Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Uyên nguyên những giấc mơ màu cỏ

Tôi làm quen và thưởng thức tác phẩm của Cao Hạnh bắt đầu bằng kịch bản văn học (Đất cằn), rồi sau đó là các tập truyện ngắn (Bồ câu xám, Huyền thoại tình yêu, Vú cát). Ấn tượng sâu đậm nhất của tôi là tình đời, tình người của anh đối với vùng đất “gió Lào cát trắng” luôn đồng hiện trong từng hình tượng và ngôn ngữ rất đặc trưng Quảng Trị. Chúng vực dậy những ký ức diết da về một thời xa vắng nhưng không xa của chính tác giả. Phải nói là Cao Hạnh nhân tình và nặng sâu ân nghĩa với quê hương – như cách thế để anh hiện hữu mình trong hiện tại và hiểu hết lẽ tồn sinh cùng năm tháng đời người. Chỉ vậy thôi, tác phẩm của Cao Hạnh đã là thông điệp về tình yêu và nỗi nhớ cho những ai luôn hướng về nơi chôn nhau cắt rốn và cõi người độ lượng, tin yêu này.

 

Những cảm giác và ấn tượng ấy, sau bao năm, vẫn còn nguyên trong tâm thức của tôi. Giờ chúng được sống lại một cách tươi nguyên khi tôi cầm trên tay tập thơ Giấc mơ màu cỏ của Cao Hạnh, do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2010. Tập thơ là kết tinh của tình yêu và những kỷ niệm vui buồn được chở che và bảo bọc trong những giấc mơ biếc xanh màu cỏ của chính người thơ. Vì vậy, chúng là chứng chỉ thời gian cụ thể và chân thật nhất của anh qua từng cảm giác và tâm trạng, từng hình ảnh và hình tượng nhân vật.

 

Tôi muốn từ tiêu đề của tập thơ để xem cỏ như là ẩn số - hay mẫu số cũng thế - để nhìn ra thế giới chung quanh mà Cao Hạnh đã liên hệ, gửi gắm, chia sẻ bằng thơ. Bắt đầu là Mẹ. Bài thơ Nhớ mẹ là những mảnh vỡ ký ức được chắp nối trong tâm tưởng nhớ thương, xa xót. Nỗi nhớ bắt đầu từ cơn mưa rét giá, khiến anh buốt lòng cho mẹ nơi nấm mồ sâu hoang lạnh: “ Đêm nay cả bầu trời đầy nước - Trút hết xuống hồn con” cho kỷ niệm ùa về:

 Con lật hồn mình vào tháng năm xa ngái

 Nghe lời ru của mẹ vọng về

 Ôi lời ru nghe sao da diết

           Đã trở thành máu chảy giữa lòng con

 

          Mẹ được liên tưởng đồng hiện trong nhiều cảnh ngộ xúc động. Có một ngày con quạ qua nhà báo tin con gái lấy chồng xa đã lìa cõi thế, khiến cả em  và mẹ đã khóc trong nghẹn ngào: “Mẹ đau đớn lăn mình trên vạt cỏ - Dòng sông đưa chị về bến cũ – Nơi ngày xưa chị đi lấy chồng – Tiếng em khóc gào hằn lên mặt sông – Bãi cỏ cào cào tung lên ngàn cánh tím” ( Ngày chị đi lấy chồng).

 

          Bài thơ Giấc mơ màu cỏ là chủ đề gây ấn tượng mạnh trong tập thơ. Nó tạo thành sức năng động bên trong cho mỗi hình tượng. Và cũng từ đó, nhà thơ liên hệ đến quê hương, đến ông bà cha mẹ và hành trình cuộc sống của mình. Bắt đầu là quê hương “ Mảnh đất gầy trong bóng cỏ - Cỏ quê tôi xanh đến nao lòng – Chuyện kể rằng từ thuở hồng hoang – Cỏ quê tôi đã xanh như thế”,rồi đến “Cha mẹ thương nhau từ gánh cỏ qua cầu – Và em thương anh từ bông hoa cỏ biếc” để giờ đây khi nhớ về quá vãng “Giấc mơ nào cũng xót quê hương”:

                   Mẹ bọc tôi trong vạt áo của Người

Mẹ dấu tôi vào trong cỏ…

                                  Cỏ ơi…

Cỏ chở che tôi bằng màu xanh của cỏ

Cỏ sưởi hồn tôi bằng hoa lá nồng nàn

Tuổi thơ tôi lấm láp giữa đồng làng

Cùng lũ bạn chơi trò chơi trận giả

Giấc mơ tôi tím cánh cào cào

Lớn lên, tôi ở tuổi biết yêu

Em đến với tôi trong đêm trăng cỏ ướt…

 

          Thơ Cao Hạnh trầm tư nhiều về người cha nơi chín suối: “Con neo hồn mình trong im lặng – Lặn vào câu thơ tìm ẩn số cuộc đời – Ba mươi năm cha ơi”. Tưởng như Người vẫn còn đây qua từng hành vi, nhân cách:

Cha tôi người sinh ra lỗi thời 

Tay mềm mại bút hoa 

Phải làm nghề cày ruộng 

Ông đọc sách Thánh hiền 

Để dạy bảo cháu con nên người 

Lấy chữ NHÂN làm gốc cho đời

Lấy chữ NHẪN xây nên cơ nghiệp

Một tấn khôn ngoan không bằng một gam trung thực

Khiêm tốn thật thà không được gian tham

                                             (Chuyện nhà)

 

          Cao Hạnh có những câu thơ viết về Cha và Mẹ thật hay và chân thật đến nhức nhối, có nhiều liên tưởng bất ngờ dù không xa lạ. Ở đây là cách nói, là cách phát hiện cái bình thường trong chính cái bình thường:                                Hàng ngày mặt trời bay lên theo nhát cuốc của cha tôi

                   Những buổi sớm kéo bình minh vào đất

                   Mẹ đi cấy khảm buồn vui vào nước

                   Bao xuân xanh trút xuống để nuôi đồng

                                                                (Chuyện nhà)

          Hay:

          Con cá câu lên cho mẹ

          Chần chừ lại thả xuống sông

          Để nỗi buồn mắc mãi ở lưỡi câu

          Mà mẹ ơi suốt đời con không sao gỡ được

          Và cứ thế, mỗi khi nghĩ đến chuyện nhà, anh lại nghĩ chuyện rộng dài về Tổ quốc, Quê hương. Tình yêu ấy sẽ có sức lan tỏa và sâu nặng vì nó được suy tư và liên hệ từ hiện tại và trầm tích văn hóa, lịch sử với từng cảnh đời và cảnh người cụ thể. Nghĩ về mười họ tộc làng mình từ khai canh, lập nghiệp hai trăm năm đến nay, tác giả nghĩ đến sự cố kết bền vững nhất của những giá trị tinh thần và vật chất để làm nên sự sống:

                   Mười họ tộc – Mười hòn máu đỏ

                   Cùng lăn trên mảnh đất khô cằn

                   Hòa vào nhau như suối hợp thành sông

                   Máu trộn mồ hôi nở bừng lên hoa trái

                   Con cháu sinh ra, tài trai, sắc gái

                   Những thế hệ kế tiếp nhau xây đắp nên làng

                                                                    (Làng tôi)

 

Nghĩ về dòng Hiếu Giang quê nhà, anh lại nghĩ về những gì bình dị nhất có liên hệ thân thiết với chính đời sông và chính con người: “Tôi cầm trên tay những mảnh sành vỡ vụn – Lòng cồn cào thương nhớ một đời sông” mà liên hệ đến những câu hát “đáy sông còn ngậm”, để nói lên lòng gắn bó nặng sâu với cơn khát tuổi thơ mình cùng dòng sông tình sử:

          Dẫu uống cạn nguồn vẫn không thôi cơn khát

          Ôi dòng sông trong như nước mắt

          Vẽ một nét huyền qua sỏi đá đời tôi

                                      (Dòng sông quê tôi)

 

Bài thơ Lời ru nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn cũng nằm trong mạch thơ thế sự giàu ân tình, triết lý của Cao Hạnh, dù chủ đề không mới. Ở đây, có sự độc thoại của chính chủ thể trữ tình nhập vai với những hồn thiêng đã khuất : “Ru chị ru anh – Suốt đời trận mạc – Xin đừng thao thức – Chi hoài người ơi”. Chỉ còn đây nỗi tự hào đau nhói của những người đang sống để biến thành “Lời ru mải miết – Bay vào thiên thu”, “Những lời mẹ hát – Chảy theo mạch nguồn” . Và phía trước là tình yêu và màu xanh phục sinh vĩnh cửu:

          Chiến tranh qua rồi

          Đường xanh phía trước

          Cháu con xin đặt

          Dấu chân Trường Sơn

          Vào miền mơ ước

         

                                             @

 

          Phần hai của bài viết, tôi cũng lại đi từ những giấc mơ màu cỏ của Cao Hạnh để liên hệ và nghĩ suy về những mảnh vỡ ký ức tình yêu, ký ức tuổi thơ và ký ức tâm trạng mà tác giả đã thao thức, trầm tư trên từng con chữ. Từ suy ngẫm của Cao Hạnh: “Cuộc đời lắm nỗi đa mang – Ta như chiếc lá nửa vàng nửa xanh – Nửa vàng thì cứ vàng nhanh – Chút xanh còn lại vẫn xanh hết mình” (Ngẫm). Đó chính là quy luật sinh tồn của vạn vật trong vũ trụ mà chỉ có con người – chủ thể có ý thức mới nhận ra và nhân đó ban tặng cho thiên nhiên, như cách thế để hiện hữu mình trong hiện sinh, trong từng hồng cầu tươi đỏ. Cả chú ốc sên vô tri cũng thế:

                   Ô kìa! Chú ốc sên

                   chẳng cần vội vã

                   để cho thời gian mọc rêu trên chiếc vỏ

                   vác cả không gian rừng

                             bình thản

                                      vặn mình

                                                đi…

                                                          (Rừng)

 

          Cứ thế, theo cách của Bùi Giáng: “Bây giờ xin đối diện tôi – Còn hai con mắt khóc người một con” và Hoàng Phủ Ngọc Tường: “ Vẽ tôi một nửa mặt người – Nửa kia mê muội của thời hoang sơ”, Cao Hạnh lấy mình và thiên nhiên làm đối tượng để vẽ chân dung bằng thơ nhằm nói lên cái mỏng manh, xa vời và ảo ảnh của con người và hiện tượng, sự vật trước cái vĩnh hằng của thời gian và không gian:

                   Vẽ trăng một nét gương soi

                   Có hình chú cuội ngôì cười trên mây

                   Vẽ non nghe tiếng sương bay

                   Cánh chim hồng nhạn trong mây mơ màng

                   Vẽ em một đóa hoa hồng

                   Gửi vào giữa chốn hư không cho đời

                   Bây giờ tôi vẽ chính tôi

                   Rượu say, lạc bút

                                      thôi rồi…

                                                mặt ai?...             

                                                                   ( Vẽ )

 

          Có lúc, tác giả phân thân và tự hỏi “Ta là ai” để rồi cứ mỗi lần tự vấn “Nỗi dày vò xoáy riết tâm tư” và cuối cùng là trạng thái vô thức để an ủi tấm hình hài có có không không:

                   Một nửa tôi bay ở phía chân trời

                   Một nửa tôi neo vào trong cát bụi

                   Hai nửa cuộc đời nhập lại

                   Để thành tôi trong một kiếp CON NGƯỜI

                                                                   (Tự vấn)

 

          Mảng thơ về đời tư của Cao Hạnh thường bâng khuâng, đượm chút buồn hoài niệm, có liên hệ với hoàn cảnh quê hương và những người thân cụ thể. Những bài thơ Ngày chị đi lấy chồng,Nhớ mẹ,Chợ hôm, Giấc mơ màu cỏ, Người ơi, Làng, Chuyện nhà, Người đàn bà tìm tuổi xuân trên cát…hội tụ ở cái nhìn nghệ thuật như thế. Nhà thơ quan sát cảnh chợ Hôm đông vui mà lại ngậm ngùi cho chính riêng mình và cho tha nhân trong liên tưởng gần và liên tưởng xa:

- Người ngồi bán cái đợi chờ

Kẻ đi mua cái ngẩn ngơ mang về

-Tôi đi mua nhánh hoa tươi

 Lại mang về cả tiếng cười của em

 

 Vậy là dù buồn hay vui thì người thơ cũng đã được an ủi trong nhận thức, trong sự phục sinh những giá trị mới trên chính những mất mát, lo toan sau tiếng con Cuốc kêu khắc khoải: “Tiếng Cuốc rụng xuống bên trời – Sinh nở một ban mai”. Còn nhà thơ ngồi thiền thì âm thầm nhưng hệ quả lại có giá trị nhân bản hơn, dù không phải có lúc cũng nhuốm màu hư vô : “ Nhà thơ ngồi thiền sau bóng chữ - Cuối câu thơ hiện bóng CON NGƯỜI”, cho nên sau giọt nước mắt thi nhân là những mầm xanh hy vọng:

                   Giọt nước mắt thi nhân

                   Khóc cho bao số phận

                    Bao kiếp bị đọa đày

                   Giọt nước mắt thi nhân

                   Rơi vào cội nguồn dân tộc

                   Nảy mầm tương lai

                   Gieo vào cộng đồng nhân loại

                   Hạt thương yêu mọc giữa trái tim người

                                                 (Nước mắt thi nhân)

         

Thơ tình yêu của Cao Hạnh thì khác, bao giờ cũng trái ngang và dang dở, dù có lúc anh có hơi cường điệu:

                   Lá trầu khô gói nỗi buồn

                   Chỉ mời được ánh trăng suông trên đầu

                   Ta còn một trái tim đau

                   Yêu em cho đến nát nhàu người ơi

                                                          (Người ơi)

          Hay:

                   Có một mùa thu đi qua đời tôi

                   Để lại vết bầm trong gối

                   Để lại tiếng trăng òa vỡ

                   Nỗi buồn tím cả hư vô

                                      (Có một mùa thu)

 

          Nhưng rồi cuối cùng, con người vẫn phải tồn tại – tồn tại theo nghĩa đích thực nhất của sự sống như “ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên” (Chế Lan Viên): “ Và thơ tôi – những câu thơ máu thịt – Cũng chỉ là ngọn cỏ hóa thân thôi – Tôi sinh ra trên đời – Tôi người con xứ cỏ - Giấc mơ nào cũng xót quê hương”. Vậy là, một nhận thức tích cực khác lại bắt đầu:

                   Có những lúc nỗi đau buồn nhân thế

                   Nở huy hoàng thành hạnh phúc em ơi

                                                          (Khi em khóc)

 

          Và nhà thơ không có chi khác ngoài tự mình vực dậy những ước mơ non tơ màu cỏ ấy để tiếp tục yêu thương và khát vọng:

                   Ta như cái bóng cây thôi

                   Con chim đến đậu xong rồi lại bay

                   Ta như một nét sông gầy

                   Cho ai đếm sóng những ngày tuổi thơ

                   Ta như ngọn núi đợi chờ

                   Cơn mưa chưa đến phạc phờ hư hao

                   Ta như ngọn gió trên cao

                   Thôi đành thổi tắt vì sao giữa trời

                   Ta như con sóng ngoài khơi

                   Bạc đầu cũng chỉ vì đời biển xanh

                                                          (Ta như)

 

          Khép lại tập thơ, vẫn tiếc nuối về một vài hình ảnh và câu chữ chưa thật kết tinh lắm đặt xen lẫn trong những khổ thơ hay, câu thơ hay. Có lẽ. Cao Hạnh muốn giữ nguyên những rung cảm bộn bề ấy khi để ngôn ngữ trần trụi của văn xuôi đi vào thơ một cách thoải mái chăng? Dĩ nhiên là thơ cũng cần văn xuôi nhưng phải là chất văn xuôi nghệ thuật chứ không phải là khẩu ngữ. Hoặc văn xuôi trong những bài thơ tự do, thơ văn xuôi chứ không thể là văn xuôi trong những bài thơ vần điệu điêu luyện được, làm giảm nhạc thơ và nhạc lòng đang run rẩy. Nói như vậy, không biết có chủ quan không? Xin Cao Hạnh cùng suy nghĩ.

 

                                                   @

 

Trong lời khai từ đầu tập thơ, Cao Hạnh có nói: “Thơ hay tự nó sống. Thơ dở tự nó chết”. Và trong Nhà văn Việt Nam hiện đại, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2010, Cao Hạnh lại nói “Văn học không phải là một cuộc chơi. Đến với văn học, ngoài khả năng (bẩm sinh và rèn luyện) còn có một phần quan trọng là duyên số. Tôi là người có chút ít may mắn chăng?”. Điều đó hoàn tòan đúng. Nhưng cũng không ít người có được những khả năng ấy rồi nhưng vẫn bỏ lỡ cuộc hành trình. Cao Hạnh không thuộc loại những người đó. Anh có hành trình văn chương bền bỉ và vững chắc. Văn xuôi là nghiệp chính của anh. Thơ là nỗi đam mê muộn màng nhưng cũng làm anh “dở sống dở chết”, nhưng rồi như một bù đắp khác, thơ giúp anh hiện hữu gương mặt mình trong ngôi nhà của nỗi buồn bản thể để nơi đó, anh vực dậy những giấc mơ màu cỏ mong tiếp tục tin yêu và hy vọng vào đời, vào thơ và những gì thiêng liêng khác. Chúc mừng thành công mới của anh.

Hồ Thế Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 192 tháng 09/2010

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

2 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

3 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground