N |
ếu ai đó hỏi, sự nghiệp văn chương của Hoàng Phủ Ngọc Tường rút cuộc là gì? thì câu trả lời: bút ký. Bút ký Hoàng Phủ là những giọt mưa dầm được lọc qua vỏ trái đất, bốc hơi và ngưng tụ thành sương, âm ỉ thấm cả vào đá núi. Trong Ai đã đặt tên cho dòng sông, ngoài “số trang” được lấy từ 2/3 cuốn Trịnh Công Sơn - Cây đàn Lya của Hoàng tử bé (mà tôi mạn phép không bàn tới trong bài viết này); trong khối lượng đáng nể của mình, Hoàng Phủ đã “dứt ruột” (chỉ) chọn ra 16 bút ký, nên là tinh tuyển, đáng gối đầu giường đọc một cách chậm rãi.
Đọc văn Hoàng Phủ, biết ông là một người đi nhiều, phiêu lưu và thậm chí mạo hiểm. Cũng nhờ vậy, ngồn ngộn dữ liệu tinh tươm, sống động được chuyển tải qua chu trình thai nghén đầy chiêm nghiệm từ mong manh gió sương cho tới sự trường tồn của núi đá, thời không. Chỉ Ngọn núi ảo ảnh, đã khối chuyện li kỳ: chuyện bà Rôme chủ đồn điền ở Khe Sanh, với đặc sản “cà phê chồn” chuyện ông Martin dám xây một khách sạn mười lăm phòng thời lên Bạch Mã còn phải đi bằng kiệu trên đường sạn đạo; chuyện tranh đấu của học sinh sinh viên; chuyện về con ngựa hoang núi Hồng Lĩnh Võ Thành Minh, ngồi thổi sáo bên bờ hồ Leman để phản đối chia cắt đất nước; người đã “nộp đơn lên Ngô Tổng thống, xin cho ông đóng một chiếc bè sống trên sông Bến Hải, làm người đưa thư giữa hai miền, để đến phút cuối đời ông được nằm chết với chiếc bè của ông đúng trên vĩ tuyến 17, hai tay dang ra níu lấy hai bờ của dòng sông”... Chuyện ông Ngô Đình Cẩn cất lên một cơ ngơi mà chỉ mấy năm sau “ông ta đã phải vứt lại hết sau lưng để đi tới cọc xử bắn của khám Chí Hòa”. Như con sông từ nguồn ra biển, qua Hoàng Phủ chúng ta biết đến bóng dáng cô đơn đến gãy đổ, đó là Giang, với“những buổi tối chập choạng đi ăn cơm quán về giữa thị trấn tràn ngập những bầy bò rung hạt chuông leng keng hòa lẫn với tiếng chuông nhà thờ chiêu hồn những người lính chết trận”... Trong Rừng cười thì ngược lại. Sự xúc tác giữa ngô nghê và triết lý sống mang tính hoang dã phồn thực của những nhân vật xứng danh anh hùng vùng rừng núi Thừa Thiên đã kiến tạo nên khoảng thời gian xanh tươi giữa sự gầm rú kinh hoàng của bom đạn giặc thù, và lúc đó nỗi ảm đạm rừng già trở nên trong veo từ riêng rẽ từng tế bào số phận.
Hoàng Phủ luôn đi tìm “những thời gian hoang phế”. Bởi, “những phế tích luôn luôn mang một vẻ đẹp riêng; vẻ đẹp đau đớn của những tháng tích còn lưu giữ lại trên tro tàn của những gì mà con người từng xây dựng nên”. Ở múi thời gian trong chiều thăm thẳm của vũ trụ, Hoàng Phủ đã đồng điệu với Marcel Proust khi nhà văn Pháp này “ủ” mình trong bóng tối để “tìm thời gian đã mất”. Thời gian là gì, nếu không là thước phim về chiều lịch đại mỗi linh thể sống, gồm cả những lát cắt mà không trí nhớ nào có thể phục hồi nguyên vẹn nỗi xót xa. Ta có thể làm một phép so sánh. Trong chiến tranh, Diễm xưa của Hoàng Phủ là gương mặt “đẹp hoang đường như thần nữ”.Thiếu nữ miền sơn cước đã may mắn thoát chết ấy, sau chiến tranh là một amế “lưng gù”, “đôi vai xô tới trước”, “da mặt đen xỉn” mà khi biết chắc đấy là Diễm xưa, Hoàn Phủ đã “rùng mình” hồi tưởng...
Nếu Hoàng Phủ cho phép, tôi thử dụng hình ảnh sau đây để viễn du vào thế giới tâm hồn ông. Một đêm chìm vào giấc ngủ, linh hồn Hoàng Phủ lén nhập vào chú dế, lang thang khắp nẻo luân hồi, và dĩ nhiên, nó phiêu lưu qua bốn mùa trần thế, qua “những đám rêu xanh lục trải rộng mịn như nhung, trên đó hơi ẩm kết những hạt cườm tẩm mưa bụi mát rượi. Không có gió nhưng rừng tùng vẫn reo mơ hồ, như mạch suối ngầm mùa Xuân, như điệu nhạc khèn bát của sơn nhân vẳng lại” “đêm mùa hạ, thơm ngát mùi hương ngọc lan, trong những khu vườn tối, và trên trời nhiều mây trắng” “gió thổi mây về phía cửa sông, mặt nước phía dưới cầu Tràng Tiền đen sẫm lại, trong khi phía trên này lên mãi gần Kim Long, mặt sông sáng màu ngọc lam in những vệt mây hồng rực rỡ của trời chiều” “mùa đông về dằng dặc trong tiếng động nghìn trùng của lá... Đấy là “phép tính” lỗi thời mà tôi đã chắp vá từ bốn đoạn văn (Xuân - Hạ - Thu - Đông) trong ba bài bút ký khác nhau của Hoàng Phủ, hòng “ba thu gom lại một ngày” sau cái đêm chú dế kịp trở về trả lại linh hồn cho ông trước lúc trời rạng.
Từ thiên nhiên đến con người, khoảng cách được rút ngắn dần để rồi dung hoà thành những vật thể có sinh mệnh như nhiên. Người làm vườn, ở Huế là một phụ nữ bận rộn hơn mà cũng ưu tư hơn cả R. Tagore thi sĩ: “mùa Xuân, bà trồng thêm cây, mùa Hạ làm cỏ đốt lá, mùa Thu hái quả, mùa Đông đọc sách hái măng, thầm lặng chờ Xuân đến” đúng như tên gọi bộ phim thuộc hàng kinh điển: “Spring, Summer, Fall, Winter, anh Spring...” Samsara- vòng luân hồi thấm đẫm cả vào mùa thi ca lúc người làm vườn lặng “nhìn thành phố lên sương và nghe tiếng chuông thu không của mấy chục ngôi chùa cổ quanh núi rơi thánh thót giống như một cơn mưa thiền nối tiếp”.
Hoàng Phủ là vậy, đọc văn ông nhiều lúc ngỡ thơ. Nghĩa là chỉ cần cắt tỉa chút xíu... Đoạn văn: “nghe tiếng gọi ngoài cửa tôi mừng quá, đặt bút chạy ra mở cửa. Hoá ra chỉ là tiếng gió thổi, mấy chiếc lá khô theo cơn gió chạy dài dọc hành lang” được Hoàng Phủ “chế” thành cặp lục bát mà người đời khen mãi: Tôi ra mở cửa đón người/ chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang. Nghiễm nhiên Gió ấy trở thành chủ thể của cảm hứng nghệ thuật, sau Con Người. Từ thiên nhiên đến thế giới nội tâm, Hoàng Phủ đã tìm ra cách lý giải về nguồn cội của loài động vật được vinh danh hàng đầu trên hành tinh xanh hiện là “độc bản”: “Con người thật giống bản lai của nó là Trái Đất, với muôn vàn những dòng sông lặng lẽ chảy suốt đêm ngày trong thân thể nó là những dòng máu, vận hành trong lẽ tuần hoàn của vũ trụ và chuyên chở biết bao điều huyền nhiệm của cuộc sống”. Đó là đoạn văn không thể viết lại lần thứ hai trong nghiệp dĩ văn chương. Hoàng Phủ, một trong số hiếm người đang sở hữu nhiều đoạn văn hay nhất hiện nay mà nếu không khập khiểng thì chỉ có thể so sánh với nhiều câu thơ hay dành cho nàng Kiều của Nguyễn mà thôi. Chính nhờ vậy, lạ lùng thay, không những dòng sông mà thành phố nơi Hoàng Phủ đang sống cũng rệu như cội nến, chảy miên man rồi khai sinh cho mình dòng tên Sử thi buồn: “Ngay trong thành phố, thỉnh thoảng người ta vẫn gặp một vài đám lau sậy um tùm, tưởng như chỗ buộc thuyền của người kỹ nữ bến Tầm Dương xưa, và chàng Tư mã khóc đời bằng dòng nước mắt màu xanh, nên bây giờ dòng nước sông Hương xanh thẳm đến lạ lùng”. Ai đã đặt tên cho dòng sông thường e ấp giấu mình trong lãng đãng hơi sương của chốn thiền kinh? Sông Hương trong văn Hoàng Phủ, như người con gái bước ra từ một huyền thoại buồn loang cả vào mai sau.
