được không

(Vết thương)

         Tập thơ :"Du ca cây lựu tình" của Lê Thị Mây xuất bản năm l996 là một tập thơ hay với những bài thơ có thể loại, câu từ mới mẻ.

Nguyễn Hữu Quý, thi sĩ của lòng thủy chung. Thủy chung với đất, với trời

với tình yêu và cả nỗi đau. Đọc thơ Nguyễn Hữu Quý từng câu gieo vào lòng ta một cảm xúc đằm thắm, dịu dàng và gợi cảm, làm ta yêu hơn mảnh đất Quảng Trị hoang tàn, khói bom mà vẫn dào lên một niềm tự nào kiêu hãnh:

Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn

Mười nghìn lời ca trong bài ca lớn

...

Mười nghìn khát vọng được về bên nhau

(Khát vọng Trường Sơn)

 

            Bài thơ được Tạp chí Văn nghệ Quân đội tặng thưởng năm 1996 và mãi mãi được nhân dân Quảng Trị và cả nước khen tặng bởi đã thay cho họ nói được cảm xúc lớn trước các anh hùng dân tộc đã ngã xuống cho Tổ Quốc.

            Thơ Nguyễn Hữu Quý dung dị nhưng rất mặn mà, thiết tha. Có thể thấy hiện về nét dịu dàng quyến rũ trong ngày mùa qua bài “Gánh cốm” đầy sức gợi cảm:

            Em rao mùa xuân

            Bằng lời của lúa

Tay nồng hơi lửa

Em mời hương thu

Hạt xay bằng trăng

Hạt giã bằng gió

Nỏ đợi tháng mười

Như nợ ngày gặt…

Người lính thủy chung và lãng mạn trong anh đã chắp nên những vần thơ đẹp:

Những người lính cầm bông huệ trắng

Trở về nơi mình đã ra đi

(Bông Huệ trắng)

Nguyễn Tiến Đạt là một thi sĩ sinh ra trên vùng đất cát bạc màu Quảng Trị. Cuộc mưu sinh khó nhọc nơi chôn nhau cắt rốn đã trở thành niềm day dứt khôn nguôi trong thơ anh. Đọc thơ Nguyễn Tiến Đạt có khi là đọc những dòng nước mắt không sao chảy ra được, dòng nước mắt cảm thông sâu sắc và rung lên trước cái đẹp nhọc nhằn của quê hương để  rồi kết tinh thành những câu thơ đậm đà một tình yêu lớn - tình  yêu xứ sở.

Liêu xiêu mấy cụm tre làng

Lui thui mấy gánh rơm vàng đường trơn

Quanh năm sợ cơn lũ nguồn

Sợ mùa nắng cháy đến thâm mắt người

(Làng)

Thơ Nguyễn Tiến Đạt là một tâm sự da diết, cô quạnh, một tâm hồn nhạy cảm, đa năng. Có thể gặp rất nhiều thơ hay ở Nguyễn Tiến Đạt nhưng nổi lên vẫn là một dự cảm buồn rất thơ, rất chín.

Đôi khi như hạnh phúc tê tái

Trầm trầm đưa tiễn đến muôn sau

Ba mươi năm nữa ai quấn quýt

Rưng rưng tóc bạc trắng lên đầu

(Đôi khi)

Hay những câu

Cứ thế mà đi giữa cuộc đời

Một bóng lù lì một bóng thôi

Nếu tắt mặt trời thì có lửa

Hết lửa ta tìm bóng ma trơi

(Dặn mình)

Dẫu có “bóng ma trơi” thì “ma trơi” của Nguyễn Tiến Đạt vẫn rất nhân bản, rất đắm đuối và rất tình.

Đối với Phan Văn Quang, nhiều bài thơ hay trong các tập thơ "Ta ôm một

nửa đời luân lạc""Mưa nắng quanh đời”, ta bắt gặp một tâm sự buồn và thương đến tê buốt. Phan Văn Quang đắm say với từng lá cây ngọn cỏ, trái tim nhạy cảm với tất cả mọi cảm xúc từ thiêng liêng đến trần tục. Ta có thể thấy rõ sự nhạy cảm này trong những câu thơ, bài thơ rất tinh tế đằm thắm:

Mẹ già bảy chục sương vào tóc

Bỏm bẻm trên môi đỏ miếng trầu

Mừng con lên tỉnh thêm vài cháu

Buồn nghe kế rụng nửa vườn sau

(Quê ngoại)

Hay những câu:

Xin em  mảnh chiếu nằm riêng

Nghiêng vai đụng cõi dịu hiền ngày xưa

Mái đời mòn mỏi giọt mưa

Rá rau không đủ nhưng thừa nỗi đau.

Đó là nỗi đau của hồn nghệ sĩ, của hạnh phúc và đắng cay.

Trong sáng tác của tác giả Nguyễn Trung Hữu có nhiều bài thơ mà ý, tứ, cấu trúc ngôn ngữ rất mới, tạo sự bất ngờ làm cho người đọc có một ấn tượng riêng. “Bài thơ tháng 5” là một ví dụ:

Con đọc thơ Người trong chiến tranh

Nghe kèn thúc trận pháo đao binh

Thái bình con đọc vần thơ thép

Mà giữ giang sơn, giữ lấy mình.

Vâng. Thơ Bác là động lực thiêng liêng để tác giả và mỗi con người Việt Nam có thêm sức mạnh đánh giặc, nhưng cái quan trọng nữa trong lúc này là có Bác nhắc nhở để mỗi người giữ lấy lý tưởng, giữ lấy nhân cách phẩm giá và tâm hồn Việt Nam...

Trong khuôn khổ bài viết hạn hẹp thật khó kể hết và đi sâu phân tích nhiều bài thơ hay, đoạn thơ hay, câu thơ hay, ý thơ hay của nhiều tác giả thơ Quảng Trị, mà quả thực tôi rất yêu mến và cảm phục.

Tuy nhiên cũng cần nói thêm rằng, trong dòng thơ của Quảng Trị những năm qua, có không ít những bài thơ chưa hay, thơ chưa phải là thơ, nghĩa là văn vần chứ chưa mang tính nghệ thuật. Người làm thơ có lúc còn dễ dãi, cạn cợt, nhiều bài thơ vô tình tạo ra cảm giác coi thường độc giả.

Cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất, chính xác nào về thơ. Nhân loại đã không háo hức khi đi tìm định nghĩa cho thơ mà để cho mỗi người tự cảm nhận. Chỉ biết rất rõ rằng thơ hiện diện trong cuộc sống như đất trời không thể thiếu nắng và hoa hồng vậy. Thơ là một hiện tượng phong phú, phức tạp, thơ có một hàm nghĩa rộng...

Vậy nên để có những bài thơ hay người làm thơ phải là một người giàu tình cảm, suy nghĩ, nhịp điệu, âm thanh. Lúc sáng tác nhũng bài thơ hay là lúc tâm hồn người làm thơ dạt dào cảm hứng, xúc động trước cuộc sống và con người, đồng thời cũng là lúc người làm thơ tìm ra những lời, những tiếng, những vần, những điệu có thể diễn tả được những cảm hứng, xúc động ấy và truyền đạt nó đến người đọc.

Chúng ta làm thơ, nhưng chúng ta khó nói trước rằng chúng ta sẽ làm thơ hay. Nếu ai đó nghĩ ràng tôi chuẩn bị làm một bài thơ hay thì đó là sự chủ quan ngộ nhận. Thơ là một sản phẩm của một sự sáng tạo hết sức bất ngờ. Thơ hay là lâu đài nguy nga mà thi sĩ phải đi qua nắng, mưa, bảy sắc cầu vồng và cả gai nhọn để xây dựng nó. Muốn có thơ hay, người làm thơ phải mở lòng yêu cuộc sống, bao dung với vạn vật và rung lên cùng vạn vật. Muốn có thơ hay, người làm thơ phải sống bằng hơi thở của thơ, nhịp diệu của thơ, đắm đuối của thơ, yêu Nàng thơ như yêu chính trái tim mình và tôi rất tin ở những tâm hồn thơ Quảng Trị.

                                                                                         H.N.

 

 

 

NGUYỄN TIẾN ĐẠT

 

KHÁT VỌNG VĂN HỌC TRẺ

 

T

uổi trẻ chính là tiềm năng của mọi quốc gia, mọi thời đại. Trong lĩnh vực

văn học nghệ thuật tuổi trẻ đồng nghĩa với tài năng, sáng tạo. Nhìn lại lịch sử văn học nghệ thuật thế giới những tên tuổi như Puskin, Blok, G.Lơn đơn... Cũng như ở Việt Nam, sự nghiệp văn học của Tô Hoài, Nam Cao, Bích phê, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên...và nhiều nhà văn khác đều nổi tiếng khi họ đang ở tuổi đôi mươi, thậm chí trẻ hơn nữa như nhà thơ Trần Đăng Khoa thành danh ở tuổi thiếu niên. Tác phẩm của họ làm vinh quang nền văn học nghệ thuật đất nước.

Trong công cuộc đổi mới toàn diện và sâu sắc hôm nay, Đảng và Nhà nước luôn luôn chú ý đến việc đào tạo bồi dưỡng nhân tài từ tuổi trẻ, xem đó là "quốc sách” là động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội. Văn học nghệ thuật Việt Nam là một nền VHNT trẻ của một đất nước vừa thoát ra khỏi chiến tranh, công cuộc xây dựng cũng đang ở tuổi hai mươi lăm tráng kiện của thời gian hòa bình... Cuộc sống mới đang đòi hỏi khắt khe hơn là phải có những tác phẩm xứng đáng với thực tiễn đầy sôi động của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, của thế kỷ hai mốt. Điều đó đòi hỏi những nỗ lực quan trọng của lực lượng sáng tác trẻ.

Tuy nhiên, từ cơ chế bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công việc sáng tác của nhà văn. Ngoài việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội thì cơ chế thị trường cũng đặt con người trước sự thử thách của đồng tiền, sự tha hóa về đạo đức, lối sống thực dụng. Nhiều người đã bỏ bút nghiên để lao vào công việc làm ăn kinh tế, những mánh mung vặt vãnh đời thường... Họ coi văn học chỉ là sự trang sức phù phiếm dùng vào những lúc lên sân khấu mua vui mà quên đi ý nghĩa cao cả đích thực của văn chương muôn đời.

Bên cạnh sự tác động của cơ chế thị trường, nguyên nhân chủ quan của người cầm bút thì sự lãnh đạo của các cấp Hội, Sở về Văn học nghệ thuật từ trung ương đến địa phương còn thiếu sâu sát. Mặt khác trong những năm gần đây, sáng tác văn học của lực lượng trẻ thường sa vào dễ dãi ít đầu tư. Về văn học thì tiểu thuyết, lý luận phê bình rất mờ nhạt, nổi lên là hiện tượng xuất bản các tập thơ từ già đến trẻ, đủ mọi thành phần, mọi địa phương, gây nên một sự nhàm chán, hạ thấp giá trị đích thực của thơ ca. Thậm chí có nhiều người quá nhiều tiền, vẽ vời làm thơ rồi in kiếm chút danh hão. Trong lúc đó, một số Hội văn nghệ không có sự can thiệp nào về nghiệp vụ lại lấy đó kê khai vào thành tích xuất bản của Hội mình. Điều này gây nên sự ngộ nhận, ảo tưởng về thơ ca của không ít người. Đó là một thực tiễn đau lòng đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương. Có một “cửa khẩu” thường bị bỏ ngõ để các loại thơ ca sáo mòn, cũ rích xâm nhập nữa là sự dễ dãi của một số tờ báo... Lại nữa, có nhiều tác giả trẻ chưa định hình phong cách, tác phẩm chưa có gì đáng nói nhưng cũng được một số tờ báo tung hê, ca ngợi hết lời gây nên một bầu không chí vẩn đục trong văn học nghệ thuật, làm cho công chúng hết súc coi thường đội ngũ sáng tác thơ ca nói riêng và đội ngũ hoạt động văn học nghệ thuật nói chung. Vậy làm gì để lực lượng sáng tác trẻ có những tác phẩm tốt. Đây là vấn đề được Hội Nhà văn đặt ra một cách nghiêm túc. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nói đến phạm vi nhỏ hẹp hơn, gói gọn trong tỉnh Quảng Trị. Thực tiễn những năm qua hoạt động văn học ở Quảng Trị gần như chùng xuống, chưa hòa nhập kịp trong phong trào hoạt động văn học của cả nước. Bên cạnh những nhà văn có tên tuổi từ trước thì đội ngũ sáng tác trẻ nói riêng và đội ngũ sáng tác văn học của Quảng Trị nói chung chưa có gì đáng nói, mới chỉ dừng ở mức phong trào đại chúng mang tính tuyên truyền. Truyện ngắn và thơ ca không ngoài công thức: Khó khăn - khắc phục - nhất định thắng lợi - ngày xưa anh và em yêu nhau - bây giờ con sáo sang sông -  Buồn! Những nỗi buồn từ thời thiên cổ. Đa số các tác giả giả trẻ hiện nay đều giỏi chữ nghĩa, họ mổ xẻ nỗi buồn một cách tinh vi. Tuy nhiên vẫn không ngoài cái tôi ướt ruột của văn học giai đoạn 30 - 45. Những bậc kỳ tai như Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận đã viết hết rồi, dù chúng ta có đánh bóng loáng hơn, tây hóa hơn vẫn không thể nào đánh lừa được độc giả.

Ở Quảng Trị chúng ta lực lượng trẻ chưa rộ lên nhiều như những nơi khác. Có một vài gương mặt vừa mới xuất hiện như Trần Thanh Hà, Nguyễn Hữu Quý, Lê Đức Dục thì đã đi khỏi nơi khác. Văn học trẻ Quảng Trị nằm ở lực lượng báo chí, phát thanh. Vì vậy văn chương mang đậm chất báo. Từ lúc lập lại tỉnh đến nay Hội Văn học nghệ thuật Quảng Trị có dè xẻn chút ít tiền bạc cố gắng in ra một số tuyển tập như: “Còn đây thương nhớ", "Cơn bão đá”... mang tính phong trào, ai cũng góp mặt cho bình đẳng. Còn lại các cá nhân tự xoay xở lấy, in được thì tốt, không in cũng chẳng sao. Chất lượng tác phẩm còn nhiều vấn đề phải bàn lại.

Nói như vậy chúng ta không phải quá bi quan. Chúng tôi tin rằng Quảng Trị là mảnh đất giàu truyền thống văn học, thời nào cũng xuất hiện những tài năng đóng góp lớn cho nền văn học nghệ thuật nước Việt. Tuy nhiên sáng tạo văn học ở lực lượng trẻ ở Quảng Trị hiện nay có phần bị chững lại mà muốn thức dậy những tiềm năng ấy cần phải có sự tác động từ nhiều phía.

Trước kết cơ quan chủ quản là Hội Văn nghệ, Sở Văn hóa thông tin địa phương cần làm tốt hơn công tác tham mưu cho Đảng, Chính quyền có chế độ khen thưởng, động viên phong trào sáng tác văn học, đặc biệt là giải thưởng hàng năm. Bản thân cơ quan Hội xứng đáng là nơi tập hợp lực lượng, hướng dẫn nghiệp vụ, thúc đẩy phong trào sáng tác. Bên cạnh việc mở trại sáng tác, cần phải tổ chúc tọa đàm, sinh hoạt, đêm thơ để hội viên công bố tác phẩm của mình, có như vậy mới kích thích được sự sáng tạo. Theo chúng tôi Hội văn nghệ nên thành lập Hội đồng biên tập thơ văn, sẵn sàng loại bỏ những tác phẩm có chất lượng yếu. Nếu tác phẩm đạt chất lượng tốt, tùy theo yêu cầu của tác giả để giới thiệu đến Nhà xuất bản Trung ương. Đặc biệt cần phải có chính sách đầu tư thỏa đáng cho tác phẩm được in và kế hoạch giải quyết đầu ra cho tác phẩm. Những tác giả có triển vọng trong tương lai có thể đầu tư đặt hàng dài hạn.

Điều cuối cùng là ý thức vận động, là tài năng, sáng tạo của mỗi tác giả. Văn học nghệ thuật là một lĩnh vực cực kỳ khó, một hoạt động đặc thù của trí não không phải chuyện của ngày một ngày hai ăn xổi ở thì. Tôi thấy một số người in được một vài bài đã tưởng mình thành tài. Văn học nghệ thuật là sự nghiệp của một đời người đầy khổ lụy. Vinh dự cho chúng ta được sinh ra trên đất mẹ Quảng Trị anh hùng và giàu truyền thống văn hóa, cuộc sống mới đang chờ những trang sách mới, khát khao và hy vọng lắm thay!

                                                                                         N.T.Đ.

Trần Biên:phay: Y Thi:phay: Hàn Nguyệt:phay: Nguyễn Tiến Đạt
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 52 tháng 01/1999

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground