N |
hận được cuốn Phùng Quán còn đây cùng đĩa CD Phùng Quán đọc thơ do Nhà xuất bản văn nghệ gửi tặng, tôi rất xúc động nhớ lại đã từng khi ăn cùng mâm, ngủ cùng giường với anh, và như gặp lại giọng thơ cuốn hút của anh với những câu thơ tài hoa; và thú thật, cũng không khỏi trăn trở về một bài thơ của anh lâu nay không ít người thấy chưa thoả đáng. Đó là bài Hoa Sen, với những vần thơ nặng lời phê phán bài ca dao viết về một loài hoa vốn rất dễ thương và quen thuộc trong dân gian:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Phùng Quán cho đây không phải là tiếng nói của người lao động, mà là giọng phản trắc của bọn vốn con nhà nghèo, sau khi học hành đỗ đạt, “chòi lên cuộc đời vóc lụa vàng son”, đã quay lại coi khinh cha mẹ từng sinh nở, dưỡng dục mình nên người ! Bọn vô ơn tự xem mình là bông hoa sen thơm ngát, rực rỡ, tuy “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”!
Quả là xưa nay vốn có chuyện con cái trưởng thành, ăn nên làm ra, có kẻ mang tiếng văn hoá đầy mình nữa, nhưng đã quay lưng lại với nguồn gốc nghèo khó của ông cha. Hồi đầu thế kỷ trước, nghe nói có người Việt Nam xuất ngoại, khi có ai hỏi người nước nào, liền khịa ra là người Nhật Bổn. Xã hội càng văn minh càng lắm cảnh chướng tai gai mắt. Có cô cậu không muốn bạn bè, người yêu biết gia cảnh bần bàn của mình; thậm chí có người sinh ra ở vùng đất gian khổ hay miền núi xa xôi hẻo lánh không dám nhận mặt quê hương, gốc gác, lại mạo nhận mình người Hà Nội, Sài Gòn… Tâm lý “thấy người sang bắt quàng làm họ” và quay lưng lại với cội nguồn là chuyện đau lòng có thật với biểu hiện muôn màu muôn vẻ.
Bài ca dao Hoa Sen có phải là hiện tượng đáng phê phán trên không ? Và nếu thế, thì vì sao nó lại được lưu truyền rộng rãi qua thời gian suốt trong Nam, ngoài Bắc ? Bởi vậy cần phải phân tích một cách thấu tình đạt lý để vấn đề trở nên sáng tỏ. Dưới đây chúng tôi xin mạo muội nêu một vài thiển kiến.
1. Hoa sen là loài hoa mọc nơi đầm lầy, vắng lặng, toả hương, khoe sắc, không ồn ĩ chen chân vào chốn đô hội sinh vật cảnh những mai, đào, cúc, hồng, cẩm chướng, lay ơn, uất kim hương, viôlet… Nhưng hoa sen lại có một vị trí rất quan trọng từ ngàn xưa, ấy là chính nhà Phật đã chọn lựa, kết thành đài sen nâng Đức Phật Tổ lên khỏi chốn hồng trần cho người đời chiêm ngắm. Sau Cách mạng tháng tám 1945, hoa sen lại bừng sáng bởi câu ca toàn dân ca ngợi:
Tháp Mười đẹp nhất hoa sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.
Hoa sen là thế, không phô phang, lánh đục tìm trong, nên không phải ai cũng hiểu được vẻ đẹp của nó. Bọn hợm hĩnh học đòi giống quân tử, vốn nuôi chí làm quan, chúng thường ví mình với cây tùng, cây bách và hoa thì phải là những loài cao quý, nhất bảng là hoa mai chứ chẳng bao giờ chịu gần thứ “cỏ nội hoa hèn”, cho nên bảo rằng chúng ví mình với hoa sen là hoàn toàn không đúng !
2. Ai từng nghe Phùng Quán đọc bài thơ Hoa Sen, hẳn còn nhớ giọng anh lúc đó: vừa tức tối, vừa nghẹn ngào với đôi mắt trừng trừng còn hơn cả khi đọc bài thơ “Chống tham ô lãng phí ” hay “Lời mẹ dặn “. Kết thúc bài thơ, anh đề nghị:
Nhân danh bùn, nhân danh sen
Tôi đề nghị đuổi câu phản trắc này ra khỏi kho báu dân gian !
Lúc đầu, tôi cũng như nhiều người, bị giọng đọc của anh dựng dậy, chừng nào đó như không khí đấu tố một thời, khiến tim đập mạnh, chân tay như cũng muốn cựa quậy. Nhưng cũng bài ca dao ấy, một lần tình cờ, y như Bạch Cư Dị viết trong bài thơ “Trì thượng”, tôi lại nghe một cô gái vừa đẩy thuyền nan đi hái sen vừa hát, thì thấy té ra phải coi lại cách nhìn, cách cảm của anh Phùng Quán chứ không có khi oan cho hoa sen. Chẳng phải giọng cô gái nọ đã làm đảo lộn nội dung bài ca dao, mà ở chỗ bài ca dao đã tìm đúng địa chỉ của mình: nó phải được cất lên trên mênh mang đồng bãi chứ không phải nơi hội trường đèn chùm sáng trưng, loa đài ầm ĩ.
Phùng Quán rất thành kiến với câu “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, cho là “giả”. Anh tóm lấy chữ “gần”, coi đó là chữ dùng đắt nhất chỉ mặt bọn phản trắc. Nhưng cần nhớ chữ “gần” vốn chỉ nhằm xác định vị trí mà thôi (Gần – chỉ vị trí cách một khoảng không gian tương đối ngắn - Từ điển tiếng Việt) như “gần kề”, “đặt cạnh nhau”, “bên nhau”… Cần thấy “gần”, chưa hẳn đã “gần gũi”, láng giềng lắm khi là kẻ thù của nhau chứ đâu phải cứ “gần” là thành bạn rượu của nhau ! Phải nói rằng tác giả bài ca dao đã rất có ý thức khi chọn chữ “gần” (hoặc thời gian đã sàng lọc chữ nghĩa kỹ càng rồi giữ lại chữ “gần”) để xác định mối quan hệ lân cận giữa sen và bùn, một thứ quan hệ đồng đẳng, chứ tuyệt nhiên không nhìn vấn đề với con mắt nhà sinh học: sen mọc lên từ bùn, như con cái do cha mẹ sinh ra ! Chữ “gần” đúng là nhãn tự của câu thơ chính là với ý nghĩa này; thay chữ khác (như chữ “từ”), sẽ làm sai lạc bài ca dao. Phùng Quán đã sai lầm khi anh viết:
Bùn với sẹn đâu phải chuyện gần
Chính là sen mọc lên từ trong đó.
Nhưng bài ca dao không nói chuyện trồng sen. Bình giá văn chương nhất nhất phải căn cứ vào văn bản, vào sự hiện diện của chữ nghĩa chứ không nên suy diễn, sẽ rơi vào tư biện. Cần thấy ở đây tác giả dân gian đã sử dụng phép so sánh (chúng tôi xin được nhấn mạnh chữ này) để làm nổi bật vẻ đẹp của hoa sen khi đem đặt cạnh bùn. Đây là nghệ thuật sắp đặt trong thơ, dùng cái này tôn vinh cái kia; trong văn chương nói chung và ca dao tục ngữ nói riêng ta gặp không ít. Ai chẳng biết vị trí của ông thầy trong việc học: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Không thầy đố mày làm nên”… nhưng lại có câu “Học thầy không tày học bạn” (nếu đuổi thì phải đuổi câu nói vô ơn trực diện này trước hết !?). Có phải là người ta sổ toẹt công lao của ông thầy không ? Hoàn toàn không ! Vấn đề nằm ở chỗ kia cần đề cao vai trò về sự giúp đỡ của bạn bè, ta phải tạm thời đặt ông thầy xuống hàng thứ yếu mà thôi, không có ông thầy làm nền thì làm sao việc “học bạn” trở nên quan trọng ?
Có một chuyện buồn, là xưa nay, tịnh chưa thấy ai khen bùn lấy một câu. Mà đâu chứ ở Việt Nam, chưa nói chuyện bùn nuôi sen, nuôi súng, chuyện ấy nhỏ, đáng nói là cây lúa nước nếu không có bùn thì hơn chín chục phần trăm dân cư ăn gì mà sống ? Bùn còn có công đánh giặc nữa. Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, quân chúa Trịnh sợ “nhất Luỹ Thầy, nhì đầm lầy Võ Xá”, còn trong chống Mỹ, chiến sĩ đặc công Rừng Sác làm nên chiến công từ những vùng lầy lội nhất của đồng bằng Nam bộ… Công của bùn lớn lắm, ấy mà chẳng ai khen, lạ thật, lạ còn kể rất nhiều “tội”: nào “bùn nhơ”, “bùn lầy nước đọng” người ta đòi “ném bùn vào mặt” hoặc doạ “cho nhau ăn bùn”… Thơ văn hiện đại cũng thế, cũng lại coi bùn là nơi ô uế. Từ trong nô lệ, chúng ta đứng lên làm cách mạng giành độc lặap tự do. Hình ảnh đó đã được Tố Hữu viết: Những bàn chân đã đứng dậy đạp đầu/Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp; nhà thơ Nguyễn Đình Thi lại ví von cuộc đổi đời bằng câu “Giũ bùn đứng dậy sáng loà”. Ngay Phùng Quán cũng viết “Ba mươi năm tôi bị dìm trong bùn nhơ lăng nhục!”…
Hy vọng, đến lúc nào đó, trong văn chương, bùn sẽ được tôn vinh xứng đáng với đóng góp của nó trong cuộc sống…
3. Bài Hoa sen là một trong không nhiều bài ca dao hay nhất xưa nay. Phùng Quán cũng khẳng định “Câu ca dao được cả nước lưu truyền “, chỉ riêng anh là “không tin câu ca dao này gốc gác ở dân !”. Cảm thụ văn chương tuỳ tâm tuỳ tạng từng người, nhưng nếu một mình một ngựa, quay lưng ngược đường với triệu triệu đồng bào, thì rất nên tỉnh táo xem lại. Phùng Quán đòi tống cổ câu ca dao ra khỏi kho tàng dân gian là quyền phát ngôn của anh; nhưng dù có tống khứ, hay chôn vùi, băm vằm nó ra, thì nó vẫn sống trong lòng mọi người. Những gì không thuộc về nhân dân hẳn đã được thời gin đào thải, không chờ ai đuổi; và những gì còn lại, dù không phải hết thảy là vàng ròng, cũng đều đã được kiểm chứng, đã được trí tuệ người lao động đóng dấu xác nhận, cấp giấy thông hành. Do thái độ rạch ròi đầy tính duy lý nên có một số câu người ta cho là miệng lưỡi của bọn thống trị, như câu “Con vua thì lại làm vua/ Con sãi ở chùa lại quét lá đa “, hoặc “Một ngày tựa mạn thuyền rồng/Còn hơn một kiếp nằm trong thuyền chài”… Có thể đó là phát ngôn của kẻ thống trị, nhưng lấy gì để bảo đảm đó không phải là cái nhìn thẳng vào nghịch cảnh ở đời, hoặc những lời cảm khái trước sự chênh lệch sang, hèn, giàu, nghèo của người lao động ? Không nên và cũng không thể minh định rạch ròi trong những trường hợp này. Riêng bài ca dao trên, thì dứt khoát không thuộc diện hiểu sao cũng được, đích thị đó là bài ca của nhân dân, là tôn hồn người dân quê đẹp một cách tự nhiên từ trong ra ngoài. Với ý nghĩa này, bài ca dao đã và sẽ sống mãi trong lòng mọi người. Sở dĩ cá biệt có sự nhầm lẫn là do suy diễn chủ quan, không bám vào đặc trưng văn chương để phân tích.
Nhà thơ Phùng Quán mười bốn tuổi rời lưng trâu đi kháng chiến, một đời gắn bó với nhân dân, ngay cả những năm tháng bi đát nhất, niềm tin vào “nhân dân tôi” (chữ dùng của Phùng Quán) nơi anh vẫn ngời sáng dù trong trái tim rỉ máu. Anh luôn đứng về phía tầng lớp “dưới đáy xã hội”, bênh vực những kẻ bần cùng… bởi vậy việc anh hiểu lệch bài ca dao Hoa sen là điều có thể thông cảm được. Yêu quý Phùng Quán không chỉ ở văn tài của anh, mà cả ở sự lẫn cực đoan rất hồn nhiên ấy. Tôi muốn trao đổi cùng mọi người để hiểu Phùng Quán hơn. Mặt khác, rất quan trọng, là phải minh hoan cho hoa sen và trả bài ca dao của hàng triệu người về với chủ nhân của nó.
H.T.S