Yêu thiên nhiên cây cỏ, Hoàng Phủ đã đặt chân đến hầu hết tầng “không gian huyền nhiệm kiểu phương Đông, với thiên nhiên đầy hoa rừng mùa Xuân, nắng rực rỡ mùa hè, và sương khói mộng ảo mùa Thu”. Có những vùng đất, địa danh tên sông tên núi tên người, chỉ một áng văn, dòng thơ, một niệm khúc nhưng là vĩnh viễn không thể sinh động hơn. Thì trước nhất, đoạn văn dưới đây về Bạch Mã là minh chứng: “Sách kể chuyện thần tiên xưa nói rằng ba mươi năm một lần, biển xanh hóa thành ruộng dâu. Biển dâu thời tôi sống kéo tới dồn dập đến kinh hoàng. Biển dâu trên thời đại, trên đời dân, trên phận người, trên cây hoa anh đào. Biển dâu đến cả hoa kia cỏ này. Bạch Mã như một thành phố ảo trong sa mạc, huy hoàng phút chốc rồi tan biến, chỉ còn lại một bóng núi lau mờ”... Cho tới lần đặt chân lên vùng đất Quảng trị, cái duy nhất thường gọi “đặc sản” là gió gió ấy táp vào mặt Hoàng Phủ: “Từng chiếc lưỡi nóng bỏng, như thể đâu đó giữa không trung, những con quái vật thời tiền sử đang phun lửa xuống mảnh đất khô khốc vùng hoả tuyến. Gió tràn qua những ngôi làng đất ba dan vùng Gio Linh, dấy lên những đám bụi đỏ mịt mùng. Dưới sức thiêu đốt của gió, tre già nổ ran như tiếng súng giao tranh trải khắp một vùng mênh mông dưới chân Dốc Miếu”. Hay khi Hoàng Phủ đứng trên đỉnh Côn Sơn hoang vắng cố nhân mà bùi ngùi tâm cảnh: “Những gì còn lại ở Côn Sơn sương khói, thông ngàn, gió núi, đá ong và cỏ dại, tất cả đều mang dấu ấn tâm linh của Nguyễn Trãi. Chẳng phải sao chính tiếng hát miên trường của rừng thông đã vang vào khát vọng Nhân Nghĩa của tâm hồn ông”...; chính là Hoàng Phủ đã nhào nặn triến lý Thiền với bản thể con người mờ ảo sắc không sanh đấy diệt đấy; chính là Hoàng Phủ đã “thấu hiểu nhiều hơn về nét đạo của các đấng tiên hiền, vẫn coi lầu son gác tía đều là cõi tạm, và đến khi cần tới tiết tháo hoặc khi đời không còn nhiệm vụ gì thì nhẹ thênh quay về căn nhà vĩnh hằng của tâm thức giữa lòng vũ trụ xanh biếc”.
Đọc Đời rừng, tôi không khỏi ngạc nhiên về độ phì nhiêu của trí tưởng trên những nẻo đường thấm đẫm mưa mong thuở hồng hoang dáng núi. Rừng tùng ngút ngàn, sung sức ken dày một thủa, là nơi đoàn tụ của lũ phượng hoàng bay từ mù xa truyền thuyết, nay chỉ là một ngọn đồi trọc lốc không hy vọng chồi non bật nhú kể từ sau chiến dịch Ranch Hand “đã triệt hạ những nơi nó đi qua đến tận chếc lá cuối cùng”. “Cô gái đẹp của mùa màng cùng với nàng tiên của những giấc mơ khoa học đã chết” “Tôi đã có dịp trở lại trên những cánh rừng cũ, ngang dọc hàng trăm cây số vẫn cứ thấy thăm thẳm trước mắt cái vương quốc hư vô của cỏ hoang”. Nhưng chỉ ở đấy, Hoàng Phủ mới có dịp phiêu du cùng loài tiên nữ. Trong Sử thi buồn, nhân vật Kon Lai là người đã đi hết ngọn nguồn sông núi, rừng thẳm, đã nếm trải hết mùi vị từ bầu sữa thiên nhiên và “suốt đời ngủ dưới sao với giấc mơ Thiên Thai riêng của Người Núi”. Trong những khoảnh khắc không hiếm hoi gì nhiều, Kon Lai đã gặp “những cô gái trần truồng, hơi thấp nhỏ nhưng trắng trẻo xinh đẹp hơn người dương trần và đi lại dễ dàng trên mặt nước”. Tôi cũng như Kon Lai, Hoàng Phủ, tin: đó là tiên nữ sông A Pàng trong huyền nhiệm riêng của sự thật. Cũng như luôn tin rằng “một phần của nước sông A Pàng rẽ ra để chảy về cõi âm” xa lắm.
