L |
à người nổi tiếng qua các tiểu thuyết như Vượt Côn Đảo, Tuổi thơ dữ dội,… Nhưng với Phùng Quán thì:
…Với tôi thơ mới là tất cả. Thơ là lí lịch, là mạng sống đời tôi.
(Khai Từ- Trăng Hoàng Cung)
Viết về thơ Phùng Quán, tôi muốn bắt đầu bằng những cảm xúc nhiệt huyết, chân thành, và giàu tính cách của một Phùng Quán khó có thể lẫn với một ai khác. Đã có rất nhiều cách nói về thơ dưới nhiều độ khác nhau, nhưng cách nói của Phùng Quán: “Thơ là lí lịch đời tôi” thì quả là có một…
Đọc Phùng Quán, dễ dàng nhận ra ở thơ ông chất trầm hùng của một người trải nghiệp với bản sắc thơ khá rõ nét:
Ai yêu đất bằng tất cả cuộc đời mình
Sẽ được nghe đất hát…
Đất ơi
Con nguyền yêu người với tất cả máu xương
Với tất cả cuộc đời con mười bảy tuổi.
(Đất- 1950)
Có thể nói, thời đại mới và thế kỷ hai mươi của hành tinh này vừa là một sức mạnh từ lòng đất mà ra, vừa trí tuệ và bàn tay con người mà thành, bằng những hành động cách mạng thực tiễn. Bởi vậy, Đất- tên một bài thơ Phùng Quán cũng là sức mạnh ấy, sức mạnh của lịch sử dân tộc, thấm sâu vào từng thớ thơ như máu thịt. Cái tôi xuất hiện trong sự cân bằng giữa cái ta thời đại. Mạch thơ ấy cũng là dòng chủ lưu xuyên suốt những sáng tác thời kỳ đầu của ông. Đây là tư duy, là ý thức cụ thể, không phải là sự thuận chân, hay phản ứng tự nhiên của nhà thơ. Chính ý thức đó đã làm cho ông dấn thân vào hiện thực cuộc sống một cách mạnh dạn, chân thành và trung thực.
Con đường binh nghiệp của Phùng Quán bắt đầu từ năm ông mười ba tuổi, gia nhập vào Vệ Quốc Đoàn (01- 1946), ông từng là chiến sĩ liên lạc trinh sát thuộc Trung đoàn 101. Giữa bao gian khó, nghiệt ngã của chiến tranh những vần thơ trong người chiến sĩ vụt lên như không gì cưỡng nổi.
Trong lời chú giải cho một bài thơ, ông viết: “Những câu thơ chợt ập đến trong đầu, tưởng chừng nó vọng lên từ lòng mẹ Đất, ru đứa con chiến sĩ vào giấc ngủ kiệt sức mất máu”. Về đề tài chiến tranh cách mạng, về hy sinh mất mát, thơ Phùng Quán là những tráng ca của nỗi đau lẫn niềm tự hào của người chiến sĩ, ghi dấu gương mặt lịch sử một thời không dễ gì quên lãng dẫu năm tháng dần xa. Bản di chúc chiến sĩ của ông đã chứng thực điều đó:
Nếu tôi chết
Xin các đồng chí đừng đưa tôi đi đâu hết cả
Hãy chôn tôi nơi chính tôi đã ngã
Và, trước cái chết, ý chí con người vẫn trỗi dậy, bám vào lòng đất, gửi trọn niềm tin vào cuộc sống:
Viếng mộ tôi xin đừng đốt hương
Hãy đốt cho tôi một ngọn lửa đốt đồn
Khắp cả quê hương đều ngó thấy
Soi sáng hết những nơi máu nhân dân đang chảy
(Di chúc chiến sĩ- 1952)
Chết lãng mạn, hào hùng, nhiệt tình công dân đối với dân tộc bật ra từ những hình ảnh thơ giàu trí tuệ trong những tìm tòi và thử thách táo bạo tạo nên những nhịp đập cháy bỏng trong trái tim người nghệ sĩ.
Cùng cảm xúc đó, Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo (Trích Trường ca Võ Thị Sáu) đã ra đời năm 1954. Tác phẩm mang đậm chất sử thi của một bản anh hùng ca. Hình tượng của anh hùng Võ Thị Sáu được tạc vào tâm hồn của thế hệ hôm nay bằng chất liệu ngôn ngữ giàu ấn tượng, sâu lắng:
Sáu nghiêng đầu chải mái tóc rối tung
Má trinh nữ bỗng ướt đầm lệ nóng
Tiếng sóng vỗ xa xa
Lời má thương đồng vọng…
Mái tóc gió bay bay
Xanh rờn mười bảy tuổi.
Cố nhiên, lúc này cái tôi trữ tình của nhà thơ đẩy xuống hàng thứ yếu, nhà thơ trở thành nhân chứng, là người kể chuyện, kể về mảnh đất và cuộc đời anh hùng của người con gái Đất Đỏ.
Nghĩ cho cùng, dù đi vào những vấn đề lớn lao, hay trở về những tình cảm tư riêng, thơ Phùng Quán bao giờ cũng là tiếng nói thiết tha của một nghệ sĩ đối với con người và cuộc đời. Đằng sau lớp vỏ ngôn từ luôn chất chứa những tình cảm trong sáng, sóng sánh giữa câu thơ. Không chối bỏ tình yêu, nhưng ở bài Hôn là một cách thể hiện khác, có gì đó cao xa hơn, xa hơn trong cõi lòng nhân thể:
Nhưng dù chết em ơi
Yêu em anh không thể
Hôn em bằng đôi môi
Của một người nô lệ
(Hôn- 1954)
Suy ngẫm về nối mất nước là lẽ thường, nhưng trong câu thơ của Phùng Quán điều đó càng rõ hơn, dường như nó có sức khái quát đến kỳ lạ.
Ngoài ra, những bài thơ Tôi tự hào về chế độ nước tôi, Tôi muốn mời đến Tổ quốc tôi, Thơ đọc trước linh cửu mẹ vợ trước khi hạ huyệt… đều thể hiện những thiết tha, yêu thương, hun đúc từ trái tim của người nghệ sĩ. Sống thực, viết thực, nhà thơ như muốn trải rộng hồn mình lên trang giấy thức cùng trang thơ là những nỗi niềm viễn tưởng chừng không bao giờ lắng xuống… Tất cả như tạo thành bản hợp xướng cất lên từ lòng Đất. Có là quy luật? Có là nhân quả? Một khi:
Ai yêu Đất bằng tất cả cuộc đời mình
Sẽ được nghe đất hát!
(Đất- 1950)
Khác với nhiều nhà thơ, Phùng Quán không đi vào triết lý xa vời mà trực tiếp đối diện cuộc đời. Không hề né tránh, ông luôn hướng ngòi bút của mình đến hiện thực một cách tự nhiên, không khiên cưỡng mà phóng khoáng. Có những điều tưởng chừng như giản dị, những cảm nhận đơn sơ nhưng khi tác giả nói đến lại có sức khái quát lớn, trở thành chiêm nghiệm đời người:
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc cứ khóc.
Và
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
(Lời mẹ dặn- 1957)
Con người từng trải cảnh đời, nếm trải đến mức nhiều khi cay nghiệt đấy, lại là người sống trung hậu nhân nghĩa, đầy trách nhiệm với chính bản thân, với nghề nghiệp và cuộc đời. Sẽ chia lòng mình trước thực tại bằng lời thơ giản dị, gần gũi càng thêm sức thuyết phục. Xưa nay, người mẹ luôn là hình tượng tôn kính, thiêng liêng trong văn học. Vẫn chung nguồn mạch đó, hình tượng người mẹ luôn thổn thức trong ông, đọng lại và định hình qua “Lời mẹ dặn”, tựa hồ được chưng cất từ hình ảnh một - người- mẹ- có- thực trong ông. Thời gian có thể khỏa lấp rất nhiều điều, nhưng sẽ có một lời mẹ dặn trong tác giả, trong tôi, trong bao thế hệ, luôn ngân vọng đến trọn đời.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Đã đành một lẽ yêu ghét rach ròi, nhưng quan trọng đó còn là lời nhắc nhở con người hãy sống thật với bản thân, với suy nghĩ của mình. Và, thái độ đó được Phùng Quán thổ lộ qua khá nhiều bài thơ. Ví như Trăng Hoàng Cung là một điển hình. Người đọc sẽ gặp ở đây một người thơ từng: “Cầm khẩu tiểu liên- Thơ đánh vỗ mặt thói dối trá, đạo đức giả, tệ quan liêu tham nhũng, tuy ngày đó chỉ mới manh nha” (Khai Từ- Trăng Hoàng Cung).
Ai đó đã cho rằng, suy cho cùng, sự phát triển của văn học nghệ thuật là sự phát triển của khả năng tự nhận biết và biểu hiện mình của con người, nên tài năng và cá tính sáng tạo có vai trò tiên quyết quy định sự thành công hay thất bại của một tác phẩm. Ở Phùng Quán, tài năng và cá tính đều bộc lộ rõ, xin miễn lạm bàn, thơ ông đã phản ánh điều ấy. Ở đây chỉ nên thừa nhận, trong tâm hồn nhạy cảm của Phùng Quán không tồn tại thứ tình cảm buông trôi, nửa vời. Bao giờ cảm xúc trong ông cũng được đẩy lên ở mức độ cao nhất thể hiện qua nhiều bài thơ như: Tôi dịch Êxênhin, Huyệt, Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe, Tạ, Hoa Sen,… Trong sâu sa của cảm xúc ấy, những nghĩa cử thiết tha, những yêu thương tột cùng lại thức dậy cùng thơ:
Con tạ
Manh chiếu rách con nằm
Con tạ
Bát cơm nghèo mẹ con ăn
Con tạ
Câu dân ca mẹ con hát
Tất cả thành sữa ngọt
Nuôi con ngày trứng nước”.
(Tạ- 1985)
Và căm phẫn cũng dâng lên tột đỉnh:
Như công nhân
Tôi quyết đúc thơ thành đạn
Bắn vào tim những kẻ làm càn
Vào lũ người tiêu máu của dân
Như tiêu giấy bạc giả
(Chống tham ô lãng phí- 1956)
Cảm hứng phê phán trong những tác phẩm khi đề cập đến những vấn đề tiêu cực trong thơ Phùng Quán rào rạt, mạnh mẽ tạo nên những tác động mạnh đến tâm trạng xã hội. Nhà thơ thực sự quan tâm và lo nghĩ đến trước những biểu hiện xuống cấp của lối sống, đạo đức, thậm chí cả lẽ sống của một bộ phận con người trong xã hội. Trọn đời thơ và trọn đời người của Phùng Quán là những khát vọng cháy bỏng, tìm kiếm và sáng tạo, bảo vệ những gì tốt đẹp của con người.
Trong trăm nghìn nỗi đói
Tôi nếm trải cả rồi
Tôi chỉ kinh khiếp nhất
Là nỗi đói tình người
(Đói)
Không cầu kỳ, chỉ bốn câu thơ nhưng lại khái quát được khát vọng hòa đồng vào thế giới con người. Cuộc sống vốn đã nhiều thiếu hụt nhưng nhà thơ day dứt nhất về sự thiếu hụt tình người. Điều đó đủ cho chúng ta suy ngẫm về cuộc đời trước bao biến cải của nhân tình thế thái. Hơn thế, giá trị giàu nhân bản ấy còn có sức khêu gợi những nỗi đồng cảm sâu xa ở nhiều thế hệ. Phùng Quán sống đôn hậu và trong con người đôn hậu ấy chứa tâm hồn nghệ sĩ. Từ một đôi guốc quê kiểng đến một bộ áo Chàm bạc màu ông khoác lên người- dẫu chỉ là hình thức bên ngoài của nhà thơ- nhưng lại nói được cá tính của con người ông: giản dị, chân mộc, cũng không khỏi có người cho ông là lập dị. Thôi thì, chuyện đời mà. Vẫn còn đó tất cả những gì của ông gởi lại cùng năm tháng, ngay cả những lúc cay nghiệt nhất, ông vẫn vươn lên, và thơ ca nhiều khi được ông xem là cứu cánh:
Có những phút ngã lòng
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy.
(Thơ đề lên thơ- 1965)
Từ năm 1984 - 1985, Phùng Quán say sưa viết Trăng Hoàng Cung - Một tiểu thuyết – thơ, được ông xem như là lời hậu từ đối với cuộc đời. Theo chú giải của ông: …”Nó xuất xứ từ những bài thơ tình tôi viết tặng mối tình si mê, mộng tưởng và… trong cơn say bất tận… Tôi đọc lại, thêm vào lời chú giải… và thế là, tự nhiên, không khiến, cuốn tiểu thuyết thành hình”. Tác phẩm gồm mười ba chương đã gửi gắm tất cả những gì tâm huyết của đời ông cho hậu thế. Nhà thơ tự thuật về mình bằng nhiều cung điệu cảm xúc, khi thiết tha hạnh phúc, khi day dứt suy tư… Nhưng xuyên suốt nội dung tác phẩm vẫn là một tình yêu với con người và cuộc đời khó phai. Trong cái hữu hạn của cuộc đời, tình yêu lại là vĩnh cửu.
Bởi vì, ông tin vào ngày mai:
Lời yêu thương cũng không được nói
Thì tôi xin chết
Nhưng tôi không nói lời vĩnh biệt
Vì tôi tin tôi sẽ hồi sinh
Dù hỏa táng
Dù chôn xuống chín tầng đất
Trái tim giập nát của tôi vẫn thắm một khối tình.
(Chương 13 - Tình tuyệt vọng - Trăng Hoàng Cung)
Bởi vì ông day dứt trước câu hỏi mà không lời giải đáp:
Thượng đế ơi!
Tôi đã làm gì
Mà ly rượu đời người ban cho tôi
Đắng thế?
(Hậu từ - Trăng Hoàng Cung)
Cám ơn ông!
Cám ơn nhà thơ Phùng Quán đã dành cho chúng ta phần cao đẹp riêng trong tâm hồn và tính sáng tạo độc đáo của một nghệ sĩ chân tài, đầy nhiệt huyết với quê hương, đất nước và con người.
Đôi nét về Phùng Quán như vậy chắc hẳn chưa đủ. Bởi bên cạnh những nội dung vừa đề cập trên, thơ Phùng Quán còn viết về những đề tài khác nhau. Bài viết này chỉ mong ghi lại những ấn tượng đậm nét trong thơ ông mà thôi.
Trong một chuyến công tác, tháng 3 năm 1994, tôi đến thăm nhà thơ Phùng Quán. Vẫn đôi mắt sáng, vẫn bộ áo Chàm bạc màu… ông nhìn tôi qua làn khói thuốc lào nghi ngút, giọng đùng đục:
Không có gì đẹp hơn
Viết ngay và viết thẳng
Ngước nghìn Tây Hồ, ông tiếp tục đọc thơ… Mười tháng sau, kể từ ngày ấy, tôi không bao giờ được gặp ông lần nữa.
Thi sĩ đã yên giấc vĩnh hằng nhưng thơ ông cũng như di sản văn chương của ông vẫn sống cùng cuộc đời, trong tâm trí của con người hôm nay và mai sau.
P.H