K |
hi nghe Kim Quý ( NSƯT Kim Quý) nói anh Xuân Đàm đang gấp rút hoàn thành một bản thảo cuốn sách "dối già", tôi hết sức kinh ngạc. Và khi đến thăm anh, nhìn thấy đống giấy lộn xộn, ngổn ngang ở một góc bàn, tôi mới tin đó là sự thật..Kinh ngạc, rồi khâm phục..rồi cảm động và ngậm ngùi. Chợt vang lên từ trong thăm thẳm tiềm thức tôi câu ca của dân gian: Con tằm đến thác vẫn còn buông tơ.
Tôi nói: Xuân Đàm, con tằm đến thác ...mà không sợ là đã gở mồm, nói điều xui xẻo. Bởi cách đây hơn 4 năm, lúc đó tôi đang tại nhiệm chức vụ Giám đốc Sở Văn hoá- Thông tin thì anh Xuân Đàm gặp bạo bệnh..Tình trạng bệnh tật của anh nghiêm trọng đến mức chị Quý đã bắt đầu cho tháo dở mảng tường phía cửa chính để rộng lối ra vào chuẩn bị phương án lễ tang. Tôi đã trình Uỷ ban tỉnh dự kiến Ban lễ tang, lại còn điện cho anh Trọng Khôi ( NSND Trọng Khôi, lúc đó là Chủ tịch Hội NSSK VN) bàn về việc phối hợp tổ chức tang lễ và đề nghị anh Khôi tham gia Ban lễ tang. Tôi cũng đã bắt tay viết thảo những lời tiễn biệt. Nếu nói là gở, là xui thì chính những việc làm như đã kể trên cách đây 4 năm mới đáng sợ. Nhưng bất chấp tất cả, Xuân Đàm vẫn ngồi dậy, vẫn đứng lên, vẫn rung rinh mái đầu bạc phơ và chòm râu già xoăn gốc rễ tre mà anh đã thôi không cạo nữa từ khi lâm bệnh, để đi bộ buổi chiều và đánh "phỏm" buổi sáng. Chỉ như vậy thôi cũng đã thấy một nghị lực siêu phàm. Bây giờ lại thấy anh viết, anh chuẩn bị ra sách. Và nếu ai ở Quảng Trị trong những ngày này đều biết gia đình Xuân Đàm đang phải vượt qua một bạo bệnh khác, một loại bạo bệnh cuộc sống mà với người bình thường thì có thể đã gục ngã ngay lập tức. Nhưng Xuân Đàm thì không. Và anh đang viết những dòng nghĩ suy về nghề, cùng với những trang viết trước đây, anh đang tổng kết lại cuộc đời mình. Mà không hẳn. Nếu tổng kết cuộc đời của một Nghệ sĩ như Xuân Đàm thì một cuốn sách là quá ít ỏi. Xuân Đàm đang bộc lộ những nỗi đam mê vốn là bản chất con người và khát vọng sống của anh. Đam mê đến thơ dại. Đam mê như con tằm đến thác vẫn buông tơ.
*
Có vài ba lần tôi nghe anh em trong nghề Sân khấu gọi vui tôi và Xuân Đàm là một cặp " bài trùng". Bạn bè gọi chúng tôi như vậy có lẽ vì thấy hai chúng tôi cùng sát cánh với nhau, kế nhiệm nhau trong vai trò lãnh đạo Ngành Văn hoá tỉnh nhà. Rồi lại cùng song hành nhau với tư cách tác giả và đạo diễn nhiều vở kịch đoạt các giải thưởng cao trong các kì Hội diễn sân khấu toàn quốc. "Bài trùng" cả trong sự trùng hợp tên lót " Xuân" để dẫn đến câu ca truyền miệng trêu chọc trong giới văn nghệ Quảng Trị: "Xuân Đàm, Xuân Đức, Xuân Lư / Ba Xuân hợp lại làm hư chương trình.." Thực ra, tôi được biết, được quen và được cộng tác với Xuân Đàm muộn hơn nhiều so với quãng đời lăn lộn và thành công lẫy lừng trong nghiệp và nghề của anh. Anh vào quân ngũ khi tôi đang còn là cậu học sinh con nhà nghèo ở một làng quê heo hút. Anh thụ học Đại học sân khấu ở Liên Xô ( cũ), trở về vừa làm đạo diễn vừa làm thầy dạy đào tạo nên hàng loạt đạo diễn tài ba cho đất nước thì tôi mới chập chững viết được vài ba vở kịch trong quân đội...Khi tôi trở thành tác giả chuyên nghiệp ở đoàn Nghệ thuật Quân Khu 4 thì được nghe danh Xuân Đàm lừng lững cây đại thụ với những vở diễn vạm vỡ để lại dấu ấn không thể lẫn nhoà trong nền sân khấu nước nhà như vở Gia đình má bảy. Tôi sinh sau anh Xuân Đàm đúng một con giáp. Nói vắn tắt lại, tôi xứng đáng được gọi là vãn bối của anh.
Trên trái đất, có hàng tỉ người sinh ra rồi khuất núi với hàng tỉ kiếp sống, số phận khác nhau, có thể nói là chẳng ai lặp lại giống ai. Tuy nhiên vẫn có thể phân hàng tỉ kiếp sống đó thành hai dạng. Dạng thứ nhất là những người được hoài thai và trưởng thành trong những gia đình có nề nếp, truyền thống bền chắc, lại gặp được môi trường sống bình ổn, thuận lợi. Số người đó được ươm mầm ước mơ từ tuổi thơ, được học hành dạy dỗ nghiêm chỉnh để thực hiện ước mơ đó. Và cuối cùng họ trưởng thành bước vào đời đi đúng con đường đã an bài. Tất nhiên trên bước đường đời không phải lúc nào cũng thuận lợi, cũng sẽ phải gặp nhiều thử thách, những thử thách đòi hỏi con người phải có chí, có tài rồi cũng cần có tiền nữa để vượt qua. Vì vậy cho nên dù con đường đã được vạch sẵn nhưng không phải tất tất đều đến đích. Ngay cả cái đích đến được thì cũng có nhiều thang bậc, đẳng cấp khác nhau. Đa số là những người sống trọn phần đời, có thành tích, có lẫm lỡ, nhưng tựu trung là thấy mình có ý nghĩa cho cuộc đời này. Một số không nhiều cán đích ở vị trí là những tài năng, có địa vị, danh giá được xã hội trọng vọng. Đặc biệt và vô vàn hiếm hoi, trong số những người đó có thể có thiên tài chiếm lĩnh được đỉnh cao nhân loại. Ví như NSND Đặng Thái Sơn trước đây hay nhà toán học Ngô Bảo Châu hiện đang làm choáng ngợp hàng triệu người Việt
Dạng người thứ hai là những người sinh ra trong những chiếc nôi gia đình không có nhiều thuận lợi, lớn lên gặp phải thời buổi loạn li, cuộc sống cứ lăn lóc theo thời cuộc, không thể biết trước đời mình rồi sẽ đến đâu. Người Việt
Xuân Đàm sinh ở làng Lập Thạch, phường Đông Lễ, ngoại vi phía nam Thành phố Đông Hà. Tuổi thơ của anh là đứa trẻ làng quê với tất cả sự nghèo túng, lêu lỏng và vật vờ như trăm ngàn đứa trẻ khác. Anh học chữ tại trường làng. Lớn lên chưa kịp định hướng ước mơ thì bất ngờ phải nhập ngũ vào quân đội. Bầm dập đời lính trên mảnh đất Khu 4, bất ngờ được cho chuyển ngành đi học, mà là học tận Liên Xô. Về nước được làm nghề đạo diễn, lại được làm thấy giảng dạy ở trường Sân Khấu - Điện ảnh, rồi đắc cử vào hàng ngũ lãnh đạo Hội nghệ sĩ sân khấu Việt
Những người thuộc dạng này thực ra không phải không có ước mơ, không biết tính toán, nhưng vì họ thuộc nhóm những kẻ mà người tính không bằng trời tính.
Nói đi thì cũng phải nói lại, mặc dù lớp người nằm trong nhóm thời loạnnhư chúng tôi đường đời về cơ bản là tuân theo mệnh trời, nhưng vẫn bị chi phối bởi quy luật nhân quả. Nếu Xuân Đàm không có niềm đam mê văn nghệ từ trong máu thủa mới hoài thai thì khi làm anh lính Khu 4 đã có thể thăng tiến lên thành ông chỉ huy quân sự nhiều sao nhiều vạch. Nhưng Xuân Đàm lại trở thành chiến sĩ Tuyên truyền văn hoá, rồi làm thuyết minh chiếu bóng với cái giọng a lô, a lô hàng đêm nghe rất ấm áp và quyến rũ. Đó chính là nghiệp, là số phận của anh, nó có căn nguyên từ nỗi đam mê từ trong cốt tuỷ để như làma đưa lối, quỷ dẫn đương, kéo anh về với nghiệp văn nghệ vốn rất hào hoa nhưng cũng vô cùng bèo bọt...
*
Đam mê là khởi thuỷ cho mọi thành công, nhưng thành công lại không thể chỉ bởi sự đam mê. Kẻ đánh bạc, người ham chọi gà, những kẻ cá độ đều có niềm đam mê. Say quyền lực đến điên cuồng cũng là một thứ đam mê. Những đam mê như thế chỉ có thể dẫn số phận họ ngập vào vũng bùn tăm tối, kết thúc kiếp sống bằng bao nỗi bi thương. Ngay cả khi họ có được tiền bạc và quyền lực bằng lừa đảo và thủ đoạn thì luật nhân quả cũng không thể để cho họ có được niềm vui kiêu hãnh đến trọn kiếp sống. Đam mê, nhưng phải có khát vọng lớn, khát vọng rồi lại phải có tài năng, tổng hoà tất cả những yếu tố đó mới làm nên sự nghiệp. Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Đàm là người có tràn đầy những phẩm chất đó.
Xin kể một câu chuyện nhỏ để minh chứng cho Khát vọng và Tài năng của Xuân Đàm.
Đầu năm 1990 tôi từ Tổng cục Chính trị chuyển ngành về làm phó cho Xuân Đàm. Lúc đó tỉnh Quảng Trị vừa mới lập lại được nửa năm. Cả ngành Văn hoá Thông tin vẻn vẹn được vài chục người, mỗi một đơn vị chỉ có dăm bảy anh, hầu hết là loại cán bộ lớn lên từ phong trào, là người của kháng chiến bàn giao lại. Cơ sở vật chất thì coi như là zero. Các điểm di tích lịch sử cỏ tranh lút bời bời, hiện vật chiến tranh đã bị đào xới đến cùng kiệt... Ngân sách xây dựng sự nghiệp Văn hoá cả tỉnh chỉ tính bằng con số vài chục, vài trăm triệu... Đứng trước tình cảnh đó Giám đốc Xuân Đàm tuyên bố: Mặc dù tỉnh mình nhỏ, lại mới vừa lập lại, dân số ít, tiền bạc không có, nhưng đã là một tỉnh như người ta thì người ta có gì mình phải có cái đó. Bất cứ một cuộc tề tựu nào về văn hoá của toàn quốc Quảng Trị cũng phải có mặt. Rồi anh nhấn mạnh, không phải chỉ có mặt mà phải có mặt một cách xứng đáng.
Ngay trong năm 1990, Bộ văn hoá tổ chức Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Xuân Đàm chỉ thị cho tôi phải viết vở để anh dựng và cho đoàn kịch tham dự Hội diễn. Tôi ngớ người, hỏi: nhưng ta có đoàn kịch đâu? Xuân Đàm đáp, chưa có thì lập nó ra, khó gì. Tôi lại hỏi: Khi chia tỉnh lực lượng nghệ sĩ được " chia" cho Quảng Trị mấy người? Xuân Đàm đáp tỉnh khô: hai người, vợ tao ( tức nghệ sĩ Kim Quý) và thêm thằng Phùng nữa. ( Phùng cũng là diễn viên kịch). Tôi dè dặt hỏi anh, vậy anh bảo tôi viết kịch bản là viết thế nào? Xuân Đàm to giọng như là chuyện đương nhiên: Thì đó, mày phải đo bò làm chuồng, viết cho tao một vở chỉ có hai nhân vật thôi, mà phải nhìn cụ thể vào con người của cô Quý với thằng Phùng để hư cấu nhân vật, đừng có loại nhân vật trẻ quá. Tôi nhăn nhó, viết thứ kịch ngắn như tiểu phầm ấy thì viết làm gì, mà Hội diễn chuyên nghiệp Quốc gia ai cho mình tham gia thứ kịch ngắn tiểu phẩm ấy. Xuân Đàm trợn mắt, quát lại tôi, tại sao lại kịch ngắn, tại sao lại tiểu phẩm, kịch là kịch dài, là một chương trình nghiêm chỉnh, mà phải hay. Rồi anh hạ giọng: đã mang tiếng là kịch bản của mày, đạo diễn là tao, chẳng nhẽ lại thua chúng nó. Phải "vàng"… dứt khoát không thua chị, kém em. Thôi, không bàn nữa, cậu bắt tay viết ngay đi.
Tôi ngao ngán, không còn biết nói gì nữa. Đêm đó, nghĩ lui nghĩ tới tôi lại điện cho Xuân Đàm năn nỉ: Thú thực là tôi không tìm ra được cốt truyện gì chỉ có hai nhân vật, anh có thể cho tôi thêm...một người nữa được không? Đầu máy kia, tôi nghe rõ tiếng anh gầm gừ, một lúc sau mới nghe thấy giọng nói đầy miễn cưỡng: Thôi được, chỉ một nữa thôi đấy.
Kịch bản Chuyện đời thường vớ vẩn với ba nhân vật đã ra đời như thế đấy. Đó là kịch bản đầu tiên tôi viết cho Đoàn kịch Quảng Trị và cũng là vở diễn đầu tiên của Quảng Trị tham gia Hội diễn Sân khấu toàn quốc. Lúc đó, Sở Văn hoá chúng tôi chỉ có được một chiếc xe con Uóat đít vuông dành cho Giám đốc đi. Xuân Đàm đã cho chất vào cái bụng chiếc xe con đó tất cả phục trang, phong cảnh, đạo cụ, máy móc cùng với 6 con người ( ba diễn viên, tác giả, đạo diễn và một hậu đài) lọc cọc chạy từ Quảng Trị vào thành phố. Chúng tôi đã bước lên sân khấu Hội diễn Quốc gia với tâm thế là một đoàn nghệ thuật sân khấu của một tỉnh bằng anh bằng chị như tâm nguyện của Giám đốc Xuân Đàm..May mắn thay, vở diễn Chuyện đời thường vớ vẩnđược trao Huy chương vàng, trong ba diễn viên thì Kim Quý được giải vàng còn Phùng giải bạc.
Quay về đến tỉnh Quảng Trị, tôi chưa hoàn hồn vì sự mạo hiểm đó thì bất ngờ Giám đốc lại lệnh: Chuẩn bị cho Đoàn lên đường ra Hà Nội diễn. Tôi hỏi, diễn để làm gì? ( Ý tôi là có nhiệm vụ gì đột xuất không?) Xuân Đàm lại la to, diễn để cho nhân dân cả nước được xem vở, để mọi người biết rằng, đã có một Đoàn kịch Quảng Trị hiển diện trên Sân khấu Việt nam. Tôi biết được sự đam mê và khát vọng của anh là thứ không thể can ngăn được. Chuyến đi diễn ra bắc cần bổ sung thêm một nhân viên điều khiển âm nhạc, một nhân viên điều chỉnh ánh sáng nữa. Đứa con trai tôi mới tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Quân đội về cũng " bị" anh điều động đi luôn. Tất cả lại nêm chặt trong chiếc xe Uoát. Rủi ro thay, sau khi hoàn thành chương trình biểu diễn, từ Hà Nội vào đến địa phận Thanh Hoá, xe gặp tai nạn, bị lật. Tất cả những người trên xe đều gặp chấn thương. Nặng nhất là Thế Hùng bị đứt mất một ngón tay. Cả vợ chồng anh Đàm đều phải nhập viện. Lần đó thật may là Ban Giam đốc Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Thanh Hoá đã hết sức nhiệt tình giúp đỡ đưa anh chị em vào bệnh viện Thanh Hoá cấp cứu kịp thời. Cả Sở chúng tôi ở nhà hầu như thức trắng suốt đêm.
Năm năm làm Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Quảng Trị , mặc dù là thời kì đầu với vô vàn khó khăn, thiếu thốn nên sự nghiệp của ngành mới ở dạng khai phá, chưa có được nhiều thành tựu, nhưng cái mà Xuân Đàm để lại cho những người kế nhiệm như tôi đấy là khát vọng lớn lao, niềm đam mê cháy bỏng đối với nghề, với sự nghiệp và với quê hương vô vàn máu thịt. Cũng có vài cán bộ trong ngành đôi lúc than phiền Xuân Đàm là một Giám đốc "tự thị", nghĩa là ưng gì làm nấy, đã muốn là làm bằng được bất chấp lời can ngăn, hoặc là rất hay thay đổi, buổi sáng bảo làm thế này, buổi chiều lại bảo làm thế kia khiến cho cán bộ dưới quyền toát hết mồ hôi. Cũng có thể đó là một nhược điểm. Nhưng tôi biết rất rõ, tất cả điều đó có thể là nhược điểm của một người làm quản lý hành chính, nhưng lại là một ưu điểm tuyệt đối với tư chất một nghệ sĩ. Tôi rất hay ngồi theo dõi Xuân Đàm dựng vở, kể cả vở của tôi hay vở của tác giả khác và nhận ra, thật hiếm có đạo diễn nào trăn trở, tự hành hạ mình trong sáng tạo như đạo diễn Xuân Đàm. Anh tự làm khổ mình thì đương nhiên cũng làm khổ diễn viên. Ngay đến Nghệ sĩ Kim Quíy là vợ anh cũng không ít lần phát cáu lên vì bị thay đổi cách dựng xoành xoạch của đạo diễn. Nhưng không vì thế mà nói đạo diễn Xuân Đàm là loại " tự thị", ưng gì làm nấy. Không. Tôi dám nói rõ ràng rằng, trong giới đạo diễn sân khấu Việt Nam đương đại, với những đạo diễn mà tôi được cộng tác thì Xuân Đàm là một trong số không nhiều đạo diễn biết tôn trọng tối đa tác giả. Tôn trọng tác giả không phải là những câu nói đãi bôi, khách sáo, lấy lòng, mà chính là tôn trọng văn bản kịch bản. Anh Dương Ngọc Đức, anh Nguyễn Đình Nghi, anh Xuân Đàm và có cả Xuân Huyền nữa là những đạo diễn như thế. Bây giờ có nhiều đạo diễn, có thể cũng có tài năng, nhưng có vẻ họ cho rằng, đối với sân khấu đạo diễn là tất cả. Có người còn tuyên bố xanh rờn là: tôi không cần kịch bản, tôi chỉ cần cái ý tưởng của tác giả, còn lại là việc của tôi. Và thực tế những đạo diến ấy đã tự viết ra rất nhiều lớp kịch với tình huống cợt nhã, rẻ tiền và lời kịch thì vô cùng nghiệp dư nghe ngượng chín cả mặt. Như thế cái sự gọi là hay thay đổi xoành xoạch của Xuân Đàm quyết không phải là kiểu hành động "tự thị", mà là hành vi lao động đến vật vã, niềm đam mê và khát vọng không bờ bến của một nhân cách luôn muốn vươn đến sự toàn bích hay chí ít cũng là những thành tựu đỉnh cao. Một nhân cách, một khát vọng như vậy thật đáng để cho bạn nghề quý mến, nể trọng.
*
Trong tất cả sự đam mê của Xuân Đàm có một cõi mê đến ngây ngất như là bùa mê. Đó là cõi làng quê với cây đa, giếng nước, bãi cỏ lưng trâu. Và trên tất cả cái cảnh vật hoang dại đó là hồn vía và cốt cách Việt
Xuân Đàm, người Nghệ sĩ Nhân dân theo đúng cái nghĩa cụ thể của hai tiếng NHÂN DÂN. Anh là con tằm sinh thành và trú ngụ trong cái vỏ kén NHÂN DÂN. Anh đã sống một cuộc sống của con tằm cần mẫn, và cho đến giây phút này, cái phút bù giờ của cuộc đời, con tằm Xuân Đàm vẫn khát khao nhả những óng tơ vàng để cho ráng chiều hoàng hôn càng vàng thêm cái màu vàng huyền diệu.
X.Đ