C |
àng gần đến ngày đại lễ 30/4, dù muốn hay không, dù đầu óc có bị phân tâm bởi muôn vàn công việc thì có lẽ mỗi một người dân nước Việt đều không thể không nghĩ đến cái sự kiện được coi là cột mốc lịch sử có tầm vóc bậc nhất trên dặm dài trường chinh hàng ngàn năm của dân tộc với biết bao vinh quang và cay đắng, bao hào hùng và bi thương. Mỗi người nghĩ về nó theo một cách, tuỳ theo tâm thế, điều kiện lịch sử của cá nhân, những hồi ức, kỉ niệm riêng hoặc theo những xu hướng đổi thay của cả thời đại. Bất luận suy tư về nó thế nào thì tất cả đều phải thừa nhận có một ngày thật sự trọng đại đã xẩy ra trong lịch sử Việt Nam, đã làm xoay chuyển hoàn toàn một đất nước để mở ra một kỉ nguyên mới cho một Quốc gia có tên: Việt Nam.
Lịch sử loài người được diễn đạt bằng lịch sử của từng Quốc gia, từng dân tộc. Mỗi Quốc gia hình thành theo mỗi cách, có nơi là sự phân chia quyền lợi những miền đất chiếm đoạt được của những đoàn người khai phá, có nơi bằng sự lớn mạnh tự thân của các bộ tộc bản địa, có nơi bằng những cuốc chinh chiến trường kỳ chống lại sự chiếm đoạt. Nhiều quốc gia ra đời bằng những cuộc Cách mạng đòi độc lập. Tuy nhiên tính khách quan của lịch sử cho thấy, dù được hình thành theo phương thức nào, kể cả những phương thức được gọi là “khai sáng văn minh” thì sự ra đời, bảo tồn và phát triển của một dân tộc, một Quốc gia không thể không gắn liền với máu xương của người chiến sĩ. Đặc biệt là ở những thời điểm có tính bước ngoặt của lịch sử kiểu như ngày 30 / 4 / 1975 của Việt Nam
Khái niệm về người chiến sĩ trong phạm trù Cách mạng cần hiểu đầy đủ là những người đã tham gia trực tiếp tạo nên thắng lợi của một dân tộc, một quốc gia. Đó không chỉ đơn thuần là người lính vũ trang mà chúng ta vẫn quen gọi là Bộ đội. Người chiến sĩ làm nên sự nghiệp chiến thắng huy hoàng của cuộc chiến tranh giải phóng đất nước ta là tất cả những ai đã quên mình vì công cuộc đánh đuổi ngoại xâm, từ người lính đến vị Tổng chỉ huy, từ người dân chân đất đến nhà lãnh đạo cao nhất, từ anh bộ đội đến các lực lượng bán vũ trang và triệu triệu người yêu nước khác.. Bởi thế mới có thuật ngữ khoa học quân sự là cuộc chiến tranh nhân dân.
Tuy nhiên nói như vậy chúng ta không thể không đặt đúng tầm vóc vai trò chủ lực của những người chiến sĩ quân đội trong các cuộc chiến đấu cụ thể. Và trong khi ghi chép lịch sử, tôn vinh những chiến công hay tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, cần căn cứ hiện thực khách quan của lịch sử cụ thể của giai đoạn đó, của địa điểm xẩy ra sự kiện đó để tôn vinh xứng đáng vai trò có tính quyết định của sự kiện lịch sử đó. Đã từng có quan niệm cho rằng, bất luận nơi đâu, chiến công nào cũng là chiến công chung của dân tộc, là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, vì vậy hình tượng tôn vinh chiến công bất luận đâu cũng phải toàn diện, đầy đủ. Tôi không phản đối quan niệm mọi thắng lợi đều là thắng lợi chung của dân tộc, cho dù trận đánh cụ thể đó chỉ duy nhất có một lực lượng bộ đội thì cũng không thể không có công sức của những người mẹ, người vợ ở hậu phương..Tuy nhiên, đó là sự tôn vinh chung. Giả sử có một tượng đài Chiến thắng Quốc gia thì có lẽ cũng nên tính toán cho hết mọi nhẽ kiểu như thế. Nhưng ở một thời điểm cụ thể, một trận đánh cụ thể, một di tích cụ thể thì không thể tư duy bằng thứ quan điểm chung như thế được. Từ suy nghĩ đó tôi muốn nhân dịp tháng tư lịch sử này mà nói thêm về nội dung tôn tạo di tích Thành Cổ Quảng Trị, nói rõ thêm những day dứt của mình về hình ảnh người chiến sĩ cần được tôn vinh như thế nào ở không gian di tích đặc biệt quan trọng đó.
Thành Cổ Quảng Trị trở thành di tích Văn hoá- Lịch sử cấp Quôc gia với hai giá trị tiêu biểu. Giá trị văn hoá là dấu tích của toà hành chính tỉnh lị được xây dựng thời nhà Nguyễn. Tuy nhiên, cái di sản vô giá của di tích này khiến cả dân tộc và bạn bè trên thế giới ngưỡng mộ lại là cuộc chiến đấu bi hùng 81 ngày đêm của quân đội chúng ta chống cuộc phản kích tái chiếm của quân Mỹ. Không phải đến tận bây giờ thế giới mới biết đến sự tích này mà ngay khi cuộc chiến đang xẩy ra thì giữa Thủ đô ánh sáng của nước Pháp, những bên tham gia đàm phán ngừng chiến và dư luận quốc tế cũng từng giờ từng phút hướng về Thành Cổ. Nó căng thẳng đến mức một nước văn minh như Hoa Kỳ mà cũng phải dùng đến hạ sách là nói dối bằng việc đắp thành giả, cắm cờ để đưa hình ảnh " tái chiếm" trên Thành Cổ loan về Pa-ri với hy vọng tạo sức ép trong đàm phán. Để tạo thế cho cuộc đàm phán bốn bên ở Pa-ri, suốt 81 ngày đêm, bộ đội ta đã trộn máu xương mình đắp nên thành luỹ Quảng Trị. 81 ngày đêm đã có xấp xỉ 81 đại đội hy sinh. Các nhà viết sử đời sau có thể sẽ tiếp tục đặt câu hỏi về giá trị đong đếm được của sự hy sinh đó. Nhưng chắc chắn bất luận thế nào thì lịch sử vẫn phải tôn vinh những người chiến sĩ đã ngã xuống giữa mảnh đất nhỏ nhoi nơi miền trung hẻo lánh này để thế cuộc toàn cục của cuộc chiến được khai thông và đã khiến kẻ thù lớn nhất thời đại phải nản lòng.
Dự án tôn tạo di tích Thành Cổ Quảng Trị được xây dựng từ những năm đầu của thập kỉ 90, thế kỉ trước. Ngoài những nội dung phục dựng và tôn tạo những dấu tích cổ còn sót lại của toà thành, bảo tồn những dấu tích của cuộc chiến 81 ngày đêm như hố bom, vết đạn găm trên cửa cổng v..v..thì câu hỏi đặt ra cần tôn vinh nội dung gì ở nơi đây. Mà muốn trả lời được câu hỏi ấy lại phải khẳng định cho được chủ đề chính cần tôn vinh của di tích Thành Cổ là gì? Sau rất nhiều tham vấn ý kiến các chuyên gia Văn hoá, chuyên gia bảo tồn học, tỉnh Quảng Trị đã lựa chọn phương án không xây dựng tượng đài người lính ở trung tâm như một vài ma-ket đề xuất, mà là một đài tưởng niệm mang dáng dấp đàn âm hồn. Đài như một ngôi mộ chung, được thiết kế theo tư duy kinh dịch, khối đài tròn như một khối thái cực, chia thành lưỡng nghi, tứ tượng, âm dương chuyển hoá... Lí luận cho phương án này, đây là nơi có mật độ người nằm xuống lớn nhất nước, vì vậy chủ đề chính khu di tích này là một công viên tưởng niệm. Và chiến tranh đã đi qua rồi, quá khứ cần khép lại, mọi vong linh cần được siêu thoát.
Phải thừa nhận rằng, ngay từ những năm đầu thập kỷ 90, trong lúc hầu như tất cả các điểm di tích Cách mạng trên cả nước đều la liệt tượng đài người lính, cái thì đưa tay, cái thì đưa súng, vừa nghèo nàn vừa nhàm chán, thì ở Thành Cổ lại xây một đài tưởng niệm chung như vậy là rất mới, rất thoáng trong tư duy chính trị cũng như nghệ thuật. Và quả thật, cho đến hôm nay, Thành Cổ nói chung, đài tưởng niệm trung tâm nói riêng đã thật sự hằn sâu trong tâm thức mọi du khách đến đây, đã trở thành một không gian thiêng trên mảnh đất thấm đẫm máu xương này.
Tuy nhiên, không phải đến hôm nay mà ngay sau khi dự án tôn tạo di tích Thành Cổ giai đoạn I hoàn thành, chúng tôi đã thấy có cái gì đó chưa thật an tâm. Có hai câu hỏi mà sự trả lời dù làđúng nhưng có vẻ như chưa thật trúng.
1. Di tích Thành Cổ Quảng Trị là một nơi tưởng niệm. Đúng. Nhưng chẳng lẽ chỉ là tưởng niệm thôi sao? Hàng ngàn liệt sĩ ngã xuống giữa Thành Cổ này chỉ làm cho chúng ta xúc động, thương tiếc và tưởng nhớ thôi sao? Vậy giá trị của sự hy sinh này trong sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước được đánh giá thế nào? Theo suy nghĩ của tôi, trên cả sự tưởng niệm, sự hy sinh này cần được tôn vinh. Họ hy sinh, nhưng khí phách và anh linh của họ là bất tử. Cũng như khi xác định chủ đề cho di tích Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải nơi hằn sâu nỗi đau chia cắt đất nước, chúng tôi tôn vinh khát vọng thống nhất non sông, thì ở Thành Cổ, nơi có hàng ngàn chiến sĩ đã ngã xuống, chúng tôi thấy cần tôn vinh tinh thần bất tử của họ.
2. Việc không phân biệt vong linh của bất cứ ai, cần có sự cảm thông và cầu chúc cho tất cả được an bình và siêu thoát là đúng. Thậm chí như đã nói ở trên đây là một tư duy mới. Tuy nhiên, xét vào một không gian cụ thể, một cuộc chiến cụ thể như cuộc chiến 81 ngày đêm ở Thành Cổ Quảng Trị, thì vong linh cơ bản, nhiều nhất ở trong thành chính là liệt sĩ quân đội. Bởi lúc đó, những người dân thường còn lại ít và chủ yếu là ở ngoài thành( trong phạm vi Thị xã), một số dân quân, du kích tham gia đưa bộ đội qua sông hay tiếp tế và đương nhiên cũng có nhiều người hy sinh. Còn lực lượng của quân đối phương cũng thương vong nhưng ở các điểm chốt ngoài thành, còn tại trong thành là ít. Khi chúng vào được trong thành cũng chính là lúc quân ta được lệnh rút lui. Như vậy để nói, tại trong nội thành của Thành Cổ, mặc dù có thể có đủ các thành phần ngã xuống, nhưng nhiều nhất, dày đặc nhất vẫn là hài cốt liệt sĩ quân đội ta. Vì thế, nếu chỉ là một đài tưởng niệm chung mà thiếu đi sự đặc tả anh linh người chiến sĩ quân đội là điều khiến lòng dạ ta khó mà yên ổn.
Rất may cho chúng tôi là dự án tôn tạo Di tích Thành Cổ Quảng Trị còn có giai đoạn II. Khi xây dựng dự án giai đoạn II, chúng tôi đã kiến nghị hai nội dung cơ bản : dành ra một khu đất để tái hiện lại không gian khốc liệt của cuộc chiến 81 ngày đêm và vượt lên trên đó là biểu tượng bất tử của người chiến sĩ. Xin được nói rõ, hình tượng người chiến sĩ nói ở đây không phải chỉ là những hình ảnh, những cụm hình người bằng sáp để minh hoạ công việc như cách làm trong các bảo tàng, mà là hình tượng bất tử của người lính, là vốc dáng vượt cao hơn tất cả mọi sự huỷ diệt, lồng lộng giữa nền trời xanh Quảng Trị, hay nói như nhà thơ Lê Anh Xuân là một dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ.
Và như vậy, bên cạnh một đài âm- dương tưởng niệm chung cho mọi linh hồn nằm chính giữa trung tâm Thành Cổ, thì trên khu đất tái hiện không gian huỷ diệt của cuộc chiến có chân dung bất tử của người chiến sĩ Quân đội nhân dân. Xin đừng ám ảnh việc hiện nay đã có quá nhiều tượng đài về người lính. Theo tôi, nhiều ít không phải là vấn đề, cốt lõi ở chỗ, hình ảnh người chiến sĩ cần đặt ở đâu là đúng và trúng. Và hình ảnh ấy được khắc hoạ thế nào, đừng sơ lược, công thức và nhàm chán. Riêng ở Thành Cổ, hình ảnh người chiến sĩ được tôn vinh là trúng và không thể không có. Tôi rất mong những suy nghĩ ấy của chúng tôi được lưu tâm. Làm được điều ấy, không những chúng ta tôn vinh được giá trị đích thực của một di tích mà trong đời sống hằng ngày trên mảnh đất này ta cũng thấy an lòng.
X.Đ