Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/07/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Truyện ngắn Trần Thanh Hà từ góc độ nhân bản

Đ

ến nay, cây bút trẻ Trần Thanh Hà không còn xa lạ với bạn đọc cả nước. Trần Thanh Hà xuất hiện và kịp gây ấn tượng ban đầu trong giai đoạn văn học phát triển mạnh mẽ, đa dạng hôm nay. Chỉ qua hai tập truyện Trần Thanh Hà đã khẳng định bản sắc của một ngòi bút nữ vừa dữ dội, bạo liệt, vừa giàu nữ tính. "Gió của mùa sau" - Tập truyện ngắn đầu tay của Trần Thanh Hà được giải nhất cuộc thi "Sáng tác văn học cho tuổi trẻ" (1994-1996). Ngoài ra Trần Thanh Hà còn đạt giải nhất truyện ngắn Tạp chí văn nghệ quân đội (1996) với chùm truyện "Miền cỏ hoang", "Bà Thỏn", "Sông có dài" (đã in trong tập "Ơi đò ca cút"!)

Như nhiều cây bút nữ hiện nay, Trần Thanh Hà bộc lộ một năng lực nhận thức bằng trực cảm. Chị miêu tả cuộc sống không bằng những đường nét cụ thể mà thông qua thế giới tâm hồn của con người. Truyện ngắn Trần Thanh Hà dồn chứa, phồng căng tâm trạng. Những mảnh tâm trạng được vắt, ép từ dòng chảy cuộc đời, vắt ép đến tận cùng, cạn kiệt, thành nỗi trầm tư day dứt về những số phận khác nhau của đời người.

Thế giới nghệ thuật của Trần Thanh Hà không đa dạng lắm. Truyện ngắn Trần Thanh Hà dường như chỉ có một loại nhân vật. Liên kết, xếp chồng, lắp ghép từng mảnh đời rời rạc ở từng truyện, nhân vật máu thịt của Trần Thanh Hà hiện ra đầy đặn - đấy là một cái tôi phụ - nữ - buồn. Thấm đẫm trên từng trang viết của chị là nỗi niềm day dứt của những thân phận phụ nữ, buồn, khát khao đến đau đớn, quằn quại và chịu đựng thầm lặng đến nao lòng. Ngay ở nhan đề một số truyện cũng chứng tỏ Trần Thanh Hà thên về: "một nửa nhân loại là đàn bà" ấy. (Chị tôi, Dì tôi, Người đàn bà trong mưa, Bà Thỏn, Thi...) Một nửa nhân loại ấy bao giờ cũng bất hạnh hoặc chỉ một nửa hạnh phúc. Trong thế giới nhân vật của Trần Thanh Hà có bà tôi, mẹ tôi, thím tôi, cô tôi, dì tôi cay đắng, chua xót kiếp người. Những người phụ nữ "khóc cho một cái gì đã chết từ lâu, từ thuở 16 ra đi, khóc cho sự trở về tận nay mới biết không còn chỗ để gối đầu tìm kiếm chút bình yên" (Nơi ấy ngày xưa là rừng). Những người đàn bà "mắt đục mờ như có phủ sương khói" (Miền cỏ hoang). Những người mẹ "trầm buồn và đằng sau héo hon tuổi tác là một nhan sắc đã phai mờ" (Gió của mùa sau). Những người chị, người dì "bấy nhiêu đời người xuân sắc bây giờ đây nhạt nhòa buồn héo" (Dì tôi). Những cô gái chôn tuổi xuân ở Trường Sơn để rồi sau niềm vui cộng dồn là những niềm khát khao đời thường - "không hề có một vùng ngực đàn ông rắn chắc để có thể úp khuôn mặt đầm đìa hạnh phúc vào đó... để được cảm thấy mình yếu đuối đi, mềm mại đi" (Người đàn bà trong mưa). Dù có biến hóa ở nhiều dạng vẻ, trước sau, Trần Thanh Hà chỉ tâm đắc có một loại nhân vật, lặp đi lặp lại, xoáy sâu. Là tôi, là chị, là những con gái - đàn bà, trao cho, dâng hiến, kiếm tìm, truy đuổi, vụt mất. Họ có tất cả tuổi xuân, tình yêu, đam mê, sắc đẹp. Và họ cũng không có tất cả. Để rồi một lúc nào đó giật mình thảng thốt về sự trống rỗng của mình. Nhân vật của Trần Thanh Hà cũng trải qua một quá trình vật vã. Có người đau đáu đuổi tìm hạnh phúc. Có người vật vã hướng thiện. Có người khó nhọc vươn tới cái đẹp. Có người đau đớn tìm lại chính mình. Nói như một nhân vật của Trần Thanh Hà: "Cõi nhân gian rộng lớn, lòng người thăm thẳm" (Sông ơi). Cuộc hành trình nào cũng đầy nước mắt. Trong truyện "Cái tổ chim sẻ rơi" là những giọt nước mắt ri rỉ chảy, rồi đầm đìa, lai láng, đóng vũng. Tình thương, lòng nhân hậu không chết. Cái đẹp vẫn tồn tại. Nó làm trái tim bao người mẹ: "vỡ toác, những mảnh vỡ chà vào nhau, chộn chạo cứa cào lòng, nhức nhối". Người đọc dường như cũng nhức nhối bao điều. Nhức nhối trong dòng lệ trẻ thoe vĩnh viễn không bao giờ ngừng chảy. Nhức nhối trước hình ảnh người mẹ trẻ đêm đêm "đốt hương trầm và thì thầm gọi lũ chim sẻ trở về".

Cây bút trẻ Trần Thanh Hà cũng mạnh dạn viết về chiến tranh. Đằng sau ngàn vạn trang sách khai thác đề tài này, tác giả lại tỏ ra vững vàng kỳ lạ. Cách viết về chiến tranh của Trần Thanh Hà quả là gây ấn tượng. Không có bom đạn gầm gào, không chiến trường địa đạo, chỉ có nỗi đau con người, lúc âm thầm, khi quẫy đạp. Chiến tranh - đấy là niềm tin mạnh hơn cả cái chết, niềm tin không bao giờ vơi cạn của người mẹ đau đáu chờ con, tự dối lòng mình (Bà Thỏn). Chiến tranh - đấy là hình ảnh người lính trở về, thầm lặng đứng trước bàn thờ của chính mình, với cái sụp lạy cay đắng của người vợ không biết đợi chờ (Miền cỏ hoang). Chiến tranh hiện diện trên hình hài đầy thương tật của người lính trở về, sống những ngày còn lại vừa cao thượng vừa độc ác; trên dòng nước mắt "chan suốt đời" và nhịp đập run rẩy của trái tim người vợ. Chiến tranh còn lại ở cái tuổi 19 "Vĩnh viễn trẻ trung", với nụ cười vĩnh hằng và sáng choang trong khung kính" của người chỉ được quyền sống thời trai trẻ (Gió của mùa sau).

Trong các truyện ngắn viết về chiến tranh của Trần Thanh Hà, "Gió của mùa sau" là truyện gây ấn tượng. Truyện mà không phải là chuyện, chỉ là sự xâu chuỗi những dòng tự bạch của người sống, kẻ chết. Chiến tranh và số phận con người được tác giả khai thác từ một mối tình tay tư thời chiến, vừa tất yếu vừa éo le, thánh thiện lẫn trần tục, hạnh phúc và hờn ghen. Cách viết ở truyện này khá mới. Kết cấu lắp ghép. Hệ thống điểm nhìn đa dạng. Có bao nhiêu nhân vật là có tùng ấy trường nhìn. Những nhân vật tôi tự kể, tự bạch, tự thú, tự soi vào nhau - nhung toàn câu chuyện lại vang lên những lời đối thoại ngầm, tạo bề dày tính cách và chiều sâu tác phẩm. Chiến tranh và ký ức, chiến tranh và đời thường, chiến tranh và nhân bản - chỉ một truyện ngắn cô đúc từ những khoảnh khắc bất chợt của tâm trạng, Trần Thanh Hà đã đề cập được nhiều vấn đề có ý nghĩa.

Truyện ngắn Trần Thanh Hà có một không gian riêng, rất riêng. Bất kể tác giả viết về nơi chốn nào, về "phố chợ", "Bên kia sông", "Lửa cuối đồng chiều", "Nơi heo may không thổi tới", "Nơi ấy ngày xưa là rừng"... không gian nào cũng mang hơi hướm một vùng quê nghèo, cằn cỗi. Đó là "miền cỏ hoang" của riêng Hà. Một vùng quê lở lói sau chiến tranh, dần dần lành lặn, ở đó có loài sim me "thả sức nở hoa, nở đến tím ngát, đến quặn lòng". Nơi có dòng sông bàng bạc, thao thiết chảy, bên kia sông văng vẳng tiếng kêu cả loài chim ca cút đêm trăng lại khắc khoải gọi tìm nhau. Và cỏ, cơ man là có trong miền quê của Thanh Hà "Những vạt đồi cỏ lé cao quá đầu người... Trên muôn triệu lá léc xanh xuyên qua lớp sương mù là trong trẻo, là réo rắt, là huyền hoặc tiếng sáo". "Miền cỏ hoang" là một trong những truyện ngắn hay của Trần Thanh Hà. Những người, những tình huống, những tâm trạng vẫn thoáng gặp đâu đó dường như lung linh, đằm sâu qua cách viết tự nhiên, bình thản và già dặn bất ngờ. Câu chuyện chỉ diễn ra trong phạm vi một gia đình - có đứa con người lính trở về, sau tin báo tử, có người vợ không đủ sức thủy chung, có cô con gái làm điếm nhục gia phong, tiếng rên rẩm và những giọt nước mắt của mẹ, có chút tình chắp vá lỡ làng... Câu chuyện cũng chỉ diễn ra trong phạm vi một mảnh vườn con của bà với "cái liếp rào mỗi lần gió lay là siêu vẹo chực ngã", qua ngày tháng "dền đất già nở từng bông hoa xanh xám dài ngoằng ngoẵng, chen chúc với lũ cỏ hôi màu hồng hồng, lá phủ một lớp lông mỏng nham nhám" rộng hơn một chút là triền đồi hoang với "cỏ léc vẫn rập rờn xanh biếc một màu, ngàn ngàn lớp lớp sóng xô đuổi nhau chạy qua, xôn xao, khấp khởi. Heo may thổi lồng lộng buốt lên tận óc". Hẹp là vậy, quen thuộc là thế, nhưng cứ thấy mênh mông trong thế giới nghệ thuật của Thanh Hà.

Trần Thanh Hà viết như trăn trở, như cào xé. Thiên về nỗi đau con người, với những triết lý già dặn, nhưng trên hết ở Trần Thanh Hà là niềm tin nhân bản. Như chị tâm sự: "Dù viết về cái gì, dù nhân vật của tôi là ai, đàn ông hay đàn bà, người già hay còn trẻ, kẻ có quá khứ hoặc tung hê tất cả... dù cuộc đời họ như thế nào, thì bao giờ đối với tôi đấy cũng là một niềm khắc khoải mong mỏi cho con người được sống tốt hơn, nhân hậu hơn, là mình hơn".

                                                                                              L.T.H

Lê thị Hường
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 43 tháng 04/1998

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt - 35 năm một chặng đường

28/06/2025 lúc 16:18

Ngày 28/5/2025, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm tạp chí ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên năm 2025. Tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập phụ trách Hồ Thanh Thọ đã có bài phát biểu khai mạc...

Vùng trời hoa sim

26/06/2025 lúc 23:29

Những triền sim tím đồi xaBềnh bồng nâng gót mùa qua lặng thầm

Hương xưa; Nắng sớm

26/06/2025 lúc 23:27

Hương xưa… Ta về tìm lại hương xưa

Giấc mơ đồng bằng; Về xanh trong gió thơm

26/06/2025 lúc 23:24

Giấc mơ đồng bằng Gọi em đêm qua tôi mơ

Ngủ giữa gió sông quê

26/06/2025 lúc 23:22

Hôm ấy gió sông thổi về lồng lộng. Lửa nương theo bàn tay của gió vồ lấy mái bếp, tỏa ngọn nghi ngút trên đống củi khô, tràn qua ô cửa vương tơ nhện và bụi mờ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/07

25° - 27°

Mưa

09/07

24° - 26°

Mưa

10/07

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground