Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tư tưởng nhân văn của đồng chí Lê Duẩn tỏa sáng tâm hồn dân tộc

Đ

ồng chí Lê Duẩn xuất thân từ một gia đình lao động, trên quê hương có truyền thống yêu nước, tình làng nghĩa xóm đầm ấm keo sơn. Truyền thống nhân ái của người dân ở vùng quê nghèo khó đã hình thành trong đồng chí tình yêu thương tha thiết với những người lao động. Đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, trở thành người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo cao nhất của Đảng. Suốt đời phấn đấu cho lý tưởng cao đẹp của Đảng, tư tưởng nhân văn trong tư duy của đồng chí càng nhân lên theo thời gian, toả sáng tâm hồn dân tộc.

Khi sinh ra, gia cảnh rất nghèo, đồng chí lớn lên trong tình yêu thương, nuôi dưỡng đùm bọc của bà con xóm giềng. Có lần mẹ kể dì ruột đói đến nỗi không có khoai mà ăn, đồng chí đã khóc sướt mướt; tâm hồn giàu xúc cảm của cậu bé 10 tuổi không thể hiểu được vì sao cuộc sống của gia đình và bà con làng xóm lại cơ cực đến vậy. Lại thấy những người nghèo khổ, hoạn nạn, những người bị hành hạ vì trốn sưu, thiếu thuế, cậu Lê Văn Nhuận (tên hồi nhỏ của đồng chí Lê Duẩn) rất đau xót, thương tâm. 15, 16 tuổi, Lê Văn Nhuận đi tìm câu trả lời trong sử học, đạo Phật, Khổng Tử, Ki tô. Một lần nữa, anh xúc động nghẹn ngào khi biết rằng dân tộc ta đã từng bị phong kiến phương Bắc đô hộ 1.000 năm. Lòng yêu nước, thương dân cứ vậy nhân lên, thôi thúc người thanh niên trẻ thoát ly gia đình ra đi hoạt động cách mạng, thực hiện ước mơ đem lại cuộc sống hạnh phúc cho mỗi người.

Tư tưởng nhân văn của đồng chí cũng bắt nguồn từ tình cảm đặc biệt đối với truyền thống tổ tiên, cha ông để lại. Từ những trang sử vàng của dân tộc, từ thực tiễn hoạt động cách mạng, đồng chí càng hiểu rõ hơn truyền thống anh dũng, kiên cường, không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào, dù đó là kẻ xâm lược hùng mạnh nhất thế giới của dân tộc Việt Nam. Nhân dân ta cũng rất anh hùng, sáng tạo trong lao động, sản xuất, chống chọi với thiên tai. Quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đoàn kết keo sơn, lấy đạo lý nhân nghĩa làm đầu để đối nhân xử thế, mong cho sự bình yên đến với mọi dân tộc. Đồng chí khẳng định: Người Việt Nam vốn có lòng yêu nước thiết tha, có tinh thần làm chủ, bình đẳng trong quan hệ giữa người với người. "Thương nước-thương nhà-thương người-thương mình" là truyền thống đậm đà của nhân dân ta.Vì vậy, trong tư tưởng nhân văn của đồng chí Lê Duẩn, trước hết đồng chí khẳng định công lao to lớn của nhân dân trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Đó là những cụ phụ lão xứng đáng với truyền thống Diên Hồng, hăng hái lo toan việc nước, khuyến khích con cháu và san sẻ kinh nghiệm cho thanh niên; là: Đồng bào các dân tộc anh em, một lòng son sắt với Tổ quốc, với cách mạng, luôn luôn đoàn kết trong đại gia đình dân tộc Việt Nam; là: Tuổi trẻ mang truyền thống vẻ vang của Việt Nam cách mạng Thanh niên-đội xung kích luôn luôn có mặt ở các mũi nhọn của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; là: Thiếu nhi -mầm non của dân tộc, noi gương Kim Đồng, Lê Văn Tám, hăng hái tiếp bước cha ông; là: Lực lượng vũ trang bách chiến, bách thắng, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và công cuộc lao động hoà bình của nhân dân; là: Tầng lớp trí thức đã sát cánh cùng công nông và toàn dân tộc; : Giai cấp công nhân gánh vác trách nhiệm nặng nề, cống hiến lớn lao vào công cuộc giải phóng đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN; là "Phụ nữ- đội ngũ quần chúng cách mạng hùng hậu, là lực lượng lao động xã hội to lớn, là những người giữ trọng trách trong việc sinh thành và nuôi dạy thế hệ tương lai.

Nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã bồi hồi nhớ lại: “Tôi nhớ mãi hình ảnh đầy xúc động của anh Ba khi xuống thang máy bay tại Tân Sơn Nhất, anh Ba Duẩn dừng lại nói to với mọi người ra đón Anh và Bác Tôn: “Chiến công này là chiến công chung của cả dân tộc, của các anh hùng, chiến sĩ và đồng bào cả nước đã hy sinh. Không của riêng ai”. Lời nói ấy chứa đựng tinh thần của toàn dân phÊn đấu hy sinh vì độc lập thống nhất, có âm vang của thiên anh hùng bằng lòng nhân ái bao la”.

Từ đó, đồng chí cảm nhận sâu sắc những gian khổ, hy sinh mà nhân dân ta phải trải qua trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đồng chí nói: Nhân dân ta đã chiến đấu liên tục và chịu những hy sinh rất lớn. Chúng ta thông cảm sâu sắc những mất mát, đau thương, cũng như những ước mơ, nguyện vọng của đồng bào. Tôi còn nhớ năm 1954, sau chiến thắng ĐBP và Hiệp định Giơ ne vơ, tôi đi từ vùng tự do Liên khu 5 xuống Quy Nhơn để vào Nam Bộ, đồng bào dọc đường đón mừng phái đoàn chúng tôi và hoan hô hòa bình lập lại. Tôi vẫy chào đồng bào mà nước mắt chảy ròng. Tôi nghĩ đến những năm tháng đồng bào miền Nam sẽ phải sống dưới nanh vuốt của giặc Mỹ và tay sai, đến cuộc đàn áp, khủng bố, những cảnh tra tấn, bắn giết khi quân thù tràn tới.. Phải từ trái tim một con người cộng sản mà lý trí và tình cảm gắn liền mới thấu hiểu sâu sắc những nỗi khổ đau mà nhân dân phải chịu đựng trong cuộc đấu tranh quyết liệt với quân thù. Cho nên, những năm tháng cùng ăn ở, đấu tranh, chia sẻ ngọt bùi với nhân dân, cảm nhận trọn vẹn nghĩa tình của nhân dân đối với Đảng, đồng chí thương cảm, tưởng nhớ da diết, sâu sắc đến đồng bào, đồng chí đã hy sinh cho đất nước nở hoa độc lập. Đồng chí tâm tình với những người may mắn chứng kiến ngày thắng lợi: Trong những người cách mạng, không ai đau khổ và hy sinh bằng những đồng chí bị địch đọa đày, giày vò và chết dần, chết mòn trong nhà lao của chúng. Không ai anh hùng, vĩ đại bằng những chiến sĩ, đồng bào đã nhận cái chết để đổi lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Vì vậy, đã bao lần đồng chí khóc vì đồng bào, đồng chí hy sinh dưới họng súng, lưỡi lê của quân thù thì đến ngày thắng lợi cuối cùng đồng chí cũng không kìm được dòng nước mắt vui mừng, hạnh phúc sau 20 năm đằng đẵng mong chờ. Với tình cảm sâu đậm đó, đồng chí hiểu rõ mong ước thiết tha của đồng bào, đồng chí đã ngã xuống, luôn tự nhắc nhở bản thân và các thế hệ mai sau mãi mãi khắc sâu, quyết tâm biến ước mơ cháy bỏng của các anh hùng, liệt sĩ thành hiện thực.

Từ tình yêu thương vô bờ bến với nhân dân lao động, đồng chí trăn trở, suy nghĩ nhiều đến cuộc sống của đồng bào khi đất nước thanh bình: Mấy chục năm qua cả nước đánh giặc, cả nước hy sinh. Biết bao đồng bào, đồng chí đã chết trong tù, ngoài trận mạc. Biết bao làng xóm bị triệt phá, biết bao gia đình nhà tan cửa nát...Vì chiến tranh liên miên, chúng ta chưa xây dựng được bao nhiêu. Đất nước vẫn còn nghèo, nhân dân chưa hết khổ. Đảng và Nhà nước ta chưa lo được bữa ăn đầy đủ cho người lao động; chưa giảm được nhọc nhằn cho chị em phụ nữ, chưa nuôi dạy các cháu được chu đáo. Chúng ta phải nâng cao ý chí cách mạng, cố gắng vươn lên, làm được nhiều hơn trong giai đoạn cách mạng mới...

Ý thức về trách nhiệm lớn lao, đồng chí luôn hướng tới một xã hội tốt đẹp, mang đậm truyền thống nhân văn của dân tộc, trong đó nhân dân lao động là những người đầu tiên được hưởng hạnh phúc.

Là nhà lãnh đạo kiệt xuất, trưởng thành trong hoạt động cách mạng thực tiễn, dày dÆn đấu tranh, đồng chí Lê Duẩn rất coi trọng nghiên cứu chủ nghĩa MácLênin, lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới, nghiên cứu các đạo Nho, đạo Phật, Công giáo...nhằm tìm ra những điều bổ ích cho cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội, con người, lối sống Việt Nam. Với tư tưởng nhân văn cao cả, đồng chí ước mong xây dựng một xã hội XHCN giàu mạnh, nhân dân no đủ, hạnh phúc, trong đó con người giàu tình yêu thương với nhau. Đồng chí nói: Làm cách mạng xã hội chủ nghĩa nói cho cùng là chăm lo thỏa mãn nhu cầu vật chất và văn hóa của nhân dân; chăm lo việc ăn, ở, học hành, đi lại, chữa bệnh, nghỉ ngơi, giải trí cho mọi người trong xã hội. Do vậy, đồng chí quan tâm đến từng  bữa ăn, chiếc áo mặc của nhân dân- công việc tưởng như rất giản đơn nhưng hàm chứa một ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Sự quan tâm rất đỗi bình dị ấy không chỉ cho trước mắt mà cả lâu dài, đó là những năm 80 của thế kỷ XX, đồng chí nói: Chúng ta đang lo sao sản xuất đủ lương thực, lo cho bữa cơm có rau dưa, nước chấm, nhưng phải tiến lên làm sao cho bữa ăn có cá, có thịt, làm cho trẻ em và người già có sữa uống. Trước mắt chúng ta đề ra yêu cầu đảm bảo cho nhân dân ta được mặc lành, mặc ấm nhưng sau phải tiến lên làm cho mọi người được mặc sang, mặc đẹp. Và đồng chí khẳng định con đường để đạt được mục đích là phải công nghiệp hóa XHCN, biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước XHCN có công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, khoa học kỹ thuật tiên tiến. Thực tế đất nước trong hơn 35 năm xây dựng đã khẳng định đó là quy luật tất yếu của quá trình phát triển.

Nhưng nếu chỉ thõa mãn vật chất mà thiếu đi văn hóa thì chưa đủ. Bởi lẽ, cuộc sống con người trước hết phải cơm no áo ấm, nhưng dù có khổ cực đến bao nhiêu, con người cũng có một đời sống văn hoá phù hợp. Tình yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau của những người trong gia đình, hàng xóm láng giềng và cả xã hội là điều đầu tiên mà mỗi người cần có trong suốt cuộc đời. Con người cần được thưởng thức văn hóa, nghệ thuật, mở rộng hiểu biết và nhu cầu đó ngày càng cao khi đời sống vật chất càng đầy đủ. Khi đó, cuộc sống con người mới thực sự hạnh phúc. Đồng chí Lê Duẩn đã cảm nhận được những điều tất yếu đó nên khi vạch ra  đường lối xây dựng xã hội mới, đồng chí nghĩ nhiều về sự hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần trong xã hội: Phải có cơm ăn, áo mặc đầy đủ, tất nhiên! Nhưng còn cần phải biết thế nào là đẹp và sống sao cho đẹp, đó mới là hạnh phúc trọn vẹn. Chúng ta không bao giờ chủ trương sống khổ hạnh. Do hoàn cảnh chiến tranh, chúng ta phải chịu đựng một mức sống vật chất quá thấp. Chúng ta không thể bằng lòng với mức sống hiện nay của nhân dân ta. Cần phải làm hết sức mình để cải thiện đời sống của nhân dân. Đồng thời, đồng chí chủ trương: Chúng ta xây dựng những cộng đồng, những tập thể, trong đó mọi người  sống với nhau theo một nguyên tắc đạo đức hoàn toàn mới, yêu thương nhau, đùm bọc nhau, xây dựng hạnh phúc cho nhau, tập thể có cuộc sống tinh thần đẹp, có văn hóa cao. Nói chuyện tại đại hội những người xuất sắc trong phong trào xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (7/1963), đồng chí phân tích: Con người sống cần phải ăn, phải mặc và luôn luôn mong muốn đời sống vật chất ngày càng sung túc, đầy đủ. Nhưng đời sống con người không phải chỉ có như thế, mà còn phải có tình cảm, có tâm hồn, có đạo đức. Chỉ thỏa mãn lợi ích vật chất thôi thì chưa đủ. Một gia đình đời sống sung túc, nhưng vợ chồng cãi cọ nhau, anh em xích mích thì còn đâu là hạnh phúc? Một nước giàu mà quan hệ giữa người với người là quan hệ bóc lột, lừa đảo, mà văn hóa đồi trụy xô đẩy con người xuống vực thẳm tội lỗi thì phải chăng là thiên đường? Chúng ta phải làm hết sức mình để cho đời sống nhân dân ta được ấm no, sung sướng nhưng chúng ta không coi đời sống vật chất là hạnh phúc duy nhất của con người.

Chính những suy nghĩ mộc mạc, cụ thể nhưng hàm chứa tư tưởng lớn lao, xây dựng một xã hội tốt đẹp vì hạnh phúc của nhân dân lao động trở thành mong ước thiết tha, cháy bỏng của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Trên nhiều trang viết, đồng chí trở đi trở lại vấn đề nhiều lần, phân tích cặn kẽ dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, xuất phát từ đạo lý cao quý của dân tộc Việt Nam. Đó là: Mỗi dân tộc đi lên CNXH với đặc điểm riêng của mình. Nhân dân ta đi vào CNXH với truyền thống  anh hùng, bất khuất, tự lực tự cường từ nghìn xưa; với truyền thống: Nhiễu điều phủ lấy giá gương; người trong một nước phải thương nhau cùng. Chúng ta muốn qua phong trào cách mạng của quần chúng tạo ra trong xã hội một cuộc sống tốt đẹp, trong đó người với người đối xử với nhau có tình, có nghĩa, biết thương yêu, đoàn kết lẫn nhau.

Đồng chí coi đó là trách nhiệm vẻ vang, là nhiệm vụ tất yếu của những người cộng sản. Đó là nhiệm vụ hàng đầu của các Đảng bộ tỉnh, huyện, của Đảng bộ, chi bộ cơ sở và các ngành; đó là mối quan tâm số một của tất cả các đảng viên, cán bộ. làm tốt nhiệm vụ này là phải chủ động giúp đỡ những người khó khăn, không để xảy ra trường hợp thiếu thốn. Để làm được điều đó, theo đồng chí, phải quan tâm đầy đủ đến mọi gia đình trong xã hội. Đồng chí bác bỏ quan điểm cho rằng làm cách mạng thì không nên nói đến gia đình, nói đến gia đình là nói đến quyền lợi cá nhân, trái với đạo lý tập thể. Thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chủ Tịch, đồng chí nêu rõ quan điểm: Lợi ích và hạnh phúc gia đình hoàn toàn gắn liền với lợi ích và hạnh phúc của xã hội. Hạnh phúc của xã hội được biểu hiện ở hạnh phúc của từng thành viên, từng gia đình. Gia đình ấm no, hạnh phúc thì mỗi thành viên trong gia đình càng có điều kiện đóng góp nhiều cho xã hội. Cho nên, phải xây dựng trước hết ở mỗi gia đình tình yêu thương đằm thắm giữa vợ, chồng, con cái. Mỗi gia đình phải được xây dựng theo truyền thống: Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn. Con người phải được xây dựng từ trong gia đình, từ những dòng sữa tươi mát đầu tiên, từ những cử chỉ âu yếm, những lời khuyên bảo, dỗ dành của mẹ cha, nghĩa là từ sự chăm sóc đầu tiên của gia đình. Một gia đình như vậy mới thực sự hạnh phúc và tất cả các gia đình hạnh phúc là cả xã hội có đầy đủ hạnh phúc.Vì vậy, giải quyết những vấn đề liên quan đến đời sống nhân dân, nhất thiết phải chú ý đến đơn vị gia đình với những nhu cầu nhiều vẻ của nó. Đồng chí nói: Phải đi sâu vào đời sống gia đình, xem họ ăn, ở thế nào; chúng ta mới thực sự trả lời được câu hỏi: Phải làm gì cho một gia đình? Phải làm gì để phục vụ nhân dân tốt hơn?

Trong xã hội tốt đẹp mà đồng chí Lê Duẩn ước ao xây dựng, đồng chí luôn dành cho phụ nữ và trẻ em sự quan tâm, ưu ái đặc biệt. Đối với người phụ nữ Việt Nam, đồng chí viết những dòng tha thiết: Hàng triệu bà mẹ Việt Nam đã đổ mồ hôi, vắt từng dòng sữa, dốc cả tâm huyết và sinh lực để sinh thành và nuôi dạy những thế hệ thanh niên anh hùng. Do đó: Chế độ ta phải chăm lo đầy đủ đến đời sống của những người phụ nữ, lo cho phụ nữ trước rồi mới đến đàn ông, vì phụ nữ ta vất vả lắm, vừa sinh con, nuôi con, vừa sản xuất đảm đang việc gia đình; sức khỏe yếu mà đời sống và phương tiện sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn.

Với trẻ em, tương lai của dân tộc, đồng chí có những trang viết vô cùng ấm áp: Tôi ước ao sau khi nước nhà thống nhất, trong vòng 15 năm, trẻ em chúng ta, từ con vị Chủ tịch nước đến người dân thường đều được xã hội nuôi dạy và được hưởng sự chăm sóc như nhau. Vì vậy, đồng chí căn dặn: Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến đâu, chúng ta cũng giành những điều kiện thuận lợi nhất trong khả năng của đất nước cho các cháu học tập và vui chơi.

Đồng chí cũng thấy rõ muốn có một xã hội mà bên cạnh nâng cao đời sống vật chất, đồng thời làm cho tâm hồn con người luôn luôn trong sáng, quan hệ giữa người đẹp đẽ, chân thành, thắm thiết, phải rất dày công mới xây dựng được. Vì vậy, đồng chí rất quan tâm xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa đặc biệt là việc chăm lo giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Khi nói đến xây dựng con người mới, đồng chí luôn nhấn mạnh hai mặt: Tình cảm và lý trí tình thương và lẽ phải. Con người mới phải được xây dựng trên cơ sở truyền thống quý báu của dân tộc. Vì vậy, đồng chí khẳng định:Xây dựng con người mới không được thoát ly hoàn cảnh thực tế Việt Nam, cắt đứt với truyền thống dân tộc. Vì con người Việt Nam ta có rất nhiều cái đẹp. Phải tìm hiểu lịch sử một cách sâu sắc, từ đó phát huy những đức tính tốt đẹp cổ truyền, những phong tục tập quán lành mạnh của dân tộc, phê phán những điều chưa tốt, những cái lạc hậu và kiên quyết loại trừ những gì ngăn cản sự tiến lên của dân tộc. Đạo lý sống mà đồng chí thường nhắc nhở là phải xây dựng cho con người được ba đức tính: yêu lao động, giàu tình thương, trọng lẽ phải. Và việc xây dựng nền văn hoá mới, con người mới là điều cần và có thể thực hiện từng bước, từng phần để tạo ra một xã hội đẹp về lối sống, về quan hệ giữa người và người, một xã hội trong đó nhân dân lao động cảm thấy hạnh phúc tuy đời sống vật chất chưa cao. Theo đồng chí, làm chủ tập thể là hạnh phúc lớn nhất, đồng thời là cái đẹp cao nhất của con người. Đồng chí khẳng định: Hạnh phúc là từng bước thực hiện làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân; mọi người cùng nhau lao động và chiến đấu cho sự phát triển của cộng đồng xã hội để có đủ cơm no, áo ấm, đồng thời có cuộc sống vui tươi, lành mạnh, bình đẳng và hoà hợp; mỗi người được phát triển đầy đủ nhân cách, tài năng và năng khiếu của mình, trong mối quan hệ hài hoà giữa cá nhân, gia đình và xã hội, thực hiện đạo lý cao cả "mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người".

Đồng chí luôn nhấn mạnh: xây dựng nền văn hoá mới, con người mới là sự nghiệp mang nội dung toàn diện. Trong đó, hệ thống giáo dục bao gồm giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục trung học chuyên nghiệp, dạy, nghề, giáo dục đại học và trên đại học có tầm quan trọng hàng đầu.

Vì vậy, đối với thế hệ trẻ, đồng chí căn dặn, thầy giáo vừa dạy cho học sinh có tri thức, vừa phải rèn luyện con người. Nói đến rèn luyện con người, trước hết là giáo dục lòng nhân ái, vì lòng thương người là đạo lý cuộc sống, là đạo lý làm người. Giáo dục lòng nhân ái cho học sinh tức là xây dựng cho các em lòng yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, thương đồng bào, yêu lao động, lòng dũng cảm, trung thực và tinh thần quốc tế vô sản. Chỉ đứng trên lập trường của giai cấp công nhân và nhân dân lao động mới có thể có lòng nhân ái thực sự. Ở đây, đồng chí không chỉ nêu lên quan điểm giáo dục nhân cách cho thế hệ tương lai của dân tộc mà đồng chí còn mong muốn tất cả cán bộ, đảng viên, những người đứng đầu các cơ quan Đảng, Nhà nước... phải không ngừng trau dồi tình cảm cách mạng, luôn luôn kết hợp giữa tình cảm và lý trí mới hiểu sâu sắc và quyết tâm rằng, chúng ta hy sinh, giết giặc là anh hùng, nhưng đồng thời phấn đấu để cho con người không còn nghèo đói nữa cũng là một sự nghiệp hết sức vĩ đại.

Những điều đồng chí Lê Duẩn phân tích, lý giải dù đã cách đây vài chục năm nhưng càng suy ngẫm chúng ta càng phát hiện thêm nhiều điều thú vị, càng cần thiết cho sự nghiệp xây dựng mô hình xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mỗi bước phát triển về khoa học kỹ thuật, nâng cao đời sống cũng là một bước hoàn thiện hơn nữa hơn nữa quan hệ giữa người con người với con người, bao gồm tình yêu, tình bạn, tình đồng chí, tình làng nghĩa xóm, tình đồng bào, đồng loại...để không xảy ra nghịch cảnh như Ăng-ghen đã phê phán: cứ mỗi bước tiến lên của nền văn minh là một bước thụt lùi trong quan hệ giữa con người với con người.

Đồng chí Lê Duẩn là con người hành động với một quyết tâm lớn và tinh thần sáng tạo lớn. Khi Tổ quốc, nhân dân còn chìm đắm trong màn đêm nô lệ, đồng chí không một lần chùn bước, đấu tranh quyết liệt, bằng tất cả tinh hoa trí tuệ, tinh thần và nghị lực phi thường để giải phóng đất nước, đưa lại nền độc lập cho dân tộc. Và khi đất nước thanh bình, đồng chí dồn hết tâm sức, trí tuệ tiếp tục tìm tòi, thử nghiệm từ hàng chục năm trước ngay trong thời chiến về con đường và cách làm của dân tộc Việt Nam ta để xây dựng và phát triển đất nước; đặc biệt trăn trở để cải thiện đời sống của đồng bào đã phải chịu đựng thiếu thốn, hy sinh quá lớn trong chiến tranh, mong bù đắp được một cách nhanh nhất những hy sinh, mất mát của mọi tầng lớp nhân dân ở cả hai miền Nam, Bắc...

Có thể khẳng định, cốt lõi trong tư tưởng nhân văn của đồng chí Lê Duẩn là đem lại hạnh phúc cho nhân dân, như đồng chí vẫn thường nói: sống và chiến đấu vì Tổ quốc, vì nhân dân là hạnh phúc lớn nhất của người cộng sản. Đó là mục đích duy nhất mà đồng chí suốt cuộc đời theo đuổi, được kết tinh vào đạo lý mà đồng chí thường nhắc nhở: Lao động, tình thương, lẽ phải. Tư tưởng nhân văn cao đẹp đó đã làm phong phú thêm gia tài văn hoá của dân tộc và sáng mãi với thời gian.

N.V.H

 

 

Nguyễn Văn Hùng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 150 tháng 03/2007

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground