T |
rong quan niệm truyền thống, người Việt rất quan tâm đến trang phục: “Hơn nhau tấm áo manh quần/ Cởi ra mình trần ai cũng như ai”, hay: “Người đẹp vì lụa/ Lúa tốt vì phân/ Chân tốt vì hài/ Tai tốt vì hoa”. Thậm chí, họ còn coi trang phục chi phối cả hoạt động giao tiếp và tâm lý giao tiếp: “Quen sợ lòng sợ dạ/ Lạ sợ áo sợ quần”. Chính vì vậy mà trang phục trong lễ hội càng được người ta coi trọng. Ở bài viết này chúng tôi sẽ đi tìm ý nghĩa nhân văn trong trang phục truyền thống trên cơ sở cứ liệu văn học Việt Nam 1932- 1945. Tất nhiên muốn tìm được ý nghĩa nhân văn trong trang phục lễ hội truyền thống phải tìm cho được nét đặc trưng riêng của trang phục ấy. Đó là nhiệm vụ mà chúng tôi đặt ra trong qúa trình chứng minh các nhà văn Việt Nam giai đoạn 1932- 1945 rất chú ý tới miêu tả phong tục về trang phục.
Đây là trang phục ngày Tết của các cậu bé trong thơ Lan Sơn được nhà phê bình Hoài Thanh tuyển in trong Thi nhân Việt Nam (1941):
“Thủa bé tôi đeo chiếc khánh vàng
Quần đào xẻ đũng, áo hoàng lam
Chân đi hài đỏ, tay thu pháo
Nhộn cả nhà lên tiếng hát vang”
(Tết và người qua...)
Hình ảnh những cậu bé này còn được Đoàn Văn Cừ tái hiện trong bài thơ Chợ Tết nổi tiếng của ông:
“Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon”
Đoàn Văn Cừ xứng đáng được gọi là nhà thơ của phong tục, lễ hội bởi ông chuyên viết hay về những con người trong phong tục lễ hội. Thơ ông đặc sắc, không lẫn với bất cứ nhà thơ nào khác cũng một phần là nhờ vào lẽ ấy:
“Một cụ già râu tóc bạc trắng như bông
Mặc áo đỏ, cầm hương đi trước đám
Dăm sáu cụ áo mền bông đỏ sẫm
Quần nâu hồng, chống gậy bước theo nhau”
(Đám cưới ngày xuân)
Chúng ta dễ nhận ra một nét riêng về màu sắc trong trang phục lễ hội truyền thống là màu đỏ (hồng, thắm, đào). Xét ở phương diện loại hình trang phục, ta hãy “nhìn” các cô gái:
“Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ”
(Chợ Tết)
“Dăm bảy cô phủ mình trong những chiếc
áo đồng lầm, yếm đỏ, thắt lưng xanh”
(Đám cưới ngày xuân)
Và sẽ thấy một đặc trưng riêng nữa của trang phục lễ hội là hình ảnh cái yếm đỏ. Không chỉ trong thơ Đoàn Văn Cừ mà trong thơ Nguyễn Bính cũng có hình ảnh này:
“Trên đường cát mịn, một đôi cô
Yếm đỏ, khăn thâm, trẩy hội chùa”
(Xuân về)
Còn cô gái trong thơ Anh Thơ thì đeo yếm thắm cả khi đi làm đồng:
“Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa”
(Chiều xuân)
Xét ở phương diện tính chất của trang phục lễ hội, chúng ta hãy tham khảo một đoạn văn trong truyện ngắn Cái Tết của những nhà đại văn hào của nhà văn Nguyễn Công Hoan:
“Ngoài đường làng, người thì ăn mặc quần áo mới, đi giày mới, người thì nhai trầu bỏm bẻm, thuốc lá phì phèo, sột soạt đi lễ tết nhà nhau. Các cô con gái thì yếm đỏ, thắt lưng tím, áo nâu non đổi vai, lên chùa hái lộc. Họ gặp nhau, chúc nhau...”. Trong đoạn văn ngắn này tác giả mô tả các trang phục đều mới (quần áo mới, đội khăn mới, đi giày mới) và nổi bật hơn cả là hình ảnh chiếc “yếm đỏ”. Trên đây chúng tôi đã chứng minh có ba nét đặc trưng của trang phục lễ hội truyền thống, đó là: màu đỏ- xét ở phương diện màu sắc; cái yếm đào- xét ở phương diện loại hình; mới xét ở phương diện tính chất. Vậy ý nghĩa nhân văn của những nét đặc trưng này được thể hiện như thế nào?
Trước hết, xét về màu sắc (màu đỏ) theo quan điểm lịch sử. Nhìn vào truyền thống chúng ta thấy màu đỏ được nâng lên thành biểu tượng quen thuộc, trang trọng của người Việt. Một màu hồng (đỏ) trong ca dao:
“Bây giờ mận mới hỏi đào:
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào!”
“Vườn hồng” ở đây không phải là một “vườn hồng” cụ thể (vườn cây hồng), mà là một “vườn hồng” trừu tượng chỉ thế giới tâm hồn của “đào” (người con gái). Một “vườn hồng” dùng theo lối ẩn dụ thật tinh tế đã góp phần nâng giá trị của bài ca dao kết cấu theo lối đáp trở thành một trong những bài ca dao tỏ tình vào loại hay nhất trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Và nhất là trong Truyện Kiều (Nguyễn Du)- một tác phẩm văn học đỉnh cao được coi như là sự kết tinh tâm hồn, tính cách dân tộc, “bóng hồng” được tác giả dùng với tần số cao, khi được dùng với nghĩa đen chỉ người thiếu nữ mặc quần áo đỏ, khi lại dùng với nghĩa bóng chỉ người con gái đẹp. Kim Trọng lần đầu nhìn thấy Kiều: “Bóng hồng nhác thấy nẻo xa”, sau khi đã gặp rồi thì bị “bóng hồng” ám ảnh: “Tuyệt mù nào thấy bóng hồng vào ra”. Khi chàng Kim lập đàn tế Kiều bên sông Tiền Đường, chàng vẫn nhìn thấy Kiều trong tâm tưởng: “Vời trông còn thấy cánh hồng lúc gieo”...
Nghiên cứu về màu sắc trong Truyện Kiều, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử đã rất có lý khi cho rằng: “Các màu hồng, tía, thắm không chỉ biểu trưng cho người đẹp, mà còn biểu trưng cho sự sống. Nguyễn Du biểu trưng Kiều dưới một sắc hồng”.
Nhìn vào phong tục, tín ngưỡng người Việt ta thấy màu hồng biểu trưng cho sự sống, cho mọi sự may mắn, tốt lành và hạnh phúc: Quà Tết, qùa cưới được gói trong giấy hồng; câu đối viết trên giấy đỏ. Ở Việt Nam, lễ đính hôn hoặc ăn hỏi thường thường liên quan đến việc trao lễ. Ngày nhà trai bưng lễ ăn hỏi đến nhà gái, thường có các nam thanh nữ tú chưa lập gia đình, các cô gái trong trang phục màu đỏ mang theo những tráp sơn mài phủ khăn đỏ, bên trong đựng đầy chè, bánh cốm, hoa quả, rượu... Trong đó không thể thiếu trầu cau. Màu đỏ được coi như màu của sự may mắn. Cô dâu chú rể mặc áo đỏ trong ngày cưới; rồi thiệp hồng (thiếp mời đám cưới)... và người gặp vận may được gọi là vận đỏ... Như vậy rõ ràng màu đỏ trong trang phục lễ hội là sự thể hiện, sự tiếp nối một truyền thống có từ lâu đời, nó biểu hiện một khát vọng hết sức nhân văn: con người luôn mong muốn và hướng về những điều tốt đẹp.
Tiếp nữa là xét về hình ảnh cái yếm đào theo phương diện loại hình. Theo chúng tôi hình ảnh chiếc yếm đào mang đậm bản sắc dân tộc bởi không ai có thể tìm thấy hình ảnh này ở một đất nước nào, quốc gia nào khác. Cũng thật tiếc, hình ảnh cái yếm đào này không có trong trang phục hôm nay, nó đã đi vào lịch sử và chỉ còn xuất hiện trên sân khấu thời trang hay trong các dịp lễ hội truyền thống. Ngày xưa các cô thôn nữ dùng yếm để che ngực, thường là do người dùng tự cắt may. Chính vì thế mà nó trở thành biểu tượng nữ tính: “Trầu em têm tối hôm qua/ Cất trong dải yếm mở ra mời chàng” “Ước gì sông rộng một gang/ Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”... Yếm là mảnh vải hình vuông đeo trước ngực, phía trên khoét tròn làm cổ, hai góc bên đính với dải để buộc ra sau lưng. Khi trời nóng bức, người ta mặc váy yếm, hai tay và lưng để trần: “Đàn ông đóng khố đuôi lươn/ Đàn bà yếm thắm hở lườn mới xinh”. Yếm có nhiều màu sắc: yếm nâu mặc đi làm đồng, yếm trắng mặc thường ngày (thường là ở đô thị): “Yếm trắng mà vã nước hồ/ Vã đi vã lại anh đồ yêu thương” yếm thắm, yếm đỏ, yếm hồng, yếm đào mặc trong dịp lễ hội. Như chúng tôi đã chứng minh ở trên, trong trang phục lễ hội cổ truyền, người thiếu nữ không thể không có hình ảnh cái yếm. Nó đã trở thành một biểu tượng kép, vừa là biểu tượng nữ tính, vừa là biểu tượng cho một khát vọng tình yêu, may mắn , hạnh phúc.
Cuối cùng, xét ở phương diện tính chất mới, chúng ta thấy ngày Tết, ngày hội ai ai cũng bận trang phục mới, trẻ con đã đành “Những thằng cu tha hồ khoe áo mới” (Đoàn Văn Cừ- Đám hội) mà người lớn cũng “quần áo mới, đội khăn mới, đi giầy mới”. Phải nhìn nhận vấn đề này trên quan điểm lịch sử, ở vào thời ngày hôm nay (những năm đầu thế kỷ XXI), người ta mua sắm một bộ quần áo mới không khó, nhưng ở vào cái thời trước năm 1945, để có một bộ quần áo mới chắc chắn là không hề dễ dàng, bởi thời đó dân ta rất nghèo, vải vóc hiếm và trình độ may vá chưa thể như hiện nay. Thế nhưng đến ngày lễ hội, dù nghèo, người ta cũng cố có một trang phục mới để vui hội hay đón Tết. Đây không hề là sự sĩ diện khoe khoang, ngược lại, nó thể hiện một khát vọng đổi mới, khát vọng có nhiều cái mới, vui hơn, tốt hơn, đẹp hơn.
Như vậy, “hơn nhau tấm áo manh quần” không hề là chuyện hình thức, mượn theo cách nói của thi pháp học hiện đại là “hính thức mang tính quan niệm”, nghĩa là hình thức “cắt nghĩa” nội dung, hình thức thể hiện cả một quan niệm của nội dung. Bởi thế, không nên hiểu giản đơn, rằng trang phục là do sở thích, là thói quen, mà phải hiểu đó là một mã văn hóa mang trong nó cả một chiều sâu ý nghĩa cần khám phá.
T.N.D