Trong 19 tiêu chí Nông thôn mới vừa qua và Nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 đều phải có tiêu chí văn hóa. Nếu ở giai đoạn trước, có đến hai tiêu chí về văn hóa, đó là: tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí văn hóa; đến giai đoạn Nông thôn mới nâng cao thì vẫn còn lại một tiêu chí văn hóa. Điều đó có nghĩa là song song với phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng thì vẫn phải luôn chú trọng bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa. Và khi đời sống ngày càng văn minh thì việc chú trọng văn hóa càng trở nên cấp thiết.
Giá trị văn hóa có thể được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau, chẳng hạn như giá trị văn hóa cổ truyền, giá trị văn hóa hiện đại hay văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.
Trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa cổ truyền thì không nên máy móc, rập khuôn theo kiểu “xưa bày, nay làm” mà cần phải kế thừa có phê phán, chọn lọc, gạn đục khơi trong và phù hợp với xu thế phát triển. Ví dụ ngày xưa để thành vợ thành chồng thì phải qua nhiều thủ tục lễ nghi rườm rà, nay phải tiết giảm; xưa người chết thường để lâu ngày, đám tang phức tạp vì những thủ tục cúng bái, đưa đám cũng vậy và ăn uống linh đình thì nay cần phải nên gọn nhẹ để tránh tốn kém, phiền hà không chỉ với chủ hiếu. Tiếp thu văn hóa hiện đại cũng phải chọn lọc, chẳng hạn có thời gian do ảnh hưởng phim truyện nước ngoài nên nhiều gia đình lấy tên các diễn viên điện ảnh đặt tên cho con, đó cũng là biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa, sa vào tình trạng lai căng... Còn như việc tốt thì nên giữ gìn và phát huy, như ngày xưa nhiều làng quê có lệ khuyến học, khuyến tài thì nay tiếp tục truyền thống này.
Trước hết xây dựng văn hóa cho nông thôn mới thường gắn liền với hương ước. Đây là lệ làng kiểu mới. Nhưng không nên có tư tưởng cổ hủ, lạc hậu từ xưa truyền lại - “phép vua thua lệ làng” để biến làng thành một mảnh đất “tự trị” lạc lõng. Hương ước ngày nay phải không được mâu thuẫn với phép nước, phải thống nhất với những quy định của Nhà nước và không trái với thuần phong mỹ tục. Trong hương ước sẽ có những quy định liên quan đến văn hóa như đám cưới, đám tang, việc làng... và đó là căn cứ để xây dựng đời sống văn hóa trong lộ trình của Nông thôn mới.
Trong thời buổi ngày nay phải chấp nhận có những giá trị văn hóa cổ truyền mai một bởi sự thay thế của văn minh cơ khí, điện khí... Ví như ngày nay xây dựng thêm nhiều cầu kiên cố, có thêm nhiều tàu thuyền trên sông nước, kể cả đò cũng đa số là đò máy nên việc hò trên sông nước theo những mái chèo cũng tàn lụi dần theo năm tháng, hay như vùng đồng bằng không còn ai giã gạo bằng chày nên hò giã gạo cũng trở thành ký ức... Cho nên đối với nhiều giá trị văn hóa, phát triển và bảo tồn nhiều khi không song hành. Nhưng có những giá trị văn hóa mới cần được khuyến khích như việc hình thành những tủ sách ở một số làng xóm khu vực nông thôn. Văn hóa đọc cần phải được tạo điều kiện, cổ động và kích cầu để có cơ hội lan tỏa vì đây chính là giá trị văn hóa mới, không chỉ phục vụ cho học sinh mà còn cho cả người lớn, nếu duy trì tốt, lâu dần tạo thành nếp quen thì quả thật là hay.
Bảo tồn chuyện Trạng Vĩnh Hoàng tạo nên nét đặc sắc trong xây dựng Nông thôn mới - Ảnh: C.N
Tận dụng được những ưu thế văn hóa trong việc xây dựng Nông thôn mới là việc rất nên làm vì nó mang lại nhiều lợi ích hữu hình và vô hình. Riêng với Quảng Trị thì có thể kể ra một số nơi như làng trạng Vĩnh Hoàng (Vĩnh Linh), giếng cổ Gio An (Gio Linh) làm phong phú đời sống văn hóa, góp phần thu hút du khách, tạo nên phần nào thu nhập từ kinh tế du lịch địa phương; hay như di tích Tân Sở - Cần Vương ở vùng Cùa (Cam Lộ) đã được nâng cấp dù chưa hoàn chỉnh cũng là một điểm nhấn văn hóa, bước đầu cũng đã thu hút sự chú ý của một số du khách gần xa... Ở những làng xóm không có được ưu thế như các địa chỉ nêu trên thì việc giữ lại không gian: cây đa, bến nước, sân đình hoặc cổng làng hay những di tích, di vật của cha ông dù không phải có tiếng nhưng là sự gợi nhắc cội nguồn, cố kết tình làng nghĩa xóm, một điều hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa hôm nay, nhất là với khu vực nông thôn.
Ở Quảng Trị có một nét văn hóa cần quan tâm gìn giữ và xây dựng văn minh hơn, đó là hệ thống chợ làng. Cũng do nền kinh tế chưa phát triển, công nghiệp chưa đổ bóng xuống nhiều làng quê và do vai trò không thay thế được nên chợ quê vẫn tồn tại với sức sống vững bền và khá mãnh liệt. Có thể kể tên nhiều chợ đã có từ lâu được nhiều người biết đến, đã đi vào lời ăn tiếng nói dân gian như: chợ Cầu, chợ Sòng, chợ Thuận, chợ Sãi, chợ Bồ Bản, chợ Diên Sanh, chợ phiên Cam Lộ, chợ Mỹ Chánh... Có nhiều chợ tuy tên tuổi ít người biết hơn, quy mô có thể nhỏ hơn nhưng vẫn rất gần gũi, đáng yêu và gắn bó với người dân quê hôm sớm. Chợ không chỉ là nơi buôn bán, giao lưu mà còn là một nét văn hóa. Văn hóa chợ có một nội lực sâu bền, thân thuộc đi vào ký ức bao người, bao thế hệ. Cái đáng quan tâm hiện nay là việc coi trọng vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, an toàn giao thông ở các chợ quê.
Việc xây dựng các thiết chế văn hóa, xây dựng các quan hệ văn hóa là làm giàu có tâm hồn, lối sống của mỗi người, của mọi người trong cộng đồng làng xóm, để tối lửa tắt đèn có nhau, để chung tay phòng chống hỏa hoạn, thiên tai bão lụt, để kề vai sát cánh tạo lập quê hương ngày một ấm no, an lành và hạnh phúc.
P.X.D