M |
ùa xuân đầu tiên của thế kỷ mới đang đến. Tôi ngoái nhìn một trăm năm đầy ắp những biến thiên lịch sử đã qua trên những gương-mặt–con-người-thế-kỷ. Và tôi không thể không nhớ tới ông, một con người nhỏ thó, rắn đanh như một khối thuốc nổ có sức công phá tuyệt vời của một trái tim yêu nước và sáng tạo hiếm có. Ông một mình mang vác quá nhiều danh hiệu trong sự nghiệp cống hiến của mình: Hiệp sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, thi sĩ, chiến sĩ. Ông chính là nghệ sĩ đa tài Văn Cao, tác giả Quốc ca Việt Nam, giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên (1996).
Ông tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh ra ở nông thôn (xã Liên Minh, Vụ Bản, Nam Định) năm 1923, rồi theo gia đình phiêu bạt tới Hải Phòng. Suốt đời ông luôn ám ảnh về một tuổi thơ “không có quê hương”: “Nghe đâu như Thái Bình, Hà Nam, Phủ Lý/ Như Nam Định/ Ruộng đất mênh mong trong tiếng hát/ Quê mẹ quê cha cách một vườn trầu”. Chính vì thế mà toàn bộ sự nghiệp của ông ngắn liền với Cách mạng, đi giành lại Độc Lập Tự Do cho quê hương đất nước mình. Ông khởi đầu bằng nghệ thuật, viết văn, làm thơ, sáng tác nhạc từ năm mười sáu tuổi, rồi tham gia đoàn hướng đạo sinh với những bài hát yêu nước như Đống Đa, Thăng Long hành khúc. Năm 1944, ông nhận nhiệm vụ hoạt động cách mạng với cây bút viết nên bản Tiến quân ca bất hủ, và với khẩu súng tham gia đội ám sát bọn Việt gian phản động từ Hải Phòng tới Hà Nội, như một hiệp sĩ thực thụ. Người nghệ sĩ, chiến sĩ Văn Cao tiếng nổi như cồn, và trở thành thần tượng của giới trí thức trẻ yêu nước lúc bấy giờ.
Về sự nghiệp âm nhạc, từ Buồn tàn thu (bài hát đầu tiên) tới Mùa xuân đầu tiên là cả một chuỗi dài giai điệu vừa trữ tình vừa hùng tráng dựng nên một dãy núi âm thanh của riêng Văn Cao đóng góp cho âm nhạc mới, cách mạng Việt Nam. Âm nhạc của ông làm cho người Việt thức dậy tình yêu lớn lao đối với cội nguồn làng quê và làm nên sức mạnh đi qua những cuộc kháng chiến cứu nước và dựng xây xã hội mới. Không chỉ bằng những ca khúc, những bản trường ca độc lập, mà ông còn soạn nhạc không lời, nhạc phim và nhạc sân khấu, với những âm thanh thật sang trọng, ẩn chứa tư tưởng của thời đại mà ông luôn hướng tới. Chính vì thế mà Âm nhạc Văn Cao luôn vang lên hàng ngày ở Việt Nam, và đã từng theo các nhà du hành vũ trụ ngân xa trên cõi Thiên thai…
Về sự nghiệp văn học, ông là một nhà thơ cách tân tài năng với Một đêm đàn lạnh trên sông Huế và Chiếc xe xác qua phường Da Lạc lừng lẫy trước cách lạng tháng tám; với cuộc khởi xướng Thơ không vần trong kháng chiến chống Pháp, và đặc biệt là trường ca Những người trên của biển và tập thơ Lá viết sau 1954 làm phong phú thi pháp và tư tưởng thơ Việt trên thi đàn xã hội chủ nghĩa.
Về sự nghiệp hội họa, từ năm hai mươi tuổi, Văn Cao đã làm chấn động dư luận với bức tranh Cô gái dậy thì, Sám hối, Nửa đêm và Cuộc khiêu vũ của những người tự tử bày trong Triển lãm Duy Nhất với phong cách lập thể như một họa sĩ tiền phong. Trong kháng chiến chống pháp, ông vừa trình bày, minh họa báo, vừa vẽ tranh. Bức Cổng làng của ông có tính khai phá, mở đường cho hôi họa mới, suốt 30 năm được ông cất giữ cho đến lúc phải bán mấy trăm đồng vì nghèo túng và cuối cùng người ta bán nó với giá hàng chục nghìn đô. Ông còn là họa sĩ trình bày bìa sách và vẽ minh họa nổi tiếng, tạo ra phong cách riêng biệt mà nhiều họa sĩ sau này phải chịu ảnh hưởng ông. Ông cũng vẽ nhiều bức chân dung đạt trình độ mẫu mực như Chân dung vợ, Ông già cầm can Đặng Thai Mai, Ông Lâm cà phê, Cô gái đánh đàn .v.v…
Văn Cao nghệ sĩ đa tài, đồng thời là một chiến sĩ, một nhà hoạt động xã hội. Ông từng là Ủy viên ban chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc, phụ trách Đoàn nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng ban âm nhạc Vụ văn học nghệ thuật Bộ giáo dục, Phó tổng thư ký Hội Liên hiệp Văn Học nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên ban chấp hành Hội nhạc sĩ Việt Nam khóa 1 và 3. Nhiều cuốn sách và hàng nghìn bài viết về ông. Nhiều bộ phim tài liệu nghệ thuật khắc họa cuộc đời và sự nghiệp ông. Và ông là một nhân vật lịch sử trong bộ phim Việt Nam thiên lịch sử truyền hình do đài BBC thực hiện.
Văn Cao qua đời ngày 10.7.1995 nhưng tên tuổi ông ghi dấu đậm trong lòng người Việt và không xa lạ với thế giới. Rồi người ta còn hát, còn đọc, còn xem và còn ngưỡng mộ những tác phẩm và tên tuổi ông trong tương lai, bởi ông đồng nghĩa với cách mạng và nghệ thuật, đồng nghĩa với vẻ đẹp vĩnh hằng mà ông đã cống hiến cho đời, xứng đáng là bậc tài danh xuyên qua thế kỷ.
N.T.T