16 bút ký, mỗi tác phẩm mỗi hướng nhìn khác biệt, song theo tôi chúng chung dòng máu chảy ra từ thăm thẳm một phần của người mẹ tâm linh. Nếu để chọn ra 3 bút ký hay nhất, đầu tiên tôi sẽ chọn Sử thi buồn; vì thế không thể xếp Ai đã đặt tên cho dòng sông kế tiếp, mà thay vào đó còn có Côn Sơn... Và nếu để chọn thêm một bút ký “lạ” nhất, thì đấy phải là Ngọn núi ảo ảnh. Lạ bởi nó chứa nhiều thể loại (trong một thể loại) - đây hẳn là nhận định chủ quan nhất của tôi trong bài viết này.
Tôi đã đọc được bài tùy bút nguyên vẹn trong Ngọn núi ảo ảnh, từ “những ý niệm hình thành trong tuổi thơ” cho tới... “nó làm tôi quặn lòng, chừng nào cái nhìn buồn bã của tôi còn quay về phía những bãi biển - nương dâu mênh mông nơi trần thế”. Tôi đọc được dòng thông tấn báo chí: “được khám phá vào năm 1932, ở độ cao 1.450m với khí hậu ôn đới (từ 4 - 220 tùy theo mùa), khu quần sơn Bạch Mã”... cho tới... “chỉ cách bãi tắm Cảnh Dương nổi tiếng bằng một con đường đèo ngoạn mục dài 19km và nối liền với Huế bằng đường ô tô dài 1 giờ 15 phút từ đỉnh núi”. Tôi đọc được cuộc “hội nghị” sôi nổi về đề tài “Tổ quốc là gì?” từ: “xin cụ vui lòng cho biết” cho tới... “họ đều là tiền bối của thế hệ chúng ta”. Tổng kết: “Tổ quốc trước hết là rất cụ thể, như trên bản đồ chẳng hạn. Và phần mênh mông còn lại, Tổ quốc chìm sâu trong tâm linh của mỗi người”. Cũng trong Ngọn núi ảo ảnh, thật ngạc nhiên, còn có cả truyện ngắn được thể hiện với bút pháp không kém phần lung linh như là sự đáp lời chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh. Truyện mở đầu: “Trời sẫm mây. Gió từ biển vào, lượn rồng rắn trên đầu rừng lau, làm dậy tiếng rì rào khô khốc rất rộng quanh tôi”. Và kết: “Nàng đăm đăm nhìn tôi, nói bằng giọng trang nghiêm mà tôi hiểu rằng người ta chỉ dùng để nói một vài điều nào đó trong cả đời người”...
Âm hưởng truyện ngắn cũng được bắt gặp trong Rất nhiều ánh lửa, khi tác giả - người thầy năm xưa nhớ lại người học trò, trong một đêm khi Hoàng Phủ “đang lang thang trên những con đường vắng, chỉ để lắng nghe tâm hồn bị dày vò bởi muôn vàn nỗi khổ đau siêu hình về chiến tranh, thì Dân đang phải luồn qua những vùng bóng tối ngoại ô để tìm cách giết giặc”. Niềm hối hận vì đã quở mắng Dân “ngu như bò” khiến người thầy không chấm nổi điểm 0 mà “hạ thấp cái chao đèn xuống... ngồi bưng mặt giữa hai lòng bàn tay, im lặng như một cái bóng”. Nhịp tiết tấu chậm, song mạch cảm xúc lộ dần tăng dần đã khiến người đọc cứ rưng rưng nỗi gì...
Văn Hoàng Phủ là một dòng chảy tâm thức như chính dòng Hương của Huế: đằm sâu, lãng mạn với rất nhiều những cổ vật được vớt lên từ phong ba lịch sử mà người ta từng biết và luôn biết rằng chúng hãy còn dưới đáy sông kia.
N.N