Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 28/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Từ thơ mới đến thơ hiện đại

L.T.S: Đột ngột bùng lên cuộc tranh luận khá dữ dội và lý thú về thơ hiện đại từ sau giải thưởng Hội Nhà văn 1993. Thực ra chuyện này đã âm ỉ lâu rồi. Thế cũng hay… vì bản chất thơ bao giờ cùng là chuyện… cũ mà rất mới.

Khi bài viết này của Phạm Xuân Nguyên đến tay CV thì chỉ sau vài giờ, chúng tôi lại nhận được bài trả lời phỏng vấn của Trần Mạnh Hảo, và cùng ngày trên báo Văn nghệ đã in một bài khác của Trần Mạnh Hảo, cãi lại Phạm Xuân Nguyên. Thế là cả hai cực âm dương đã có trên bàn biên tập. Cũng thời điểm này, phóng viên tạp chí Cửa Việt có mặt tại Hà Nội đang phỏng vấn nhà thơ Trần Đăng Khoa, người được coi là châm ngòi cho cuộc bút chiến thú vị này.

CV mong sẽ được cùng báo Văn nghệ làm diễn đàn công khai và công bằng cho cuộc tranh luận bổ ích này.

Xin bắt đầu số này bằng quan điểm về Thơ mới của nhà phê bình nghiên cứu văn học Phạm Xuân Nguyên. Nếu không có gì thay đổi, số 5 (10-94) CV sẽ hân hạnh đăng những ý kiến (chắc chắn là ngược lại) của Trần Đăng Khoa và Trần Mạnh Hảo.

 

1

. Thơ mới khởi phát năm 1932, toàn thắng năm 1936, từ đó nói đến thơ hàm ý hiểu là thơ mới, rộng ra là thơ hiện đại tính đến lúc ấy. Năm 1941, Hoài Thanh (cùng Hoài Chân) soạn tập Thi nhân Việt Nam, tổng kết cả phong trào, khẳng định những giá trị của thơ mới. Nghiên cứu “một thời đại trong thi ca” diễn ra trong mười năm ấy Hoài Thanh đã thấy hồn Việt được đánh thức dậy bởi ngọn gió phương Tây là cái quyết định đưa thơ Việt nhập thời đại thế kỷ XX. Ông viết:  Phương Tây bây giờ đã đi tới chỗ sâu nhất trong hồn ta. Ta không còn có thể vui cái vui ngày trước, buồn cái buồn ngày trước, yêu, ghét, giận hờn nhất nhất như ngày trước. Đã đành ta chỉ có chừng ấy mối tình như con người muôn nơi và muôn thuở. Nhưng sống trên đất Việt Nam ở đầu thế kỷ hai mươi, những mối tình của ta không khỏi có cái màu sắc riêng, cái dáng dấp riêng của thời đại”(1). Thơ mới là “khát vọng được thành thực” của cái Tôi đó đã tìm được sự thể hiện mình trong những khuôn phép mới từ trời xa đưa lại cũng như trong những khuôn phép cũ trên đất nhà được làm mới, được cải biến. Hình thức thơ của thơ mới vẫn là hình thức khuôn phép.

Trong bản tổng kết thơ mới của Hoài Thanh có một sự để ngõ cho tương lai. Đó là khi ông dè dặt, thận trọng với những tìm tòi ngôn ngữ của một số nhà thơ táo bạo đẩy tới tận cùng sự cách tân, điều mà nhà phê bình gọi là “công việc phá hoại” với cả hàm ý khen chê. Ông viết: “Họ biến nghĩa tiếng một đi bằng cách sắp đặt tiếng này với tiếng khác một cách bất ngờ. Như thế rất chính đáng. Các nhà thơ chân chính xưa nay đều làm thế để nói cho đúng cái bản sắc của họ. Nhưng bao giờ cũng giữ chừng mực. Các Ô. Bích Khê và Xuân Sanh noi theo gương Mallarmé, Valéry không thèm gìn giữ gì hết. Trong tác phẩm của họ vẫn chừng ấy tiếng ta rất quen, nhưng thảng hoặc ta mới tìm được dấu tích những ý tứ, tình cảm ta vẫn quen gửi vào đó. Họ chạm trỗ rất tỷ mỷ, không phải những rồng, những phượng như ngày trước, mà những gì chẳng ai biết tên. Những gì đó đôi khi cũng đẹp. Đôi khi hình như họ diễn tả được những điều sâu kín, nhưng lời thơ rắc rối quá, dầu sao phần đông chúng ta cũng đành… kính nhi viễn chi”.

Sau thời thơ mới, những đột phá làm thơ mới sẽ đi vào chỗ để ngỏ này.

2. Cuối những năm năm mươi, đầu những năm sáu mươi, ở cả hai miền đều bắt đầu sự tìm kiếm những con đường làm mới thơ Việt. Ở miền Bắc đó là nhóm Trần Dần, Lệ Đạt; ở miền Nam đó là nhóm Sáng tạo. Nhìn chung kết quả vẫn còn hạn chế, cho dù ở phía Nam phong trào thơ tự do đã bùng ra sôi nổi, rầm rộ trong một thời gian khá dài. Đến đầu những năm chín mươi cuộc làm mới thơ lại tiếp tục diễn ra. Giải thưởng của Hội nhà văn năm 1993 trao cho hai tập thơ: Xúc xắc mùa thu (Hoàng Nhuận Cầm) và Sự mất ngủ của lửa (Nguyễn Quang Thiều) đã xới lên được dư luận bàn về tính dân tộc và hiện đại trong thơ Việt hiện nay. Đặc biệt xung quanh tập thơ của Nguyễn Quang Thiều. Khác với thơ Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Hưng ngay từ đầu đã bị bưng tai bịt mắt gạt phắt khỏi chiếu thơ, bị coi là không phải thơ, thơ Thiều vẫn được xem là thơ nhưng là thơ na ná… Tây, tương đương… dịch. Người thẳng thắn, đúng đắn phát ngôn ý kiến này là Trần Đăng Khoa(2). Đọc thơ Thiều, Khoa thấy “Thiều Tây quá”. Rồi bằng một giọng cười mà cợt Khoa biện luận: “Trong khi hàng ngày ta vẫn mua đồ Tây, mặc áo Tây, đi xe Tây, diện giày Tây, hợp tác kinh tế với Tây và có một thời còn làm theo mô hình Tây nữa, thì tại sao ta lại không chấp nhận cái giọng hát lơ lớ ấy”. Đọc đoạn văn phê bình trào lộng trên của Trần Đăng Khoa, tôi nhớ đến đoạn văn này của Hoài Thanh khi cắt nghĩa sự xuất hiện của thơ mới: “Chúng ta ở nhà Tây, đội mũ Tây, đi giày Tây, mặc áo Tây, chúng ta dùng đèn điện, đồng hồ, ô tô, xe lửa, xe đạp… còn gì nữa! Nói làm sao cho hết những điều thay đổi về vật chất, phương Tây đã đưa tới giữa chúng ta! Cho đến những nơi hang cùng ngõ hẻm, cuộc sống cũng không còn giữ nguyên hình ngày trước. Nào dầu Tây, diêm Tây, nào vải Tây, chỉ Tây, kim Tây. Đừng tưởng tôi ngụy biện. Một cái đinh cũng mang theo nó một chút quan niệm của Phương Tây về nhân sinh, về vũ trụ và có ngày ta sẽ thấy thay đổi cả quan niệm của phương Đông”.

Khoa có ý “nhại” văn của Hoài Thanh không, tôi không biết. Nhưng mượn sách nói của chính tác giả Thi nhân Việt Nam, tôi muốn nói: từ cái “Tây” của Hoài Thanh để khẳng định một phong trào thơ đến cái “Tây” của Trần Đăng Khoa để hoài nghi một xu hướng thơ có sự cách biệt của hơn nửa thế kỷ và của hai quan niệm thơ.

3. Quan niệm thơ của Khoa được phơi bày rõ qua đoạn anh lý giải bài thơ viết về những người đàn bà đánh dậm trong tập của Thiều. Anh viết: “Thiều nhìn cái gì cũng thành Tây, ngay cả khi nhìn những người đánh dậm. Người đánh dậm là nghề cổ truyền của dân ta, chỉ  ta có, thế mà Thiều viết về cái nghề đặc ta ấy cũng vẫn chẳng ta tý nào. Thiều kể rất tỷ mẩn, chính xác. Nhưng đây là sự chính xác của một người làm công tác khoa học ghi biên bản”. Ở đây có mấy điều cần bàn lại.

Thứ nhất, sự mơ hồ của khái niệm ta và sự vô lý, phi lịch sử của việc phải nhìn cái của ta theo cách ta. (xin lỗi, lại phải trích Hoài Thanh, nhưng khổ nỗi, hơn nửa thế kỷ trước trẻ như Khoa như tôi bây giờ, ông đã giải quyết việc này rất thơ, rất khoa học nên còn có ích cho chúng ta trong cuộc tranh luận về thơ hôm nay). Hoài Thanh đã biện hộ cho Xuân Diệu: “Nhưng thơ Xuân Diệu chẳng những diễn đạt được cái tinh thần cố hữu của nòi giồng. Vả chăng tinh thần của một nòi giống có cần gì phải bất di bất dịch. Sao lại bắt ngày mai phải giống hệt hôm qua? Nêu ra một mớ tính tình, tư tưởng, tục lệ, rồi bảo: Người Việt Nam phải như thế, là một điều tối vô lý”. Chẳng lẽ bây giờ chúng ta cuối thế kỷ lại đi thụt lùi xa hơn đầu thế kỷ? Trước đây hay có một cách khen: Nhà thơ Việt Nam đi ra nước ngoài nhìn ngắm phong cảnh xứ người bằng con mắt rất Việt Nam. Thế thì hướng ngược lại, nhà thơ Việt Nam ở trong nước mô tả cảnh vật con người xứ mình bằng con mắt rất nước người, nhờ đó đem lại những phát hiện mới mẻ, độc đáo, chẳng lẽ lại đáng chê. Ngoài thềm rơi cái lá đa, lá đa là của ta, sự rơi của lá đa ngàn đời ta đã từng quen, nhưng Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng đâu phải là cách cảm truyền thống của ta, đó là ta học theo cách cảm phương Tây mới thoảng tiếng lá rơi mà thấy được rơi như thế nào. Trong khoa văn học có thuật ngữ lạ hóa để chỉ cách nhìn đối tượng quen thuộc, bình thường dưới gốc độ khác lạ mới mẻ. Thiều trong bài thơ này phơi bày một cảnh tượng quen dưới ấn tượng lạ hóa (thông qua cách mô tả bằng chuỗi phương trình hình ảnh so sánh, đây là đặc điểm cấu tạo thơ Thiều) nhằm làm bật lên suy tư về thân phận kiếp người lầm lụi, lao khổ. Lấy cái chỉ ta có và bắt nhìn theo cách ta quen mà đọc thơ hiện đại thì sẽ là thắt một vòng kim cô cho thơ.

Thứ hai, và đây mới là điều chính yếu, Trần Đăng Khoa đã chỉ xét câu chữ nhưng không xét tư duy thơ của Nguyễn Quang Thiều, Khoa thấy “cái nhìn ngồ ngộ có chất dân tộc học của một nhà khảo cổ phương Tây” rải rác trong suốt tập thơ của Thiều, nhưng không đi sâu tìm hiểu vì sao trong tập Sự mất ngủ của lửa Thiều không đưa vào một bài lục bát nào như trong tập Ngôi nhà tuổi 17 dù thể thơ dân tộc đó Thiều viết không kém ai. Tất cả là do điệu thơ Thiều đã khác và phải tìm một cách thức thể hiện khác. Tôi gọi tập thơ được giải của Thiều là khúc nhạc Thiều cất lên từ đồng quê, vọng lên từ kiếp người với một giọng điệu rất hiện đại. Giọng điệu tiếng hú. Anh hú lên không phải để cầu cứu, để chia sẻ, mà để giãi bày: giãi bày chính mình, giãi bày những người thân của mình và giãi bày cộng đồng mình; giãi bày trước con người, giãi bày trước đất trời và giãi bày trước hư vô. Người đánh dận hiện ra như thế là một cách giãi bày. Chấp nhận tiếng hú gào này là chấp nhận thơ Thiều. Đó là một thứ rượu rắn, uống vào sẽ say “hát lên bằng nọc độc trong mình”. Thơ đó, cố nhiên, nghịch âm với giọng thơ chung và nghe lần đầu là khó nghe. Nhưng nghe rồi là quen, như rượu uống vào là ngấm, ngấm vào là say, say đến thèm thuồng. Thơ hiện đại bây giờ là thứ rượu rắn còn ít người dám uống, cả kẻ viết lẫn kẻ đọc.

Thứ ba, cái lý của những người bảo thơ Thiều là thơ dịch, lại là dịch xổi, là cái lý không có chân. Đọc thơ Thiều mà cảm giác như đọc thơ dịch là vì tư duy thơ của Thiều đã ít nhiều tiếp cận tư duy thơ hiện đại thế giới, chứ không phải vì Thiều làm thơ ngu ngơ như người Tây nói tiếng Việt. Mà nếu có ngu ngơ như vậy thì cũng là sự học hỏi, tìm tòi trên bước đường thể hiện tư duy thơ mới. Ở đây Nguyễn Quang Thiều đã được bảo đảm bằng Xuân Diệu qua luật sư thơ Hoài Thanh bào chữa: “Ngay lời văn Xuân Diệu cũng có vẻ chơi vơi. Xuân Diệu viết văn tựa trẻ con học nói hay như người ngoại quốc mới võ vẽ tiếng Nam. Câu văn tuồng bỡ ngỡ. Nhưng cái dáng bỡ ngỡ ấy chính là chỗ Xuân Diệu hơn người. Dòng tư tưởng quá sôi nổi không thể đi theo những đường có sẵn. Ý văn xô đẩy, khuôn khổ câu văn lại lung lay”. Còn như đề cao tính dân tộc bằng cách thấy bài thơ nào hình thức mới lạ, chưa quen thuộc, trái với cảm nghĩ thông thường của văn học trong nước cũng vội dán cho cái nhãn “thơ dịch” để tự yên lòng thì đó là một hành động khá dễ dàng và một thái độ không văn hóa đối với văn học của đồng loại ở ngoài biên giới mình. Ảnh hưởng qua lại trong ngoài cố nhiên là có và ở thời hiện đại còn có nhiều nữa. Nhưng vấn đề không phải ở sự bắt chước, mà ở sự tiếp nhận và chuyển hóa cái ngoài dân tộc thành cái dân tộc để tự làm phong phú mình thêm. Hơn một loài hoa đã rụng cành là thơ Việt Nam hay Vợ Tiên là Trực chị dâu là Việt Nam? Lẽ tự nhiên quan sát sự đổi mới thơ bây giờ, cũng như thơ mới sáu mươi năm trước, ở bước đầu câu thơ thường bị doãng ra, đi gần với văn xuôi. Đó là một sự vận động đang diễn ra, như xu thế là thơ tự do, thơ xuôi sẽ được chấp nhận nhiều hơn vì chúng hợp với tâm tình con người hôm nay - ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

4. Thực chất, ý kiến của Trần Đăng Khoa có thể coi là phát điểm hỏa cho cuộc đấu tranh mới cũ trong thơ Việt Nam hiện nay. Chắc chắn đây là vấn đề sẽ còn bàn cãi lâu dài để tìm cho thơ Việt một con đường phát triển thích hợp với dân tộc và thời đại trước thềm thiên niên kỷ thứ ba.

P.X.N

________________________

(1) Hoài Thanh - Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, H, 1988, tr 19

(2) Trần Đăng Khoa: Tản mạn xung quanh giải thưởng Hội nhà văn, Tạp chí VNQĐ số 11- 1993, tr 100- 104.

Phạm Xuân Nguyên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 4 tháng 01/1995

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

3 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

3 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

3 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

3 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

29/04

25° - 27°

Mưa

30/04

24° - 26°

Mưa

01/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground