Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Văn hóa đọc đang có nhiều vấn đề

Đ

ọc xong bài báo “Những điều đáng tiếc một tuyển tập thơ văn của thế kỷ” của Phạm Xuân Dũng (PXD) đăng trên tờ Đại Đoàn kết số ra ngày 3.6.2001 – Cho dẫu là người tham gia trong Ban biên tập (BBT) tuyển tập thơ văn “Non Mai Sông Hãn” (NMSH) nói trên, tôi không cần thiết phải có ý kiến tranh luận gì với tác giả PXD về sự tùy tiện và sự bóp méo sự thật dù bất cứ cấp độ nào. Thế nhưng trước công luận, trước bạn đọc cả nước thì không thể không có mấy điều thưa lại, vì rõ là văn hóa đọc của nhà báo này đang có quá nhiều vấn đề.

Những điều đáng tiếc của “Những điều đáng tiếc ...”  ở bài báo nói trên gói gọn trong ba điểm sau:

1. NÓI VỀ TUYỂN:

Làm tuyển, đơn giản như tuyển tập “100 bài thơ tình hay nhất thế giới” chẳng hạn, liệu có đủ 100 bài thơ tình chuẩn xác là hay nhất hành tinh này có mặt trong tuyển ấy? Sao chỉ 100 mà không là 101 bài? Hoặc như các tuyển tập Truyện ngắn hay nhất trong năm, thường các Nhà xuất bản (NXB) hay các tòa soạn báo văn nghệ tuyển chọn thì liệu đã là truyện ngắn hay nhất trong năm chưa? Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào tiêu chí, mục đích tuyển chọn của người biên tập hoặc BBT và chất lượng tuyển còn phụ thuộc vào cái lưng vốn anh tiếp nhận được trong năm, có bột mới gột nên hồ như cha ông ta bảo. Đơn cử: Tuyển tập “Thơ miền Trung thế kỷ XX” của NXB Đà Nẵng, in năm 1995, tuyển 391 bài thơ của 330 tác giả; tiêu chí của NXB Thanh NIên in năm 2001, tuyển 350 bài thơ tình của 300 tác giả trên khắp mọi miền đất nước. “Nửa thế kỷ truyện ngắn về người lính” của NXB Quân Đội in năm 1995 chỉ tuyển những truyện ngắn tiêu biểu viết về người lính trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hay như “Toàn tập Nhà văn Việt Nam thế kỷ XX” của NXB Hội Nhà văn (khởi in từ năm 2000, đến nay đã xuất bản được 6 tập, chưa kết thúc) cũng chỉ giới thiệu quan niệm về văn chương của từng nhà văn kèm với tác phẩm tự chọn... Những điều tưởng như là bình thường hoặc không bình thường ấy lặp đi lặp lại trong đời sống văn học của cả nước, tất nó bình thường. Chẳng có cơ sở gì để gán ghép cho nó là “cơn sốt” cả (chữ dùng của PXD).

Vả lại, ý thức và mục tiêu của những người làm tuyển NMSH hướng tới cái đích cụ thể và khiêm tốn hơn nhiều. Trong lời tựa cuốn sách, BBT có thưa: Vào những ngày này (kết thúc thế kỷ) Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị, khắp các cấp các ngành, các lĩnh vực, các địa phương cho đến từng con người đang tự mình làm một cuộc tổng kết. Tổng kết cái gì và để làm gì? Tổng kết 10 năm đỏi mới xây dựng. Tổng kết lại trăm năm máu xương và khát vọng. Vì vậy trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ, ngoài NMSH chúng tôi cũng có dự định sẽ làm tiếp một số công trình khác nữa, đặng hình dung được tương đối trọn vẹn gia tài văn hóa của mãnh đất này. Tất cả những gì có được sẽ là hành trang cho kỷ nguyên mới, nhắm tới mục tiêu chung của cả dân tộc Việt Nam là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh. Ý thức là vậy, nhưng với BMSH mục tiêu khiêm tốn nhất của BBT là giới thiệu được một đội ngũ tác giả và cũng chỉ giới hạn trong thế kỷ XX. Ngay cả với mục tiêu này, BBT cũng đã lượng trước những thiếu sót, chí ít ở 3 cụm vấn đề lớn sau: Một là, bỏ sót những tác giả đã khuất trong quá khứ. (Biết làm thế nào được, vì Quảng Trị là nơi không chỉ có sự ác liệt của chiến tranh mà còn điển hình cho sự chia cắt, ly tán. Nhà thơ Dương Tường hy sinh còn rất trẻ, mới thời chống Pháp đây mà nay gần cả 10 năm, những người có ý thức bảo tồn di sản vẫn chưa sưu tầm trọn vẹn được thơ ca của ông). Hai là, còn chưa đủ những người đồng hương sống ở phương xa. Ba nữa, là sự lựa chọn các tác giả hiện tại trên quê hương, những người có viết văn làm thơ thì nhiều, người được tuyển chọn chỉ đạt tới một mức độ nào đó. Bởi vậy, hợp tuyển này không nhân danh là cuốn văn học sử mà nó chỉ xứng đáng ở mức độ là công trình của những người làm văn học hôm nay tại Quảng Trị đang làm hết sức mình để ghi nhận lại những gì có thể được của đồng nghiệp, của các bậc tiền bối trong nghề truyền lại.

Với cách đặt vấn đề như vậy, thiết nghĩ đã minh bạch, nghiêm túc. Xét cho cùng, mọi tuyển tập đều có đặc trưng chung của tuyển. Nói như GS.Phong Lê thì “nó như bất cứ tuyển tập nào, vào thời nào, đều chỉ là sự thu nhỏ. Nó bị giới hạn bởi số trang. Nó bị giới hạn bởi người làm và bởi thời gian nó ra đời. Có nghĩa là nó có thể có nhiều diện mạo khác nhau. Bất cứ tuyển nào giá trị lựa chọn vẫn chỉ là tương đối”. Mấu chốt của vấn đề là đằng sau sự tương đối ấy tuyển tập có phải là “một thực thể sống động của hàng trăm gương mặt trong hành trình thời gian” hay không? Trên thực tế, NMSH đã hội tụ được vào trong lòng nó cả hai mạch nguồn nói trên, không cần phải là người tinh tế lắm cũng có thể nhận ra diện mạo, dấu ấn riêng của tuyển. Nó là nguyên khí, là tâm hồn, là cốt cách và tài hoa của con người Quảng Trị trầm tích ở mảnh đất này, không lẫn vào bất cứ một nơi nào khác. Ai đổ và cái gì đổ? (nguyên văn “xe trước đã đỗ, xe sau coi chừng”). Chẳng tuyển tập nào đổ như PXD ám thị hoặc đoán mò cả, vì điều đó còn tùy thuộc vào sức thẩm, tức là văn hóa đọc của anh ta có bình thường hay không bình thường (sẽ bàn tiếp ở điểm 3).

2. NHỮNG CÔNG VIỆC THUỘC “BẾP NÚC” CỦA BBT.

BBT nhóm họp phiên đầu vào ngày 15.3.1998 theo Quyết định thành lập của Thường vụ Hội VHNT Quảng Trị do Chủ tịch Hội ký. NMSH là công trình phối hợp giữa Hội VHNT và Sở VHTT, trong đó Hội chịu trách nhiệm tập hợp bản thảo và Sở đầu tư in ấn, phát hành. Nói là Hội VHNT nhưng khi cơ cấu BBT thì rõ ràng nhân sự thuộc nội bộ phân hội văn học, gồm những nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu am hiểu lĩnh vực này. Rất tiếc vừa lúc bắt tay vào việc nhà nghiê cứu Văn Thanh – chuyên gia Hán nôm đột ngột qua đời, BBT vắng đi một người khó có ai thay thế. Ở phiên họp đầu tiên dưới sự chủ trì của nhà văn Xuân Đức, BBT thảo luận trong ba ngày mới bổ sung, thông qua được đề cương chi tiết, nội dung thư mời cộng tác, phân công công việc cho từng thành viên và quy chế làm việc.

Về nguyên tắc chung: Mỗi tác giả tham gia vào tuyển ngoài ảnh chân dung (nếu có), là thơ chọn in từ 3-5 bài, văn xuôi 1 tác phẩm, kể cả việc trích in trong trường hợp tiểu thuyết hoặc truyện ký quá dài. Chấp nhận in chung cả thơ lẫn văn xuôi trong một tuyển vì không đủ điều kiện để tách riêng ra làm hai mảng, hai tập. Về tác phẩm, BBT chọn phương án tuyển chọn dựa trên bản thảo tác giả gửi về sau khi phát thư mời cộng tác đi, trong những trường hợp thật cần thiết mới điều chỉnh. Chọn phương án này một mặt BBT tôn trọng sự lựa chọn của các tác giả còn sống, đang hoạt động văn học; mặt khác tôn trọng cả nguồn tư liệu do gia đình hoặc người thân của các nhà văn đã quá cố cung cấp, trên nguyên tắc bất di bất dịch là các văn bản ấy đã được xuất bản thành sách, công bố trên các báo, tạp chí, có xuất xứ rõ ràng. Phần tiểu sử tác giả, tác phẩm chỉ là những nét chính yếu nhất kèm theo giải thưởng (nếu có). Phần này tuy khái quát nhưng cùng với tác phẩm in kèm, nó giúp cho người đọc nhận biết tương đối đầy đủ chân dung từng tác giả, nó tạo nên bề dày, tiếng nói chung của tuyển. Và cuối cùng BBT làm việc trên nguyên tắc bỏ phiếu kín trong những trường hợp chưa có sự thống nhất cao về tác giả hoặc tác phẩm.

Bố cục NMSH được chia làm 3 phần: Phần 1 - Những tác giả đã từ trần, xếp theo thứ tự năm sinh để tỏ lòng tôn kính đối với những tác giả đã quá cố. Phần II - Những tác giả Quảng Trị đương đại, xếp theo thứ tự ABC vì tất cả đều còn sống, đồng sáng tạo, bình đẳng. Phần III- Những tác giả đã công tác trực tiếp trên quê hương Quảng Trị, xếp theo thứ tự ABC, gồm 7 tác giả. Tách riêng phần này ra, BBT có ý tách biệt với phần II là các tác giả gốc quê không phải  Quảng Trị nhưng công tác trực tiếp hoặc trọn đời gắ bó với quê hương này. Nhân đây xin được đối chiếu cách phân loại với một tuyển tập trong khu vực Bắc Miền Trung, đó là Tuyển nhà văn Việt Nam hiện đại tỉnh Thanh Hóa (NXB Hội Nhà văn- 2000). Phần I tuyển này gọi tên Các nhà văn quá cố xếp theo thứ tự ABC, phần II – Các nhà văn quê ở tỉnh ngoài sống và cống hiến trọn đời ở Thanh Hóa (gồm 2 nhà văn Nguyễn Sơn và Nguyễn Ngọc Liễn) cũng xếp theo thứ tự ABC. Qua đối chiếu thì việc phân chia của BBT-NMSH cũng đã thận trọng và khoa học, xếp theo thứ tự ABC nên ở phần II, thi sĩ Lương An đứng bên cạnh Trần Xuân An, nhà văn trẻ Phan Thị Vàng Anh là chuyện tất nhiên. Trần Biên (quê gốc ở Thah Hóa) xếp ở phần III trong khi con trai là Trần Hoài (sinh ra ở Quảng Trị) xếp ở phần II, hoặc Đông Hà (bố quê Quảng Bình, mẹ Quảng Trị) hội viên sinh hoạt và trực tiếp đóng góp cho Hội VHNT Quảng Trị xếp ở phần III cũng là chuyện hiển nhiên, chẳng có gì đáng để bàn cãi (xin tham khảo phần tiểu sử trong NMSH).

Sáu tháng cuối năm 1998, BBT đã phát đi 120 bức thư mời cộng tác cho tất cả các đối tượng cần gửi trong ngoài tỉnh và cũng đã kịp thu về số lượng tương ứng, trừ vài địa chỉ đã thay đổi. Trong vòng một năm, BBT cũng đã giữ được mối liên hệ thư từ thường xuyên và sự đóng góp tích cực của các thế hệ nhà văn như Lương An, Tấn Hoài, Phan Quang, Ngô Thảo, Hồ Sĩ Vịnh, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Tạ Nghi Lễ, Trần Xuân An... chưa kể nhiều đợt BBT cử người trực tiếp làm việc với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhiều bậc thức giả khác như Hồ Tấn Trai, TS Hồ Thế Hà, Phạm Xuân Nguyên (những chuyên gia về văn học miền Trung và đô thị thời tạm chiến), Nguyễn Đình Thảng, Nguyễn Xuân Hòa, Đỗ Tư Nhơn... Tất cả những ý kiến đóng góp thiết thực, bổ ích đều được BBT tiếp thu, hoàn thiện bản thảo trong 12 phiên họp định kỳ hàng tháng. Nói như vậy để thấy, công trình là trí tuệ của cả tập thể, là sự đóng góp của các nhà văn Quảng Trị trên khắp mọi miền đất nước, Với niềm mong mỏi cho quê nhà ngoài đời sống vật chất – ngày càng được cải thiện và nâng cao còn có một đời sống tinh thần xứng đáng với những cần lao, hy sinh mất mát và khát vọng văn hóa của xứ sở mà ở đó, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, lúc nào cũng có sự thừa kế và dồi dào tiềm năng văn học.

3 - CÓ HAY KHÔNG MỘT BBT “LIỀU MẠNG” VÀ NHỮNG ĐIỀU TỒI TỆ, PHI LÝ KHÁC

Từ những 1 và 2, phần này tôi trao đổi trực tiếp với PXD những trường hợp hoặc là tác giả bài báo quy chụp, hoặc luận giải lắt léo, mập mờ dễ gây ra sự hiểu nhầm trong bạn đọc rằng BBT tỏ ra rất non yếu và vì vậy NMSH là một “sản phẩm văn chương kém chất lượng” đến nỗi là “thiếu tôn trọng công chúng” (chữ dùng của PXD). Trước những vấn đề thực chất chẳng phức tạp gì, chúng ta hãy thẳng thắn tranh luận. Loại đi những mập mờ, à uôm, bạ đâu nói đó – tức là kết luận một vấn đề mà không có căn cứ, luận cứ gì, loại đi những mâu thuẫn không nhất quán trong suy luận hoặc tư duy thì vấn đề sẽ được sáng tỏ.

Trường hợp thứ nhất: “Về cách biên tập tùy tiện tác của nhà văn Hồng Chương” (quy kết của PXD). Thế nào là tùy tiện, là không nổi bật, là mờ đi, là tiêu biểu? (chữ dùng và suy luận của PXD). chúng ta thử làm phép so sánh: Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (HPNT) trong phần tiểu sử tác giả tác phẩm (tr.548 – NMSH) có thống kê 6 tập ký, một tập thơ và 2 tập nhàn đàm của anh đã xuất bản. Thành tựu của văn chương của nhà văn này ai cũng biết là ở thể ký, đề tài viết khắp các vùng miền trong cả nước, viết ở đâu cũng xuất sắc. Lại nữa, khi viết về Quảng Trị, anh có cả một xê-ri tương tự. Vậy chọn cái nào đây để gọi là tiêu biểu? Điều đó, như đã nói ở nguyên tắc chung, BBT không phụ thuộc nhưng tôn trọng vào sự lựa chọn của chính bản thân tác giả, đó là việc trích in cái lý “Đánh giặc trên hàng rào điện tử”. Tại sao lại trích? Vì khi đã trích rồi mà tác phẩm còn dài đến 43 trang in. Có thể khi chọn cái ký này nó không tiêu biểu trên mặt bằng ký nói chung của HPNT, nhưng với Quảng Trị, viết về Quảng Trị thì yên tâm, nó là tiêu biểu. Nhà văn Xuân Đức ở phần tiểu sử tác giả tác phẩm (tr.235-NMSH) dài đến 2,5 trang cũng chỉ ghi tóm tắt 5 tập tiểu thuyết, 24 vở kịch dài, kịch ngắn, kịch thơ, kịch hát. Ai cũng biết thành tựu văn học của nhà văn này là ở lĩnh vực tiểu thuyết và kịch bản sân khẩu. Vậy mà lúc tuyển tác phẩm, chính anh lại chọn cái ký “Mảnh làng trong tôi”. Ký không phải là sở trường của nhà văn Xuân Đức đã đành nhưng liệu bằng sự lựa chọn nói trên có đồng nghĩa với việc tác giả hoặc BBT làm cho “chân dung nhà văn không những không nổi bật” hoặc “mờ đi qua tuyển”? Cái cốt lõi của tuyển đôi khi chỉ ở chỗ là sự hội tụ đầu tiên nhưng đầy ý nghĩa của các  nhà văn Quảng Trị trong vòng 1 thế kỷ vốn dĩ ly tán, chia cắt; cái tinh túy của tuyển đôi khi chỉ ở chỗ ai cũng muốn chọn đưa tác phẩm của mình, dù nhỏ bé viết về Quảng Trị. Mỗi người một hoàn cảnh, là cá thể con người nhưng qua những trải nghiệm riêng mà tìm đến những vấn đề thế sự, nhân sinh trong sự tồn vong của lịch sử vùng đất. Đó mới chính là giá trị đích thực của tuyển, không chỉ cho một thời mà mãi mãi. Tương tự, nhà văn Hồng Chương chính xác trong phần giới thiệu (tr.121 NMSH) ngoài thơ, truyện và tiểu thuyết, liền kề đó là 4 đầu sách lý luận phê bình xếp theo thứ tự năm xuất bản. Ai chẳng biết cống hiến của nhà văn Hồng Chương về cuối đời là lý luận phê bình, nhưng thử hỏi chọn một bài viết nào đây (1 bài duy nhất) trong 4 tập lý luận đồ sộ kia để gọi là tiêu biểu? Đi cho tận cùng ngôi làng chúng ta sẽ gặp nhân loại; tận cùng mỗi cá thể? nhà văn ta gặp gỡ là điều gì. Ai bảo Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn- ký mà không là triết gia, nhà tư tưởng trong nhàn đàm? Ai bảo Xuân Đức chỉ là kịch tác gia, là nhà tiểu thuyết mà không là nhà văn hóa? Vì vậy nguyên tắc chung của BBT-NMSH có lý của nguyên tắc chung, rằng đây là tuyển tập thơ văn thì chọn đăng phần sáng tác của Hồng Chương, lại nữa thơ hay và thơ viết về chọn đăng phần sáng tác của Hồng Chương, lại nữa thơ hay và thơ viết về Quảng Trị thì có gì sai lệch? Tôi trực tiếp bác bỏ- luận điệu mập mờ; tùy tiệnà không nổi bật à mở đi à không tiêu biểu nói trên của PXD.

Trường hợp thứ hai: “Vì sao một gia đình có mấy anh em từng nổi tiếng trong làng văn, làng báo miền Nam trước năm 1975 với những cái tên như Lê Trung Nghĩa, Lê Minh Đức, Lê Chuyên Pha và nữ sĩ Lê Liễu Huệ lại vắng mặt trong tuyển tập. Trong khi những cây bút này lại được ghi nhận trong những cuốn sách biên soạn công phu, đạt độ tin cậy cao “(PXD truy cập thông tin qua sách vở). Xin chỉ ra ngay cuốn sách “biên soạn công phu, đạt độ tin cậy cao” này là cuốn “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” của Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế (NXB Khoa học xã hội- Hà Nội 1991). Ở trang 351, cuốn từ điển này ghi: Lê Liễu Huê (1910-1976) nữ sĩ hiện đại, bút danh Ái Văn, quê ở huyện Thạch Hãn - tỉnh Quảng Trị. Bà cộng tác với nhiều báo ngay từ năm 1928 như Đông Pháp thời báo, Đuốc Nhà Nam, Phụ Nữ Tân văn, Phóng sự tuần báo, Đời mới và các báo hàng ngày. Bà có tập thơ Trên đường xuất bản năm 1953. Bà nhiệt tình yêu nước, yêu văn hóa dân tộc. Khi miền Nam giải phóng, bà là cố vấn Hội văn nghệ giải phóng thành phố Hồ Chí Minh. Anh ruột là nhà báo Kê Trung Nghĩa, bút danh Việt Nam và các em Bút Sơn Lê Minh Đức, Lê Chuyên Pha cũng đều nổi tiếng trong làng báo, làng văn miền Nam (về căn bản PXD đã chuyển tải toàn bộ nội dung này vào bài báo để đặt vấn đề vì sao; tuyệt nhiên không chỉ ra nguồn gốc trích, thái độ rất ta đây và ra sức phán). Khốn nỗi cũng ở tr.380-381 cuốn sách “đạt độ tin cậy cao” này lại ghi: Lê Trung Nghĩa (1904-1947) nhà báo, nổi tiếng viết phóng sự điều tra, bút hiệu Việt Nam quê ở Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, vào Nam sinh hoạt ở Sài Gòn nhiều năm. Ông nổi danh với loạt bài điều tra về cụ “Đồng Nọc Nạn” nhất là cụ bến xe đò Cần Thơ do Sáu Thanh thao túng. Đinh Hợi 1947, vợ chồng ông bị Pháp bắt giết ở miền Trung, hưởng dương 43 tuổi. Em gái ông là Lê Liễu Huê ... (như đoạn nói về bà Huê). Ngoài ra cuốn từ điển này không nhắc gì thêm về Lê Chuyên Pha, Lê Minh Đức.

Qua đoạn trích nói trên, đủ thấy cuốn sách này chưa đạt độ tin cậy cao ở chỗ: quê quán em ruột là bà Huê ở huyện Thạch Hãn tỉnh Quảng Trị trong khi anh ruột là ông Nghĩa quê ở sông Cầu, Phú Yên, thừa nhận là cả 2 anh em này đều nổi tiếng trong làng báo, nhưng ở làng văn thì chỉ có bà Huê có tập thơ Trên Đường in năm 1953 thì lại không ghi NXB nào in; không thể gộp chung cả hai kia lại (chưa kể  vị còn chưa rõ tung tích) để trở thành “nổi tiếng trong làng báo, làng văn”. được...Nói như vậy không phải BBT – NMSH không để mắt tới Ái Lan, nhưng sau một năm nhờ các anh chị nhà văn ở hội văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh dò tìm, không tìm ra dấu vết tập thơ Trên Đường, không xác định được quê nữ sĩ này ở làng Thạch Hãn – Quảng Trị hay ở sông Cầu – Phú Yên thì lấy gì để đưa vào tuyển? Ở lĩnh vực học thuật chẳng đánh tráo được ai nữa là ở lãnh vực yêu nước. Đâu có dễ chuyển từ một gia đình chưa rõ ràng như lê Trung Nghĩa, Lê Liễu Huê kia sang nhà hoạt động cách mạng lão thành như Lê Thế Hiếu. Trở lại vấn đề PXD đặt ra: Tại sao Lê Thế Hiếu không có mặt trong tuyển? Trong đời hoạt động cách mạng của mình cụ Lê Thế Hiếu cũng như nhiều vị tiền bối cách mạng khác sáng tác thơ văn, dùng thơ văn làm công cụ đấu tranh, tuyên truyền cách mạng. Ở hồ sơ lưu của BBT – NMSH có 3 bài thơ, tồn nghi là của cụ Lê Thế Hiếu; bài Viếng bạn (do ông Ngô Thế Kiên cung cấp hồi tháng 10.1994) và bài Ở tù, Thư gửi về nhà (do bà Lê Thị Diệu Muội cung cấp hồi tháng 3.1995). Tất cả dều ghi chép lại theo lời truyền khẩu trong dân gian (tôi cũng đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Ngô Thế Kiên ở Huế để xác minh lại một trong ba bài thơ này). Tất cả đều không có cơ sở gì chắc chắn, chính xác là thơ của cụ Lê Thế Hiếu thì ai dám đưa vào tuyển? Trường học, đường phố mang tên cụ Lê Thế Hiếu là chuyện tất nhiên, thuộc lãnh địa khác; còn việc chưa sưu tầm, xác minh đầy đủ theo cụ Lê Thế Hiếu là chuyện rất đáng tiếc, các cơ quan chức năng phải tiếp tục làm, trong đó không ngoại trừ những  thành viên trong BBT-NMSH. Với một giọng điệu bề trên, PXD vưa lên lớp, vừa giáo dục truyền thống cách mạng, vừa khiển trách và quy kết BBT-NMSH ở những trường hợp như vầy là thừa. Khi những luận điểm vì sao, vì sao nói trên là ngụy tạo, đánh tráo, chúng ta cũng cần bác bỏ cả luận điệu ăn theo này của PXD: “Ngay phần đầu tưởng chừng đã ổn định này đã khiến người đọc chán nản, hoài nghi. Họ lấy làm lạ ...” Họ là ai? Người đọc là ai? Trong những trường hợp này chẳng là ai cụ thể cả, chẳng ai hoài nghi, chán nản cả - ngoại trừ tác giả bài báo cố tình gén ghép. Khiến người đọc chán nản, hoài nghi: Họ lấy làm lạ; công chúng đặt câu hỏi; dội gáo nước lạnh vào người đọc họ thất vọng; người đọc lấy làm thắc mắc; người xem bưng mặt quay đi; hàng trăm triệu bạc của một tỉnh nghèo đã đội nó ra đi ... là những cụm từ vô chủ, luôn luôn được PXD bày binh bố trận, làm bệ đỡ để tung hê, dựng nên bức tranh đen tối, ảm đạm theo chủ quan tác giả. Báo chí cần có sự chính xác, trong sáng – tôi trực tiếp loại bỏ kiểu lập ngôn  mập mờ, thiếu chính xác này.

Trường hợp cuối cùng, chúng ta hãy xem PXD trắng trợn quy chụp BBT-NMSH. Vào cuộc anh ta phán (Tôi mạn phép tách ra 3 cụm để tiện phân tích):

“Trước tiên, phải thấy rằng BBT sản phẩm quan trọng này là “những người thích đùa” Chỉ cần nhìn qua đội ngũ biên tập những người hiểu biết văn chương sẽ kêu lên: phần lớn Biên tập viên là những người kiến văn mỏng, trình độ thẩm định văn chương không đủ tin cậy/ Ban biên tâp chỉ có mỗi mình Xuân Đức là nhà văn, được coi là người đáng tin cậy phần nào thì nhà văn này lại bận tối mắt vì phải gánh vác nhiều chức sắc. Một Ban biên tập như vậy lại liều  mạng biên soạn một công trình thơ văn thế kỷ chỉ trong vòng vài tháng theo kiểu “bắt nước đuổi gà”, cho kịp lễ 10 năm Quảng Trị/ Nếu như biết tranh thủ ý kiến của người dân Quảng Trị, biết kêu gọi sự cộng tác của đồng nghiệp, bạn hữu trong cả nước bằng hình thức thư ngõ chẳng hạn thì chắc rằng tuyển tập thơ văn này giảm được nhiều sai sót/”

- Ở cụm 1: như đã trình bày ở điểm 1 và điểm 2 – BBT hoàn toàn không có ai là “những người thích đùa” nhất là trong công việc cả. Ai phải thấy rằng và thấy thì thấy cái gì chứ thấy đùa ngay thì thật là vô cớ. Cứ cho BBT là những người kiến văn mỏng, trình độ thẩm định văn chương không đáng tin cậy (vì trong đó có tôi) nhưng thử hỏi ai là những người hiểu biết vă chương? Cho dù PXD có mệnh danh là những người hiểu biết văn chương (ở đâu trên trời rơi xuống) đi nữa; PXD có là thánh đi nữa cũng không thể chỉ cần nhìn qua (liếc qua) hay phải thấy rằng là thấy ngay những điều tồi tệ, phi lý. Tôi mạn phép chứng minh:

Về kiến văn, BBT có 8/9 vị không ai không kinh qua trường đại học, nhiều người có từ 2-3 tấm bằng cử nhân trở lên. Nhà văn Xuân Đức, học viên Khóa I trường Đại học viết văn Nguyễn Du, Trần Biên Khóa I khoa văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đúng vào năm tôi chào đời. Tôi (người viết bài báo này) Khóa I khoa văn Đại học Tổng hợp Huế ... Dù có được học trước PXD 12 khóa vẫn rất có thể kiến văn tôi còn rất mỏng nhưng không thể không ghi nhận công lao của những thành viên khác trong BBT. Người có 3 tấm bằng cử nhân như ông Trương Đình Anh, nguyên giám dốc Thư viện, phó giám đốc Sở VHTT là người trợ lý xuất sắc cho BBT trong  việc truy cập, tầm tác giả tác phẩm. BBT có mỗi nhà thơ Phan Văn Quang chưa tốt nghiệp Đại học nhưng nói như M.Gorki – anh có “đại học trường đời” của anh. Là người trong cuộc sống và viết trong lòng các đô thị miền Nam, anh là người giúp cho BBT rất nhiều trong việc xác định, tìm lại các tác giả tác phẩm của các nhà văn Quảng Trị sống và viết trong lòng các đô thị miền Nam. Ngược lại, Trình độ văn chương tuy là vô bờ bến nhưng tựu trung vẫn là trình độ thẩm và yếu tố quan trọng nhất vẫn là sáng tác. Ở địa hạt này – tính từ Hàn Nguyệt, Nguyễn Tiến Đạt là hai thành viên trẻ nhất trong BBT, học trước PXD từ 3 đến 4 khóa- thì bản thân PXD đã hoàn toàn tụt hậu, chẳng có chút vốn liếng gì để so sánh. Anh ta chưa là hội viên VHNT, chưa là cái gì thì tốt hơn đừng đi định giá người khác về trình độ thẩm định văn chương, kiến văn dày mỏng. Với nhà văn Xuân Đức, anh ta chỉ coi “là người đáng tin cậy phần nào” thôi thì quả là trịch thượng, tự cao tự đại hết chổ nói.

Một người “đáng tin cậy phần nào” như nhà văn Xuân Đức là “đáng tin cậy phần nào”chứ sao lại “kháy” chuyện chức sắc rồi chức sắc là bận tối mắt vào đây? Chả lẽ con người ta có tầm vĩ mô lại không làm được những việc vi mô? Lưu ý là một trong những công đoạn cuối cùng của tuyển NMSH, với tư cách người chịu trách nhiệm xuất bản, mỗi đêm nhà văn Xuân Đức đọc duyệt, kiểm tra lại bản nhủ lần cuối từ 3-40 trang in. Nói như vậy để thấy ở đây PXD không chỉ bạ đâu nói đó mà còn phạm vào cái lỗi tùy tiện thay đổi nội dung mình đã xác minh. Dùng thủ pháp và tư duy nhảy cóc này anh ta đi đến kết luận BBT- NMSH liều mạng. Liều mạng vì biên soạn một công trình thơ văn thế kỷ chỉ trong vòng vài tháng; vì vài tháng nên bắt nước đuổi gà cho kịp lễ 10 năm ... Chỉ xét ở mặt lô gich hình thức thôi PXD đã tỏ ra hết sức vụng về trong việc áp đặt những ý nghĩ đen tối của mình cho bạn đọc. Bằng những gì đã trình bày, không cần chứng minh thêm, tôi bác bỏ những luận điệu hoàn toàn bịa đặt này.

- Ở cụm 2: Những việc cần tranh thủ, tham khảo ý kiến của đồng nghiệp, của tác giả, các bậc thức giả BBT đã làm. Ngay cả bản thân PXD cũng như được thư mời cộng tác của BBT trong việc gới thiệu chân dung và chọn tác phẩm của anh trai mình là Phạm Xuân Vinh đã quá cố (NMSH-tr.175); em trai là Phạm Xuân Hùng (NMSH-tr.362) ở Đài PT-TH Đà Nẵng cũng nhận được thư mời cộng tác tương tự thì chẳng lạ lẫm gì khi đặt bút viết dòng chữ: Nếu như biết ... Báo chí cần sự chính xác, trong sáng và sự trung thực đã đành; hơn thế nữa khi đã tự nhận mình là người hiểu biết văn chương ở đẳng cấp cao, PXD nghĩ gì khi hạ bút viết dòng này: Nếu như biết tranh thủ ý kiến của người dân Quảng Trị. Một công trình khoa học nào đó có thể tổng kết từ thực tiễn lao động sản xuất. Khoa học lịch sử tổng kết chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân từ nhân dân mà ra. Một công trình thơ văn  thế kỷ, nếu có trưng cầy ý kiến toàn dân, thử hỏi thu lượm được gì? Đòi hỏi này không chỉ phi lý mà logich biện chứng của vấn đề, PXD đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng: người viết, tức là tác giả phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước những thông tin, luận cứ, luận điểm mình đưa ra, không nên lấy nhân dân ra làm bệ đỡ. Trong trường hợp này, PXD hoặc là người ăn theo, kẻ núp bóng nhân dân thật vĩ đại; hoặc là người có máu me kích động nhưng còn ở một trình độ non nớt; hoặc là người không hiểu gì về vai trò của nhân dân trong tiến trình lịch sử cả. Qua trao đổi và phân tích, toàn cảnh bức tranh ảm đạm và xám xịt (Những điều đáng tiếc của một tập tuyển thơ văn thế kỷ) đến đây tương đối sáng sửa. Ai là người chủ quan, tùy tiện, thiếu tôn trọng công chúng cũng đã rõ.

Nói như vậy không phải tuyển tập thơ văn NMSH không có những thiếu sót cần được bạn đọc và bạn viết góp ý, bổ sung, chí ít cũng có những thiếu sót cần được bạn đọc và bạn viết góp ý, bổ sung; chí ít cũng có những thiết sót ở cụm 3 vấn đề lớn như đã trình bày. Và vấn đề cần được xem xét là BBT đã khống chế, khắc phục được những hạn chế mang tính khách quan này đến đâu. Không ai chấp nhận được một thái độ không hề có chút thiện chí, có chút ý thức xây dựng, càng không thể chấp nhận lối phê bình phủ định, sổ toẹt sạch trơn không dựa trên căn cứ nào của PXD.

Trên thực tế, tuyển tập NMSH là một thực thể sống động, là tiếng nói tri ân tri kỷ, là cốt cách, tâm hồn và tài hoa của các thế hệ nhà văn Quảng Trị tích tụ trên mảnh đất này. Giá trị của nó không chỉ cho một thời mà mãi mãi. Nó sẽ là nguồn tư liệu quý giá, tin cậy cho tỉnh nhà trong việc biên soạn cuốn Địa chỉ Quảng Trị trong tương lai gần.

Y.T

Y Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 85 tháng 10/2001

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

4 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

5 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground