Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Văn học viết về chiến tranh cách mạng

B

ất cứ một nền văn học chân chính nào, sự ra đời và phát triển của nó đều gắn bó sâu sắc với thời đại sinh ra nó, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của thời đại đó. Văn học Việt Nam sau 1945, đặc biệt là mảng văn học viết về đề tài chiến tranh Cách mạng là một hiện tượng độc đáo, đáp ứng cao độ những đòi hỏi bức thiết của thời đại, sáng tạo trên cảm hứng lớn của thời đại, có vị trí xứng đáng trong tiến trình văn học dân tộc dân tộc và cũng chịu những thách thức nghiệt ngã của thời gian.

1. Chúng ta đều biết rằng, nếu như nửa đầu thế kỷ XX, lịch sử xã hội Việt Nam chủ yếu là những cuộc vận động Cách mạng dữ dội, dẫn đến cao trào tháng Tám 1945, thì nửa sau, lịch sử chủ yếu là hai cuộc kháng chiến lâu dài nhằm bảo vệ thành quả của cách mạng, độc lập dân tộc và giải phóng đất nước, dẫn đến chiến thắng lịch sử 1954 và 1975. Một thời gian dài hậu chiến tranh (1975), những vấn đề của cuộc chiến vẫn còn in đậm trong đời sống tinh thần của dân tộc. Bởi vậy, có thể nói văn học về đề tài chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ sinh ra và phát triển là do đòi hỏi bức thiết của nhiệm vụ chính trị cấp bách của thời đại: Tất cả để chiến thắng kẻ thù xâm lược! Đó là ý thức công dân cao cả của văn học hòa trong ý thức chính trị cao cả của thời đại, được văn nghệ sỹ tự nguyện dâng hiến cả tình cảm, trí tuệ của mình, như một tất yếu lịch sử!

Khẩu hiệu "Văn nghệ phục vụ kháng chiến", đã làm hình thành một dòng văn học áp sát hiện thực chiến đấu, phản ánh tươi rói những diễn biến của cuộc chiến tranh, tạo ra một sinh khí khác hẳn với văn chương trước Cách mạng tháng Tám. Khác từ cách quan niệm về bản chất, chức năng của văn học, đến cảm nhận hiện thực, đến giọng điệu, nhân vật, ngôn ngữ và thái độ của văn nghệ sĩ. Một dòng văn học phục vụ "công nông binh", gần gũi, truyền cảm... với một khát vọng cháy bỏng là chuyển đến người đọc những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc, đó là hình ảnh của dân tộc, của quân và dân ta đang chiến đấu hy sinh vì vận mệnh của Tổ quốc, nhằm kêu gọi họ sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn. Sau này trong "trào" đổi mới, có người khi xem xét những hạn chế của dòng văn học này, đã vi phạm nguyên tắc lịch sử cụ thể, cho đó là "đứt đoạn" quá trình "hiện đại hóa" văn học có từ đầu thế kỷ, đặc biệt là từ giai đoạn văn học 1930 - 1945! Những người không đồng tình với nhận định đó đã phản bác lại và cho rằng, chính cuộc kháng chiến đã "hiện đại hóa" văn học, trả văn học lại vị trí đúng đắn của nó là áp sát cuộc sống, bám sát nhiệm vụ trung tâm của thời đại. Quả vậy, vì chỉ cần so sánh "Thơ mới", sách của Tự Lực Văn Đoàn và văn học viết về kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng đủ thấy không chỉ khác nhau căn bản về nội dung hiện thực, mà còn khác nhau căn bản về hình thức biểu đạt. Nếu nói cái hiện đại chính là cái giản dị, sâu sắc, truyền cảm, thì văn học viết về chiến tranh của ta hơn hẳn mọi thời kỳ văn học trước đó. Văn học là gì, nếu không phải là sản phẩm tinh thần cao quý của thời đại, đáp ứng những nguyện vọng cháy bỏng của dân tộc, sáng tạo trên cơ sở vì nghĩa lớn của đất nước. Không có đất nước, không có dân tộc, không hề có bóng dáng của thời cuộc, lại càng vắng bóng hơi thở của Cách mạng trong thời kỳ Thơ mới, trong hầu hết văn chương của Tự Lực Văn Đoàn. Vậy thì văn chương dùng để ru ngủ, kêu gọi vùi đầu vào thác loạn, quên lãng, thất tình và tuyệt vọng, rồi tắc tỵ, bí hiểm như về cuối của trào lưu Thơ mới nữa, mới là "hiện đại" hay sao? Và mặc nhiên vì vậy gắn với lý trí với nhiệm vụ công dân, với trách nhiệm lịch sử, khơi dậy ý thức cộng đồng... trong văn học về đề tài chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ là "không hiện đại", là "đơn giản hóa", "hạ thấp" văn học hay sao? Đúng là có những tác phẩm thời kỳ đầu và ngay cả sau này, do yêu cầu cấp thiết của đời sống, nhiều tác giả đã lựa chọn những hình thức truyền đạt giản dị nhất để đạt hiệu quả nhanh chóng nhất, nhiều tác phẩm đề cao ý thức cộng đồng mà chưa chú ý nhiều đến số phận cá nhân.v.v... nhưng những tác phẩm "phục vụ kịp thời" này đâu phải là tiêu biểu cho cả một thời kỳ văn học và suy cho cùng giai đoạn, thời kỳ văn học nào mà chẳng có những tác phẩm làm "nền" cho những đỉnh cao. Dựa vào những tác phẩm yếu kém để khái quát bản chất của cả một thời kỳ văn học là không khoa học. Bây giờ chiến tranh đã đi qua trên ba mươi năm, với một thái độ khoa học và trung thực, chúng ta không thể phủ nhận giá trị của nhiều tác phẩm văn học và trong hành trang văn hóa bước vào thế kỷ XXI, không thể bỏ lại những tác phẩm xuất sắc của thời kỳ chống Pháp, và chống Mỹ. Điều đó không chỉ nói lên tính hiện đại trong ý nghĩa còn cần cho tương lai văn hóa dân tộc, mà còn ở những giá trị khác thuộc về nội dung và hình thức của văn học về đề tài chiến tranh, mà rất nhiều công trình khoa học đã khẳng định.

Khẩu hiệu "Văn nghệ phục vụ kháng chiến' còn quy tụ, thu hút những tài năng văn học tiêu biểu nhất của đất nước thời kỳ này, những văn nghệ sĩ nổi tiếng từ trước cách mạng như Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng... Xuân Diệu và Chế Lan Viên.v.v.. Và chắc chắn trong quan niệm của họ, đi vào cuộc sống chiến đấu không phải là để từ bỏ "cái hiện đại" đến với cái "hạ thấp" trong văn học! Bản lĩnh của những nghệ sĩ tài năng ít khi chấp nhận một sự "đổi ngược" như vậy. Cũng từ trong lòng cuộc kháng chiến, lần lượt ra đời các thế hệ nhà văn mặc áo lính, một "kiểu" nhà văn hết sức mới mẻ, "nhà văn chiến sĩ", mà trước đó, trong lịch sử văn học dân tộc, chưa từng xuất hiện. Đây là những chủ thể tài năng và tâm huyết, sản phẩm của cuộc chiến đấu vì độc lập dân tộc, những người trực tiếp làm nên dòng văn học viết về chiến tranh độc đáo của chúng ta. Không thể nào kể hết tên tuổi của họ trong một bài báo nhỏ. Chỉ cần so sánh một con số: Trong cuốn từ điển Văn xuôi Việt Nam từ cuối thế kỳ XIX đến năm 1945 dày 1137 trang, xuất bản năm 2001, thống kê được 376 tác phẩm văn xuôi của 78 tác giả. Vậy mà trong bộ Tổng tập nhà văn quân đội do chi hội nhà văn quân đội biên soạn năm 2001, dày trên 4.000 trang, số nhà văn đã và đang mặc áo lính lên đến con số 303 người trong đó riêng văn xuôi đã có 273 tác giả. Chỉ một dòng văn học (trong cả nền văn học Việt nam hiện đại) con số văn nghệ sĩ hùng hậu này cho thấy tính bức thiết của cuộc chiến đấu đã sản sinh ra họ, và chính họ là lực lượng chính, là chủ âm trong bản hợp xướng lớn của Văn học Việt Nam hiện đại.

Như vậy mảng văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng ra đời đáp ứng những đòi hỏi bức xúc của bản thân cuộc chiến đấu chống xâm lược của dân tộc. Đây là một tất yếu khách quan của lịch sử cũng như bản thân cuộc chiến đấu của dân tộc là một tất yếu của lịch sử. Bởi vậy, văn nghệ sĩ đã tự nguyện đưa hết tài năng của mình để phục vụ cuộc chiến đấu đó. Mặc nhiên, cảm hứng bao trùm, cảm hứng chủ đạo đó đã cổ vũ cho cuộc chiến đấu, ngợi ca ý thức cộng đồng và củng cố niềm tin vào thắng lợi, vào lý tưởng vì độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Những phát hiện nghệ thuật sâu sắc và mới mẻ bắt nguồn từ cảm hứng chủ đạo đó đã làm nên những giá trị của tác phẩm của Nguyễn Đình Thi, Nguyên Ngọc, Nguyễn Thi, Phan Tứ, Anh Đức, Nguyễn Minh Châu và rất nhiều nhà văn khác.

2. Từ góc độ quá trình văn học, những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh Cách mạng là sự tiếp nối và phát triển mạnh mẽ truyền thống yêu nước của dân tộc có từ xa xưa trong lịch sử. Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của những cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi, giang sơn cũng như các giá trị văn hóa tinh thần khác của dân tộc. Hiếm có một dân tộc nào chịu nhiều đau thương do sự đàn áp của ngoại xâm như dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, cũng hiếm có một dân tộc nào có truyền thống yêu nước cao cả như dân tộc Việt Nam, thể hiện trong những cuộc chiến đấu sinh tử để khẳng định sự tồn tại của mình trước những kẻ thù hung hãn nhất trong mỗi thời kỳ lịch sử. Truyền thống yêu nước đó cũng in đậm trong đời sống văn hóa tinh thần, đặc biệt là trong văn học. Lý Thường Kiệt trở thành bất tử bởi những chiến công quân sự, bởi cả những câu thơ nói lên chí khí của dân tộc; Nguyễn Trãi nếu không có 10 năm chống quân Minh chắc chắn không có những áng hùng văn làm tan rã hàng ngũ địch như vậy.; Nguyễn Đình Chiểu nếu không xuất phát từ lòng yêu nước cao cả, không có những văn tế vừa sâu sắc vừa truyền cảm như vậy.v.v. và vv...

Tiếp tục truyền thống yêu nước đó, văn học Việt Nam về đề tài chiến tranh cách mạng đã phản ánh chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trên một bình diện mới gắn với chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo, chủ nghĩa anh hùng Cách mạng và lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Đó là chủ nghĩa yêu nước hiện đại, tự nguyện của hàng triệu con người, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp lớn giải phóng đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà dân tộc ta tự nguyện lựa chọn. Đó là chủ nghĩa yêu nước, lấy con người làm trung tâm, tôn trọng tuyệt đối con người với những giá trị tinh thần cao quý bộc lộ trong chiến đấu. Sự kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa anh hùng Cách mạng, với lý tưởng xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo là kế tục giá trị yêu nước truyền thống của dân tộc và nâng cao giá trị đó lên tầm thời đại. Cuộc chiến đấu được phản ánh kịp thời, trung thực, cảm quan thường trực của ngòi bút "phụng sự kháng chiến" làm cho nội dung yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội hết sức cụ thể, hết sức cao cả nổi bật trong văn học thời kỳ này. Chính điều đó làm nên giá trị của văn học về đề tài chiến tranh Cách mạng; đưa nền văn học Việt Nam "đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học chống đế quốc trong thời đại ngày nay". Nội dung yêu nước yêu chủ nghĩa xã hội đó đang được tiếp tục trong phương châm xây dựng nền văn hóa mới, "tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc" mà Đảng ta, Nhà nước ta đang chủ trương.

Như vậy, nội dung yêu nước trở thành "bản sắc" của văn học Việt Nam đặc biệt là dòng văn học viết về đề tài chiến tranh Cách mạng. Thiết nghĩ thời đại hôm nay với sự phát triển của thông tin, của công nghệ cao (hihg, tech), giữa vòng vây chu chuyển chóng mặt tiền tệ, của máy móc, sắt thép, đồ hộp của một xã hội hậu công nghiệp (post industrel) khi cơn lốc (toàn cầu hóa) đang mưu toan "dán nhãn hiệu" biến mọi thứ thành chung một "khẩu vị" trong đó có văn hóa - nghệ thuật, thì việc giữ gìn và phát triển nội dung yêu nước, như một biểu hiện tinh thần có tính chất đặc trưng của dân tộc?

3. Dòng văn học về chủ đề chiến tranh Cách mạng mang đặc trưng thẩm mỹ mới, có tính chất khu biệt, nếu so sánh với đặc thù thẩm mỹ của những giai đoạn văn học trước đó. Một thế giới hiện thực khác hẳn, phong phú, chân thực hơn, gần gũi, đời thường hơn, tạo ra những cảm nhận thẩm mỹ tích cực, hướng con người vào những vấn đề to lớn của lịch sử... đã được phản ánh trong nội dung các tác phẩm văn học.

Thế giới hiện thực phong phú đó chính là những bức tranh thiên nhiên và bức tranh đời sống chiến đấu trong tác phẩm. Thiên nhiên chính là đất nước yêu dấu trên mọi ngã đường ra mặt trận, trên mọi miền đất nước vì nó mà con người hy sinh chiến đấu. Hoàn toàn khác với thiên nhiên để ngâm vịnh kiểu "tức cảnh sinh tình", một kiểu thiên nhiên xa lạ với khát vọng của con người, hoặc đồng lõa với sự cô đơn, thất vọng của con người trong văn học trước Cách mạng tháng Tám. Một chất liệu thẩm mỹ mới mẻ, tạo ra vẻ đẹp tinh thần chưa từng có của đời sống tinh thần dân tộc, biểu hiện trong cái lạc quan, quả cảm hy sinh vô bờ bến của các thế hệ quân và dân ta trước vận mệnh dân tộc trong cuộc đối mặt sinh tử với kẻ thù. Chưa bao giờ ý thức cộng đồng, chủ nghĩa anh hùng tập thể lại được tôn vinh, đề cao, chứa đựng nhiều ý nghĩa thẩm mỹ như vậy trong văn học, và chính vì vậy, văn học đã góp phần nâng cao vị thế con người Việt Nam, làm phong phú cho văn chương dân tộc bởi chủ nghĩa nhân văn cao cả của con người Việt Nam trong những khoảnh khắc lịch sử khốc liệt nhất.

Mặt khác, viết về một hiện thực anh hùng như vậy, văn học về đề tài chiến tranh Cách mạng không thể không lựa chọn cảm hứng sử thi trong bút pháp biểu hiện, và chính điều đó cũng làm nên đặc trưng thẩm mỹ của văn học giai đoạn này. Khi nhận ra cuộc chiến đấu không chỉ có anh hùng quả cảm, mà còn là đau thương tột cùng, chủ thể sáng tạo đã không hề né tránh sự thật ở những tình huống bi kịch, bi tráng xuất hiện trong mối quan hệ giữa khát vọng sống từng cá nhân và vận mệnh Tổ quốc, và đã phản ánh những tình huống bi kịch đó một cách chân thực và rắn rỏi. Chính điều đó đã tạo ra cảm hứng chân thật, tính chất truyền cảm, hướng người đọc đến cái cao cả, cái vô hạn của tình yêu Tổ quốc, của lý tưởng xã hội cao đẹp... mà con người sẵn sàng hy sinh để giữ gìn. Đọc lại những tác phẩm của Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Anh Đức, Nguyễn Trung Thành.vv... chúng ta có thể thấy bóng dáng tinh thần của một thời lịch sử in đậm trong hệ thống những hình tượng nghệ thuật, đã từng lay động, cổ vũ hàng vận thanh niên ra mặt trận. Đó chính là nét đặc trưng của sức truyền cảm lớn, sức lay động thẩm mỹ của văn học viết về đề tài chiến tranh Cách mạng suốt mấy chục năm qua.

4. Mọi hiện tượng tự nhiên và xã hội không thoát khỏi thử thách của thời gian. Người Ai Cập cổ đại nói: Kim tự tháp không sợ bất cứ điều gì ngoài thời gian. Quả là thời gian sẽ vùi mọi giá trị vào quên lãng cũng như có thể đưa về từ thế giới của sự lãng quên các giá trị chân chính, nếu các giá trị ấy có ích cho đương thời. Văn học nói chung và văn học về đề tài chiến tranh Cách mạng cũng chịu sự thách thức ấy của thời gian. Một nhà nghiên cứu cho rằng: Thời gian đi giật lùi và cuối cùng chỉ thấy những đỉnh cao trong văn học. Đúng như vậy. Những tác phẩm ưu tú của một thời kỳ văn học sẽ tồn tại lâu hơn trong thời gian. Những tác phẩm yếu kém sẽ bị vượt qua. Văn học viết về đề tài chiến tranh của ta có nhiều thành tựu nhưng cũng không ít yếu kém ( (trong bài này không đề cập đến), mặc nhiên sự yếu kém ấy không đủ sức vượt qua thời gian. Điều đó là hết sức bình thường, nếu không muốn nói là tất yếu, là đáng mừng, bởi vì, biết gạn đục khơi trong, vận dụng đúng đắn thuyết phủ định biện chứng cũng là việc làm hết sức cần thiết để phát triển.

***

Đất nước đã chuyển sang một thời kỳ mới kể từ 1975. Cảm hứng sáng tạo, ý thức tiếp nhận... của xã hội cũng đã có những bước phát triển mới so với giai đoạn trước. Bất cứ một thời đại nào cũng sẽ lựa chọn cho mình một phương pháp tư duy, và khả năng biểu đạt ý thức của thời đại trong các giá trị văn hóa - tinh thần. Văn học viết về đề tài chiến tranh Cách mạng sau năm 1975 cũng vậy, đang trên đường những tìm tòi mới, tự đổi mới để vượt qua những hạn chế của thời kỳ trước, cả về phương diện hình thức lẫn phương pháp tiếp cận hiện thực. Một số nhà văn là người trong cuộc có thể và đã viết khá sâu sắc về chiến tranh, các thế hệ sau sẽ còn tiếp tục viết về chiến tranh và chắc chắn sẽ viết hay hơn, sâu sắc hơn. Bởi vì trong lịch sử văn học nhân loại, không hiếm những đỉnh cao nghệ thuật mà quá khứ được soi rọi bằng trí tuệ của hậu thế đầy bản lĩnh và tài năng. Văn học Việt Nam sẽ không nằm ngoài quy luật đó.

L.T.N

Lê Thành Nghị
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 88 tháng 01/2002

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground