Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/07/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vẫn còn đây thương nhớ

 

 

H

ôm ấy là một ngày trời buồn héo hắt. Ngày 22-7-2001, đông đảo anh em bạn bè thân hữu đến để tiễn đưa nhà báo, nhà thơ Nguyễn Tiến Đạt về quê nhà Lâm Xuân, Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị. Đạt vừa ra đi do một tai nạn giao thông bất ngờ trước đó ba ngày. Vốc những nắm đất đắp cho bạn, anh em, bạn bè đồng nghiệp của Đạt vẫn chưa hết bàng hoàng khi chợt nhận ra rằng: một người bạn tốt đầy tài hoa và triển vọng đã ra đi, chỉ còn những tác phẩm báo chí, văn học của Đạt thì vẫn còn đây, thấm sâu trong lòng bè bạn, trong lòng bạn đọc gần xa.

Ngày còn học ở mái trường Đại học Tổng hợp Huế, Nguyễn Tiến Đạt học sau tôi hai khoá, nhưng anh em đồng môn đã biết Đạt là một cây thơ có nhiều tác phẩm đăng trên các báo và tạp chí từ khi còn là học sinh chuyên văn ở trường Hai Bà Trưng - Huế. Khi tôi đang công tác ở Tây Nguyên thì Đạt ra trường, trở về quê nhà, đi trái nghề, trở thành một sĩ quan công an. Nhưng như là duyên phận, cuối cùng thì nghiệp báo đã giữ Đạt lại với nghề, để rồi về làm phóng viên báo Quảng Trị. Với tính xông xáo, Đạt đã lăn lộn trên khắp các nẻo đường của quê hương, viết nhiều thể loại báo chí lưu giữ ấn tượng trong lòng bạn đọc. Tuy chỉ tác nghiệp trên mảnh đất quê nhà, nhưng với 12 tuổi nghề, Đạt đã để lại nhiều tác phẩm báo chí có giá trị, không chỉ được bạn đọc biết đến trên báo Quảng Trị, tạp chí Cửa Việt mà còn được đăng tải trên nhiều báo: Tuổi trẻ chủ nhật, Thanh niên, Kiến thức ngày nay, Công an TP Hồ Chí Minh, Công nghiệp Việt Nam, Gia đình và xã hội, Áo trắng, Tạp chí Người làm báo...

Năm 1999, Đạt chọn lọc các tác phẩm phóng sự, bút ký tiêu biểu của mình in thành tập sách "Soi mặt dòng Bến Hải"- Hội Nhà báo Quảng Trị xuất bản. Đi nhiều, viết nhiều nhưng đỉnh cao trong nghề của Đạt là năm 1997, phóng sự "Chữ Bác Hồ giữa vạn lý Trường Sơn" được Hội đồng giải Báo chí toàn quốc- Hội Nhà báo Việt Nam trao giải B. Trước đó, trong cuộc thi viết về đất nước- con người của báo Quảng Trị, Đạt được Ban tổ chức giải trao giải B (không có giải A) cho bút ký "Đêm nghe tiếng hát bên bờ Hiền Lương". Những năm sau đó, Đạt liên tục đoạt nhiều giải thưởng khác như giải KK với tác phẩm "Ngọn đèn giữa núi"-  Giải thưởng Báo chí toàn quốc về nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong sự nghiệp đổi mới đất nước do Hội đồng Thi đua-  khen thưởng Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Và chỉ mấy giờ trước khi mất, Đạt vinh dự được trao giải A cuộc thi viết: "Những kỷ niệm sâu sắc về ngành Bưu điện thời kỳ 1930-2000" với tác phẩm "Người giao liên của Xứ uỷ Trung kỳ".

Với tính xông xáo của một nhà báo trẻ, Đạt rất có ý thức tìm tòi những đề tài hay và thể hiện với một bút pháp nhuần nhuyễn. Làm báo là một nghiệp dấn thân đầy khổ luỵ, phải chấp nhận những khó khăn, gian khổ của nghề. Khi lên với đại ngàn Trường Sơn, phát hiện ra điển hình thầy giáo Hà Công Văn hơn hai mươi năm ròng rã bám bản làng dân tộc người Vân kiều, Pa cô để dựng trường, mở lớp, hy sinh cả quãng đời xuân trẻ, chấp nhận gian khổ, đem cái chữ của Bác Hồ về cho những con trẻ vùng cao, Đạt không nề hà, chạy bộ hàng chục cây số quãng đường rừng để tránh những con vắt đói bám vào mang tai, vào mạch máu để vào tận thôn bản thâm nhập thực tế của đời sống dân bản, của những thầy cô giáo trẻ côi cút giữa rừng xanh dạy học với lòng yêu trẻ đến cháy lòng. Chuyến đi ấy đã cho Đạt một vốn sống thực tế khá lớn để viết nên một phóng sự dài hơi đăng 5 kỳ báo. Khi được nhận giải báo chí toàn quốc, Đạt khiêm tốn tâm sự rằng: "Máu- mồ hôi- nước mắt đã thấm trên đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, cả hôm qua và cả hôm nay. Bài viết của tôi chỉ là một đóng góp nhỏ bé. Sự cao cả thuộc về đội ngũ giáo viên nhân dân, điều đó dẫu tôi viết cả đời vẫn không bao giờ hết" (Tạp chí Người làm báo-1998). Khi viết về bác Nguyễn Mậu Dung, người giao liên của Xứ uỷ Trung kỳ thời Bí thư Xưa ủy Lê Duẩn, Đạt kiên trì "đeo bám" nhân vật để khai thác tài liệu ròng rã gần một tháng, vì bác Dung tuổi đã ngoài 80, mỗi ngày chỉ đủ sức tiếp nhà báo để kể chuyện có 15-20 phút...Thành công trong nghề nghiệp của Đạt cũng bắt đầu từ phẩm chất tận tâm với nghề.

Là một phóng viên đa năng, ngòi bút của Đạt còn sục sạo khắp nơi, từ Trường Sơn cho đến vùng duyên hải. Những bút ký như: Avao nằm ở mây ngàn, Soi mặt dòng Bến Hải, Cổ Thành Quảng Trị - mùa cỏ lau nở hoa, Chảy đi sông ơi!, Hoa trái của mặt trời, Chuyện người đàn bà mưu sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Đêm thức...là những bút ký thấm đẫm chất văn học, làm tăng thêm sức thuyết phục với bạn đọc khi tiếp cận với trang báo. Mặt khác khi cầm bút, Đạt cũng đã thể hiện bản lĩnh của người làm báo, mạnh dạn phê phán những hiện tượng tiêu cực, những tệ nạn xã hội với cái tâm trong sáng, như các phóng sự: Trong cơn lốc hàng lậu, Tôi đi gọi hồn, Hai đời người đàn bà sống bằng nghề buôn lậu...

Những năm tháng sau này khi được phân công về làm biên tập ở toà soạn, Đạt vẫn tranh thủ thời gian để viết, nhưng chủ yếu là làm tròn công việc của một biên tập viên. Những bài viết của anh em đồng nghiệp, của cộng tác viên qua bàn tay biên tập của Đạt được trân trọng, nâng niu đầy trách nhiệm và đặc biệt Đạt rất có ý thức phát hiện, giúp đỡ những cây bút trẻ mới vào nghề. Năm 2000 Đạt là một trong hai nhà báo trong tỉnh được bầu chọn là đại biểu đi dự Đại hội thi đua của Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ nhất.

Nếu như với nghề báo, Nguyễn Tiến Đạt rất tận tâm, sáng tạo và rất thành công thì đối với nghiệp viết văn, làm thơ Đạt cũng đã kịp khẳng định một tư chất riêng không lẫn được. Những năm tháng đời sống khó khăn, vợ không có việc làm, một nách hai con nhỏ, Đạt vẫn như con ong cần mẫn tìm mật ngọt cho đời. Đạt sáng tác đều đã đành, còn chắt bóp tiền lương, nhuận bút in thơ. Ngoài các tập in chung như tập thơ: Tự tình, in chung với Nguyễn Văn Dùng, Còn đây thương nhớ- tập thơ 10 tác giả tiêu biểu của làng thơ Quảng Trị mà tên của tập sách lấy từ tên một bài thơ của Đạt, Đạt còn là tác giả trong trong tập sách: Non Mai sông Hãn- Tuyển tập 100 năm văn chương Quảng Trị. Mấy năm gần đây Đạt còn in riêng được hai tập thơ: Người đi nhặt cuội, Khúc hát tình tang...đã được Hội VH-NT Quảng Trị trao giải thưởng hàng năm. Đạt cũng đã từng được chọn là đại biểu đi dự Đại hội những nhà văn trẻ Việt Nam năm 1998.

Là một nhà văn trẻ đa tài, ngòi bút của Đạt từng thể nghiệm trên nhiều thể loại. Những truyện ngắn của Đạt đăng trên Tạp chí Cửa Việt như: Trước cõi vĩnh hằng, Vết xoáy, O Lá, Nhân chứng, Ân huệ... đã khẳng định cây bút viết văn có góc cạnh với những đề tài gay cấn, buộc người đọc phải suy ngẫm. Nhưng có lẽ sáng tác thơ là thế mạnh của Đạt. Nhiều bài thơ của Đạt được bạn đọc, đồng nghiệp thuộc lòng. Thơ của Đạt viết về nhiều đề tài, nhưng trục trung tâm chính là viết về quê hương, gia đình, bè bạn, thế thái nhân tình. Đấy là ký ức tuổi thơ với bao nỗi vui buồn, là thân phận của một tâm hồn thi sĩ:

"Thì còn đây ẩn hiện những ngày xưa

Sau cuộc tàn còn mấy đầu bè bạn

Em là nơi tôi cần gửi tấm thân nhỏ mọn

Trước khi về lạy mẹ giữa đồi hoang!"

(Vẫn còn đây thương nhớ)

Đấy là mảnh làng Lâm Xuân nghèo khó của Đạt, nơi Đạt chọn là cõi đi về:

"Liêu xiêu mấy cụm tre làng

Lui thui mấy gánh rơm vàng đường trơn

Quanh năm sợ cơn lũ nguồn

Sợ mùa hạ cháy đến thâm mắt nhìn"

(Tặng làng)

Cũng có lúc thơ Đạt tếu táo giữa đời để quên bớt những gian nan của nợ áo cơm:

... Cuốn hút đời ta, sai bảo đời ta

Xui dại ta khiến ta ngưng thở

Quỹ tha ma bắt lẩn thẩn quên nhà!"

(Em không)

Ba mươi lăm năm làm người, Đạt có dịp ra thăm Thủ đô yêu dấu. Đạt không giấu được cảm xúc của mình khi bắt gặp những tà áo dài tha thướt của đêm sao sáng "đong đầy trên mặt Hồ Gươm" và thốt lên:

"Hà Nội lần đầu tôi gặp

Ngẩn ngơ em đẹp mê hồn

Cái tiếng miền Trung trọ trẹ

Tôi làm sao nói chữ thương"

(Cảm xúc Hà Nội)

Tếu táo là thế nhưng nhiều lúc nỗi buồn thi nhân chợt ập đến khi Đạt nhận ra rằng:

"Ngoảnh lại non cao bao sư phụ

Mãi nhìn con trẻ mắt thơ ngây

Lòng ta hoảng hốt câu thi-tứ

Vô vi thì buồn- Viết thì sợ

Trời rộng đành nâng chén ngang mày..."

(Tặng bạn)

Như là một linh cảm đầy định mệnh, bây giờ đọc lại thơ Đạt, bạn bè thấy thương Đạt hơn bởi những nỗi buồn mà đôi khi trong tất bật đời thường mấy ai để ý tới:

"Đôi khi như hạnh phúc tê tái

Trầm trầm đưa tiễn đến mai sau

Ba mươi năm nữa ai cuống quýt

Rưng rưng tóc bạc trút lên đầu..."

(Không đề)

Thơ Đạt còn là tiếng lòng với bè bạn đầy nỗi niềm như: Chia tay với người bạn giáo viên miền núi, Lên Lạng Sơn tìm bạn, Người đi nhặt cuội...,là lời nhắn với con: Cùng con đánh chiêng nhà thờ họ Nguyễn, Tôi có một làng...Tựu trung, chủ đề mà thơ Đạt thường hướng tới là tình đời, tình người, như tiến sĩ văn học Hồ Thế Hà đã cảm nhận: "Nguyễn Tiến Đạt lặng lẽ tìm về phía nhân bản nhất của tình đời, tình người. Và từ đó, thơ Đạt âm ỉ hiện lên một nỗi niềm khát khao, giao cảm".

Bây giờ thì nhà báo, nhà thơ Nguyễn Tiến Đạt thân yêu của chúng ta không còn nữa, nhưng tác phẩm của Đạt thì vẫn còn, thời gian đâu dễ phôi pha. Đọc lại những gì của Đạt viết ngày đang sống, càng thương hơn khi tuổi đời còn đang trẻ, trang viết còn dở dang và Đạt chưa kịp làm trọn phận sự ở trên đời. Người mẹ già còng lưng ở quê nhà Lâm Xuân vẫn còn đó với cảnh "Lá xanh rụng xuống, lá vàng trên cây". Hồng Phúc, người vợ trẻ tảo tần, tuổi ba mươi sớm để tang chồng, công việc còn bấp bênh, hôm đưa Đạt về quê còn thảng thốt "Anh đi! Anh nhớ về". Hai cháu nhỏ Tiến Nhất, Trang Nhi mới lên mười, lên sáu sẽ mãi mãi không còn người cha đưa đón vào mỗi buổi sáng chiều. Nhớ thương Đạt, giờ chúng ta chỉ còn biết sẻ chia với những gì Đạt chưa kịp làm thời đang sống.

                                                           Tháng 8/2001

                                                                    M.T

Minh Tứ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 83 tháng 08/2001

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt - 35 năm một chặng đường

28/06/2025 lúc 16:18

Ngày 28/5/2025, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm tạp chí ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên năm 2025. Tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập phụ trách Hồ Thanh Thọ đã có bài phát biểu khai mạc...

Vùng trời hoa sim

26/06/2025 lúc 23:29

Những triền sim tím đồi xaBềnh bồng nâng gót mùa qua lặng thầm

Hương xưa; Nắng sớm

26/06/2025 lúc 23:27

Hương xưa… Ta về tìm lại hương xưa

Giấc mơ đồng bằng; Về xanh trong gió thơm

26/06/2025 lúc 23:24

Giấc mơ đồng bằng Gọi em đêm qua tôi mơ

Ngủ giữa gió sông quê

26/06/2025 lúc 23:22

Hôm ấy gió sông thổi về lồng lộng. Lửa nương theo bàn tay của gió vồ lấy mái bếp, tỏa ngọn nghi ngút trên đống củi khô, tràn qua ô cửa vương tơ nhện và bụi mờ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/07

25° - 27°

Mưa

04/07

24° - 26°

Mưa

05/07

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground