Với tinh thần “bao quát về tỉnh Quảng Trị trong chuỗi thời gian dài từ khi chia tách Bình Trị Thiên, lập lại tỉnh Quảng Trị đến nay mà trong đó, ngoài viết về nhiều công trình nổi tiếng của Quảng Trị là sự khắc họa các nhân vật lịch sử, nhân vật văn hóa của Việt Nam cũng như những bài viết về Huế, Trường Sa, thi nhân Hàn Mặc Tử,… đều liên quan Quảng Trị”.
55 bút ký và phóng sự in trong tập sách Nơi đầu cầu liên Á chuyển tải những dự báo, dự cảm của tác giả Nguyễn Hoàn mà đến nay hầu hết đã trở thành hiện thực. Từ đó, bạn đọc gặp trong những trang sách này rất nhiều nỗ lực của đất và người Quảng Trị trên Hành lang Kinh tế Đông - Tây khi xây dựng cảng biển nước sâu Mỹ Thủy, đền thờ vua Hàm Nghi, di sản của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, di sản của nhà thơ Chế Lan Viên,… Đó là những trang viết tha thiết niềm tin “Đông Hà hướng đến cấu trúc thành phố bên sông trong quy hoạch phát triển không gian đô thị, tôi nhớ đến những nền văn minh rực rỡ đã phát tích bên những dòng sông và nghĩ về vị thế của sông Hiếu với Đông Hà, dòng sông xanh làm mát hồn Đông Hà phố”, “Dầu cảng nước sâu Mỹ Thủy nay mai thắp sáng cả chân trời Mỹ Thủy, chân trời Quảng Trị xán lạn, huy hoàng!” và sự khẳng định nhà lưu niệm Chế Lan Viên là “nơi để nhớ về Chế Lan Viên trên đất quê hương mang hình bóng mẹ, nơi đất đã hóa tâm hồn” cũng như Quảng Trị là địa phương xuất khẩu ớt Câu Nhi, tiêu Tân Lâm, rượu Kim Long, cà phê Hướng Hóa “để những đặc sản đắng cay của Quảng Trị mãi mãi làm mềm môi và ngọt lòng khách muôn phương”.
Khi viết về Vĩ tuyến 17 và dòng Bến Hải, tác giả Nguyễn Hoàn là người đã “khai sinh” cụm từ lũy thép - lũy hoa mà về sau được toàn tỉnh Quảng Trị sử dụng: “Đất thép Vĩnh Linh đã qua biết bao mùa nở đầy hoa thắng trận và hoa dựng xây... Và như vậy, tôi muốn được gọi tên lũy thép - lũy hoa về một mảnh đất nức tiếng thế giới của Việt Nam: Hiền Lương, Bến Hải, Cửa Tùng”, “Dòng Bến Hải một thuở ôm ấp, tỏa soi màu cờ Tổ quốc đỏ tươi từ tay mẹ Diệm gửi trao giờ đang thắm lại những sắc xanh hòa bình của cây trái đôi bờ rợp bóng. Con sông Bến Hải quặn mình suốt thời chiến tranh cắt chia đã đẻ ra được những tiềm năng thủy sản giàu có hôm nay”, “Dòng Bến Hải có hai cây cầu song hành vào tương lai: Một cây cầu giao thông hiện đại của đất nước thời công nghiệp hóa và một cây cầu ngưỡng vọng lịch sử hào hùng của dân tộc, đó là cuộc song hành bất tuyệt của truyền thống và hiện đại”. Với tín niệm ấy, tầm nhìn của tác giả cao hơn và xa hơn về đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải khi viết “tiềm năng di sản lịch sử - thứ tiềm năng vĩnh hằng của Vĩ tuyến 17”.
Viết về các nhà cách mạng, tác giả Nguyễn Hoàn là người mang đến với bạn đọc Quảng Trị niềm tự hào “đất mẹ Quảng Trị một thời thương đau “áo rách” đã nâng bước chân đồng chí Trần Phú khổ luyện, học hành giỏi giang, nuôi chí một mai kiên cường đấu tranh cho người “áo rách”. Ghi công lớn của đồng chí, Quảng Trị đã có một số nơi đặt tên đường Trần Phú,… để giáo dục truyền thống, để nhớ mãi một thời thương đau “áo rách” mà oanh liệt của dân tộc”. Viết về cố Tổng Bí thư Lê Duẩn “dù việc nước bận rộn muôn vàn vẫn đau đáu một niềm thương nỗi nhớ vô bờ dành cho miền quê khó nghèo Quảng Trị”.
Trong âm hưởng hào hùng, vẻ vang và bi tráng của lịch sử, tác giả Nguyễn Hoàn đưa vào tác phẩm của mình sự khắc ghi về thị xã Quảng Trị, Thành Cổ Quảng Trị: “Soi mình bên dòng sông Thạch Hãn, một dòng sông tâm thức (non Mai sông Hãn), một dòng sông tâm hồn (Không trong cũng thể nước nguồn Hàn chảy ra) của người Quảng Trị, thị xã Quảng Trị mang một vẻ đẹp riêng ít có ở các đô thị náo nhiệt khác, đó là một vẻ đẹp sử thi mà sâu lắng, bi tráng mà hiền thương, rộn rã mà xinh xắn”, “dưới chân Đài tưởng niệm Thành Cổ thiêng liêng, những anh hùng Thành Cổ, những cựu chiến binh Thành Cổ không chỉ giúp người Mỹ hiểu ra sức mạnh Việt Nam mà còn gửi tới người Mỹ một thông điệp, rằng đấy chính là sức mạnh của hòa bình, tự do, hợp tác và hội nhập”, “Thành Cổ thành một công trình văn hóa - tưởng niệm mà công thức chính được cụ thể hóa là Hoa cộng với Đá cộng với Cây, thành nơi hương hồn liệt sĩ, khí thiêng sông núi, tiếng thơm lịch sử và văn hóa nước nhà về tọa lạc trong mối tưởng niệm và tựu nghĩa”…
Tập bút ký, phóng sự Nơi đầu cầu liên Á cho thấy hành trình sáng tác đã đưa tác giả Nguyễn Hoàn đến và hiểu rõ Hải Lăng “vùng đất phía Nam của tỉnh, đầu gối lên Trường Sơn kiêu hãnh, thân óng ả giữa những vùng lúa tốt tươi phì nhiêu, thân uốn lượn điệu đàng bên những dải lụa mềm sông Vĩnh Định, sông Nhùng, sông Ô Lâu, chân đạp sóng Biển Đông. Và rồi phù sa mạch nguồn, màu mỡ đất đai Hải Lăng đã dâng tặng bao sản vật ngọt ngon, đậm đà cho đời như một sự đền bồi thơm thảo cho cái nết ăn ở, cái nét phong vận của người Hải Lăng”. Viết về người Mẹ Gio Linh - Mẹ Việt Nam đôn hậu và bao dung, về Cồn Cỏ là nơi đến và nơi đi của những hải trình xanh, cảm nhận không gian mỹ thuật của danh họa Lê Bá Đảng và những pho sách của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ở Festival Huế, gặp những giáo viên “mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười”, nhìn ngắm nhà máy thủy lợi - thủy điện “ôm ấp khát vọng của người Quảng Trị về một công trình tầm cỡ góp phần xoay chuyển Quảng Trị vượt ra khỏi tỉnh nghèo”. Đi trên đường liên Á qua nước Lào nguyên sơ và cổ kính có tỉnh Savannakhet gối mình bên dòng sông Mê Kông đối diện cách một dải nước với tỉnh Mukdahan của Thái Lan ở bờ bên và ra tới Trường Sa nghe những khúc tưởng niệm hòa trong tiếng chuông chùa khi thấy những nụ mầm mới và tình quân dân nồng thắm trên đảo là nhà và biển là quê hương,...
Qua 55 bút ký, phóng sự của tác giả Nguyễn Hoàn trong tập sách Nơi đầu cầu liên Á, bạn đọc hiểu tỉnh Quảng Trị có nhiều điều hấp dẫn và tỉnh Quảng Trị có khả năng làm cho cuộc sống của con người phong phú hơn, hạnh phúc hơn ngay trên một đầu cầu liên Á quan trọng mà từ đây, mọi “tầm ngắm” khai thông cho kinh tế tiểu vùng sông Mê Kông đầy hứa hẹn…
B.N