Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cây thiêng ở nhà đày Lao Bảo

Nằm cuối con đường mang tên nhà chí sĩ yêu nước Lê Thế Tiết, nhà đày Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) trầm mặc hơn trăm năm tuổi bên dòng Sê Pôn. Ở đây, ngoài những chuyện được ghi lại về tội ác man rợ của thực dân Pháp từ thế kỷ trước còn có những lời truyền miệng đầy linh thiêng.

Cây di sản vông đồng

Bước vào nhà đầy Lao Bảo đã thấy nét cổ kính, thâm u bởi hàng chục cây vông đồng. Những cây vông đồng cao lớn với thân đầy gai là điểm nhấn của nhà tù khét tiếng này. Theo các tư liệu về nhà tù Lao Bảo, cây vông đồng có từ lâu, dù chưa xác định được mốc thời gian chính xác, nhưng cũng có tuổi đời hơn trăm năm.

Lễ dâng hương tại nhà đày Lao Bảo - Ảnh: T.H

Lễ dâng hương tại nhà đày Lao Bảo - Ảnh: T.H

Những cây vông đồng này, nếu được trồng từ khi đoàn quân chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cho dựng dinh Ai Lao (vào năm 1622) thì đến nay trên 400 năm tuổi. Nếu muộn hơn, được trồng khi vua Minh Mạng cho nâng cấp dinh Ai Lao thành Bảo Trấn Lao (vào năm 1833) thì chúng có tuổi đời gần 200 năm. Và nếu muộn hơn nữa, từ khi thực dân Pháp xây dựng nhà tù này (vào năm 1896) dựa trên dinh trấn nhà Nguyễn thì nay cũng trên 125 năm. Việc xác định được “niên đại” của cây vông đồng tại nhà đày Lao Bảo để làm cơ sở cho việc lập hồ sơ tôn vinh cây di sản, nhằm bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá, lịch sử của nó. Thông tin này hiện đã được Đảng bộ thị trấn Lao Bảo quan tâm và đưa vào chương trình hành động của địa phương, hy vọng trong tương lai gần, cây “nhân chứng lịch sử” này sẽ được vinh danh, bảo vệ đúng mức.

Tương truyền, những thân cây đầy gai ngọn này là nơi thực dân Pháp tra tấn, phạt tù nhân bằng cách lột áo quần bắt ôm hoặc trèo? Vì thế, cây vông đồng được xem là “nhân chứng” cho những tội ác man rợ của thực dân Pháp gieo xuống đất này.

Ngày nay, trải qua bao trận bão lụt, cây vông đồng đã bị gãy và chết đi ít nhiều. Số còn lại vẫn xanh tốt, hiện diện như một phần không thể thiếu của không gian nhà đày Lao Bảo.

Những câu chuyện linh thiêng quanh cây vông đồng

Với lịch sử là nhà tù khét tiếng Đông Dương, nơi giam cầm nhiều nhà cách mạng nổi tiếng của Việt Nam nên nhà tù Lao Bảo trở thành địa chỉ tham quan, tìm hiểu của người dân địa phương và khách du lịch.

Vào những ngày hè, trẻ con chăm học ở quanh đây thường vào nhà tù, ngồi dưới tán cây vông đồng xanh mát để ôn bài. Tuổi thơ của những đứa trẻ nơi này gắn liền với trái vông đồng, lá vông đồng và những bãi cỏ, cột bê tông trong quần thể nhà đày. Rồi trẻ con lớn lên, trước khi làm việc đại sự đều lên đây thắp hương cầu nguyện, đó như một thói quen trở thành nét văn hoá.

Bên những gốc cây vông đồng trăm năm tuổi ở nhà đày Lao Bảo có những bát lư để mọi người thắp hương - Ảnh: T.H

Bên những gốc cây vông đồng trăm năm tuổi ở nhà đày Lao Bảo có những bát lư để mọi người thắp hương - Ảnh: T.H

Theo ông Lê Bá Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo, ngoài việc bố trí các tổ chức chính trị xã hội luân phiên dọn vệ sinh, thắp hương ở nhà đày Lao Bảo, thị trấn còn tổ chức những đợt dâng hương nơi này trước khi tổ chức các sự kiện lớn, nhỏ của địa phương. Các thôn bản mỗi lần đại hội, các ban ngành đều làm lễ dâng hương, dâng hoa tại nhà đày. Ngoài ra, những doanh nhân, người buôn bán, các cặp đôi chuẩn bị cưới nhau cũng đến đây để cầu nguyện bình an, may mắn, hạnh phúc.

Anh Vi Văn Quang trú ở Tân Thành là một người thường xuyên đến đây để dâng hương, dâng hoa và cầu nguyện cho việc làm ăn thuận lợi. Anh kể vài tháng một lần anh cùng với những người bạn lên thắp hương cầu nguyện. Lễ bạc lòng thành, lúc nào cũng một bó hoa tươi, bánh trái và một ít vàng mã. Mỗi lần thắp hương lễ phải đủ cho 10 chỗ. Trong đó có những nơi đặt hoa quả rất lạ, đó là dưới gốc cây, bên bờ tường loang lổ vết đạn. “Lần nào thắp hương khấn nguyện tôi cũng đi hết 10 chỗ đó, chỗ nào cũng đủ lễ. Như thế mới yên lòng”, anh Quang cho hay.

“Vào một chiều hè, tôi cùng 4 người bạn lên thắp hương, cầu nguyện sức khoẻ, làm ăn thuận lợi. Tuy nhiên, khi đến nơi, bạn bè soạn lễ ra để chuẩn bị dâng hương, cầu nguyện thì tôi nhận được điện thoại phải xử lý việc cá nhân trên máy điện thoại. Tôi bảo những người bạn cứ tiến hành bình thường, còn mình chăm chú vào máy. Khoảng 5 phút trôi qua, những người bạn đã đi dâng hoa, thắp hương các điểm còn tôi mắt vẫn dán vào điện thoại. Giữa thinh lặng ngày hè, chợt trái vông đồng trên cao rơi xuống làm tôi giật mình. Ngay sau đó là tiếng lốp xe máy của tôi xì hơi rõ mồn một. Đó không phải do lốp thủng mà kiểu như có ai xả hơi từ chiếc van ở lốp. Không những một lốp mà cả hai lốp mới bí ẩn”. Anh Quang cho biết, tiếng xì lốp đó không phải chỉ mình anh nghe thấy, bạn bè hôm đó nghe xong chợt nhìn nhau và nổi cả da gà. “Chắc mày bị "các bác" quở rồi đó”, một người bạn trong nhóm đã nói như thế. Và từ đó, những người đến nhà tù dâng hương đều thành tâm và không ai dám sao nhãng.

Vào nhà đày Lao Bảo thắp hương sẽ thấy rải rác ở những gốc cây có những trụ chân hương hoặc lư hương, mà theo một số người dân, các lư hương đó do người dân tự mua để vào các góc cây hoặc bờ tường đổ nát. Bởi theo họ, trong phạm vi nhà tù này, đâu đâu cũng linh thiêng, đâu đâu cũng có những câu chuyện truyền miệng về những nhà chí sĩ, nhà yêu nước ngã xuống khi phản kháng sự hà khắc của chế độ nhà tù Pháp thuộc.

Lại có chuyện hơn 10 năm trước về một lễ cúng thí thực do chùa Phước Bảo tổ chức nhằm cầu siêu các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại nhà đày. Năm đó có một người trong ban tổ chức đã bị “vong nhập”. Và thông điệp người này truyền tải đến những nhà sư đang hành lễ ở đây là hãy cúng dưới gốc cây, đặt bàn lễ xa quá chúng tôi không đi được?! Thực hư câu chuyện thế nào thì người viết chưa tường tận nhưng tấm lòng và sự ngưỡng kính của người dân đối với sự hi sinh của các chiến sĩ tại nhà đày Lao Bảo thì được thể hiện rõ nét qua từng hành động đến thăm nơi này.

Đến nhà đày Lao Bảo, du khách dâng hương dâng hoa, cầu bình an, hạnh phúc và không quên lắng nghe trái vông đồng rơi trong gió. Có người nhặt chiếc lá hay quả của cây vong đồng về làm kỷ niệm, vì ít nhiều theo họ, nó chứa một giá trị lịch sử nhất định.

TRẦN HÀ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 347

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground