Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Văn hóa gia đình và truyền thống nhân văn Việt Nam

I. Có một khái niệm văn hóa gia đình:

Văn hóa gia đình là toàn bộ giá trị chân chính về đạo đức, nhân phẩm, khuôn mẫu, nghi thức, lễ nghĩa và những giá trị nhân văn truyền thống trong gia đình  người Việt có cấu trúc hệ thống Nhà, Làng, Nước (Tục nhà, lệ làng, phép nước).

Từ xưa, ở nước ta đời nào cha ông cũng coi trọng văn hóa gia đình, mặc dầu các cụ không gọi đích danh. Gia pháp nhà Trần rất nghiêm về danh phận trên - dưới, kỷ cương trong - ngoài. Tác giả Việt Sử Tiêu Án viết rằng: Gốc thiên hạ ở tại gia đình, có dạy bảo được gia đình, nhiên hậu mới dạy được người trong nước... Xem như vua Anh Tôn thờ cha mẹ kính cẩn, xử với họ hàng hòa thuận, vua Nhân Tôn khen là có hiếu. Vua Minh Tôn noi theo nếp ấy, trong nước được văn minh chính trị, dân được giàu có thuận hậu; đó chẳng phải là gốc bởi tu thân tề gia là gì? (1) và kể tiếp rằng, Hoàng Phi Huy Tư là vợ vua Anh Tôn và mẹ của vua Minh Tôn, đương thời vua Anh Tôn trị vì, cái kiệu của Hoàng Phi đi là của Bảo Từ Hoàng Hậu ban cho, vua Anh Tôn cho là không phải phép chưa đáng được đi, không được dụng... Giáo sư Đào Duy Anh trong Việt Nam văn hóa sử cường chừa hẳn một chương để nghiên cứu tình hình kinh tế xã hội, sinh hoạt của gia đình, gia tộc: Gia trưởng và tộc trưởng; địa vị đàn bà địa vị con cái; hôn nhân; kế thừa hương hỏa; nhiệm vụ của gia đình; cải tạo gia tộc v.v... Mặc dầu phần lớn kiến giải của giáo sư thiên về cắt nghĩa giáo lý phong kiến trong gia đình nhưng cụ vẫn thừa nhận văn hóa gia đình là một hiện tượng chịu ảnh hưởng của thời đại, của lịch sử và văn hóa bên ngoài (2).  Ở đời Lê, Nguyễn Trãi là người có hiếu nổi tiếng mang nặng lòng cánh cánh lời dặn cua cha ở ải Nam Quan ngày đêm nuôi chí lớn phục thù, thì việc ông soạn gia huấn ca là một hiện tượng hợp logic. Trong tập sách này có sáu bài ca viết theo thể lục bát, có câu bảy chữ dễ đọc dễ thuộc:  Dạy vợ con, dạy con ở cho có đức; dạy con gái; vợ khuyên chồng; dạy học trò ở cho có đạo; khuyên học trò phải chăm học.

Văn hóa gia đình cũng được coi trọng ở nhiều nước. Để có một gia đình hạnh phúc, một xã hội ổn định thì Nhà nước không thể chỉ xây dựng chương trình lương thực, kế hoạch dân số, việc bảo vệ tài nguyên, giữ gìn môi trường sinh thái..., mà còn phải tiến hành đấu tranh chống mọi tệ nạn xã hội, giữ gìn bản sắc và bản lĩnh văn hóa dân tộc, tức là việc thu rèn đạo đức cá nhân (tu thân), xây dựng kỷ cương gia pháp (tề gia) là điểm khởi đầu, khi đó mới nói đến quản lý Nhà nước (trị quốc). Không phải ngẫu nhiên mà một quốc đảo nhỏ chỉ trên ba triệu dân trở thành một nước giàu, ổn định, có mức sống cao như Singapore lại vận dụng năm phạm trù trung, hiếu, nhân ái, lễ nghĩa, liêm sĩ của Nho giáo để biến thành những chuẩn tắc hành động cụ thể cho từng người dân, từng gia đình được các chủng tộc chấp nhận. Trong năm quan niệm đó, người ta đặt: Quốc gia trên hết xã hội đầu tiên; Gia đình là gốc, xã hội là thân (Quốc gia chí thượng, xã hội vi tiên; Gia đình vi căn, Xã hội vi bản). Trung Quốc những nhân tố tích cực của đạo Khổng được thừa nhận. Chữ Hiếu được đề cao, chức năng kinh tế của gia đình được nhấn mạnh, vấn đề sinh đẻ bị hạn chế tối đa và nghiêm ngặt. Ở Nhật Bản cơ cấu gia đình đã biến đổi, loại gia đình nhỏ, hạt nhân đang phát triển; sự vắng mặt của ông bố, vị trí người vợ, người mẹ trở nên quan trọng. Ở các nước Tây Âu, thay vì xu hướng gia đình không dựa trên cơ sở hôn nhân phát triển vào những năm 60, 70, bây giờ có xu hướng quay trở lại những giá trị truyền thống, đề cao trách nhiệm giáo dục gia đình. Ở Mỹ sau chiến tranh thế giới lần thứ II, người ta xem nhẹ vai trò của gia đình. Chính phủ không khuyến khích cuộc sống gia đình thể hiện trong chính sách thuế, chăm sóc người già, giáo dục trẻ em, nhận con nuôi; trái lại đề cao vai trò cá nhân đơn lẽ, thờ ơ với lối sống tẻ nhạt, bế tắc về tinh thần của người già.

Ở nước ta văn hóa gia đình được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra rất sớm. Tháng 10/1959 trong bài nói tại Hội nghị dự thảo Luật hôn nhân và gia đình, Người nói "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội... Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình...". Khi gần 80 tuổi, Bác Hồ vẫn tiếp tục chú ý đến chữ hiếu đối với bố mẹ trong quan hệ trung với nước, hiếu với dân, và khuyên nên học tập cách giáo dục của cha ông, và không quên đem câu chuyện ông Tử Lộ, nhà nghèo, đội gạo thuê nuôi mẹ đã ghi lại trong sách giáo khoa để giáo dục thế hệ trẻ. Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa gia đình, Đảng ta đã có nhiều văn bản về văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa, Nghị quyết Đại hội VIII ghi rõ: "Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, làm cho gia đình thực sự là tế bào vững mạnh của xã hội, là tổ ấm của mọi người. Phát huy trách nhiệm của gia đình trong việc lưu truyền những giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác". Nghị quyết Đại hội IX ở phần IV: Đường lối và chiến lược phát triển xã hội, mục 3 cũng ghi: "Nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên của mình có lối sống văn hóa, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mọi người và là tế bào lành mạnh của xã hội..." Tất cả nội dung đó là văn hóa gia đình.

II. Mấy đặc điểm của văn hóa gia đình:

Tính huyết thống: Câu thành ngữ xưa đúc kết: "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh" là biểu tượng truyền thống tốt đẹp của một gia đình, một dòng họ, rộng hơn là một làng. Ở vùng Sơn Nam Thượng và xứ Đoài ngày xưa, nhiều gia đình có truyền thống hiếu học, đỗ đạt cao. Phan Huy Ích, một vị đại thần của vua Quang Trung, người của hai quê: Hà Tĩnh và Hà Tây, là con nhà tông, có "dòng văn ba đời". Hai anh em ông và cha đỗ đại khoa, cả hai con ông đều là danh sĩ. Khảo sát truyền thống văn chương dòng Ngô gia, ta thấy huyết thống đó có ba đời, bắt nguồn từ đời Ngô Thì Ức (ông), Ngô Thì Sĩ (cha) đến Ngô Thì Nhậm (con), đời nọ nối tiếp đời kia là một hiện tượng rất hiếm ở nước ta. Trong lịch sử Trung Quốc dòng họ Tô Đông Pha ở Mỹ Sơn đời Tống mới có thể sánh ngang với dòng họ Ngô Thì. Truyền thống hiếu học, trọng học, trọng tài không chỉ có ở Hà Tĩnh. Nhưng ở Hà Tĩnh, ở xứ Nghệ nói chung hiếu học đi liền với khổ học. Gia đình giàu có cho con đi học đã đành, nhà nghèo, thậm chí rất nghèo cũng có tâm lý con mình bằng người, bởi con học giỏi, đỗ đạt là vinh hạnh cho cha mẹ, gia đình. Ngạn ngữ vùng này có câu: "Nửa bụng chữ bằng một hũ vàng", biểu tượng lòng ham học ham hiểu biết. Ở làng Trung Lễ (Đức Thọ) một số gia đình có từ ba đến bốn tiến sĩ. Cả làng có khoảng 50 tiến sĩ. Ở Sơn Hòa (Hương Sơn) có khoảng 20 giáo sư - tiến sĩ, hàng mấy trăm cử nhân; cũng có nhiều gia đình có nhiều con đỗ đạt cao. Đó là nét đẹp lấp lánh văn hóa gia đình.

            Các giá trị văn hóa gia đình được lưu giữ bền vững hơn ngoài xã hội.

Thờ tổ tiên là một ví dụ. Thờ Tổ tiên là một mỹ tục của người Việt Nam, một thứ "đạo nhà" (Nguyễn Đình Chiểu) được phổ biến từ nhiều thế kỷ. Sách trung dung có câu: "Thờ cha mẹ lúc chết rồi cũng như lúc còn sống, ấy là điều hiếu rất mực vậy". Các nhà Nho chính thống không nói linh hồn bất tử mà chú trọng thờ Tổ tiên ông bà bên cạnh thờ thần linh. Thờ Tổ tiên là một hiện tượng hiếu để làm gương cho con cháu đời sau. Cứ mỗi lần đứng trước bàn thờ Tổ tiên - ông bà, con cháu chắp tay lên ngực để cầu khấn cho linh hồn các cụ siêu thoát cũng đồng thời mong muốn các cụ phù hộ độ trì cho con cháu gặp may mắn. Nghi thức thờ cúng lễ vật hiến dâng người đã khuất ở mỗi nhà một kiểu, nhưng đều gặp nhau ở lòng thành: Mong cho người đã khuất mồ yên mã đẹp, cầu cho người còn sống an khang, thịnh vượng. Thờ Tổ tiên là một tục lệ ăn rất sâu vào tâm tư, tình cảm người Việt Nam. Chính vì vậy mà dù vật đổi sao dời, đất nước hòa bình hay loạn lạc thì việc thờ cúng Tổ tiên vẫn canh cánh bên lòng người con hiếu thảo, nhất là vào ngày rằm mồng một, giỗ chạp. Trong vòng 50 năm trở lại đây, cứ thử nhìn vào một gia đình trung lưu ở bất cứ một nơi nào mà xem: Nội dung cầu khấn, thiết chế thờ cúng, nghi thức bái lạy, lễ vật cúng tiễn v.v... đều rất ít thay đổi. Những câu thành ngữ được đúc kết từ lâu đời vẫn tồn tại bền vững cho đến hôm nay và có thể cả mai sau: Trong quan hệ với con cái là gọi dạ bảo vâng, đi thưa về trình; trong quan hệ của người bề dưới đối với người bề trên, là kính lão đắc thọ; cách ứng xử của anh, chị là: kính trên nhường dưới, chị ngã em nâng. Trong quan hệ vợ chồng là: Một điều nhịn chín điều lành v.v...

Gia phong, gia lễ trong sự tương quan với các lĩnh vực khác của xã hội.

Ngày nay, nói đến gia phong, gia lễ là nói đến gia đình - hạt nhân của xã hội. Ở phương Tây người ta nói hiện tượng tan rã gia đình  không thể tránh khỏi, "lối sống  gia đình không có hạt nhân" những lớp đa dạng về cấu trúc của gia đình tương lai... điều đó trái với nhu cầu ổn định xã hội để phát triển. Vai trò của gia đình hết sức quan trọng, nếu không nói là quan trọng số một, bởi vì nếu gia đình thiếu ổn định thì nói gì đến sự ổn định của xã hội? Trước đây, mâu thuẫn trong gia đình phát sinh và được điều chỉnh chủ yếu thông qua các hệ đạo đức, tâm lý, tình cảm giữa ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt. Chuyện trong gia đình thường xoay quanh chữ hiếu. Chung quy là cách đối xử với nhau dưới một mái nhà.

Ngày nay, trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, vấn đề gia phong, gia lễ của từng gia đình bị chi phối bởi các nhân tố: Kinh tế, văn hóa vật chất, pháp luật, lối sống, chất lượng sống, vấn đề công danh, mưu sinh lập nghiệp, thị hiếu và giải trí. Sự bộc lộ mâu thuẫn giữa các thành viên các thế hệ trong gia đình thể hiện công khai hơn, dễ nhận thấy hơn. Nhưng cách giải quyết hôm nay lại thoả đáng hơn nhờ lòng bao dung, "sự thể tất" rất tâm lý của cả hai phía. Nếu như trước đây phương thức giải quyết mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái thường đi đến kết cục thắng - bại mà phần thắng thuộc về bề trên; thì ngày nay phương thức giải quyết áp đặt nhất là bằng bạo lực ít tỏ ra có tác dụng, trừ khi xung đột xảy ra phải nhờ pháp luật. Các thế hệ trong gia đình hầu như đều biết nắm giữ lợi thế và phần thắng của mình. Ngay cả một đứa con phạm tội nghiêm trọng cũng chưa chắc bị cha mẹ chối bỏ như trước đây. Mặt khác cha mẹ, ông bà cũng cần có những suy nghĩ mới bằng những phương thức giáo dục mới có sức thuyết phục, làm gương cho con cháu noi theo. Việc xây dựng gia phong, gia lễ của từng gia đình nên bắt đầu bằng việc giáo dục bậc làm cha làm mẹ. Các Mác: "Những người giáo dục cũng cần được giáo dục". Thương yêu, tôn trọng, phê phán, nhắc nhở thậm chí răn đe là điều cần thiết, nhưng tuyệt đối không nên dùng bạo lực lăng nhục, nhất là đối với trẻ em. Ở Mỹ có một số tổ chức Phi chính phủ làm nhiệm vụ giáo dục trẻ em cơ nhở, lang thang do cha mẹ ruồng bỏ. Tại đây có những buổi giáo dục những bậc cha mẹ đã đánh đập con cái do cảnh sát phát triển. Khi phạm lỗi các vị đó bị phạt làm không công cho một tổ chức từ thiện và phải đi học lớp bồi dưỡng cách giáo dục con cái, cuối khóa phải có chứng nhận kết quả mới đuợc xuất lớp.

III. Những giải pháp "mở" cho việc ứng xử văn hóa gia đình.

1. Nội dung giáo dục: Ở từng gia đình nên có những bộ sách đạo đức học kiểu mới, trong đó có phần đạo đức gia đình. Ở nước ta cũng như ở một số nước có nhiều cuốn sách nổi tiếng về tu dưỡng đạo đức công dân và văn hóa gia đình như: Gia huấn ca, Đạo đức kinh, Ethique (của Spinôza); Ethique à Nicomaque Arixtor). Đây là những tổng kết có tính chất mẫu mực, bền vững vượt qua không gian và thời gian trong việc giáo dục đạo đức gia đình.

2. Về đối tượng giáo dục văn hóa gia đình: Trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế theo chúng tôi nên chú ý hàng đầu tới thế hệ vị thành niên trong gia đình. Vì sao vậy? Để trả lời câu hỏi, chúng ta chú ý tới đặc điểm về tâm - sinh lý của lứa tuổi này. Trong sự phát triển của đời người, tuổi vị thành niên là giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, đột biến. Sự tăng trưởng xảy ra không chỉ ở thể xác (chiều cao, trọng lượng); mà con ở tâm lý (sự bùng nổ về tâm lý, thất thường, đầy mặc cảm và mâu thuẫn); ở tình cảm (khẳng định cái tôi, ý thức chủ quan về tình bạn, tình yêu). Lại nữa, thực trạng lối sống của số đông vị thành niên, nhất là ở đô thị thật đáng lo ngại. Sự tự do buông thả trong tình dục, tình yêu, thiếu vòng tay ấm áp của gia đình là những điều kiện thuận lợi cho sự thâm nhập các tệ nạn xã hội. Tỉ lệ phá thai ở tuổi vị thành niên tại Hà Nội và cả nước vào loại cao nhất thế giới (mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo phá thai. Hà Nội chiếm 70.000 ca) (4). Nhạc trẻ tung ra trên các cơ quan thông tin đại chúng thiếu định hướng, nhất là VTV3. Những yếu tố tiêu cực của thể loại nhạc trẻ như lời ca rên rỉ, ảo nảo, gầm rú la hét, tâm trạng ủy mị, chán chường, thái độ sống gấp, trái tim vô cảm (Tình yêu đến, em không mong đợi, tình yêu đi em không hề hối tiếc) v,v... là trái với đạo lý làm người, làm hoen ố gia phong, gia lễ. "Công nghệ lăng xê" một số ca sĩ có tiền nhưng không có tài diễn xuất, không có chất giọng; sự bắt chước vô duyên lối ăn mặc, cung cách biểu diễn phương Tây đã lỗi mốt hàng chục năm nay là những hiện tượng lố lăng ảnh hưởng đến thị hiếu, cách sống của vị thành niên. Điều đáng trách là một vài tờ báo như Mực tím, Hoa học trò, Thiếu niên nhi đồng vẫn có những bài khai thác đời tư, (ngôi sao) để tập sống, ăn mặc, hát những bài hát của "sao". Còn các bậc làm cha làm mẹ làm nghề nhạc thì lo lắng: "Tôi sợ nhạc trẻ đánh mất tất cả" như nhạc sĩ nổi tiếng Nguyễn Văn Tý đã nói to trên báo. Mà một bộ phận không ít vị thành niên đang đánh mất thật: Nghiêng ngả về lý tưởng sống, xáo trộn về tình cảm, băng hoại về đạo đức v.v...

3. Văn hóa gia đình và những mối quan hệ:

Văn hóa gia đình trong  điều kiện lịch sử  - xã hội nào cũng vậy đều có liên quan đến lối sống của cộng đồng làng, xã, đô thị; liên quan tới nhiều thế hệ: già và trẻ; trên và dưới; liên quan tới nhiều giá trị mà bản sắc dân tộc, cốt cách dân tộc đóng vai trò trung tâm. Để giải quyết những mối quan hệ tất yếu và phức tạp này cần chú ý các quan hệ sau:

Quan hệ giữa cái vật chất và cái tinh thần: Coi trọng đúng mức lợi ích kinh tế - với giá trị tinh thần. Nếu chỉ quan tâm tới vật chất thì dễ sinh ra lối sống hưởng thụ, tâm lý chạy theo tiền, coi đồng tiền là mục đích. Ngược lại chỉ chú ý đến tinh thần thì xã hội sẽ nghèo khó, gia đình sẽ không yên ổn. Đời sống kinh tế của một gia đình chưa cao, nhưng có thể có lối sống đẹp. Các cụ ta có câu: "Phú quý sinh lễ nghĩa, nhưng lại có câu: "Giấy rách phải giữ lấy lề" hoặc "Đói cho sạch rách cho thơm".

Quan hệ giữa bề trên và kẻ dưới: "Kính trên nhường dưới", "Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền" là những câu đúc kết về mối quan hệ này. Đối với bề trên cần đề phòng tâm lý bảo thủ không thức thời; còn bề dưới thì cảnh giác trước những hiện tượng mất gốc, lãng quên quá khứ v.v...

Quan hệ giữa cái kế thừa cái phát triển: Trong quan hệ này thì tín ngưỡng, phong tục, phong hóa là phức tạp hơn cả xét về bình diện lối sống. Tất cả chúng đều có mặt trái, mặt không ổn định, mặt phát triển. Bốn nội dung sâu sắc được Bác Hồ diễn đạt có thể phù hợp đối với văn hóa gia đình: "Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ; cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý cái gì tốt thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay thì phải làm... Đó là mục đích đời sống mới (5).

Quan hệ giữa tự nguyện và bắt buộc: Tự nguyện thuộc về tâm lý, tình cảm; bắt buộc thuộc kỷ cương, quy ước, gia phong. Bất cứ một sự khuyên bảo, một hành vi giáo dục đối với lớp trẻ cần có sự kết hợp đồng bộ giữa các mặt. Ngược lại lòng khoan dung, cử chỉ hòa hiếu của ông bà cha mẹ trong một gia đình không chỉ là phương tiện, mà còn là mục đích. Bởi suy cho cùng bản chất của văn hóa là hòa giải. Văn hóa gia đình không vượt ra khỏi bản chất đó của văn hóa nói chung.

                H.S.V

_______________

(1) Ngô Thị Sĩ: Việt Sử Tiêu án, Nxb Thanh niên, 2001 tr. 262.

(2) Đào Duy Anh: Việt Nam Văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa Thông tin, 2000, tr.120 - 141.

(3) Xem công trình: KX06.01. Lãnh đạo và quản lý văn hóa vì sự phát triển. Hà Nội 1994 tài liệu đánh vi tính mà tác giả bài viết này là thành viên Ban Chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước.

(4) Theo điều tra mới nhất của đề tài cấp Bộ: Giáo dục giá trị truyền thống văn hóa cho lứa tuổi vị thành niên của Thạc sĩ Nguyễn Thị Phượng, Viện Văn hóa, 2002. Tài liệu đánh vi tính.

(5) "Hồ Chí Minh tuyển tập, tập 2, Nxb Văn học, 1995, tr.152

Hồ Sĩ Vịnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 115 tháng 04/2004

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground