Xây dựng nông thôn mới là một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lớn. Chương trình mục tiêu quốc gia này không chỉ tập trung vào cơ sở hạ tầng, kinh tế, đời sống mà còn xây dựng con người mới - chủ thể của quá trình phát triển. Có thể hiểu rằng, con người mới là những người có lối sống, suy nghĩ và hành động phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại. Họ đóng vai trò then chốt trong việc thay đổi nhận thức và hành động của cộng đồng nông thôn, từ đó góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.
Nâng cao đời sống tinh thần cho người nông thôn bằng các hoạt động văn hóa, văn nghệ - Ảnh: T.Đ
Nâng cao ý thức công dân, trách nhiệm xã hội
Nông thôn Việt Nam từ lâu vốn có tính cố kết cộng đồng, tinh thần tương trợ dựa trên mối quan hệ huyết thống và tình làng nghĩa xóm. Các giá trị đạo đức truyền thống như hiếu nghĩa, thủy chung, tôn sư trọng đạo luôn được đề cao trong các nền giáo dục từ xưa. Thiết chế làng xã thường có những quy định thành văn (như hương ước) hoặc bất thành văn để ràng buộc con người giữ gìn nền nếp, điều chỉnh lối sống tích cực.
Khi xây dựng nông thôn mới, các thiết chế làng xã càng được kế thừa và phát huy để bồi dưỡng nên những con người mới. Các ngôi nhà ở thôn quê thường là nơi chung sống của nhiều thế hệ, tạo nên những gia đình tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường. Ngoài ra, hàng xóm láng giềng ở nông thôn cũng chính là những người anh em ruột thịt, chung huyết thống. Những điều này làm cho mối quan hệ cộng đồng thêm bền vững. Khi chúng ta coi gia đình là một tế bào xã hội, làng xóm là một xã hội thu nhỏ, thì việc giáo dục trong các đơn vị hạt nhân này chính là những bài học vỡ lòng đầu đời. Các điều chỉnh nhận thức, những bài học lẽ phải của thế hệ đi trước truyền lại cho thế hệ sau góp phần quan trọng làm nên nhân cách, chuẩn mực đạo đức con người.
Thực tế cho thấy có một sự hạn chế nhất định về mặt tiếp cận pháp luật ở một bộ phận người nông thôn. Những định kiến do thói quen "phép vua thua lệ làng" đâu đó vẫn còn, gây nên sự khó khăn trong việc triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhiều thói xấu như trộm cắp, mất trật tự, tình trạng vi phạm an toàn giao thông vẫn còn diễn ra ở các làng quê. Xu hướng các tệ nạn như ma túy, các sinh hoạt thiếu lành mạnh và tội phạm công nghệ cao lan tràn về nông thôn cũng là điều đáng báo động. Gần đây, chúng ta thực hiện giải thể công an cấp huyện để tăng cường công an cấp xã. Việc này đã giúp tình hình an ninh ở cơ sở thêm ổn định, góp phần giảm bớt tệ nạn ở các địa bàn nông thôn vùng sâu vùng xa.
Con người mới ở nông thôn trước hết cần phải có tinh thần thượng tôn pháp luật bên cạnh chấp hành các quy chế cộng đồng, khế ước làng xã. Cần thực hiện mạnh mẽ phong trào nêu gương, đi đầu là cán bộ đảng viên; biểu dương khích lệ những điển hình tiên tiến, những người có uy tín trong cộng đồng làng xã. Đây là những hạt nhân để lan tỏa việc tôn trọng luật pháp. Hiện nay nhiều phong trào hay đã được triển khai như: thôn bình yên, xã không có tội phạm ma túy, mô hình cộng đồng tự quản… được nhân rộng, là một cách để giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành luật pháp. Việc xây dựng nếp sống văn hóa mới đã loại bỏ dần các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, giảm bớt các nghi thức rườm rà gây lãng phí ở một số vùng thôn quê.
Ý thức vì cộng động của người dân ở những vùng nông thôn mới ngày càng được nâng cao. Nhiều hoạt động thiết thực góp phần chung tay bảo vệ môi trường trong sinh hoạt và sản xuất. Ở các làng quê nông thôn mới đều có những con đường tự quản của các đoàn thể, nhiều mô hình con đường hoa; hoạt động thu gom xử lý rác thải diễn ra thường xuyên hơn, tạo nên cảnh quan xanh sạch đẹp. Người dân cũng ý thức được tác hại của việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đến môi trường sống và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn thực phẩm. Những mô hình vườn rau xanh, nông nghiệp sạch ngày càng nhiều hơn ở nông thôn hướng đến đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.
Nâng cao tri thức và trình độ lao động
Trong xu thế phát triển nền kinh tế tri thức, người nông thôn không thể đứng ngoài cuộc. Nâng cao dân trí ở vùng nông thôn mới được thực hiện thông qua nhiều phương pháp khác nhau nhằm đảm bảo mọi người dân đều có quyền học hành, mở mang hiểu biết, tiếp cận thông tin.
Các phong trào khuyến học ở dòng họ, làng xã ngày càng phát triển mạnh mẽ. Không chỉ là những phần thưởng động viên học sinh, nhiều dòng họ đã tích lũy quỹ khuyến học khá lớn, giúp các gia đình vay mượn để trang trải việc học đại học cho con em. Nếu như trước đây học sinh nông thôn thường ít học lên cao do điều kiện kinh tế thì ngày nay cơ hội học tập đã rộng mở. Các bậc phụ huynh ở làng quê cũng đã đầu tư cho việc học của con em, nhất là đã cởi bỏ tâm lý không cho con gái học nhiều.
Người dân ở nông thôn được tạo điều kiện tiếp cận tri thức mới, được hỗ trợ đào tạo nghề. Ngay cả những nghề vốn được làm theo kinh nghiệm như làm ruộng, trồng rau, nuôi cá… thì ngày nay cũng được đào tạo bài bản hơn, có khoa học hơn để tạo ra năng suất cao, hạn chế những rủi ro, mất mùa. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cũng mở ra những hướng làm ăn mới cho bà con nông dân với các ngành nghề dịch vụ như nấu ăn, pha chế đồ uống.
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, triển khai các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao ở một số địa phương đã khích lệ người nông thôn vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Phong trào khởi nghiệp cũng diễn ra mạnh mẽ ở nhiều vùng nông thôn. Một số người trẻ sau khi tốt nghiệp đại học trở về quê nhà và bắt đầu những dự án khởi nghiệp năng động, đầy sáng tạo.
Công cuộc chuyển đổi số giúp người nông thôn tiếp cận thông tin, ứng dụng vào chuỗi sản xuất, chủ động tham gia vào nền kinh tế thị trường. Nhiều người đã biết tận dụng lợi thế của Internet, mạng xã hội để quảng bá sản phẩm của mình. “Nông dân số” chính là những con người mới trong sản xuất nông nghiệp. Tư duy làm nông là dựa vào chân tay, là lao động đơn giản, là phụ thuộc tự nhiên đã không còn đúng. Thay vào đó, người "nông dân số" đỡ vất vả hơn, thay vì dùng sức lực thì họ sử dụng nhiều trí óc, biết vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và hiểu cả những quy luật kinh tế cung - cầu.

Phong trào thể dục thể thao ở nông thôn góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân và thắt chặt tình đoàn kết - Ảnh: T.Đ
Đồng hành với con người mới
Xây dựng con người mới là một quá trình dài, đòi hỏi sự bền bỉ. Bởi vẫn còn đó những khó khăn và thách thức trong việc hình thành con người mới ở nông thôn hiện nay. Một là, sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ. Những hạn chế về giáo dục, y tế, giao thông, và các tiện ích khác có thể cản trở sự phát triển toàn diện của con người mới. Hai là, tâm lý e ngại thay đổi và bám víu vào tập quán cũ. Người dân nông thôn thường có thói quen và lối sống lâu dài, khó thay đổi, điều này có thể làm cho việc áp dụng các mô hình mới gặp khó khăn. Ba là, khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ và thị trường. Những vùng nông thôn sâu, vùng khó khăn có thể thiếu điều kiện để tiếp cận với công nghệ mới, cơ hội học hỏi và phát triển. Hạn chế về nguồn vốn cũng khiến người nông dân khó có thể đầu tư hoàn thiện hệ thống sản xuất và mua sắm máy móc, trang thiết bị. Thêm nữa, mặt trái của công nghệ thông tin ảnh hưởng xấu đến tâm lý, tính cách của người nông thôn, nhất là giới trẻ. Một bộ phận thanh niên vẫn còn a dua, đua đòi, học theo các thói hư tật xấu được rêu rao trên các trang mạng. Xu hướng muốn nổi bật trên mạng xã hội, tìm cách câu view, câu like rẻ tiền khiến không ít người sẵn sàng vi phạm pháp luật, bất chấp đạo đức.
Để khắc phục những tồn tại trên, nhằm đồng hành với những con người mới, có thể đưa ra một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng nông thôn mới, tích cực giáo dục về lối sống, ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Thứ hai, khi xây xựng nông thôn mới cần chú ý giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là mục tiêu của chúng ta, bởi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực thúc đẩy sự sáng tạo của con người. Tạo điều kiện để mọi người dân tiếp nhận văn hóa và tiếp cận thông tin. Phát triển hệ thống nhà văn hóa, thư viện, câu lạc bộ sinh hoạt cộng đồng. Xây dựng các chương trình văn hóa - giải trí lành mạnh, phù hợp với đời sống nông thôn.
Thứ ba, chú trọng đào tạo và nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng cho người dân nông thôn. Tạo điều kiện để họ học hỏi, đào tạo nghề hiện đại; phát triển kỹ năng sống; nâng cao việc quản lý, kỹ thuật sản xuất cho người dân nông thôn. Đưa thông tin khoa học, kỹ thuật, chính sách đến người dân thông qua báo chí, truyền hình, Internet. Trang bị kỹ năng lao động để thích ứng với nền kinh tế thị trường. Hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, dịch vụ, thương mại. Phát triển các mô hình hợp tác, liên kết sản xuất. Mới đây, chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân sẽ là một cú hích cho nền kinh tế nói chung và cho người dân nông thôn nói riêng.
Thứ tư, khuyến khích sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tạo điều kiện để người dân tham gia ý kiến, quyết định các vấn đề của cộng đồng. Phát huy vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới và các hoạt động chung của địa phương. Đề cao vai trò của phụ nữ, người cao tuổi, thanh niên trong phát triển cộng đồng.
Xây dựng nông thôn mới là một hành trình dài, không có điểm dừng. Tất cả những mục tiêu tốt đẹp của chương trình trọng điểm này đều hướng đến con người mới. Bởi con người vừa là nguồn lực cho phát triển, vừa là chủ nhân của nông thôn mới.