Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Xuân Đức - thao thức trên quê hương để giải mã những cuộc chiến

 

Nhà văn Xuân Đức tên thật là Nguyễn Xuân Đức (4/1/1947 - 20/6/2020) quê quán Vĩnh Hòa, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Ông từng là Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Trị, Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, Tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt. Ông sáng tác và đóng góp chủ yếu ở lĩnh vực tiểu thuyết và kịch. Nhà văn đã giành nhiều giải thưởng văn học trung ương và địa phương. Một số tác phẩm chính của ông như: Cửa gió (hai tập 1980, 1984, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1982), Người không mang họ (giải thưởng Vì an ninh Tổ quốc của Bộ Nội vụ), Tượng đồng đen một chân (1987),  Bến đò xưa lặng lẽ (giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 2002 - 2004)... Ông được trao tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho bộ ba tác phẩm: Cửa gió, Người không mang họ và Tượng đồng đen một chân. Ông cũng là tác giả hàng chục kịch bản sân khấu được công chúng đón nhận như: Chứng chỉ thời gian, Đợi đến bao giờ, Đám cưới ly biệt, Ám ảnh, Chuyện dài thế kỷ, Người mất tích (giải thưởng Bộ Quốc phòng 1990), Cuộc chơi (Hội Nghệ sĩ sân khấu 1995), Cái chết chẳng dễ dàng gì (giải thưởng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, huy chương vàng Hội diễn sân khấu toàn quốc), Chuyến tàu tốc hành trong đêm (giải thưởng kịch bản sân khấu 2007)...

Nhà văn Xuân Đức khởi nghiệp bằng tiểu thuyết hai tập Cửa gió, vừa in tập 1 đã đạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1982 và được dư luận chú ý. Đề tài chiến tranh cách mạng vẫn được ông tiếp tục theo đuổi và 20 năm sau khi Cửa gió ra đời, tác phẩm Bến đò xưa lặng lẽ lại đoạt giải A cuộc thi sáng tác tiểu thuyết do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức (2002 - 2004), điều này thể hiện tâm huyết và nội lực của một nhà văn Quảng Trị, một người con của khúc ruột miền Trung dằng dặc. Nhà văn vẫn theo đuổi đề tài chiến tranh song tác phẩm sau khác với tác phẩm trước. Ông luôn khẳng định hầu hết những tác phẩm của mình đều là “con đẻ” của chiến tranh cách mạng, hoặc trực tiếp hoặc là gián tiếp. Bởi vậy bóng dáng chiến sự thường xuyên ám ảnh trong toàn bộ sự nghiệp văn chương và kịch nghệ của ông.

Khi trò chuyện ông luôn nhấn mạnh rằng chiến tranh với muôn vàn biểu hiện vô cùng khắc nghiệt là hiện tượng bất thường nhất, khốc liệt nhất và cũng là thử thách lớn nhất trong đời sống con người. Nhà văn Xuân Đức cho hay: “Mình khởi đầu bằng binh nghiệp và gắn bó 25 năm với màu áo lính. Giả sử cho một người nào đó cực thọ sống đến trăm tuổi thì quãng đời 25 năm cũng đã quá dài, hơn nữa người ta bắt đầu trưởng thành cũng phải cỡ 25 tuổi. Nói như vậy để thấy rằng binh nghiệp đã để lại dấu ấn rất sâu trong cuộc đời mình, mặc dù những điều khác như ca dao, văn hóa dân tộc cũng ảnh hưởng quan trọng đến mình, tuy nhiên điều gì mà anh thực sự dấn thân và nếm trải thì chắc chắn sẽ được bộc lộ sâu đậm trong tác phẩm của anh. Bởi vì chiến tranh và đời lính nó lắng cặn, kết tủa trong tôi với rất nhiều thứ cần được giãi bày”.

Thứ hai là ông gần như suốt đời gắn bó với một vùng đất, chủ yếu là Quảng Trị mà nói như nhà văn Chu Lai là “xứ sở trận mạc”. Vì thế chiến tranh cách mạng là đề tài thường trực trong ông. Mặc dù ông còn làm thơ tình, viết ký về đề tài khác nhưng khi đụng đến những tác phẩm tầm vóc, những thông điệp quan thiết thì Xuân Đức lại trở về với câu chuyện trận mạc, với đề tài chiến tranh cách mạng. Những tác phẩm sau này như Người không mang họ, Hồ sơ một con người tuy không trực tiếp viết về chiến tranh, nhân vật cũng không trải qua chiến sự nhưng nếu để ý thì vẫn thấy bóng dáng của chiến tranh, của cái hoàn cảnh đặc biệt, bất thường đó nó tác động đến đời sống và số phận con người, và nó diễn ra trên chính mảnh đất Vĩnh Linh - Quảng Trị.

Trở lại tiểu thuyết Cửa gió, nó chính là câu chuyện về một giai đoạn chiến tranh khốc liệt ở mảnh đất Vĩnh Linh, nơi đối đầu giữa “bên này, bên kia”, của tiểu đoàn 47 bộ đội địa phương mà ông đã tham gia. Cho nên tiểu thuyết có bóng dáng của nhà văn, của gia đình, họ hàng, quê hương bản quán và gần gần như một thứ tự truyện. Câu chuyện trận mạc cứ trở đi trở lại trong sáng tác của ông vì đó là điều ông thuộc nhất. Nhân chuyện này ông nhớ một người thầy dạy lớp bồi dưỡng viết văn là nhà văn Kim Lân đã có nói rằng: “Các anh chị hãy viết điều gì mà mình thuộc nhất”. Nghe thật giản dị và có vẻ không chút gì lý luận, nhưng sau này càng từng trải, càng viết nhiều thì mới thấy thấm thía.

Theo nhà văn Xuân Đức thì viết lách có ba cấp độ: Một là biết, biết thì có thể viết được một bài báo, mà là bài báo hạng B thôi. Cấp độ thứ hai là hiểu, hiểu thì có thể sáng tác văn học, viết nên những tác phẩm đúng đắn, chính xác, có ích và không đến nỗi vô bổ, người đọc cũng ghi nhận phần nào, văn học chúng ta từ trước đến nay loại tác phẩm này chiếm khá lớn. Và cấp độ thứ ba là thuộc, thuộc có nghĩa là anh nắm rất vững vấn đề, có thể tự tin, mạnh dạn khi cầm bút. Thuộc ở đây không chỉ là nhận thức bằng lý trí, dù nó rất cần thiết, mà còn bằng tình cảm, bằng phần hồn để có thể “nhìn” thấu, “cảm” được chiều sâu những gì đang còn khuất lấp, đang cần lý giải và có những thông điệp văn chương đúng nghĩa gởi đến cho người đọc. Loại này, theo ông không có nhiều.

Âm hưởng trong Cửa gió là âm hưởng anh hùng ca, đó là điểm chung của hầu hết các nhà văn thời kỳ ấy khi chúng ta mới bước ra từ chiến tranh. Cách nhìn này cũng không có gì xấu cả và nó cũng xứng đáng với cuộc chiến tranh cách mạng vô cùng gian khổ và ác liệt. “Nhưng ngay trong tiểu thuyết Cửa gió, mặc dù trên cái âm hưởng chung như vậy, tôi đã có những trang viết về địch và ta không theo công thức, chẳng hạn nhân dân Vĩnh Linh anh hùng như vậy, chiến đấu ngoan cường như vậy nhưng có những kẻ sợ máy bay địch đến mức chết khô trong bụi rậm, ngày ấy viết như thế là không đơn giản. Hay tất cả vì chiến thắng nên chúng ta đã đè nén đến tận cùng nhiều khao khát bản năng, nhiều ước vọng cá thể nên làm biến dạng nhiều số phận. Chẳng hạn như nhân vật Ly, đây là nữ nhân vật vốn có tính cách dễ dãi nhưng cái hoàn cảnh đặc biệt thời chiến, cái hoàn cảnh khác thường đã đào luyện bà thành một nữ cán bộ lạnh như thép, ai gặp cũng không khỏi rùng mình”. Cái khốc liệt, mất mát của chiến tranh không chỉ là thương vong, chia cắt, đợi chờ mà còn là những điều thầm kín, riêng tư có vẻ lạc lõng trong thời chiến nhưng lại là một phần không thể thiếu được của con người đúng nghĩa. Nhưng ngày ấy nhà văn chỉ viết ngang đó, đúng hơn là tác giả chỉ nhìn được ngang đó như chính ông thừa nhận.

Nhưng hai mươi năm sau nhà văn quay lại với câu chuyện trước đây của Cửa gió bằng tiểu thuyết Bến đò xưa lặng lẽ. Vì sao lại như vậy? “Đây là điều tối kỵ trong văn chương, vì thường nhà văn tránh lặp lại đề tài cụ thể mà người đi trước đã sáng tác thành công, hơn nữa đây lại là tác phẩm của chính mình” - Nhà văn chia sẻ. Và đây là trường hợp hy hữu trong văn học Việt Nam cũng như văn học thế giới. Có ý đồ phủ định tác phẩm trước của chính mình hay không? Không hề, tác phẩm trước có đời sống riêng của nó, nó cũng là một thành công đã được đóng dấu. Nhưng cùng với độ lùi thời gian và sự trải nghiệm gần như đủ mọi chuyện trên đời, nhà văn thấy cần phải viết lại theo cách nhìn, cách hiểu của mình sau này. Nếu không viết người ta sẽ không hiểu hết hoặc đánh giá mình không biết gì. Không viết ra không chịu được. Cũng vẫn bối cảnh tương tự như trong Cửa gió, địa danh và có cả trận đánh cũng gần giống nhau. Vì thế mà nhà văn Chu Lai trong ban giám khảo đã nói rằng: “Đọc Bến đò xưa lặng lẽ thấy quen quen”. Nhưng cách nhìn, cách lý giải đã khác trước, không phải là phủ định mà bổ sung cho Cửa gió. Còn một điều khác thôi thúc ông viết Bến đò xưa lặng lẽ là một chiều ông lên xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh) thì gặp lại một cán bộ địa phương đã quen biết từng hoạt động trong chiến tranh mà bấy lâu mình vẫn đi tìm. Không ngờ khi gặp lại thì được biết số phận ông lại khủng khiếp như vậy. Xuân Đức đã dồn tâm lực để tái hiện nhân vật Đọt từ nguyên mẫu sống động trong cuộc sống với những bi kịch khó lòng nói hết trong chiến tranh bằng tiểu thuyết Bến đò xưa lặng lẽ. Đó cũng là một cách nhìn lại chiến tranh đầy đủ hơn với những chiều cạnh, góc khuất của số phận và cũng nhân văn hơn như nó vốn có.

Trong các sáng tác của nhà văn Xuân Đức thì tiểu thuyết Người không mang họ là một “ca” thú vị dù nó chưa phải là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông. Ngay từ khi mới ra đời, nó đã được bạn đọc hồ hởi đón nhận, rồi được dựng thành phim thu hút khán giả, được báo chí khai thác khá nhiều. Nhân vật chính của Người không mang họ Trương Sỏi là tướng cướp, không phải là nhân vật chính diện, nhân vật tích cực như quan niệm vốn có trong văn học nghệ thuật trước đây, đặc biệt là thời kỳ bao cấp. Người không mang họ từ trang sách lên màn ảnh đã lan tỏa tên tuổi Xuân Đức đến với rộng rãi công chúng, kể cả những người không chú ý nhiều đến văn học.

Nhà văn Xuân Đức cho rằng, câu chuyện về Người không mang họ nếu kể ra cũng dài nhưng có một điều là nhân vật tướng cướp Trương Sỏi lúc đầu được hình thành từ một nguyên mẫu có thật trong đời, có gốc gác Vĩnh Linh vượt tuyến vào Nam, rồi sau được xem là bị tử hình ở Vinh vì tội trạng mà mình đã gây ra. Cuốn sách này được NXB Công an nhân dân in ra với số lượng 3 vạn bản, một con số bây giờ nằm mơ cũng không thấy và được dư luận rất quan tâm. Dưới vẻ ngoài là truyện vụ án nhưng tác giả đã đưa vào những tình tiết hình sự, cũng có đánh nhau như kiểu “chưởng” Kim Dung như tác giả có lần đã nói. Có thể độc giả họ cũng thích những chuyện như thế, nhưng khi trả lời thì không ai nhấn mạnh điều này. Độc giả đa số thương cảm nhân vật tướng cướp, mặc dù biết rằng Trương Sỏi đã gây ra tội ác thế này, thế nọ, nhân quả như vậy cũng không có gì quá đáng, nhưng nói thì nói vậy mà người ta vẫn thấy động lòng, vẫn thông cảm và thương cảm với nhân vật này. Tức là nhà văn đã có cách viết chạm được vào sợi dây tình cảm của người đọc khiến người ta xúc động, dù có thể độc giả không đọc kỹ và nghĩ kỹ như tác giả. Trương Sỏi suy cho cùng cũng là nạn nhân của bi kịch chia cắt đất nước, của chiến tranh khốc liệt, của những định kiến hẹp hòi trong những hoàn cảnh đặc biệt ngặt nghèo, khi mà cần phải chiến thắng bằng tất cả những hy sinh có tên và không tên, nhìn thấy lộ thiên và cả những điều sâu xa không phải ai cũng biết, và đó là mảnh đất hiện thực cho nhà văn khai phá. Nghĩa là nguyên nhân sâu xa cũng bắt đầu từ chiến tranh, dù nó hiện hình trực tiếp hay gián tiếp. Sức sống của tác phẩm cho thấy nó đã gợi lên những nỗi niềm đồng cảm khiến người đọc, người xem nhớ lâu. Tức là điều mình gởi gắm, nói chữ nghĩa là thông điệp của nhà văn đã thành công.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập đã nói khi cuốn sách vừa mới xuất bản: “Người ta cứ nói và nhấn mạnh viết truyện phải có tính nhân văn này nọ. Ông Xuân Đức, ông viết một cuốn truyện vụ án không thấy lên gân gì cả mà đọc vẫn thấy đầy chất nhân văn”. Cũng chính nhà văn Nguyễn Quang Lập kể rằng, đạo diễn nổi tiếng Đặng Nhật Minh nói với nhà văn này: “Tôi chúa ghét truyện vụ án, vậy mà khi ngồi đợi ở bến xe, đã đọc một mạch từ đầu đến cuối truyện Người không mang họ”. Đây là tiểu thuyết không hề có tiếng súng trận tiền, là câu chuyện của thời hậu chiến nhưng nếu suy ngẫm thì sẽ thấy tác động sâu xa của chiến tranh lên những thân phận con người bằng cách này hay cách khác mà dù anh có muốn cũng khó lòng thoát nổi.

Khi chiến tranh đi qua thì một điều kiện tiên quyết cần phải vượt qua là những giới tuyến hữu hình và vô hình để cố kết lòng người dân Việt. Đây cũng đã và đang là vấn đề rất hệ trọng, rất thời sự trong đời sống hôm nay; cần khép lại quá khứ, hòa hợp hòa giải dân tộc như chủ trương của Đảng ta. Là chiến sĩ kinh qua trận mạc, từng là trung tá trong quân ngũ, là chứng nhân lịch sử bên bờ giới tuyến nên khi đứng đầu Sở Văn hóa Thông tin Quảng Trị, nhà văn có nhiều trăn trở về sự thống nhất nhân tâm, thực sự hàn gắn vết thương chiến tranh từ mỗi cấp lãnh đạo, từ mỗi người dân, từ những việc cụ thể hàng ngày.

Nhà văn Xuân Đức cũng từng tâm sự, phải nhìn nhận rằng dù nước ta thống nhất nhiều năm nhưng vết thương chiến tranh liên quan đến hòa hợp hòa giải vẫn còn rất sâu. Sau câu chuyện chiến tranh là vấn đề hòa bình, hòa hợp và hòa giải dân tộc phải đặt lên hàng đầu. Nhưng chủ trương là cái chung, còn thực hiện chủ trương lại là câu chuyện cụ thể nhiều khi mang tính chất cá nhân, nghĩa là những người thực hiện ra sao? Lý là như vậy nhưng còn tình như thế nào cũng là điều không đơn giản, chúng ta cần phải cùng nhau suy nghĩ và hành động cho đúng. Đương nhiên đây là vấn đề cần thiện chí của tất cả những ai liên quan, từng ở “phía bên này” hay “phía bên kia”. Nhà văn phải thực sự là người nhạy cảm. Nhân tiện nhà văn Xuân Đức kể lại rằng: Trước đây ông đã viết vở kịch Ám ảnh dựng trên sân khấu lớn. Vở kịch có câu chuyện về một bà mẹ liệt sĩ cứ đến ngày 27/7 là được nhiều người, nhiều ngành đến tặng hoa, tặng quà. Còn gần đó có bà mẹ anh lính “phía bên kia” đã tử trận thì vẫn sống lặng lẽ từ trước đến giờ. Bà mẹ liệt sĩ cứ đến ngày lễ thì bí mật đem quà sang cho người hàng xóm này, làm nhưng lại sợ bà mẹ kia biết, ngại người khác thấy. Còn bà mẹ anh lính tử trận thì càng lúc càng hoang mang vì không biết ai đã đem quà đến cho mình. Kịch cứ thế tiếp diễn. Lúc ấy một vị lãnh đạo tỉnh đã nhận xét: vở kịch này như đi trên dây, chỉ cần run một chút chắc chắn sẽ ngả, đổ nhào xuống đất. Vậy đó, hòa hợp hòa giải là câu chuyện không hề đơn giản nhưng không thể không làm.

Nhớ năm 2000 lần đầu tiên thực hiện lễ hội Thống nhất non sông, ngành văn hóa gặp quá nhiều khó khăn vì nó liên quan đến truyền hình trực tiếp trên sóng quốc gia. Nhà văn Xuân Đức lúc ấy là Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin muốn nhân dịp này quảng bá mảnh đất Quảng Trị. “Vì không thể truyền hình trực tiếp vào ngày 30/4 nên sau một ngày một đêm suy nghĩ, tôi trình Thường vụ Tỉnh ủy xin cho làm vào 1/5. Đó không chỉ là ngày Quốc tế lao động mà còn là ngày đoàn tụ, tôi lý lẽ phải thống nhất xong mới đoàn tụ chứ. Và ý tưởng này đã được tỉnh đồng ý. Nhưng còn chờ trung ương. Thật quá vui mừng khi Ban Bí thư có công văn phúc đáp đồng ý và còn cử cán bộ lãnh đạo vào dự. Tỉnh Quảng Trị lần đầu tổ chức lễ hội Thống nhất non sông tại cầu Hiền Lương, lúc ấy tôi nói mà tâm can xúc động. Khép lại quá khứ thì kỷ niệm chiến thắng và thống nhất ta cũng nên khéo léo, tế nhị, nói sao cho liều lượng vừa phải để mọi người đều chấp nhận được. Bởi nói cho cùng cái giá của thống nhất chính là đoàn tụ, không phải là sự kết hợp cơ học một cách miễn cưỡng. Mà phải thực sự thống nhất bằng tất cả trái tim. Cần phải làm cho mọi người Việt Nam giác ngộ đạo lý hòa hợp hòa giải dân tộc như chủ trương của Bộ Chính trị đã đề ra, để mọi chuyện ngày càng gần với hiện thực. Đó cũng là quan niệm hết sức nhân văn của dân tộc Việt Nam cần được lan tỏa sâu rộng”.

... Nhà văn Xuân Đức vừa đi xa khi ông còn nung nấu không ít dự định sáng tác. Thế nhưng những gì tâm huyết và văn tài của người viết qua sàng lọc của thời gian và công chúng sẽ còn lại với cuộc đời này. Bởi lẽ nhìn lại văn nghiệp của ông sẽ thấy đây là nhà văn tiêu biểu sinh thành từ núm ruột Vĩnh Linh - Quảng Trị trong những ngày khói lửa ngút trời và khao khát trọn đời để giải mã chiến tranh ngay ở nơi chôn nhau cắt rốn. 

P.X.D

PHẠM XUÂN DŨNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 310

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/04

25° - 27°

Mưa

23/04

24° - 26°

Mưa

24/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground